Thứ Năm, 28/11/2024 02:31 SA
Học giả Trung Quốc: Sự quyết đoán của Bắc Kinh phản tác dụng
Thứ Ba, 13/05/2014 11:18 SA

Tàu Hải cảnh Trung Quốc hung hãn đâm thẳng tàu Cảnh sát biển Việt Nam

* Ngoại trưởng Mỹ: Hành động của Trung Quốc là 'hiếu chiến'

 

Nhận định trên tờ New York Times (Mỹ) ngày 12/5, ông David Zweig, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Xuyên quốc gia của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hongkong, cho rằng quan điểm cứng rắn của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) vào hoạt động trái phép ở vùng biển Việt Nam có thể khiến các mục tiêu ngoại giao của Bắc Kinh tại khu vực bị đẩy vào tình trạng nguy hiểm. 

 

Ông David Zweig cho rằng nếu Trung Quốc không thể hợp tác với Việt Nam sau khi hai nước đã có thỏa thuận song phương (về giải quyết các vấn đề trên biển), vậy thì Trung Quốc sẽ thuyết phục các nước khác như thế nào để họ đồng ý về các thỏa thuận song phương với Trung Quốc? Quan điểm quyết đoán của Trung Quốc có thể sẽ phản tác dụng nếu như nó khiến các nước Đông Nam Á đi theo bước chuyển trong tâm chiến lược của Mỹ tại châu Á.  Tất cả các hành động này của Trung Quốc sẽ khiến các quốc gia Đông Nam Á chào đón chính sách xoay trục của Mỹ.

 

Trong bối cảnh căng thẳng biển Đông liên tục leo thang, giới chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều nhận định xung quanh vấn đề này, trong đó hầu hết các ý kiến đều chỉ trích thái độ hung hăng và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong việc đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh sẽ trở thành nạn nhân lớn nhất trong căng thẳng biển Đông nếu như vụ việc này không được giải quyết.

 

Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng bản tiếng Anh số ra ngày 12/5, nhận định về tình hình căng thẳng biển Đông, phó giáo sư Wei Min thuộc Viện Nghiên cứu Á-Phi tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc sẽ là “nạn nhân lớn nhất” nếu như vụ việc này không được giải quyết sớm. Phó giáo sư Wei Min nhấn mạnh: “Nếu không giải quyết sớm, cho dù lời giải thích mà Chính phủ Trung Quốc đưa ra là gì đi chăng nữa thì uy tín và lòng tin đối với Chính phủ Trung Quốc sẽ sụt giảm mạnh mẽ. Và điều này sẽ làm tồi tệ hơn tình hình bất ổn ở biển Đông".

 

Trước đó, tối 6/5, học giả hàng đầu Trung Quốc Lý Lệnh Hoa nói rằng Trung Quốc là nước ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, do vậy phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước xung quanh. Thẳng thắn trao đổi với phóng viên Thời báo Hoàn Cầu về cách nhìn nhận của mình, học giả Lý Lệnh Hoa cho biết: “Trung Quốc là nước ký Công ước Quốc tế về Luật Biển, cần phải hành xử theo điều 74 và điều 83, phải tôn trọng chủ trương thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước duyên hải xung quanh".

 

Chiều 12/5, học giả Vinod Anand, chuyên viên cao cấp tại Quỹ quốc tế Vivekananda ở New Delhi (Ấn Độ) đã có cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN tại Ấn Độ về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Học giả Vinod Anand khẳng định hành động này của Trung Quốc không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam, mà còn vi phạm các điều khoản của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS). Ông Vinod Anand nêu rõ việc Trung Quốc đưa giàn khoan cùng một hạm đội tàu và nhiều máy bay chiến đấu yểm trợ vào vùng biển Việt Nam là cách hành xử hiếu chiến, rõ ràng nhằm đẩy mạnh những yêu sách chủ quyền ở biển Đông. Ông Vinod Anand cũng nhận định Trung Quốc đã tăng chi phí quốc phòng ở mức hai con số trong thập niên vừa qua và ban lãnh đạo chính trị mới tại Trung Quốc muốn theo đuổi chính sách cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ, trong khi chính sách phát triển hòa bình chỉ là những tuyên bố khoa trương trống rỗng. 

 

Trong những năm qua, Trung Quốc đã sử dụng 3 loại hình chiến tranh, gồm chiến tranh truyền thông, chiến tranh pháp lý và chiến tranh tâm lý để thúc đẩy yêu sách về chủ quyền lãnh thổ cả trên biển lẫn trên đất liền. Cách hành xử của Trung Quốc đi ngược lại các nguyên tắc quốc tế; các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế cần phối hợp nỗ lực buộc Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc quốc tế về tìm giải pháp cho tranh chấp. Theo ông Vinod Anand, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cần thắt chặt khối đoàn kết, cùng cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc tham gia Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Ông cũng nhấn mạnh cần phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; hành động hiếu chiến của Trung Quốc chỉ kích động thêm sự phản kháng, thù địch và căng thẳng, ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định của khu vực.

 

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết nước này luôn thận trọng trong việc giải quyết tranh chấp lãnh hải ở biển Đông nhằm giảm thiểu căng thẳng và duy trì hòa bình trong khu vực. Phát biểu với báo giới sau buổi tiếp Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Úc, Phó đô đốc Ray Griggs, tại Kuala Lumpur ngày 12/5, ông Hishammuddin nhấn mạnh để duy trì hòa bình trong khu vực, Malaysia và các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) khác cần phải hành động thống nhất để bảo vệ an ninh. 

 

Theo ông Hishammuddin, Malaysia có thể là hình mẫu trong vấn đề tranh chấp lãnh hải này thông qua giới lãnh đạo bao gồm cả hợp tác quân sự và không chỉ thông qua các kênh chính trị. Dẫn ví dụ các cuộc xung đột ở các nước láng giềng và Trung Đông, ông nói ASEAN, thông qua chính sách liên kết với nhau, có thể là hình mẫu cho các tổ chức khác trên thế giới.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 12/5 nói rằng những hành động mới nhất của Trung Quốc ở khu vực biển Đông, cụ thể là việc đưa giàn khoan và tàu quân sự vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam, là hiếu chiến và đặc biệt gây quan ngại. Đây là lần đầu tiên ông Kerry lên tiếng kể từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 cùng số lượng lớn tàu và máy bay vào hoạt động trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Phát biểu với báo giới cùng người đồng cấp Singapore K. Shanmugan trước khi bước vào cuộc hội đàm tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington, Ngoại trưởng Kerry cho biết một trong những vấn đề đáng lo ngại nhất gần đây “rõ ràng là thách thức của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa”. 

 

Ông Kerry nhấn mạnh: “Chúng tôi đặc biệt quan ngại, tất cả các quốc gia có hoạt động giao thông hàng hải ở vùng biển Đông và vùng biển Hoa Đông, đều rất lo ngại về hành động hiếu chiến này. Chúng tôi muốn được chứng kiến việc thiết lập một bộ quy tắc ứng xử. Chúng tôi muốn chứng kiến vấn đề này được giải quyết một cách hòa bình thông qua luật biển, thông qua trọng tài, thông qua mọi phương tiện khác chứ không phải đối đầu trực tiếp và những hành động hiếu chiến”.

 

H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek