Chủ Nhật, 06/10/2024 11:26 SA
Xa vời vợi “cửa” vào… nghề giáo
Thứ Bảy, 22/09/2012 14:00 CH

Bao năm nhọc nhằn cơm cha, áo mẹ, công thầy để “dùi mài kinh sử”, vậy mà hàng ngàn cử nhân đại học, cao đẳng sư phạm ở Phú Yên ra trường đã thất nghiệp. Họ “vác” hồ sơ đi xin việc khắp nơi nhưng vẫn bất thành, và cánh cửa vào nghề giáo viên mỗi lúc càng xa vời vợi! Nhiều, rất nhiều người trong số họ đành gác bỏ ước mơ đứng trên bục giảng sau bao năm đèn sách, để rồi “ôm” tấm bằng đại học với nỗi buồn nẫu ruột nẫu gan khi phải kiếm sống trên đồng quê, sông nước, nương rẫy…

 

dai-hoc120922.jpg

Hàng ngàn sinh viên ngành sư phạm Trường đại học Phú Yên sẽ về đâu? (ảnh chỉ có tính minh họa) - Ảnh: L.PHONG

Thầy ơi, năm học này có tuyển dụng giáo viên dạy văn không? Thưa thầy còn bán hồ sơ xin việc không? Thầy cho con nộp hồ sơ xin việc... Căn phòng công sở trở nên ồn ào, chật chội khi có quá nhiều cô, cậu cử nhân sư phạm đến “thử vận may” tìm việc làm. Có cả sinh viên tốt nghiệp đại học ở các tỉnh khác đến nộp hồ sơ xin việc, nhưng bị từ chối. Ông Nguyễn Ngọc Đa, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GDĐT Phú Yên, cho biết: “Năm nào cũng vậy, có khoảng 700-800 sinh viên ra trường nộp hồ sơ xin việc tại sở. Tội nghiệp, có hàng trăm em vất vả nhiều năm liền để theo đuổi nghề giáo, nhưng vì số lượng giáo viên đã “bão hòa” và chỉ tiêu tuyển dụng quá ít nên đành chịu. Năm học này đã nhận trên 500 hồ sơ, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng chỉ có 31 giáo viên THPT ở các môn Địa lý, Anh văn, Tin học, Thể dục và Giáo dục quốc phòng”. Ông Đa lắc đầu ngao ngán khi nhìn từng đống hồ sơ xin việc ngày càng dày cộm, chất chồng trên bàn. Thực tế, sinh viên sư phạm ra trường đi xin việc làm nhiều năm và chờ dài cổ vẫn không thấy nơi nào thiếu chỉ tiêu là chuyện thường ngày. Song, với một địa phương như Phú Yên nhưng có đến gần 3.000 sinh viên ngành sư phạm từ trung cấp mầm non đến đại học tốt nghiệp ra trường không có việc làm là điều đáng báo động!

 

10 NĂM “GÕ CỬA” XIN VIỆC

 

Chiều. Trong ngôi nhà nhỏ bên con đường nhỏ, ngoằn ngoèo ở phường 2 (TP Tuy Hòa), Phan Thị Tuyết Trang đưa tôi xem tấm bằng tốt nghiệp khoa Tổng hợp văn Trường đại học Đà Lạt, và văn bằng học chuyên ngành sư phạm năm 2002. Trang chua chát nói: “Bằng cấp đã cũ kỹ quá rồi anh ạ, vậy mà ước mơ được làm cô giáo vẫn chưa trở thành hiện thực. Tôi mang hồ sơ xin việc đi “gõ cửa” từ tỉnh đến các huyện đồng bằng, lên cả vùng núi xa xôi, nhưng tất cả chỉ trả lời: Chưa có chỉ tiêu giáo viên văn, mong cô chờ! Và tôi đã chờ, chờ suốt 10 năm qua mà vẫn không bước chân được vào nghề giáo. Tôi đã thử đi tìm một số công việc khác, chẳng hạn như nghề báo, nhưng đều không thích hợp, vẫn đang thất nghiệp…”. Sinh ra trong một gia đình có đến 10 anh chị em, cuộc sống chồng chất khó khăn, Trang gắng sức học với ước mơ trở thành cô giáo. Vậy mà… Trang bảo nhiều bạn học cùng lứa tuổi như Tường Vy, Thương, Tiến, Tuấn… cũng tốt nghiệp đại học sư phạm trong năm 2002 và “rải” hồ sơ xin việc khắp nơi. Nhưng tới giờ họ vẫn thất nghiệp, vẫn sống nhờ cha mẹ hoặc chuyển sang làm nghề nông ngư, chứ không thể chen chân vào được môi trường sư phạm tại quê nhà…

 

Cám cảnh, xót xa khi có quá nhiều gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa phải vay mượn từng đồng lo cho con cái đi xa học đại học, nhưng ra trường không có việc làm, không trả được nợ nần. Theo phòng Giáo dục các huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, cũng từ năm 2002 đến nay, có biết bao sinh viên sư phạm ở miền núi ra trường bị thất nghiệp. Nhà ở bên cạnh Trường cấp 2-3 Xuân Phước, ngày qua ngày, Nguyễn Thị Linh (xã Xuân Phước, Đồng Xuân) ra ngõ nhìn các em đến trường mà lòng khao khát cháy bỏng được làm cô giáo đứng dạy trên bục giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh. Linh đã tốt nghiệp ngành Sinh học Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định) và đã chạy tìm việc suốt 2 năm rồi. “Cha mẹ quanh năm tảo tần ruộng rẫy, vay mượn để lo cho tôi học đại học, những tưởng ra trường về quê sẽ được rộng cửa đón chào. Nhưng giờ thì cha em thất vọng lắm vì con cái thất nghiệp và đối mặt với nỗi lo cơm áo. Buồn không thể tả, anh ạ!” - Linh tâm sự. Ở xã miền núi Xuân Phước có đến cả chục trường hợp như Linh, nhiều người quá nản lòng đã bỏ quê vào các thành phố lớn để tìm việc. Cũng tốt nghiệp đại học ngành Sinh học như Linh, Huỳnh Thị Thanh Thúy không cam chịu “chôn chân” tại quê nhà, đã vào TP Hồ Chí Minh hợp đồng dạy toán tiểu học tại trường của Công ty Giáo dục Hồng Hải (quận 10) với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Ông Huỳnh Khanh, cha Thúy, bức xúc nói: “Lo chuyện học hành cho con cái đã vất vả, nhưng đến khi ra trường lo xin việc làm lại càng vất vả hơn. “Thân gái dặm trường”, tôi không muốn con đi làm trái chuyên môn ở xa, nhưng cũng bất lực!”.

 

“KHỦNG HOẢNG THỪA”, VẪN Ồ ẠT ĐÀO TẠO

 

Hiện tượng “khủng hoảng thừa” sinh viên sư phạm ra trường ở Phú Yên đang gióng lên hồi chuông báo động. Thế nhưng, điều lạ là con em ở đây vẫn háo hức, ồ ạt thi vào sư phạm, nhất là học tại Trường đại học Phú Yên. Năm học mới này, nhà trường tăng chỉ tiêu tuyển sinh lên đến 1.800 sinh viên (năm trước chỉ 1.430 chỉ tiêu). Hơn 70% sinh viên đều đăng ký học đại học, cao đẳng ngành sư phạm. Thực tế, theo ông Trần Lăng, Trưởng phòng Đào tạo Trường đại học Phú Yên, trong năm học 2011-2012, Trường đại học Phú Yên có 2.707 sinh viên ở các trình độ và loại hình đào tạo, trong đó sinh viên là người Phú Yên chiếm hơn 65%. Riêng khối ngành sư phạm có đến 2.075 sinh viên, chiếm 76,65%; chỉ có 15 sinh viên (chiếm 0,56%) học ngành khoa học tự nhiên; 104 sinh viên (chiếm 3,85%) theo học các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp… Thạc sĩ Nguyễn Trần Vũ, giảng viên lâm nghiệp Trường đại học Phú Yên, chua chát nói: “Một tỉnh phát triển kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỉ trọng lớn như Phú Yên nhưng sinh viên đăng ký học các ngành nghề nông, lâm, ngư nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay! Còn đầu vào sinh viên ngành sư phạm thì không bao giờ thiếu!”

 

Khi tôi hỏi hàng ngàn sinh viên sư phạm đã ra trường rất khó xin được việc làm, nhưng vì sao nhiều bạn trẻ đều lựa chọn học ngành sư phạm tại Trường đại học Phú Yên, Bùi Thị Thúy Hằng ở phường Xuân Đài (TX Sông Cầu), sinh viên cao đẳng sư phạm tiểu học, bộc bạch: “Chúng em hoàn toàn không nắm được thông tin đó. Chỉ biết trường này thi dễ đậu, học sư phạm lại ít tốn kém chi phí cho cha mẹ nên cứ học, chứ không biết tương lai thế nào”. Lâu nay, Trường đại học Phú Yên đào tạo số lượng lớn sinh viên sư phạm và đáp ứng được nhu cầu sinh viên “có bằng đại học, cao đẳng” trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa hề có khảo sát về tỉ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Sinh viên ra trường tự đi tìm chỗ dạy, chứ ngành giáo dục Phú Yên cũng không có trách nhiệm tuyển dụng, phân bổ nơi công tác cho sinh viên tốt nghiệp ở Trường đại học Phú Yên. Còn các địa phương trong tỉnh thì cũng không mấy “mặn mà” tuyển dụng sinh viên Trường đại học Phú Yên. Thầy Nguyễn Huy Vị, Phó hiệu trưởng Trường đại học Phú Yên, thừa nhận: “Vẫn biết thực tế nhiều sinh viên ra trường không được tuyển dụng, nhưng vì có nhiều thí sinh dự thi, nhiều nhu cầu học sư phạm thì nhà trường cứ tuyển và đào tạo. Nhà trường có đầy đủ các ngành đào tạo sử học, văn học, tin học, nông - ngư… nhưng có mấy em chịu học đâu?” Trong khi đó, theo ông Trần Khắc Lễ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Phú Yên, rõ ràng đang nảy sinh sự bất cập, mất cân đối lớn giữa đào tạo và tuyển dụng sinh viên sư phạm ra trường. Từ 5-7 năm nay, số lượng học sinh ở các bậc phổ thông không tăng và nhu cầu giáo viên trong tỉnh đã bão hòa. Do vậy, hàng năm chỉ tuyển dụng vài chục giáo viên THPT, chỉ ưu tiên nhận những em có bằng thạc sĩ, tốt nghiệp đại học loại giỏi, con em gia đình chính sách, thương binh để thay thế cho giáo viên nghỉ hưu. Thêm nữa, chế độ cử tuyển giáo viên miền núi cũng không thực hiện, trong khi số lượng đào tạo sinh viên ra trường quá lớn, dẫn đến cung đã vượt xa cầu!

 

* * *

 

Chiều tan trường. Hàng ngàn sinh viên sư phạm Trường đại học Phú Yên túa về những nơi ở trọ. Nhiều sinh viên nghèo phải tìm việc làm thêm ở các quán cà phê, nhà hàng… Tương lai các em sẽ đi về đâu, khi đã có hàng ngàn sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp? Cần phải có giải pháp “tháo gỡ” tình trạng con em thiếu định hướng nghề, đổ xô đi học cao đẳng, đại học sư phạm và giải quyết căn cơ sự phung phí, lãng phí nguồn nhân lực lớn trí thức sư phạm tồn tại dai dẳng trong suốt thời gian dài.

 

LƯU PHONG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Về miền hang động
Thứ Bảy, 15/09/2012 14:00 CH
Luyện võ nơi cửa Phật
Thứ Bảy, 08/09/2012 15:00 CH
Chuyện O Ninh
Thứ Bảy, 01/09/2012 18:00 CH
Cánh chim không mỏi
Thứ Bảy, 25/08/2012 18:00 CH
Khánh kiệt vì tai nạn giao thông
Thứ Bảy, 18/08/2012 14:00 CH
Trường Sa mùa … thay quân
Thứ Bảy, 11/08/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek