Gần một thập kỷ qua, con tôm hùm mang lại nguồn thu lớn, làm đổi đời cho bao hộ dân nghèo ở vùng biển Nhất Tự Sơn (xã Xuân Thọ 1, huyện Sông Cầu). Vậy mà, mùa này tôm hùm bỗng dưng “trở chứng” bỏ ăn, trắng bụng rồi lăn đùng ra chết hàng loạt. Người dân hoang mang, lo lắng, cũng chẳng biết chữa trị bằng cách nào, nên đành bất lực, buông tay, chịu thiệt hại hàng tỷ đồng.
Tôm bệnh chết vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân
TÔM CHẾT TRẮNG BÈ
Bình minh lên, mặt biển như dãn ra, cũng là lúc cánh đàn ông ở các thôn Mỹ Thành, Phước Hậu… dùng sõng, thúng chai lao nhanh về phía những bè gỗ nổi, ken dày trên mặt biển Nhất Tự Sơn. Họ buồn rầu, lặng lẽ, làm cái việc mà họ chưa bao giờ làm là lặn vớt… tôm hùm chết “rớt” trắng dưới đáy lồng. Hơn một giờ sau, họ tay xách nách mang từ vài con đến cả giỏ tôm chết đem về làng bán cho các đầu nậu với giá rẻ mạt. Nhiều người hoang mang, mất ăn mất ngủ, vì tôm liên tục “rụng” với số lượng lớn và họ có nguy cơ trắng tay. Ở đầu làng thôn Mỹ Thành, chúng tôi bắt gặp lão ngư Trần Thọ (64 tuổi) với gương mặt phờ phạc, ngồi thẫn thờ dõi trông bè tôm của mình. Ông Thọ kêu trời: “Gần 10 tháng nuôi tôm hùm được từ 0,5 – 0,7kg/con thì lũ lượt lăn đùng ra chết. Vụ này, cũng giống như hàng trăm hộ khác, mấy cha con tui dốc hết vốn và vay thêm ngân hàng gần 200 triệu đồng thả nuôi 2.500 con tôm hùm. Bây giờ tôm “đi”, chỉ còn lại khoảng 1.500 con. Nếu tính bình quân mỗi con tôm được 0,6kg, bán theo giá thị trường 700.000 đồng/kg, thì tui mất đứt 420 triệu đồng. Bao nhiêu tiền của, công sức nhọc nhằn với sóng gió để nuôi tôm có nguy cơ bị mất trắng!”.
Để “cứu” những bè tôm, nhiều hộ dân ở đây đã chạy nháo nhào, bán tháo tôm non hàng loạt, mặc dù giá tôm thịt bị “ép” xuống thấp, lỗ nặng (cứ bán 100 con tôm non lỗ vốn 5 triệu đồng, chưa tính tiền công chăm sóc gần 10 tháng – PV). Anh Trần Văn Cơ ở thôn Mỹ Thành, tâm sự: Tôi nuôi 1.000 con, bị chết hết phân nửa, nên đành phải lần lượt bán tôm hùm non để “gỡ” lại một phần vốn vay…”. Mấy ngày nay, người dân “kêu” dữ quá, nên cán bộ chính quyền địa phương về vùng tôm Nhất Tự Sơn để nắm tình hình báo cáo cấp trên. Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ 1 Nguyễn Văn Danh thông báo cho chúng tôi biết, hiện tỷ lệ tôm hùm chết khá cao từ 30 – 60% số lượng. Tính sơ bộ, 117 hộ dân ở các thôn Mỹ Thành, Phước Hậu, Phú Vĩnh có khoảng 13.628 con tôm hùm chết thiệt hại lên đến 5,72 tỷ đồng!
VÌ SAO TÔM CHẾT HÀNG LOẠT?
Chiều, nhiều người dân xúm xít tại nhà ông Đinh Văn Thọ (người chuyên mua gom vỏ tôm hùm lột làm hàng thủ công mỹ nghệ, nay chuyển sang mua tôm chết bán cho nhà hàng), bàn tán tìm nguyên nhân tôm bệnh bằng… mắt thường. Ông Dương Văn Thương cầm con tôm hùm chết đã bốc mùi hôi, nói với chúng tôi: Đa số tôm bệnh ở đây có biểu hiện hở khớp đầu, bụng có nhiều dịch trắng đục lan rộng, sau chuyển sang màu hồng rồi - chết. Hiện nay, nhiều người nuôi tôm rất hoang mang, lo lắng và cho rằng Công ty TNHH nuôi trồng thủy sản Đài Loan – Việt Nam nuôi cá mú (cách khu nuôi tôm hùm Nhất Tự Sơn khoảng vài trăm mét) đã sử dụng nhiều hóa chất phun hàng tuần để chống hàu vào lưới là nguyên nhân gây ra tình trạng tôm hùm chết hàng loạt. Đến nay, các ngành chức năng vẫn chưa kiểm tra và xác định chính xác công ty có dùng hóa chất làm ảnh hưởng đến tôm hùm hay không để thông báo cho bà con yên tâm. Song, theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ 1, điều dễ nhận thấy là người dân thả nuôi khoảng 30 vạn con tôm trên 500 bè lớn nằm ken dày ở vùng eo biển Nhất Tự Sơn. Lượng chất thải từ thức ăn tôm tích tụ hàng năm rất lớn, làm cho môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây cũng có thể là nguyên nhân làm tôm hùm chết hàng loạt.
Khi trở về UBND xã Xuân Thọ 1, chúng tôi nhận được thông tin, Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên đã lấy mẫu tôm hùm bị bệnh chết ở ven biển thôn Phú Vĩnh (nằm gần vùng nuôi Nhất Tự Sơn), gửi xét nghiệm bệnh tại Phòng Nghiên cứu bệnh thủy sản (NCBTS) và dự báo (thuộc Viện Nghiên cứu thủy sản 3 - Nha Trang). Theo ông Võ Văn Nha, Trưởng phòng NCBTS và dự báo, vi khuẩn Vibrio fluvialis trên gan tụy tôm khá cao (80x102 CFU/gam gan tụy), ký sinh trùng vi bào tử trùng (Microsporidians) trong cơ và trong dịch màu trắng đục của tôm ở mức (+ +) là nguyên nhân gây cho tôm hùm bệnh và chết. Các chuyên gia của Viện đã lấy dịch huyết thanh của mẫu tôm hùm chết tiêm cho 3 con tôm hùm mạnh thì hiện nay 2 con đã chết. Tuy nhiên, đây chưa phải là mẫu tôm bệnh chết của vùng nuôi Nhất Tự Sơn, nên vẫn chưa xác định một cách chính xác nguyên nhân tôm bệnh ở đây, nhằm hướng dẫn cho hộ nuôi các biện pháp phòng ngừa tổng hợp để hạn chế tôm hùm bị bệnh lây lan trên diện rộng.
NGUY CƠ BÙNG PHÁT THÀNH DỊCH, NẾU...
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên Nguyễn Văn Do cho biết, chi cục đang phối hợp với Chi nhánh Quản lý chất lượng an toàn vệ sinh và thú y thủy sản (ATVS&TYTS) vùng 3 Nha Trang (thuộc Cục Quản lý chất lượng ATVS&TYTS) và Viện Nghiên cứu thủy sản 3 - Nha Trang, tiến hành kiểm tra, khảo sát các yếu tố có khả năng gây bệnh cho tôm hùm, đồng thời lấy mẫu phân tích đánh giá mức độ vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Trên cơ sở đó chi cục sẽ đưa các biện pháp triển khai khống chế bệnh tôm hùm.
Mỗi ngày đi qua, chỉ tính riêng ở Nhất Tự Sơn, tôm hùm “rụng” từ vài chục đến vài trăm con. Trong khi đó, hiện nay người dân vẫn chưa nắm bắt được các giải pháp “cứu” tôm, nên vô cùng lo lắng. “Còn nước còn tát” – nhiều người đã phải chạy mua đủ các loại thuốc phòng trị bệnh của tôm sú để chữa trị cho tôm hùm! Ông Dương Văn Thương cho biết, bà con thường sử dụng các loại thuốc chữa bệnh tôm sú như Anti – Vibrio f/S2, Vitamin C 10%… ngâm trộn vào thức ăn cho tôm hùm, nhưng không có kết quả.
Thêm một thực tế nữa là, do ai cũng xót của, nên khi vớt tôm hùm chết lên không chịu tiêu hủy mà đem bán cho các đầu nậu đi tiêu thụ ở các quán ăn trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Điều này vừa gây nguy hiểm cho người tiêu dùng, vừa dễ làm mầm bệnh phán tán và lây lan ra các vùng nuôi xung quanh. Khi viết bài này, chúng tôi nhận thêm thông tin bệnh tôm đã lan rộng ra các vùng nuôi ở xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, thị trấn Sông Cầu (huyện Sông Cầu). Vậy là vùng nuôi tôm hùm lớn nhất của tỉnh Phú Yên vốn làm giàu cho hàng ngàn hộ dân ven biển, đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát thành dịch, nếu không tìm ra các biện pháp cấp bách ngăn chặn, phòng trừ hữu hiệu!.
LƯU PHONG