Quần thể danh thắng Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình), bao gồm hệ thống hang động, khu bảo tồn rừng nguyên sinh và di tích lịch sử - văn hóa. Trong khuôn khổ Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa tổ chức tại TP Đồng Hới, chúng tôi có dịp thưởng ngoạn những hang động trứ danh nơi đây.
Một khối thạch nhũ ở động Thiên Đường - Ảnh: Q.THUẦN |
Sau bữa điểm tâm, 7g30, chúng tôi rời TP Đồng Hới đầy cát và gió, vượt hơn 70 cây số qua quốc lộ 1, tỉnh lộ 2 và quốc lộ 15 để đến với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng (huyện Bố Trạch). Trọn buổi sáng, chúng tôi được các bạn đồng nghiệp ở Báo Quảng Bình “chiêu đãi” bữa tiệc thưởng ngoạn một trong những kiệt tác của tạo hóa ở Phong Nha - Kẻ Bàng: động Thiên Đường. Trong quá trình khám phá động Thiên Đường, chúng tôi được cô hướng dẫn viên xinh đẹp của Tập đoàn Trường Thịnh giới thiệu khái quát: Động nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẽ Bàng - một khu vực rừng nguyên sinh chứa đựng hệ sinh thái đa dạng, do một người dân địa phương đi rừng tình cờ phát hiện vào năm 2005. Cửa động hẹp, eo thắt lại và động “ăn” sâu vào lòng núi, tạo ra cảm giác huyền hoặc cho những ai một lần đến đây.
Đi qua cửa động, trước mắt chúng tôi là cả một không gian tráng lệ ngoài sức tưởng tượng, khiến ai cũng có cảm giác như đang lạc vào một thế giới khác. Sự huyền ảo càng lên cao độ khi đi sâu vào hang động, với những dải cát uốn lượn và nhấp nhô. Ở giữa là những lâu đài thạch nhũ tráng lệ, khiến chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Để phục vụ du khách, đơn vị khai thác du lịch nơi đây cho xây dựng đường dẫn bằng gỗ vào hang động, lắp đặt hệ thống điện trang trí, càng làm cho động thêm lung linh, huyền bí. Một đồng nghiệp ở Báo Quảng Bình cho biết, động Thiên Đường được ví như vườn địa đàng, được Hiệp hội Hang động Hoàng Gia Anh khảo sát dưới sự chủ trì của tiến sĩ Howard Limbert. Động có chiều dài 31,4km, cao 60m, chiều rộng dao động từ 30m đến 100m, có nơi lên đến 150m. Theo nhận định của đoàn thám sát, đây là hang động khô dài nhất châu Á với vô số măng đá, nhũ đá đẹp lung linh, huyền ảo.
Sau khi tham quan động Thiên Đường, chúng tôi dừng chân tại một “nhà hàng” bên bờ suối nằm sâu trong rừng, cách động chừng 2 cây số. Gọi là “nhà hàng” nhưng bàn, ghế là những tảng đá, “máy điều hòa nhiệt độ” là bóng mát của những tán cây rừng và hơi nước bốc lên từ dòng suối. Bữa trưa với những món ăn dân dã được chế biến từ cá lóc, tôm, cua bắt lên từ suối; thịt gà ta, heo rừng được nuôi ở gần đó. Tất cả được bày biện trong rổ tre, lót lá chuối. Một bữa trưa thật thi vị và tuyệt vời!.
Xong bữa trưa, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình khám phá động Phong Nha bằng thuyền máy xuôi dòng sông Son. Thuyền du lịch trên sông Son đều là thuyền máy, trang trí đầu rồng và sơn màu khá bắt mắt. Trên thuyền có ghế ngồi, áo phao cứu sinh, mỗi thuyền chở khoảng 15 người. Bến thuyền ngăn nắp, có đội quản lý, bán vé.
Sông Son nước xanh ngắt, thuyền chở du khách chạy xuôi ngược san sát trên sông. Thi thoảng làng mạc, bờ tre, bãi mía hiện ra; lũ trẻ con ra sông tắm, nô đùa trong làn nước xanh trong; mấy cô gái giặt áo, rửa rau… Khung cảnh thật thanh bình. Người lái thuyền cho chúng tôi biết, người dân Phong Nha bây giờ đa phần làm dịch vụ du lịch, chủ yếu đón khách bằng thuyền máy, bán hàng lưu niệm, nhờ vậy cuộc sống ổn định hơn trước nhiều.
Cửa động Phong Nha - Ảnh: Q.THUẦN
Thuyền chạy gần 1 giờ đồng hồ là đến cửa động Phong Nha. Tắt máy, người lái thuyền dùng sào chèo đưa chúng tôi vào bờ. Cửa động cao chừng 10 mét, rộng gần 30 mét. Cũng giống như động Thiên Đường, càng đi vào sâu lòng động Phong Nha, cảm giác oi ả của tiết trời miền Trung biến mất, thay vào đó là bầu không khí mát lạnh bao trùm. Một thế giới huyền ảo, kỳ thú… hiện ra: Thạch nhũ trông giống những chùm đèn trang trí tại buổi dạ hội, một số khác treo lơ lửng như những cánh hoa, vô số tượng đá lởm chởm, đủ hình thù kỳ dị. Còn nhiều, nhiều điều nữa, nhiều cảm xúc khó tả khi chiêm ngưỡng cảnh đẹp động Phong Nha. Đúng là đệ nhất kỳ quan!
Theo thông tin từ đơn vị khai thác du lịch, từ xa xưa, người Chăm và người Việt đã khám phá nơi đây. Các nhà thám hiểm phương Tây, nhà khoa học Việt Nam, du khách trong và ngoài nước đã lần lượt đến đây. Và theo các nhà khoa học, quá trình phong hóa tạo thành hang động ở Phong Nha là quá trình tự nhiên, diễn ra hàng triệu năm. Dạng địa hình chính của Phong Nha - Kẻ Bàng là núi đá vôi và núi đất. Động nằm ở phần đông nam khối núi đá vôi Kẻ Bàng, diện tích khoảng 10.000km2, dài 200km ở phía bắc dãy Trường Sơn, có hiện tượng nước chảy ngầm, tạo thành các hang động. Tùy theo hình dạng của dòng nước chảy mà tạo ra những khối thạch nhũ với hình dạng khác nhau.
Nhà báo Hoàng Hữu Thái, Phó tổng biên tập Báo Quảng Bình cho biết, ngoài động Thiên Đường, động Phong Nha, du khách có thể tham quan thêm động Tiên Sơn. Động này không ăn thông với động Phong Nha, mà “treo” ở độ cao 200m trên động Phong Nha.
Chúng tôi rời động Phong Nha, tiếp tục xuôi dòng sông Son để đến nơi đỗ xe trở về TP Đồng Hới cũng là lúc mặt trời dần ngả về phía núi. Ai cũng mệt nhoài sau một ngày băng rừng, vượt sông thưởng ngoạn hệ thống hang động của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nhưng tôi tin chắc rằng ai cũng mong ước một ngày không xa sẽ có dịp trở lại để tiếp tục khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn nơi đây.
QUANG THUẦN