Thứ Sáu, 04/10/2024 18:35 CH
Chính trị hiện đại - môn học mới tại Ấn Độ
Thứ Sáu, 24/08/2007 07:56 SA

Sử dụng tranh ảnh, báo chí và những câu hỏi để tạo ra cuộc tranh luận trong lớp học xung quanh các vấn đề đương thời, chương trình khoa học chính trị hiện đại được đưa vào trường trung học đúng thời điểm đất nước Ấn Độ đang không ngừng xác định vị trí của mình trong thế giới.

 

070824-hoc-chinh-tri.jpg

Giờ học chính trị của cô Abha Malik. - Ảnh: NYT

Shikha Chhabra, 16 tuổi, đang nói về cuốn sách giáo khoa lớp 12 “Chính trị thế giới hiện đại”. Em nói luôn từng được dạy về phong trào không liên kết, khi Ấn Độ nắm giữ vai trò chủ đạo thời kỳ chiến tranh lạnh, là một “điều tuyệt vời”. Theo Chhabra, sách giáo khoa mới lại khác hẳn. Trong lớp học của em nổ ra cuộc tranh cãi về tình hữu nghị mới giữa Ấn Độ với Mỹ, về việc ủng hộ hay phản đối việc liên kết với người Mỹ… Cuốn sách giáo khoa chính trị hiện đại có một chương là: “Quyền lãnh đạo của Mỹ trong chính trị thế giới”. Chhabra cho biết, các em còn phải trả lời câu hỏi: “Chiến lược của Ấn Độ nên như thế nào?”.

 

Giáo viên của Chhabra là Abha Malik, phụ trách môn khoa học chính trị tại trường Sanskriti chỉ vào cuốn sách (do Hội đồng Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo Quốc gia đưa ra cho các trường công lập và tư thục) nói: “Bạn không thể có một quy tắc, có một lớp học chuẩn mực với nó”, cô giải thích. “Cuốn sách này sẽ không cho phép bạn ngồi yên”.

 

Tại đất nước phương pháp học thuộc lòng chiếm ưu thế ở hầu khắp trường học, môn học mới nhấn mạnh tầm quan trọng của những ý kiến đưa ra tranh luận là một sự thay đổi lớn trong ngành giáo dục. Thực tế được quan tâm hơn trong chương trình mới. Trước đây, điểm nhấn trong môn khoa học chính trị là thiên về lý thuyết chính trị. “Đó là chính sách thực dụng”, cô Malik nói.

 

Ví dụ, những cuốn sách chính trị Ấn Độ thường đề cập đến những sự kiện chính trị gây tranh cãi trong thời gian gần đây, từ luật khẩn cấp dưới thời cựu Thủ tướng Indira Gandhi giữa những năm 1970 đến vụ bạo loạn ở Gujarat năm năm trước đây. Chương bốn sách giáo khoa Chính trị hiện đại yêu cầu học sinh đưa ra “hai định hướng chính sách đối ngoại của Ấn Độ (theo học sinh) nên duy trì và hai định hướng nên thay đổi” và đưa ra những lý do nếu ủng hộ.

 

Ông Yogendra Yadav, một trong hai cố vấn cấp cao cho Ủy ban sách giáo khoa môn khoa học chính trị, nói: “Tôi nghĩ, nhiệm vụ của chúng tôi là giúp học sinh phân tích, nhìn nhận về mọi góc cạnh của vấn đề, để bắt đầu nghi vấn về mọi thứ, phát triển khía cạnh dân chủ lành mạnh chứ không phải bằng sự sùng bái, học sinh sẽ học được cách nhìn thẳng, tiếp nhận trực tiếp vấn đề”.

 

Ở Ấn Độ hiện đại, thay đổi chương trình học là một nghi thức chính trị nơi các ý thức hệ cánh tả - cánh hữu đua tranh. Đã xảy ra sự phản đối nhỏ kể từ khi cuốn sách giáo khoa mới môn chính trị hiện đại được giới thiệu trong các lớp học. Swapan Dasgupta, nhà báo cũng là cha của một học sinh lớp 11 cho hay: “Thất vọng là bạn không chỉ dạy những gì cách đây 50 năm mà còn phải dạy những gì vừa mới xảy ra năm năm trước đây. Nó sẽ bị chính trị hóa”.

 

Những người soạn thảo sách giáo khoa mới khẳng định đây không phải là chương trình học mang mục tiêu chính trị. Họ chỉ ra rằng, đây là lần đầu tiên trong một cuốn sách giáo khoa chính trị có đề cập tới Luật khẩn cấp - sản phẩm của bà Gandhi, từng là Thủ tướng và là lãnh đạo Đảng Quốc đại. Đảng này của bà tới ngày nay vẫn có quyền lực lớn, con dâu bà đang là Chủ tịch đảng Quốc đại.

 

Kanti Bajpai, một cố vấn cho nhóm soạn thảo sách chính trị thế giới mô tả rằng, chương trình mới là kiểu “ép” học sinh “nhìn thẳng vào những gì đang diễn ra và lý giải tại sao như vậy”. Ông Bajpai khẳng định: “Nếu bạn thực sự quan tâm tới quyền công dân của mình, hãy làm như vậy”.

 

Trong lớp học của cô Malik đang diễn ra chủ đề thảo luận về chiến lược an ninh của Ấn Độ. Các học sinh được xem xét, tiếp cận lịch sử ngắn gọn cuộc chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan, về tình hình Kashmir, thậm chí là cả về khả năng hạt nhân… Cô Malik nói, cô có thể sưu tập những gì cô gọi là “tranh luận mới” trong giáo dục. Và cô nhấn mạnh: “Tôi thích dạy môn này”.

 

Theo NYT, VNN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek