Chủ Nhật, 06/10/2024 11:22 SA
Trường Sa mùa … thay quân
Thứ Bảy, 11/08/2012 14:00 CH

Như một lời hẹn ước với đồng đội ở phía mặt trời, cứ vào dịp cuối tháng 7 và tháng 8 hàng năm khắp quần đảo Trường Sa lại rộn ràng mùa… thay quân. Xuất phát từ cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), những chuyến tàu hăm hở đưa tân binh lên đường ra đảo nhận nhiệm vụ và đón những người lính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về đất liền.

 

Linh-dao-TS120811.jpg

Nơi cột mốc chủ quyền - Ảnh: X.HIẾU

 

QUÂN CẢNG… CUỐI THÁNG 7

Mặc dù kế hoạch hơn 16 giờ mới xuất phát, nhưng mới 13 giờ không khí nhộn nhịp, sôi động khắp cầu cảng. Chiều ở Quân cảng Cam Ranh không chỉ có những người lính trong quân phục nghiêm trang, chỉnh tề chuẩn bị lên đường, mà còn có những người thân đến chia tay, tạm biệt các anh. Nhiều mẹ, nhiều chị đến từ rất sớm để được nhìn ngắm người thân của mình trước giờ lên đường. Ở đó còn có các chàng trai cô gái trong màu áo xanh tình nguyện, với nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt tươi vui đến tặng hoa, trao quà động viên những người lính trẻ. Tiếng nói cười xen lẫn khắp nơi. Xen lẫn trong niềm hân hoan đó là những giọt nước mắt bịn rịn, lưu luyến của những người vợ, người em… rất tình người. Trong tiếng sóng vỗ ì ầm từ mọi phía, những người lính tất bật với hành trang là những chiếc ba lô và đang hối hả bốc xếp đưa hành lý, hàng hóa lên tàu. Ở một góc nhỏ khác các chàng trai và cô gái tranh thủ hát cho nhau nghe những ca khúc về quê hương, đất nước, về biển cả yêu thương… của giờ phút chia tay giữa người đi và người ở lại. Những người lính ra với đảo Trường Sa mang tâm trạng thật lạ, vừa bùi ngùi vừa háo hức như đang chờ đợi điều gì đó trong chuyến ra khơi, nhất là các chiến sĩ trẻ tuổi mới mười tám đôi mươi. Trung sĩ Lê Ngọc Ánh (SN 1993, quê ở Quảng Xương, Thanh Hóa) chia sẻ: “Tôi rất vui khi được ra Trường Sa công tác, đó là niềm vui và hạnh phúc to lớn không chỉ đối với bản thân mà cả gia đình tôi. Trước đây tôi chỉ biết đến Trường Sa qua sách, báo, đài, nhưng giờ đây tôi sắp được đặt chân đến với vùng đất xa xôi, yêu thương này. Tôi quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo để không phụ niềm tin của ông bà, cha mẹ dành cho tôi”. Ánh còn cho biết, anh là con trai cả và duy nhất trong gia đình có bốn anh em. Ánh vừa hoàn thành xong khóa huấn luyện Khẩu đội trưởng và tình nguyện viết đơn ra công tác ở Trường Sa.

CẢM XÚC TRÀO DÂNG

Chuyến hải trình lần này trong điều kiện thời tiết không thuận lợi. Gió mạnh kèm theo sóng cao từ 3 đến 4 mét, làm nhiều người say sóng, mệt nhừ không ăn uống được trong suốt chặng đường dài. Vất vả nhất là những tân binh lần đầu ra công tác ở đảo, chưa có kinh nghiệm trong đi biển và chống say sóng. Tuy nhiên, bằng tình thương yêu và sự sẻ chia họ được các thủy thủ trên tàu và đồng đội quan tâm, chăm sóc từ bữa ăn hàng ngày trong suốt chặng đường dài.

Sau hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu HQ - 936 đến đảo Trường Sa Lớn, mọi ánh mắt cùng hướng về hòn đảo xinh đẹp nằm giữa đại dương bao la. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người. Do thời tiết xấu, sóng to nên tàu không cập được cầu cảng, anh em phải vào đảo bằng xuồng chuyển tải. Xuồng cập cầu cảng, người nào cũng ướt sũng, mệt nhừ. Nhưng đặt được chân lên đảo, cảm giác vui sướng dâng trào trong lòng mọi người. Trong niềm hân hoan, thiếu tá chuyên nghiệp Đinh Văn Sáu - Trạm ra đa 11 giãi bày: “Đây là lần thứ hai tôi ra công tác ở Trường Sa. Chuyến hải trình tuy vất vả nhưng khi đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn cảm giác mệt mỏi đã tan biến. Đảo Trường Sa Lớn giờ đã thay đổi quá nhiều so với 10 năm về trước khi tôi ra đây lần đầu. Đảo đẹp và lộng lẫy hơn, nhiều công trình mới được xây dựng. Tất cả tạo cho đảo bộ mặt hoàn toàn khác, bình yên và ấm áp”.

Thật vậy, nếu ai đó được vinh dự một lần đặt chân đến với đảo Trường Sa Lớn - “Thủ đô” của huyện đảo sẽ cảm nhận như đang sống ở giữa một làng quê Việt Nam thanh bình. Đặc biệt, những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, Trường Sa hôm nay có hệ thống năng lượng sạch góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân dân trên đảo. Đảo có Nhà khách “Thủ đô”, Nhà văn hóa được xây dựng bề thế và các công trình tâm linh như: Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chùa Trường Sa Lớn, Đài liệt sĩ với kiến trúc đẹp không kém gì ở đất liền; có các hộ dân và trường học dành cho các “công dân nhí” ở Trường Sa; có hệ thống thông tin liên lạc thông suốt đã rút ngắn được khoảng cách với đất liền.

tau120811.jpg

Do sóng lớn, tàu không thể cập cầu cảng, bộ đội phải vào đảo bằng xuồng chuyển tải - Ảnh: C.PHÁP

NỖI NIỀM NGƯỜI ĐẾN, NGƯỜI ĐI

Như một vòng quay khép kín, Trường Sa đón những đứa con thân yêu ra đảo, đồng thời chia tay các cán bộ, chiến sĩ - những người đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để về với đất liền. Trung sĩ Nguyễn Đình Ninh (Trạm ra đa 11, quê ở Kim Thành, Hải Dương), chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự chuẩn bị vào bờ tâm sự: “Nhanh thật anh à! Mới đó đã gần hai năm trôi qua. Tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều so với ngày đầu nhập ngũ và đặt chân lên đảo. Những kỷ niệm ở Trường Sa mãi luôn trong tôi. Sau khi ra quân về địa phương tôi sẽ phát huy phẩm chất “Người chiến sĩ Phòng không - Không quân ưu tú” và bản lĩnh của người lính Trường Sa để tiếp tục học tập, cống hiến cho quê hương, đất nước”. Cùng chung suy nghĩ đó, với ánh mắt đượm buồn vì sắp xa đồng đội, thiếu tá chuyên nghiệp Lê Văn Huyên, người có thâm niên ở đảo lâu nhất của Trạm ra đa 11 giãi bày: “Mình ra đảo đây là lần thứ ba. Nếu tính thời gian thì đã hơn 5 năm công tác ở Trường Sa, đã chứng kiến bao sự đổi thay của vùng đất này. Biết vậy, nhưng cứ mỗi lần chia tay đảo mình vẫn có cảm giác lưu luyến, bịn rịn thế nào ấy”. Khi được hỏi, “vậy anh có nguyện vọng ra Trường Sa công tác nữa không?”, anh Huyên cười tươi: “Khi Tổ quốc cần thì mình sẵn sàng. Được công tác ở Trường Sa là niềm vinh dự và hạnh phúc của bất kỳ người lính nào”.

Giờ phút sắp chia tay anh em lên tàu, một cảm giác thật xúc động và lưu luyến khó tả. Người nào cũng nghèn nghẹn ở cổ họng không nói nên lời, quyến luyến không muốn rời xa đảo. Bởi một lẽ giản đơn: Trường Sa đã ngấm vào trái tim, khối óc và máu thịt của các anh - những người lính đảo.

 

Nắng sớm ban mai tràn trề khắp bề mặt đảo, trong không gian bao la giữa trời biển mênh mông, dưới lá cờ Tổ quốc thiêng liêng đang tung bay phất phới bên cột mốc chủ quyền. Những tân lính đảo với khuôn mặt rạng ngời và niềm tin sắc đá. Ai cũng tự hào và hứa sẽ đoàn kết, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn; kiên quyết bám đảo, bám biển để xây dựng Trường Sa “mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường”, xứng đáng là “Thủ đô” của huyện đảo và niềm tin yêu của nhân dân cả nước. Thế hệ hôm nay sẽ tiếp nối thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

TRƯƠNG CÔNG PHÁP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đến thôn “9 hóc”
Thứ Bảy, 04/08/2012 14:00 CH
Người hùng trên đảo Đá Tây
Thứ Bảy, 04/08/2012 08:43 SA
Về chiến khu Đ
Chủ Nhật, 29/07/2012 14:00 CH
Một ngày “đi K”
Thứ Bảy, 21/07/2012 08:00 SA
Nghĩa trang hài nhi và tình người
Thứ Bảy, 14/07/2012 14:00 CH
Tình người vượt đại dương
Thứ Sáu, 13/07/2012 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek