Trong hành trang của nhiều chiến sĩ trên đường hành quân vào chiến trường đánh Mỹ có mang theo những bài thơ, bài vè và những lời nhắn nhủ của một cô gái tật nguyền ở vùng đất lúa Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An. Vào thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, O Ninh là một nhân vật đặc biệt, không chỉ ở Nghệ An mà cả miền Bắc cũng nhiều người biết. Không ít người tò mò đã vượt hàng trăm cây số để tận mắt thấy người con gái tật nguyền nhưng có tài này.
Người dân làng Xuân Thượng kể chuyện O Ninh.
VƯỢT LÊN SỐ PHẬN
Con đường 533 nối quốc lộ 1 và Quốc lộ 7 giờ đã được nhựa hóa. Làng Xuân Thượng, xã Hợp Thành đã khác xưa nhiều. Ngôi nhà tranh vách đất O Ninh ngày xưa bây giờ đã là một ngôi nhà xây bề thế, chỉ có điều không còn O Ninh trong đó nữa. Ông Trần Văn Khoan, năm nay đã ngoài 70, là em ruột O Ninh cho biết, khi sinh ra, O Ninh đã bị tật nguyền. O hầu như không lớn. Đến tuổi 18, O vẫn như một đứa trẻ lên 3, nặng chỉ độ chục ký, cao không quá nửa mét. O không đứng được, không tự di chuyển được, chân tay mềm nhũn có thể xoắn lại như sợi dây, có người bảo là O không có xương. Bù lại, O có cặp mắt rất sáng, sớm biết nói và nói rất chuẩn, dù giọng nói có mảnh hơn những người bình thường. Đặc biệt, O có trí nhớ rất tốt. Nhiều chuyện trong làng đã xa lắc xa lơ, hầu hết mọi người đã quên nhưng O vẫn nhớ và kể lại vanh vách. Nghe hát, đọc thơ, kể vè, chỉ một đôi lần là O thuộc. Sau Cách mạng Tháng Tám độ dăm năm, bố ông Khoan có mời thầy giáo về dạy chữ cho mấy anh em ông. O Ninh tật nguyền, không được để ý. Ngồi ở góc nhà, nghe thầy giảng, O lấy que viết theo trên nền nhà, vậy mà O biết đọc, biết viết. Có lần thầy giáo ra đề toán, không ai làm được, thấy vậy O xung phong xin giải, thầy giáo và cả nhà ai cũng ngạc nhiên. Viết chữ trên nền đất, trên tàu lá chuối và sau này là trên cuốn vở thừa của mấy đứa cháu, nhưng chữ O rất đẹp. Chị Nguyễn Thị Lân, nguyên cán bộ Đoàn xã Hợp Thành nói: “Nhắm mắt lại tui cũng hình dung được chữ O Ninh. Chữ O tròn, đẹp lắm, không thể lẫn với chữ người khác”. Ông Khoan cho biết thêm: “O khéo tay, nhất là kéo sợi thì không ai bằng. Hồi kháng chiến chống Pháp, huyện Yên Thành có tổ chức cuộc thi phụ nữ dệt vải. O Ninh còn nhỏ nhưng vẫn tham gia thi kéo sợi và đạt giải nhất, được chụp ảnh. Rất tiếc là tấm ảnh đó hiện không còn”.
NGƯỜI EM GÁI HẬU PHƯƠNG
Trong kháng chiến chống Mỹ, để đảm bảo bí mật, các đơn vị bộ đội hành quân vào Nam hay sang Lào thường đi theo tuyến đường tắt 533. Nhà O Ninh cách đường 533 không xa, bộ đội vẫn thường nghỉ chân vào nhà dân uống nước và xem… O Ninh. Ban đầu chỉ là thương cảm, nhưng rồi các chiến sĩ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi thấy O không chỉ biết đọc, biết viết, biết làm toán mà còn thuộc rất nhiều bài hát, bài vè, bài thơ. Giọng hát của O không phải là hay nhưng trong và mảnh như giọng trẻ thơ, có sức truyền cảm đặc biệt. O đọc thơ, kể vè, hát tặng các chiến sĩ những ca khúc cách mạng, ghi lại địa chỉ của từng người. Đặc biệt, O có tài ứng tác, có thể tặng ngay các chiến sĩ những bài lục bát dân dã nhưng chứa đựng nhiều gửi gắm của hậu phương đối với các chiến sĩ sắp ra nơi tiền tuyến. Trong ba lô của nhiều chiến sĩ có địa chỉ của O Ninh, có những bài thơ, bài vè của O Ninh chép tặng. Bà Luận, O Lân và nhiều người khác còn thuộc những bài vè, bài lục bát O Ninh tặng các chiến sĩ như: Anh ơi mau trở về quê/ Mẹ anh già yếu bên hè chờ mong/ Mẹ ơi đừng ngóng, đừng trông/ Con đang chiến đấu, nên không thể về... Nhiều chiến sĩ khi ra đến chiến trường, bất ngờ nhận được thư O Ninh. Thư bao giờ cũng mở đầu bằng câu: Đây là lời của người em gái hậu phương. Trong thư, O Ninh thăm hỏi, động viên và mong các chiến sĩ chân cứng, đá mềm, lập nhiều chiến công… Nhiều người khi trở lại miền Bắc đã tìm gặp lại O Ninh, cảm ơn O về những lời động viên quý giá.
Không chỉ hát, đọc thơ, kể vè động viên bộ đội, O Ninh còn có nhiều sáng tác về đề tài lao động, sản xuất, giữ gìn an ninh, trật tự, tình làng, nghĩa xóm… Nhiều người ở độ tuổi trên 40 ở huyện Yên Thành và nhiều nơi khác vẫn còn thuộc bài vè Vợ chồng bà Hoe Hót (vợ chồng mới cưới chưa có con tên là Hót) như là một “đặc sản” của O Ninh. Bài vè rất dí dỏm, kể lại câu chuyện: Thấy anh Hoe tích cực tham gia công tác dân quân du kích, thường vắng nhà, chị Hoe nghi ngờ, ghen tuông nên bê trễ việc nhà, vợ chồng mâu thuẫn xô xát. Nhờ: Dân làng đúc kết/ Phân tích chi li/ Ông đang còn điểm ni/Là hay đánh vợ/ Từ nay thì chớ/Đập vợ thì đừng/ Bà cũng đừng hành hung/ Nói lung tung, xấu xí/Một tí nói cho to/Con kiến nói con bò/ Không trách chi người ta cho là quá quắt”, nên: Hai bên ngon ngọt/ Ổn thỏa gia đình/Vợ chồng đồng tình/ Thi đua sản xuất. Người viết bài này thuở chăn trâu đã từng hơn một lần lội đồng xuống làng Xuân Thượng nghe O Ninh kể vè Vợ chồng bà Hoe Hót và thuộc bài vè này cho đến nay.
O Ninh mất đã hơn hai chục năm. Ông Khoan cho biết, trước hôm mất, như có linh tính, O gom tất cả những vở cùng bút và mấy tấm hình của mình đem đốt hết. O ra đi nhẹ nhàng, thanh thản, không trăn trối và cũng chẳng để lại một kỷ vật gì, như không muốn ai nhớ về một cuộc đời nhiều thiệt thòi nhưng luôn khát khao đem lại niềm vui cho người khác. Ông Khoan lấy khăn lau nước mắt nói: “Nhiều người đưa tiễn O lắm. Người làng bên, xã bên, nghe tin O mất cũng đến tiễn đưa. Nhiều người thắp hương trước mộ O, đọc những bài thơ, bài vè của O, nhất là bài Vợ chồng bà Hoe Hót”.
PHAN XUÂN LUẬT