Thứ Hai, 25/11/2024 06:56 SA
Cơ cực giấc mộng kỳ nam
Thứ Tư, 26/09/2012 14:00 CH

Chỉ nghe có người trúng kỳ nam bán được hàng trăm tỉ đồng, cả ngàn con người đến từ nhiều địa phương lao theo tin ấy, lội suối băng rừng tìm đến khu đồi núi Suối Chè (xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) chấp nhận ăn khổ sống cực để tìm vận may.

Những cơn mưa rừng dầm dề rát mặt không ngăn được dòng người vượt con đèo ngoằn ngoèo hàng chục cua cánh chỏ, dài hơn 30km từ TP Cam Ranh lên huyện Khánh Sơn. Suốt bảy ngày qua, kể từ khi thông tin có hai người trúng kỳ nam ở vùng đồi Suối Chè thuộc xã Sơn Trung bán được hàng trăm tỉ đồng đã khiến dân đi địu khắp nơi từ Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa đổ xô về huyện miền núi xa xôi và yên ắng này.

dao-boi120926.jpg

Kẻ đào bới, người kiếm tìm dưới gốc cây, hốc đá hy vọng “săn được” kỳ nam để đổi đời - Ảnh: K.NGUYÊN

VÀO RỪNG BẰNG MỌI GIÁ

Trưa 25/9, giữa đỉnh đèo Khánh Sơn, dù trời mưa tầm tã vẫn có những tốp người đi trầm lẩn quẩn gần khu vực Trạm kiểm lâm Ba Cụm Bắc, nơi có gác chắn barie trên tỉnh lộ 9, độc đạo nối đồng bằng với Khánh Sơn. Một người xưng tên Nguyễn Văn Hoàng ở xã Đại Đồng (huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), cho biết: “Nhóm của tui hơn 20 người thuê xe đi từ Quảng Nam trưa ngày 24/9, đến đèo này sáng nay, dù nhà xe lanh trí dán chữ song hỷ trước kính, nhưng các ông kiểm lâm, công an không cho qua chắn vì biết tụi tôi là dân đi trầm. Giờ cả nhóm ngồi đây, định mướn người địa phương dẫn đường cắt rừng vô Sơn Trung kiếm chút xái”. Trong khi đó, ba thanh niên nói là ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) đi chung trên một chiếc xe ôm, cũng ngồi bó gối trông mưa vì chưa tìm đường qua khỏi gác chắn để vô rừng.

Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, nói rằng những ngày qua, huyện tăng cường lực lượng ở các chốt chặn và cả “điểm nóng” tại tiểu khu 277 thuộc đồi Suối Chè nên số người vào rừng giảm hẳn. “Trước đó, Khánh Sơn yên bình bỗng dưng náo nhiệt bởi hàng trăm người đổ xô về tìm trầm”, ông Dũng nhớ lại. Ngay ở thị trấn Tô Hạp, cứ khoảng 20g30 là người dân đi ngủ, nhưng các đêm 19, 20/9, xe máy, ô tô các loại dập dìu chở hàng trăm người lao về xã Sơn Trung và họ đổ bộ vào rừng ngay đêm tối. Thượng tá Phạm Hồng Sơn, Trưởng Công an huyện Khánh Sơn, cho biết ngày cao điểm có đến 700-800 người vượt núi lên đồi Suối Chè. Trong khi đó, một “phu trầm” tên Nam gốc thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) cho hay cao điểm nhất số người tụ tập nơi đây đến 1.700 người, đông như đi hội!

Chiều 24/9, chúng tôi đi cùng một tốp bốn người quê huyện Đại Lộc (Quảng Nam) lội qua con suối Mò O lúc nước đang lớn nhanh vì cơn mưa rừng còn nặng hạt để lên đồi Suối Chè. Con đường dài hơn hai cây số từ chân núi lên khu rừng nơi những ngày qua bị đào xới không thương tiếc vì tin có kỳ nam lầy lội, trơn trợt vì triệu triệu bước chân phu trầm lên xuống. Ông Trương Công Nhớ, 50 tuổi, một người trong nhóm tìm trầm, cho biết ông và những người đi cùng phải đi vòng vô Ninh Thuận, bắt xe ôm chạy qua huyện Bác Ái rồi “đột nhập” vào huyện Khánh Sơn từ phía tây sau khi bị chặn đường ở tỉnh lộ 9. “Tụi tôi hay tin muộn, nhưng thấy người ta trúng lớn quá nên cũng bỏ việc ở quê chạy vào đây, hy vọng tìm được chút đỉnh”, ông Nhớ tâm sự.

Sau thông tin hai người ở xã Đại Đồng trúng trầm kỳ bán hơn 200 tỉ đồng, ngày 24/9 lại có tin 56 người Quảng Nam và Vạn Giã kiếm được 1,2kg nữa (giá 12 tỉ đồng/kg) tại nơi này khiến hàng trăm người khác tiếp tục lao theo giấc mộng kỳ nam. Theo UBND huyện Khánh Sơn, hiện một số “phu trầm” đã mở đường mới bằng cách cắt rừng từ các huyện Cam Lâm, Khánh Vĩnh để vào rừng Sơn Trung khiến lực lượng chức năng không thể kiểm soát được.

py_nhomPY120926.jpg

Nhóm đi địu người Phú Yên đang bám trụ giữa rừng để nuôi hy vọng tìm thấy kỳ nam - Ảnh: K.NGUYÊN

“ĂN CỦA RỪNG, RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT”

Trong lúc nhóm chúng tôi vượt qua những tảng đá trơn trượt để lên đồi thì cũng là lúc có ba tốp khoảng 20 người đi địu đang xuống núi. Ông Nguyễn Văn Phố, người xã Đại Đồng, buồn bã: “Nhóm của tui 22 người biết chắc chắn là có người trong làng trúng lớn kỳ nam nên mới rủ vô Khánh Sơn. Không có tiền, tui phải vay mượn 3 triệu đồng làm lộ phí, cùng bạn bè thuê xe lên Sơn Trung. Nhưng vô đây nằm ba ngày trời, ban đầu cũng cố đào nhưng chẳng thấy gì, sau thì bị các lực lượng chức năng thu hết dụng cụ đào bới. Giờ thì tiền hết, lương thực mang theo cũng cạn, cả nhóm đành rủ về”. Ông Phố nói đây là chuyến thứ ba ông đi tìm kỳ nam sau khi có tin người làng trúng lớn ở các khu rừng thuộc Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa. “Nhà nghèo khó, con đông, vợ bệnh tim, thấy người ta trúng quá mình cũng nhào theo, hy vọng nếu “bà cô, ông cậu” thương thì cho chút đỉnh để vượt qua cái đói, cái nghèo. Nhưng tôi đi ba chuyến thì “vãi gió” (ý nói trắng tay - PV) cả ba, giờ thì nợ chồng nợ chất” - người đàn ông 45 tuổi đen đúa, dáng khắc khổ, rơm rớm nước mắt trước khi từ biệt chúng tôi, lầm lũi xuống đồi.

Khu vực được cho là có “gốc hàng” bị đào xới tan hoang rộng hơn 300m2 đã bị lực lượng chức năng phong tỏa chặt 24/24 giờ từ ngày 24/9. Hầu như không phu trầm nào lọt được vào khu vực này kể từ thời điểm đó. Vậy nhưng, xung quanh khu vực này, cách chừng vài chục mét, có những tốp người đi trầm đang cố “bám trụ” trong các chòi canh rẫy của dân hoặc chặt cây rừng dựng tạm để tránh nắng. Tôi đến một lán trại của dân đi địu quê ở các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân (Phú Yên) khi cả nhóm đang ăn cơm chiều. Bữa cơm của dân đi địu đạm bạc chưa từng thấy: 23 con người, ba xoong cơm nhỏ và một nắp xoong… muối ớt! Trệu trạo nhai miếng cơm khô chát, ông Trần Lầm (63 tuổi), nói như nghẹn: “Mì tôm hết, gạo cũng hết, anh em phải nhổ trộm sắn của dân để luộc ăn. Tụi tôi vô đây đã ngày thứ tư rồi, cố gắng lắm nhưng chưa được chút gì cả. Thôi thì lỡ đến rồi, ráng bám vài ngày nữa để “giũ rơm” (nghĩa là làm mót), biết đâu mình trúng chút kỳ để đổi đời”.

Bữa ăn đang dở dang thì cơn mưa rừng nặng hạt ập tới. Căn chòi nhỏ xíu chỉ đủ để các ba lô áo quần, mấy chục con người phải chạy tản mác vào gộp đá nấp, số khác mặc áo mưa đứng giữa trời vì không còn chỗ trú chân. Nghĩa, một thanh niên chừng 30 tuổi, run lập cập vì lạnh, thổ lộ: “Trên này chiều nào cũng mưa, chừng 5g chiều là sương mù dày đặc, lạnh tê tái. Tối thì muỗi, côn trùng tấn công tới tấp, chưa bao giờ chúng tôi có được giấc ngủ yên. Nhưng đã chọn nghề đi địu là chấp nhận ăn khổ sống cực để tìm vận may, trúng một cái là thành tỉ phú liền”. Nói là vậy, nhưng cả ông Lầm, cả Nghĩa và những người đi địu mà chúng tôi gặp trên đỉnh đồi Suối Chè này bộc bạch rằng họ chưa bao giờ chạm được vào kỳ nam, dù là một thỏi nhỏ như que diêm hoặc một mảnh mỏng như chiếc lá!

Gần đó, một nhóm gần 20 người quê huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) cũng treo võng chen chúc dưới gầm nhà sàn trông rẫy của người dân. Khi mưa, cả nhóm co ro vì ướt và lạnh. Ông Hùng, bầu của nhóm này, cho hay cả nhóm đã “nằm” ở vùng rừng núi này bốn ngày qua, đã định xuống núi rồi nhưng đêm trước đó có nhóm đào trúng hơn 1kg kỳ nam, nên anh em rủ nhau chịu cực, ở lại thêm một vài ngày nữa để nuôi hy vọng… Chưa biết bao giờ họ đổi đời nhờ nghề săn trầm này, nhưng trông “phu trầm” nào cũng hốc hác, ốm o vì thiếu ăn, thiếu ngủ và lao động nặng nhọc. Gặp họ mới thấm câu “Ăn của rừng, rưng rưng nước mắt”…

Và cũng không biết trong khu rừng này còn bao nhiêu người đến từ bao nhiêu tỉnh đang cố bám trụ như vậy để tìm vận may. Nhưng khi chiều muộn, lúc trời đã tối sẫm, sương mù sà xuống lưng đồi Suối Chè, chúng tôi dò dẫm xuống núi thì vẫn thấy nhiều người khác vai đeo bao tải đang leo đồi. Dọc đường, vẫn thấy có nhiều người băng con suối Mò O lúc này nước đã đục ngầu, ngập gần thắt lưng, chảy rất xiết để lên núi ngay trong đêm tối… Công an huyện Khánh Sơn cho hay trong hai ngày 24 và 25/9, lực lượng tại chốt gác trên tỉnh lộ 9 đã ngăn ba ô tô khách từ các tỉnh khác và hàng trăm lượt xe máy chở người định vào bãi trầm.

Giấc mộng kỳ nam như thỏi nam châm khổng lồ hút dân đi địu như vậy, dù chỉ bằng một vài thông tin đồn đãi!

“Chiến dịch” 5 ngày

Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, cho biết trong vòng một tuần, huyện này đã tổ chức hai cuộc họp khẩn về tình hình đào xới rừng để tìm trầm kỳ tại xã Sơn Trung. “Chúng tôi đã lập các chốt chặn, thành lập hai tổ chuyên trách kiểm tra kiểm soát tình hình 24/24 giờ với mỗi tổ gần 20 người, đồng thời phối hợp với các địa phương lân cận để chặn những người tìm trầm đến Khánh Sơn và vận động những người ở trên núi ra khỏi khu vực “điểm nóng”. “Chiến dịch” sẽ kéo dài trong vòng 5 ngày kể từ ngày 25/9 với mục tiêu đưa tình hình ở đồi Suối Chè trở lại yên ổn như trước đây”.

Trong khi đó, thượng tá Phạm Hồng Sơn, Phó trưởng Công an Khánh Sơn, nói rằng “chiến dịch” này có lẽ phải kéo dài thêm vì số người tìm trầm thường lẩn trốn vào rừng khi cơ quan chức năng đẩy đuổi, sau đó đi đường vòng về “ẩn náu” các khu vực gần “gốc hàng”, lợi dụng ban đêm, lúc trời mưa lớn hoặc khi lực lượng chức năng sơ hở là lại đào bới tìm trầm.

KHƯƠNG NGUYÊN

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xa vời vợi “cửa” vào… nghề giáo
Thứ Bảy, 22/09/2012 14:00 CH
Về miền hang động
Thứ Bảy, 15/09/2012 14:00 CH
Luyện võ nơi cửa Phật
Thứ Bảy, 08/09/2012 15:00 CH
Chuyện O Ninh
Thứ Bảy, 01/09/2012 18:00 CH
Cánh chim không mỏi
Thứ Bảy, 25/08/2012 18:00 CH
Khánh kiệt vì tai nạn giao thông
Thứ Bảy, 18/08/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek