Chủ Nhật, 06/10/2024 00:45 SA
Chuyện ghi ở những vùng quê
Bài cuối: Chòi khóm Đồng Dinh
Thứ Bảy, 12/01/2013 14:30 CH

Vùng khóm Đồng Dinh, thị trấn Phú Hòa (Phú Hòa) rộng hơn 100ha. Hàng trăm người từ các nơi đến đây trồng khóm, sống tạm bợ trong những căn chòi, có người “thâm niên” gần 15 năm.

 

khom130112.jpg

Chăm sóc khóm - Ảnh: H.NAM

NHỮNG CĂN CHÒI TIỀN TRIỆU

 

Dọc hai bên Suối Cái, dài gần 5km, khóm xanh bạt ngàn trải dài từ chân đồi đến đỉnh đồi. Người trồng khóm ở đây sống tạm trong căn chòi thấp lè tè nhưng niềm vui dâng cao vì mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ trồng khóm.

 

Ở khu vực có hơn 200 căn chòi. Những người sống ở đây quanh năm cần mẫn làm công việc duy nhất là trồng và chăm sóc khóm. Trong số đó, có người “thâm niên” gần 15 năm trồng khóm. Ông Đào Tấn Trí (46 tuổi), trồng 7ha khóm, cho biết: “Gần 10 năm qua, ngày nào tôi cũng lên đây chăm sóc và thu hoạch khóm, mỗi năm thu trên 150 triệu đồng. Hết mùa thu hoạch thì làm cỏ, bón phân; sáng đi chiều về, trưa thì ngủ nghỉ trong căn chòi”.

 

Quê ở thôn Định Thọ (thị trấn Phú Hòa), vợ chồng anh Trí vào đây lập nghiệp từ năm 2004. Ngày đầu đến đây, anh phải nạy từng hòn đá to để có đất trồng cây bạch đàn, sau đó thấy nhiều người trồng khóm mang lại lợi nhuận cao, anh chuyển sang trồng loại cây này. “Lúc trước, đa số người nghèo lên đây lập nghiệp, hồi đó rừng núi heo hút, rất cực khổ. Nhưng bây giờ, khóm có giá trị khá cao, người ít nhất cũng có thu nhập vài chục triệu trở lên”- ông Trí nói.

 

Ngồi nghỉ mệt trong căn chòi rộng chừng 9m2 nhưng ông Lê Văn Hay, quê ở xã Hòa Thắng lại là chủ trang trại rộng 3ha. Ông Hay tính, 1ha trồng 40.000 cây (tức 4 cây/m2), năm đầu giống khóm tơ ra 1 trái/cây, năm sau đẻ nhánh mỗi cây chăm sóc tốt ra 2-3 trái, thương lái mua với giá từ 4.000 đồng - 7.000 đồng/ trái, thu nhập gần 70 triệu đồng.

 

Ông Lê Thanh Tòng ở Hòa Thắng, một trong những nông dân trồng khóm đầu tiên ở Đồng Dinh cho biết: “Hiện gia đình tôi trồng 3ha, mỗi năm sau khi trừ chi phí công lao động, phân bón còn lãi 30 triệu đồng/ha. Ở đây có nhiều hộ trồng từ 6-10ha nên thu nhập khá cao”. Gần 15 năm qua, sáng nào vợ chồng anh Tòng cũng “đùm túm” đến trang trại của mình để chăm sóc khóm. Rẫy khóm của anh Tòng trồng trên đất nghèo chất dinh dưỡng nhưng nhờ chăm sóc kỹ nên cây khóm phát triển tốt. “Năm ngoái có người hỏi mua rẫy khóm này với giá 500 triệu đồng nhưng tôi không bán”, anh Tòng tâm sự.

 

Còn anh Võ Mười ở xã Hòa Quang Nam biến 3ha đất bạc màu thành rẫy khóm thu nhập hằng năm gần 100 triệu đồng.

 

khom1-130112.jpg

Một chòi khóm trên Đồng Dinh - Ảnh: H.NAM

DỐC SỨC… “NUÔI” KHÓM

 

Không chỉ đàn ông “sức dài vai rộng” mà phụ nữ “tay yếu chân mềm” như bà Lê Thị Ngọc ở xã Hòa Thắng cũng đến đây trồng khóm trên đất bạc màu. Bà Ngọc kể, ban đầu vợ chồng bà khai hoang đất trồng bạch đàn nhưng do đất triên (đất có độ dốc) nên bạch đàn chậm lớn, mưa xói lở khiến đất bạc màu. Thấy nhiều người xung quanh trồng khóm cho thu nhập cao nên bà chuyển sang trồng khóm. Thời gian đó chồng bà bị bệnh nặng, một mình bà đến nơi này trồng khóm, mỗi năm trồng vài hecta, cứ thế trên 10 năm qua màu xanh phủ từ đồi cao xuống chỗ trũng, đến nay đã lấp kín trang trại. “Tôi trồng hơn 6ha, mới đây con trai tôi lấy vợ tôi cho 2ha làm vốn. Con tôi cũng dựng chòi, hai vợ chồng nó ngày nào cũng lên đây chăm sóc khóm, bà Ngọc nói.

 

Cách đó không xa, trang trại của ông Năm Nghĩa ở xã Hòa Thắng, rộng 10ha. Ông tâm sự: “Lúc trước, ai vào đây muộn lắm cũng ráng “moi” cho được 1ha đất trồng bạch đàn, nuôi bò. Sau vài năm, tôi chuyển đổi cây trồng và hiện có trong tay 10ha trồng khóm, nhờ vậy có tiền nuôi con ăn học”.

 

Những người trồng khóm đã quen với cảnh heo hút giữa núi rừng. Hằng ngày, ai cũng cặm cụi lo làm công việc của mình, họ bỏ vốn làm những con đường bê tông xuyên giữa rừng khóm từ dưới chân lên đến đỉnh để tiện khâu vận chuyển khi vào mùa thu hoạch. Có những rẫy khóm nằm trên cao, độ dốc lớn, nông dân phải dùng dây thả như kiểu ròng rọc. Ông Sáu Sáy, một người trồng khóm ở đây gần 10 năm, xởi lởi: “Công việc mạnh ai nấy làm, một mình lo loay hoay trong trang trại rộng lớn có khi cả ngày không nghe một tiếng người. Việc cho thu nhập cao từ khóm đã giúp nhiều người tích lũy, xây nhà lầu…”.

 

Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Phú Hòa, Hà Trung Kháng cho biết: “Hơn 200ha đất hoang hóa ở Đồng Dinh đã được chuyển đổi trồng khóm. Bước đầu nơi đây đã hình thành một vùng chuyên canh, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, góp phần cải thiện đời sống và làm thay đổi bộ mặt nông thôn”.

 

HOÀI NAM - MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Bài 2: Xã “teng neng”
Thứ Sáu, 11/01/2013 14:00 CH
Bài 1: Xóm “nuôi” tre
Thứ Năm, 10/01/2013 14:00 CH
Xôm tụ nhạc sống đồng quê
Thứ Bảy, 05/01/2013 08:32 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek