Thứ Ba, 26/11/2024 06:20 SA
Ở vùng giáp ranh Đắk - Phú
Thứ Hai, 22/01/2007 13:50 CH

Đó là vùng đất giáp ranh giữa hai tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk. Chỉ cách nhau cây cầu Suối Sâu, người Phú Yên ở thôn 2 Tháng 4 (xã Ea Ly, huyện Sông Hinh) và người Đắk Lắk  ở thôn lâm thời Đắk Phú (thuộc xã Cư Prao, huyện Mađrắc) đã có thể qua lại thăm nhau. Cả hai thôn giáp ranh đều thiếu đủ thứ nhưng lại có đến mấy quán... bia ôm!

 

070122-dakphu1.jpg

Từ Đắk Lắk, qua cầu Suối Sâu là đến địa phận Phú Yên

 

Tân Lập, trung tâm của xã Ea Ly đi trên ĐT645 khoảng 4-5 cây số là đến thôn 2 Tháng 4, thôn cực tây của huyện Sông Hinh. ĐT645 nối huyện Sông Hinh với huyện Mađrắc của Đắk Lắk, băng qua cầu Đắk Phú sau đó nối với quốc lộ 26 đi thẳng lên TP Buôn Ma Thuột. Tuyến đường này mới thông kể từ khi cầu Đắk Phú xây dựng hoàn chỉnh, trở thành một trong những “cửa ngõ” thông thương từ cao nguyên xuống đồng bằng và ngược lại.

 

THIẾU ĐỦ THỨ

 

Tuy dân còn thưa thớt, nhưng thôn 2 Tháng 4 hiện đã có nhiều nhà ngói, nhà xây xen kẽ những khu nhà của người dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Văn Chuyển, trưởng thôn 2 Tháng 4, hồ hởi khoe với chúng tôi: “Tới 25 tháng Chạp này là thôn chúng tôi có điện. Vậy là sau 11 năm thành lập thôn, bà con được hưởng một cái Tết tuyệt vời rồi”.

 

Dẫu vậy, người dân thôn 2 Tháng 4 vẫn còn lắm điều để lo. Trước khi đến đây, chúng tôi mường tượng vùng giáp ranh giữa hai tỉnh, đường sá thuận tiện, xe khách xe tải xuôi ngược như thế phải là một vùng cũng tương đối sầm uất. Thế nhưng... Là một trong những người đầu tiên đến vùng đất này “khai khẩn”, trưởng thôn Nguyễn Văn Chuyển nhớ lại: “Tôi dân gốc Phú Lâm, bỏ quê lên vùng kinh tế mới mang tên Lâm trường Thanh niên xung phong này vào năm 1994. Hai năm sau thì thôn được thành lập với khoảng hơn 20 hộ dân, toàn là dân kinh tế mới, đời sống khó khăn trăm bề”. Dần dà, thôn 2 Tháng 4 cũng góp được dân đông thêm. Cho đến nay, cả thôn đã có 176 hộ với 686 nhân khẩu và thành phần dân cư khá đa dạng, gồm Kinh, Tày, Nùng, Mường, Cao Lan... Tuy nhiên, do đa số là dân di cư nghèo, chỉ có đôi tay trắng nên đời sống của thôn 2 Tháng 4 cũng khó khăn vô vàn. Người dân chỉ bám vào rẫy, vào nương làm nông nghiệp, vì vậy hiện có đến 80% số hộ trong thôn thuộc diện hộ nghèo.

 

Cũng nghèo tương tự như thôn 2 Tháng 4 là thôn giáp ranh mang tên rất “hữu nghị” – thôn Đắk Phú. Đây mới chỉ là thôn lâm thời, ra đời sau khi cầu Đắk Phú xây xong, hiện có khoảng 50 hộ dân.

 

Cả hai thôn cộng lại chỉ có 5 cái quán tạp hóa nhỏ, mới mở chừng 1-2 năm nay, bán bánh kẹo, mì tôm, thuốc lá. Còn muốn đi chợ thì đều phải xuống Tân Lập hoặc chờ những người chở “chợ di động” mang đến. Thôn Đắk Phú phải đi chợ của Phú Yên bởi đoạn đường từ thôn về đến trung tâm xã Cư Prao xa gần 40 cây số...

 

“RÉT THẾ MÀ CÁC CÔ CỨ ÁO HAI DÂY, VÁY NGẮN...”

 

Theo lời ông Chuyển, trước đây khi chưa có ĐT645 nối hai tỉnh, hai bên qua lại bằng một lối đi mòn, lội qua suối Sâu (tên cũ là Krông Keng), người dân hai bên cũng thân nhau rồi. Bây giờ có đường sá, việc đi lại dễ dàng nên cả hai thôn, dù không có giao ước gì, cũng coi như anh em. Cũng cần nói thêm, cầu Đắk Phú nằm cách cầu Suối Sâu 3km về phía Tây hoàn toàn thuộc địa phận của Đắk Lắk chứ không phải là vùng “biên giới” giữa hai tỉnh như lâu nay không ít người nhầm tưởng.

 

Nhưng có đường rồi cũng... khổ! Theo lời những người dân địa phương, vào đêm khuya thường thì xe chạy dày hơn ban ngày bởi lâm tặc và dân buôn hàng lậu coi đó là “thời điểm vàng”. Chính quyền, công an đều ở xa nên bà con không thể không lo. “Nhưng lo nhất là nạn bia ôm và tình trạng mất an ninh trật tự ở địa phương” – bà Lưu Thị Tiên, một người dân ở thôn Đắk Phú nói. Kể từ ngày thủy điện Krông Hnăng khởi công xây dựng đến nay, ở vùng giáp ranh này xuất hiện đến 4-5 “ổ” bia ôm để “phục vụ” các anh công nhân. “Trời rét thế này mà sớm chiều đều thấy các cô áo hai dây, váy ngắn đến mông lững thững bách bộ lượn qua lượn lại trên đường trên cầu thấy hãi lắm” – bà Tiên nói. Chúng tôi tình cờ gặp được Đ.M, chủ quán L. có chăn dắt “em út” ở đầu phía đông của cầu Suối Sâu, thuộc địa phận của thôn 2 Tháng 4. M thổ lộ: “Vùng sâu vùng xa mà, chẳng là gì so với những nơi khác đâu, chủ yếu là để mua vui cho các anh công nhân thủy điện trong những giờ rỗi rãi thôi chứ chúng tôi cũng chẳng kiếm được gì nhiều”. Điều đáng quan tâm nhất là việc kiểm soát số “em út” này không hề dễ dàng. Ông Nguyễn Văn Chuyển cho biết: “Các cô ở phía Đắk Lắk xuống Phú Yên xin giấy tạm trú và ngược lại, nghĩa là mỗi cô đều có 2 giấy tạm trú ở hai đầu cầu. Công an xã, công an huyện nhiều lần tổ chức truy quét nhưng thường là không thành công vì chỉ cần các cô... chạy qua bên kia cầu là bên này chỉ có nước... đứng nhìn!”.

 

***

 

Chiều xuống. Những đàn bò vàng được các cậu bé lùa từ vùng rừng núi thôn Đắk Phú về nhà ở thôn 2 Tháng 4. Chúng tôi rời điểm giáp ranh Tây Nguyên – đồng bằng, chia sẻ những nỗi lo của người dân trong vùng đất còn hoang sơ và nhiều khó khăn này. Nhưng tôi tin, nếu được chú ý nhiều hơn, được đầu tư nhiều hơn đây sẽ là một vùng đất có tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là khi thủy điện Krông Hnăng hoàn thành...

 

QUỐC THANH – HOÀI THƯƠNG

 

 

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Hiểm nguy “nghề” bắt rắn
Thứ Hai, 15/01/2007 07:35 SA
Đi chợ vùng biên
Thứ Năm, 11/01/2007 08:16 SA
Làng nghề vào Tết
Thứ Hai, 08/01/2007 11:03 SA
Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học
Thứ Sáu, 05/01/2007 08:34 SA
Hổ Quyền - đấu trường dã thú
Thứ Tư, 27/12/2006 09:33 SA
Thú chơi Vespa cổ ở Tuy Hòa
Thứ Ba, 26/12/2006 14:20 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek