Thứ Bảy, 05/10/2024 20:16 CH
Chạm đến mây trời
Thứ Bảy, 13/04/2013 14:30 CH

Nơi đây, ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, dường như xuân hạ thu đông nối nhau đi qua trong một ngày. Chập chùng mây, chập chùng sa mộc. Cái lạnh dịu dàng choàng lên du khách, trong khi nắng ửng hồng đôi má thiếu nữ. Với những người đến từ vùng đất chang chang nắng gió, Sa Pa như một bản nhạc dịu êm.

 

Vuon-hong130413.jpg

Vườn Hồng nhìn từ trên cao - Ảnh: V.PHƯƠNG

Từ Hà Nội, có thể đi tàu hoặc ôtô để đến Sa Pa, thị trấn du lịch - nghỉ mát nổi tiếng ở Lào Cai. Những chuyến tàu/xe thường khởi hành vào chiều tối, giống như xe từ Tuy Hòa đi TP Hồ Chí Minh. Sau một đêm chòng chành trên xe giường nằm hoặc lắc lư theo nhịp tàu, sáng ra, thấy bên ngoài rập rờn váy áo sặc sỡ của thiếu nữ các dân tộc bản địa, biết rằng mình đã vượt hơn 370km và đến TP Lào Cai.

 

Theo các tài liệu, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành từ năm 1920, còn đường bộ thì được xây dựng trước đó. Từ TP Lào Cai, bạn còn phải đi 38km nữa mới đến Sa Pa, lần này thì bằng ô tô. Dọc đường, thu vào tầm mắt là chập chùng núi non, là ruộng bậc thang ẩn hiện trong bồng bềnh sương sớm. Nếu như con đường ngắn từ TP Lào Cai dẫn đến Sa Pa vẫn chưa làm bạn kinh ngạc thì hãy cho mình một trải nghiệm khác: Đến Sa Pa theo quốc lộ 4D nối từ Lai Châu sang Lào Cai, bạn sẽ vượt qua đèo Hoàng Liên (còn có tên khác là đèo Ô Quy Hồ, đèo Mây) với độ cao gần 2.000m, cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn. Giữ kỷ lục về độ dài ở vùng Tây Bắc (gần 50km), đèo Hoàng Liên ngoằn ngoèo hiểm trở và vô cùng kỳ vĩ. Bạn sẽ thấy mình đi giữa mây lên chót vót đỉnh trời, sẽ hồi hộp, thích thú và… căng thẳng dõi theo những khúc cua như dải lụa ẩn hiện trong mây sau đó reo lên thích thú: Đây rồi Sa Pa!

 

Cái lạnh dịu dàng choàng lấy bạn dù trên đầu, mặt trời vẫn rải vàng ánh nắng. Rồi trong khi bạn lạ lẫm ngắm những hàng sa mộc, những cô gái H’Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó gùi hàng ra chợ huyện hoặc bán thổ cẩm bên đường thì vài người đàn ông, phụ nữ tươi cười đến gần, tiếp thị khách sạn, nhà nghỉ. Bạn tha hồ lựa chọn bởi Sa Pa có rất nhiều nơi lưu trú dễ chịu, từ sang trọng cho đến bình dân, có nơi nằm ở trung tâm thị trấn, có nơi phóng tầm mắt lên đỉnh Phanxipăng, có nơi nhìn xuống thung lũng Mường Hoa nổi tiếng…, giá cả không đắt đỏ như giá ở Hà Nội. Lại nhớ đã đọc ở đâu đó rằng một năm sau khi mở văn phòng du lịch (1917), người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên nơi thị trấn xinh đẹp này. Tính ra, họ đã xây gần 300 biệt thự. Hầu hết biệt thự cổ đã không còn, nhất là sau chiến tranh biên giới. Một trong những biệt thự hiếm hoi còn lại hiện là khách sạn du lịch Công đoàn - nơi được nhiều du khách lựa chọn để nghỉ ngơi khi đến Sa Pa bởi nét lịch lãm và cổ kính của công trình kiến trúc này.

 

Thac-Cat-Cat-130413.jpg

Du khách chụp ảnh lưu niệm bên thác Cát Cát - Ảnh: V.PHƯƠNG

Có rất nhiều nơi để thăm thú khi đến Sa Pa: núi Hàm Rồng, thác Bạc, cầu Mây, bãi đá cổ ở thung lung Mường Hoa - nơi có hàng trăm tảng đá lớn nhỏ với những hình khắc mô phỏng con đường, bậc thang, hình người, muông thú… mà đến tận bây giờ, các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được. Ngay tại trung tâm thị trấn, ngôi nhà thờ đá cổ hơn 100 tuổi là một điểm đến thú vị. Muốn cảm nhận phần nào sắc màu cuộc sống nơi đây thì hãy đến chợ. Rất nhiều sản vật của núi rừng Tây Bắc được bày bán ở nơi này, trong đó không thể không nhắc đến nấm linh chi, táo mèo và các loại dược liệu mà dưới xuôi không có. Dạo chợ xong, bạn có thể sà vào một quán nhỏ nào đó bên đường, thưởng thức các món ăn rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc: cơm lam, thịt xiên nướng, cá xiên nướng, trứng nướng, khoai lang nướng…

Chìa ra giấy chứng minh nhân dân, số điện thoại di động và địa chỉ khách sạn nơi lưu trú, bạn thuê một chiếc xe máy mới cáu với giá chưa tới 100.000 đồng/ngày, tha hồ vi vu khám phá Sa Pa. Có thể chọn điểm đến đầu tiên là Vườn Hồng, rất gần trung tâm thị trấn.

 

Đó là một khu du lịch sinh thái rộng hơn 20ha, với những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ pơ mu mơ màng dưới tán đào, mận. Và, trải ra trước mắt là rực rỡ hoa hồng.

 

Từng hàng, từng luống, từng vườn hoa hồng đỏ thắm trải dài theo địa hình ruộng bậc thang. Trong nắng sớm Sa Pa, những nụ hồng rụt rè e ấp, những đóa hồng bừng nở khoe vẻ đẹp say đắm. Và, từ những đóa hoa hồng lóng lánh sương, hương thơm nhẹ đưa theo gió se se lạnh.

 

Dạo bước trong thung lũng hoa hồng, du khách rũ sạch bao ưu phiền khi trước mặt là hoa, hai bên là hoa, sau lưng cũng là hoa nồng nàn khoe sắc. Chốc chốc, lại bắt gặp một cây đào lúc lỉu trái. Đào Sa Pa là loại trái cây rất đặc trưng của đất này. Trái đào to bằng nắm tay con nít, có loại to hơn, bên ngoài phủ một lớp lông tơ, khi chín ưng ửng hồng như má thiếu nữ. Đào được bán khắp thị trấn, nhiều như chuối ở Phú Yên.

 

Sẽ là thiếu sót nếu như đến Sa Pa mà không vào bản Cát Cát, quan sát cuộc sống của người H’Mông ở nơi này. Theo các tài liệu, bản Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ thứ XIX, với những gia đình người H’Mông sống quây quần bên nhau, trồng lúa, bắp trên các sườn đồi. Qua bao thời gian, dân trong bản vẫn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm, chế tác đồ trang sức và biến chúng thành sản phẩm du lịch.

 

Bản Cát Cát cũng là một điểm du lịch nên muốn vào bản thì phải mua vé và gởi xe. Phụ nữ đi giày cao gót có thể “trang bị” cho mình một đôi dép nhựa bằng cách mua hoặc thuê, được bày nơi “cửa ngõ” dẫn vào bản cùng với vô số đồ lưu niệm. Rồi, những bậc thang bằng đá và con đường nhỏ uốn lượn đưa du khách đến thật gần với đời sống của người dân Cát Cát. Trước ngôi nhà bằng ván, một phụ nữ H’Mông chăm chú thêu thùa. Phía bên kia, một người đàn ông cặm cụi hoàn tất những cái trống xinh xắn bịt bằng da dê để bán cho du khách. Trong bản có rất nhiều gian hàng bán thổ cẩm cùng với vòng cổ, vòng đeo tay, nhẫn… bằng bạc được chế tác rất tinh xảo. Nghe nói quy trình chế tác khá phức tạp, đầu tiên là đun cho nguyên liệu nóng chảy và rót vào máng. Đợi đến khi bạc nguội, họ lấy ra, dùng búa đập, rèn theo kích cỡ của món đồ trang sức hoặc kéo thành sợi, dũa cho nhẵn rồi mới dùng đinh chạm khắc hoa văn trước khi tạo thành sản phẩm và làm trắng, đánh cho chúng trở nên bóng loáng.

 

Khung cảnh thiên nhiên ở bản Cát Cát rất thơ mộng với núi non, ruộng bậc thang và những lối đi râm ran tiếng ve. Có một chiếc cầu treo bắc qua suối, ngay bên cạnh là thác Cát Cát với những dải lụa nước từ trên cao rơi xuống. Cạnh thác là nơi biểu diễn nghệ thuật truyền thống của người H’Mông, ngày nào cũng mở cửa phục vụ du khách.

 

Khi đêm xuống Sa Pa, cái lạnh trở nên đậm đà hơn. Thị trấn dập dìu du khách và những người bán hàng rong, trong đó có cả một số đứa trẻ da trắng, tóc vàng, mắt xanh hoặc nâu nhưng lại mặc trang phục của người bản địa. Đó là kết quả mối tình ngắn ngủi của những người đàn ông phương Tây du lịch đến đây với phụ nữ bản xứ - một trong những nốt lặng của bản nhạc mang tên Sa Pa.

 

Với du khách, đêm ở Sa Pa dường như ngắn hơn đêm ở miền xuôi, bởi họ còn lang thang dạo phố và tận hưởng cái lạnh ngọt ngào, thưởng thức đặc sản trong đó có món thắng cố của đồng bào vùng cao. Cũng nên thử một lần tắm thuốc của người Dao đỏ, ngâm mình trong nước có mùi thơm ngào ngạt được nấu từ nhiều loại thảo dược.

 

Sa Pa như một bản nhạc dịu êm, dù đến một lần hay đến nhiều lần vẫn nhớ hoài, nhớ mãi.

 

VIỆT PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đi biển kiểu lưới rút Đàn 19
Thứ Bảy, 06/04/2013 08:06 SA
Hòa vào sóng nước Trường Sa…
Thứ Bảy, 23/03/2013 14:00 CH
Còn đó nhịp đập trái tim người lính
Thứ Bảy, 16/03/2013 14:30 CH
Bài cuối: Hiên ngang Trường Sa
Thứ Ba, 05/03/2013 14:05 CH
Bài 4: Khi Tổ quốc cần…
Thứ Hai, 04/03/2013 14:00 CH
Bài 3: Chuyện tình người lính đảo
Thứ Bảy, 02/03/2013 14:05 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek