Chị luôn ước có sức khỏe tốt để đi đến mọi miền đất nước. Chiếc máy ảnh như người bạn thân thiết giúp chị lưu giữ cảm xúc khi bắt gặp những khoảnh khắc đẹp trong cuộc sống hàng ngày với những góc nhìn đầy nữ tính.
Chị cũng yêu sân khấu và thích chụp ảnh sân khấu. Đặc biệt với chị, hình ảnh người phụ nữ và trẻ em luôn là nguồn cảm hứng. Chị là nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Nguyễn Hồng Nga, đang công tác tại Tạp chí Thế Giới Ảnh (TP Hồ Chí Minh).
Tác phẩm “Quan họ đêm trăng” của Hồng Nga
MÁY ẢNH VÀ SÂN KHẤU
Chuyện chị Hồng Nga trở thành nhà nhiếp ảnh rồi nhà báo cũng là nhân duyên. Năm 1984, chị thi đậu vào Trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (TP Hồ Chí Minh), lớp Đạo diễn sân khấu. Do xinh đẹp, Hồng Nga được mời làm “người mẫu” cho những tác phẩm ảnh nghệ thuật của nhiều tay máy chuyên nghiệp vẫn thường tới trường để chụp những vở diễn, diễn viên. Rồi chị được nhiếp ảnh gia Trần Xán Vinh hướng dẫn chụp ảnh. Đến mùa thực tập đạo diễn, sẵn dịp Hồng Nga muốn thử tài chụp ảnh của mình bằng cách ôm máy đi ghi hình ở các sân khấu. Ở đó, chị gặp nhà biên kịch - nhà báo Ngọc Linh, Tổng Biên tập Báo Sân Khấu (TP Hồ Chí Minh) và ông mời chị cộng tác. “Nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề. Vậy là năm 1990, tôi trở thành phóng viên ảnh Báo Sân khấu. Tôi đến với sân khấu không chỉ để tác nghiệp mà còn vì đam mê, chị Hồng Nga tâm sự.
Đam mê sân khấu, Hồng Nga “bắt” được thần thái diễn viên, tâm lý nhân vật và những khoảnh khắc “đắt giá”… 10 năm sau, chị tổ chức một triển lãm ảnh độc đáo và ra mắt tuyển tập ảnh 10 năm sân khấu trong tôi. Hồng Nga nói, đó là sự kiện lớn trong cuộc đời chị và đây cũng là lần đầu tiên có một nhà nhiếp ảnh đứng ra chụp ảnh chuyên đề sân khấu. Chị chia sẻ: “Từ sân khấu cải lương, kịch, múa, hài, thời trang, thi hoa hậu..., một đêm tôi có thể bấm máy ở 2-3 sô diễn. Liên tục nhiều năm, tôi có một số lượng ảnh khổng lồ. Tôi không trực tiếp đứng trên sân khấu nhưng làm công việc phản ánh phía hậu trường để tôn vinh các nghệ sĩ, các vở diễn là thỏa niềm đam mê”. Năm 2003, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga được công nhận kỷ lục “Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất Việt Nam”.
Cũng trong năm đó, chị về công tác tại Tạp chí Thế Giới Ảnh. Rong ruổi chụp ảnh phong cảnh, phóng sự, chân dung, thời trang, thể thao, hội họa... nhưng với chị, ảnh sân khấu vẫn là đam mê lớn. Vậy là Hồng Nga tiếp tục tổ chức 2 triển lãm Nghệ sĩ và vai diễn trên sân khấu tuồng và Múa rối nước cổ truyền. Không chỉ chụp ảnh múa rối nước ở miền Nam, Hồng Nga ra Bắc chụp ảnh múa rối nước truyền thống, trưng bày 50 bức ảnh màu nghệ thuật giới thiệu những tiết mục như Bật cờ Hội, Chú Tiểu giáo trò, Múa rồng, Em bé chăn trâu thổi sáo, Cày cấy, Câu ếch…
Hồng Nga thổ lộ: “Càng đi càng thấy vui khi chụp lại cảnh đẹp của đất nước”. Nhìn các tác phẩm đoạt giải của Hồng Nga như: Tuổi xuân, Bức tranh quê ngoại, Giúp mẹ, Thiếu nữ, Duyên quan họ, Sau giờ học, Khát vọng tự do, Nghề truyền thống…, ai cũng có thể cảm nhận được tình cảm mà chị dành cho giới nữ và những mầm non của đất nước.
LÀM NGHỆ THUẬT GẮN VỚI TỪ THIỆN
Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Hồng Nga là Ủy viên BCH Hội Nhiếp ảnh TP Hồ Chí Minh phụ trách nhiếp ảnh nữ toàn thành phố, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Hải Âu - nơi hội tụ các tay máy nữ hàng đầu Việt Nam. Ngoài việc duy trì, củng cố hoạt động, xây dựng một sân chơi thú vị, giúp nhau nâng cao chuyên môn, khả năng sáng tác, chị còn thể hiện trách nhiệm đối với xã hội thông qua các hoạt
động của CLB, như trích số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm ảnh nghệ thuật, sách ảnh để gây quỹ từ thiện hàng năm, góp phần chia sẻ khó khăn với những người bất hạnh, nạn nhân chất độc da cam...
Năm 2007, Hồng Nga vận động các nghệ sĩ ở hai giới nhiếp ảnh và hội họa tổ chức chung một triển lãm, in sách ảnh và tranh mang tên Sức sống Việt Nam để bán lấy tiền gây quỹ giúp đỡ người nghèo. Năm 2009, có 44 nhà nhiếp ảnh tham gia Sức sống Việt Nam 2. Hồng Nga tâm sự: “Tôi hy vọng Sức sống Việt Nam sẽ nhắc mọi người nhớ đến các hoạt động vì người nghèo của những nghệ sĩ không giàu tiền nhưng rất giàu tình”. Tổng kết cuộc triển lãm ảnh và ra mắt tập sách Sức sống Việt Nam, nhóm của chị thu được 32 triệu đồng và đã trao tặng số tiền trên cho người nghèo, trẻ em tàn tật.
Chị còn tham gia nhiều hoạt động từ thiện khác, đầu tiên là huy động sự đóng góp để giúp đỡ những nhà nhiếp ảnh có hoàn cảnh khó khăn, tiếp đến là hỗ trợ, tiếp sức cho học sinh vùng sâu, hải đảo. Hồng Nga nói rất chân thành: “Đó là tấm lòng của Nga và anh em nghệ sĩ. Tôi có hai sở thích trong đời là làm báo và làm từ thiện”.
TRUYỀN LỬA ĐAM MÊ
Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Hồng Nga
Ở tuổi 50, trông Hồng Nga rất mặn mà. Có hôm thì mặc đầm, hôm thì mặc áo bà ba, khi thì mặc áo kiểu duyên dáng, nhưng chưa bao giờ chị rời chiếc máy ảnh. Ngày văn nghệ sĩ, báo chí các tỉnh phía nam về Chiến khu Đ (Đồng Nai), trong khi những tay máy khác loay hoay với đám đông, chị chọn góc máy rất nhanh và cho ra đời những tác phẩm đẹp cả bố cục lẫn nội dung và ánh sáng. Nhà báo Đào Đức Tuấn ở Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên nhận xét: “Tố chất của một nhà báo, nhà nhiếp ảnh giúp chị gần gũi với mọi người. Nghe chị hát, chị hòa mình với bạn bè, nhìn chị chụp ảnh… mới hiểu được niềm đam mê của chị”.
Hồng Nga bảo: “Nhiếp ảnh là phương tiện để tôi chia sẻ cảm xúc vui buồn, trăn trở của mình trước hiện thực cuộc sống. Phải luôn tìm hiểu khuynh hướng sáng tác và làm sao ghi lại tất cả các hình ảnh mà mình cảm nhận. Chúng ta du lịch mà từ năm này qua năm nọ cứ đến một chỗ thì sẽ chán, nhưng nếu đến đó nhiều lần để chụp ảnh thì vẫn thấy thích vì không gian, bối cảnh, con người… ở đó thay đổi, ta bắt gặp những khoảnh khắc, cảm xúc khác biệt”.
Hồng Nga cho rằng, phong cách của nhà báo nhanh nhạy nên chọn góc máy nhanh, bấm máy kịp thời để lưu lại những khoảnh khắc vàng. Chị thích thú với những bức ảnh vừa có thông tin vừa mang tính nghệ thuật hơn là ảnh thiên về nghệ thuật. Chị tự hào: “15 tay máy nữ ở CLB Nhiếp ảnh Hải Âu có chung sở thích và tình yêu với nghệ thuật nhiếp ảnh. Để có những bức ảnh đẹp, sống động, các thành viên CLB phải trải qua biết bao gian khó, nguy hiểm. Qua 22 năm bền bỉ, chịu thương chịu khó, chúng tôi đã chắt chiu kinh phí, thời gian và cả sức lực cho những chuyến đi sáng tác ảnh xa trên nhiều vùng miền của Tổ quốc, lưu giữ những khoảnh khắc đẹp. CLB đã 2 lần xuyên Việt bằng xe máy trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Hầu hết các thành viên CLB là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó có hơn một nửa số thành viên là nghệ sĩ nhiếp ảnh FIAP, nghệ sĩ ưu tú FIAP. CLB đã đoạt trên 100 giải thưởng trong nước và quốc tế”. Bản thân chị đã tích lũy được một kho ảnh độc đáo về con người, cảnh đẹp và sản vật quê hương. Cái tên Hồng Nga có mặt ngày càng nhiều trên danh sách giải thưởng trong nước và quốc tế.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh - nhà báo Hồng Nga chia sẻ: Để có được bức ảnh đẹp, người chụp ảnh phải say mê, trăn trở và ấp ủ cho “đứa con” của mình. Gắn bó với nhiếp ảnh, tạo cuộc chơi lành mạnh, tư duy trong sáng sẽ làm mình khỏe mạnh, trẻ trung, yêu đời. Sau khi chụp được ảnh đẹp, mình là người đầu tiên chiêm ngưỡng, sau đó nếu được người khác xem hay đoạt giải thì niềm vui nhân lên.
Và để truyền ngọn lửa đam mê cho đàn em, mới đây, các thành viên trong CLB Nhiếp ảnh Hải Âu đã thành lập Trung tâm Nhiếp ảnh Sáng Tạo (quận 1, TP Hồ Chí Minh) nhằm giảng dạy về kỹ thuật nhiếp ảnh. Còn Hồng Nga cũng chưa bao giờ ngần ngại truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng cầm máy cho những người yêu nhiếp ảnh.
22 năm cầm máy, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nga đoạt hơn 30 giải thưởng ảnh nghệ thuật trong nước và quốc tế. Ngoài việc tham gia các cuộc triển lãm ảnh trong và ngoài nước, chị còn cho ra đời các sách ảnh nghệ thuật hằng năm cùng với CLB Nhiếp ảnh Hải Âu. Không chỉ có một Hồng Nga của nhiếp ảnh, mà còn có một Hồng Nga của thơ, của họa. Chị có tập thơ Mơ trăng năm 2007, tham gia triển lãm tranh nhiều lần với nhóm Hương Cỏ… Chị nói: Thơ, họa đã giúp chị trải lòng với những gì không thể nói bằng ảnh.
DƯƠNG THU THỦY