Thứ Ba, 01/10/2024 00:31 SA
Tình người vượt đại dương
Thứ Hai, 05/02/2007 14:00 CH

“Tấm lòng thương yêu đồng loại, quí trọng sinh mệnh con người  làm cho họ đẹp lên nhiều”. Tôi nghe trung tá Nguyễn Quang Vinh, công tác tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Phú Yên nói về những ngư dân TP Tuy Hoà cứu người nước ngoài bị nạn trên biển với niềm cảm kích như thế...

 

070205-Cuu-nan.jpg
Đưa ngư dân Philippines được cứu nạn về đất liền - Ảnh: N.A.Long
7 giờ 35 phút ngày 29/1/2007, chiếc tàu câu cá ngừ đại dương PY 90973 của ngư dân phường 4, TP Tuy Hoà cập vào cầu cảng Vũng Rô. 14 con người bước lên bờ, phờ phạc, hốc hác sau rất nhiều ngày lênh đênh giữa biển cả. Chúng tôi không khó khăn lắm để nhận diện 4 ngư dân nước ngoài bị nạn. Họ được các ngư dân ở Phường 4 nắm tay, dắt đi ra ngoài sân cảng theo sự hướng dẫn của BĐBP, trong sự đón chờ của bà con ngư dân đang đứng trên cầu cảng.

 

HÀNH TRÌNH CỨU NẠN TRÊN BIỂN

 

Trong phòng xuất nhập cảnh tại cảng cửa khẩu Vũng Rô, thuyền trưởng chiếc tàu cứu nạn, anh Phan Thành Đắt, hồi tưởng lại: Khoảng 2 giờ chiều ngày 18/1/2007, ra đến toạ độ 13 độ 30 phút vĩ độ bắc, 114 độ kinh đông, sau khi rải xong giàn câu cá ngừ, anh cùng những bạn thuyền cảm nhận sự khác thường ở giàn câu của mình. Quan sát bốn bề, mọi người thấy phía xa, cách phương tiện của mình khoảng 1 hải lý có dấu hiệu lạ. Đắt liền cùng bạn thuyền chạy tàu đến, phát hiện có 4 người phất tín hiệu xin cứu nạn. Họ đang cột nhau vào một dây rọi ở giàn câu của anh. Sau khi được đưa lên tàu, cả 4 người đều rất yếu. Anh gọi anh em bạn thuyền dừng kéo câu, tập trung ủ ấm, pha sữa cho uống và nấu nhanh cháo để cho họ ăn. Sau khi cả 4 nạn nhân qua được cơn nguy kịch, anh dùng bộ đàm báo tình hình cứu nạn cho trung uý Nguyễn Ngọc Ry tại trạm kiểm soát BP Đà Rằng. Nghe BĐBP vận động đưa nạn nhân về, anh xin được tiếp tục chuyến đi câu để lấy lại phần nào những phí tổn đã bỏ ra cho chuyến đi. Cũng từ hôm đó, mỗi ngày 2 lượt, Đắt liên lạc với trạm Biên phòng, thông báo  tình hình và nghe hướng dẫn cách thức chăm sóc, thuốc men cho nạn nhân... 11 ngày sau, anh đã đưa những người nước ngoài bị nạn vào bờ và bàn giao cho BĐBP.

 

Qua người phiên dịch, Ricky A.Recalde, 24 tuổi, người trẻ nhất trong nhóm 4 ngư dân bị nạn, kể: “Chiếc thuyền đánh cá của mình bị hỏng máy và trôi dạt trên biển đã 5 ngày đêm. Chúng tôi, thấy một chiếc tàu rất lớn, có lẽ của người Đài Loan, nhưng họ không cứu. Cả 4 chúng tôi đang tuyệt vọng thì thấy giàn lưới câu này. Chúng tôi bám lấy, hy vọng được cứu mạng, và các anh ấy đã đến. Trên tàu, các anh ấy luôn an ủi và dành cho 4 chúng tôi sự chăm sóc tận tình. Chúng tôi được đối xử như người thân”. Đoạn, anh rụt rè bày tỏ tình cảm: “Chúng tôi yêu quí người Việt Nam, yêu quí các anh”. 

 

HỒI SINH BỞI TÌNH NGƯỜI

 

Đây là lần thứ 2, tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ bất đắc dĩ, song cũng thật ấm áp, cảm động. Cuộc hội ngộ của những ngư dân giữa 2 lãnh thổ khác nhau, bất đồng ngôn ngữ. Thế nhưng, qua ánh mắt, những cử chỉ, những cố gắng để bộc bạch tình cảm, thể hiện điều muốn nói bằng cách ra dấu của họ, chúng tôi thực sự xúc động.

 

070205-Cuu-nan-1.jpg

BĐBP kiểm tra sức khỏe cho anh E.Leonard Moralis, một trong 4 ngư dân Philippines được tàu PY90937 cứu nạn - Ảnh: P.OANH

 

Trong lúc báo cáo chi tiết tình hình cho cơ quan chức năng, thuyền trưởng  Phan Thành Đắt thỉnh thoảng lại đứng lên ngồi xuống, khi bắt gặp ánh mắt đỏ hoe ngơ ngác, đầy lo lắng của  4 người bạn nước ngoài. Đôi lúc, Đắt lại quay sang, huơ tay, lắc lắc đầu, quẹt ngang mắt, rồi lại đưa cao tay, đánh một vòng. Tôi ngạc nhiên về những động tác kỳ lạ nên hỏi, Đắt giải thích: “Tôi nói mấy ảnh đừng khóc nữa, vài ngày nữa rồi cũng được về bên đó thôi. Từ khi được vớt lên đến giờ, thấy mấy ảnh khóc miết. Có lẽ buồn, nhớ nhà  rồi lo sợ nữa, tội lắm”. Họ có hiểu điều anh muốn nói không? Đắt trả lời chắc nịch: “Hiểu chớ! Sống với nhau trên tàu hơn chục ngày rồi”. Nói rồi Đắt chạy lại, đứng sát bên mấy anh bạn nước ngoài, nắm chặt tay, bóp vai, để động viên an ủi. Thỉnh thoảng lại hỏi: Đói bụng chưa? Còn đau đầu không?... bằng cách ra dấu, anh buột miệng “Thương  lắm!”.

 

Anh Danny Bulgguno, 43 tuổi, một trong 4 người nước ngoài bị nạn lần mở cho chúng tôi xem chiếc túi đựng hành lý đi biển của mình. 4 chiếc đèn tín hiệu nhấp nhá và gói Salonpas đã dùng dở dang là kỷ vật mà trước khi lên bờ, những ngư dân trên tàu 90973 trao tặng cho họ. Đắt nói: “Mình hỏi mấy ảnh rồi, những thứ này ở bển không có đâu, mình tặng để làm kỷ niệm đó”. Rồi, người thanh niên 30 tuổi này ngậm ngùi: “Nếu không gặp tụi tôi, chắc là mấy ảnh không bao giờ trở về. Cuộc đời làm ăn trên biển là như thế. Chuyến này, cứu được người là tôi mãn nguyện nhất”.

 

Tôi nhớ cách đây 9 tháng, 7 ngư dân Philippines bị nạn đã được tàu của anh Lương Công Đông  ở khóm 6 phường Phú Lâm cứu. Vẫn là những ly sữa nóng, những tô cháo và ngọn lửa hơi ấm từ chiếc bếp ga. Song, trên tất cả lòng nhân hậu, sự yêu thương, quí trọng sinh mệnh con người chính là ngọn lửa, ấm áp đã vực dậy những người nước ngoài bị nạn, để họ còn được trở về với quê hương. Chợt tôi nhận ra, sau dáng vẻ phờ phạc và bộ quần áo nhem nhuốc của ngư dân vừa từ biển xa về, là một tâm hồn Việt Nam hồn hậu, nhân ái.

 

PHƯƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nuôi động vật rừng ở nhà
Chủ Nhật, 04/02/2007 07:00 SA
Ở vùng giáp ranh Đắk - Phú
Thứ Hai, 22/01/2007 13:50 CH
Hiểm nguy “nghề” bắt rắn
Thứ Hai, 15/01/2007 07:35 SA
Đi chợ vùng biên
Thứ Năm, 11/01/2007 08:16 SA
Làng nghề vào Tết
Thứ Hai, 08/01/2007 11:03 SA
Người phụ nữ say mê nghiên cứu khoa học
Thứ Sáu, 05/01/2007 08:34 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek