Đã bao đời nay, người dân vùng sâu buôn Suối Bạc huyện miền núi Sơn Hòa phải đối mặt với cái cảnh đói nghèo. Giờ đây, họ đã nở nụ cười tươi khi nhìn thấy vùng đất đồi nứt nẻ của quê mình trở thành đồng lúa nước xanh tươi hai vụ trong năm, xóa đi cảnh quanh năm hạn hán chỉ trông vào nước trời bấp bênh. Người đưa nước về làm hồi sinh vùng đất này là Ma Ten, người Chăm Hroi.
Ma Ten trên đồng ruộng do ông dẫn nước về – Ảnh: T.C.TRÍ
Từ buôn Suối Bạc đến trung tâm xã Suối Bạc phải vượt qua con suối Công An và mấy quả đồi. Toàn buôn có 267 nóc nhà, phần đông là mái tranh vách đất tạm bợ, cuộc sống chỉ trông chờ vào 100 ha đất bạc màu, cằn cỗi, nứt nẻ bởi quanh năm thiếu nước. Sau mỗi trận mưa, nước cuốn đi hết, không còn gì giữ lại được. Mặc dù, mấy năm trước dự án công trình thủy lợi ngăn hồ Bà Võ tốn bạc tỷ cũng chỉ tưới không quá 10 ha đất vùng thấp trũng của thôn, số diện tích còn lại đành phải chờ mỗi mùa mưa đến. Thế là đói nghèo cứ đeo mãi với họ và cứ tăng dần lên hàng năm đến 80%. Trong khi đó chỉ cách buôn không đầy một cây số, suối nước Công An cứ vô tư chảy về sông Ba như thách thức con người.
Trong căn lều nhỏ bên con suối, hàng đêm Ma Ten thao thức trăn trở. Chả ai biết ông già gầy yếu kia nghĩ gì, chỉ có bếp lửa hồng mới hiểu nỗi lòng ông! Rồi một sáng sớm mùa hè năm 2001, dân làng thấy Ma Ten tập tễnh trên chiếc xe đạp cà tàng vượt dốc vào huyện tìm đến chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nghe Ma Ten trình bày, cán bộ tín dụng ngân hàng cười bảo: “Ý của bác rất đáng phục, nhưng ngân hàng đã cho vay thì phải có thế chấp, không làm khác được, bác ạ!”. Ông lặng lẽ ra về với nỗi buồn vô tận.
Không từ bỏ ý định của mình, Ma Ten bàn với vợ bán con bò vừa mới lớn là tài sản cuối cùng của gia đình. Một lần nữa, dân làng thấy ông dong xe vào chợ. Khi quay về ông đèo theo sau nào là búa, chạm, cuốc, xẻng, xà ben và mấy bịch muối iốt. Lần đầu tiên dân làng tận mắt nhìn thấy ông già tuổi đã 60 một mình phơi lưng dưới nắng hạ hì hục bổ vào đất từng lát cuốc chẳng khác nào sức trai trẻ xẻ đồi đào mương dẫn nước. Nhiều người không tin nổi vào mắt mình bởi một ông già yếu đuối dám làm “chuyện lớn” và họ đã kháo nhau: “Sau cơn bệnh lần này chắc thần kinh Ma Ten có vấn đề”. Bỏ ngoài tai những lời nói như thế, ông quyết tâm trả lời bằng sự kiên trì bền bỉ của mình với phương châm “kiến tha lâu đầy tổ”. Sau hơn một tháng miệt mài với công việc đào, đục, nạo, vét, cuối cùng con mương dài hơn 700m rộng 0,7m sâu có đoạn gần 1,5m đã hình thành và con nước ngoan ngoãn rẽ dòng theo ông về tận chân đất, làm thay đổi những suy nghĩ lạc hậu bao đời nay, mở ra cuộc sống mới cho bà con dân làng nơi đây. Một vùng đất hơn 15 ha bấy lâu khô cằn nứt nẻ bây giờ đã được cải tạo với hai vụ lúa mỗi năm, năng suất bình quân từ 50-55 tạ/ha/vụ; có thửa từ 55-60 tạ/ha/vụ, một điều hiếm thấy đối với bà con vùng dân tộc thiểu số của huyện miền núi Sơn Hòa.
Sau mùa gặt trong bữa cơm mới mừng vụ lúa được mùa, Ma Ten bưng tô rượu mời bà con dân làng, ông mừng cười đến rơi cả nước mắt, bởi từ nay dân làng không còn sợ đói cái bụng nữa. Tất cả họ đều ra sức mở rộng thêm diện tích bởi nguồn nước tưới còn thừa và quyết tâm học tập những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm đưa năng suất vụ sau cao hơn vụ trước, duy trì cây mía, con bò để xây cái nhà khang trang sạch đẹp xóa đi cái đói nghèo lạc hậu. Trong bữa cơm mới mừng được mùa ấy nhiều người biết mình có lỗi với Ma Ten và không dám nhận tô rượu mời, nhưng ông luôn cảm thông và chia sẻ giúp đỡ bà con trong lao động sản xuất để cùng nhau vượt khỏi đói nghèo. Ma Ten đào mương dẫn nước về vùng đất khát đã góp phần không nhỏ để buôn Suối Bạc hàng năm xóa sạch hộ đói, giảm nhanh hộ nghèo, hiện nay chỉ còn không quá 20%.
Hiện nay Ban định canh định cư huyện Sơn Hòa đã hỗ trợ kinh phí để nạo vét sâu hơn rộng hơn, và bê tông hóa con mương nhưng người dân buôn Suối Bạc vẫn quen gọi “Con mương Ma Ten”. Vì vậy, hàng năm trong các hội nghị tổng kết của xã, của huyện người ta thường kể chuyện Ma Ten người tiên phong đào mương dẫn nước về làm hồi sinh vùng đất khát và coi đó là một tấm gương vượt khó đi lên.
TRẦN CAO TRÍ