Thứ Hai, 25/11/2024 14:53 CH
Phố mây
Thứ Bảy, 26/05/2012 14:00 CH

Có nhiều mỹ từ dành cho Tam Đảo - điểm nghỉ mát nổi tiếng ở miền Bắc. Thị trấn chênh vênh trên núi cao, với những ngôi nhà, hàng cây ẩn hiện trong mây. Chính mây đã tạo Tam Đảo vẻ đẹp vừa thơ mộng vừa huyền hoặc.

Tam-Dao120526.jpg

Một góc Tam Đảo nhìn từ Cổng Trời - Ảnh: P.TRÀ

Vào google gõ hai chữ Tam Đảo, bạn sẽ có ngay những thông tin cần thiết cho chuyến đi đến thị trấn trong mây: cách Hà Nội 86km, đi ôtô khoảng hai giờ là đến TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc), sau đó đi thêm một giờ nữa, vượt qua 24km trong đó có hơn 10km đèo dốc là đến thị trấn Tam Đảo thuộc huyện Tam Đảo. Những con số khô khan không thể giúp bạn hình dung sự thú vị của chuyến đi, cho đến khi chiếc xe của bạn lên đèo. Con đường quanh co và khá vắng vẻ, hai bên chập chùng thông, ra rả tiếng ve. Càng lên cao con đường càng uốn lượn, và bạn bỏ lại phía sau cảm giác oi bức của mùa hè miền Bắc để cảm nhận cái lạnh dịu dàng lướt nhẹ trên làn da. Nếu lên Tam Đảo khi ngày đã tắt, từ lưng chừng núi, bạn sẽ thấy TP Vĩnh Yên lung linh trong biển đèn. Và rồi, sau khi xe lượn qua những khúc cua cánh chỏ, bạn ngỡ ngàng gặp Tam Đảo hiện ra giữa bát ngát trời mây.

Ở độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, thị trấn xinh đẹp thuộc tỉnh Vĩnh Phúc - một trong hai khu nghỉ mát nổi tiếng ở miền Bắc - không sầm uất, cũng không rực rỡ sắc màu văn hóa của người bản địa như Sa Pa ở Lào Cai. Tam Đảo như một cô gái mơ màng.

Bà mẹ thiên nhiên đã quá ưu ái thị trấn rộng hơn 250ha nằm trên ngọn núi có ba đỉnh: Thạch Bàn, Thiên Nhị và Phù Nghĩa, nhô lên như ba hòn đảo giữa biển mây. Người ta nói một ngày nơi đây hội đủ bốn mùa, buổi sáng Tam Đảo có vẻ đẹp dịu dàng của mùa xuân, trưa hây hây nắng gợi nhớ mùa hạ, dù tiết trời vẫn mát mẻ, chiều về gió đưa đẩy hơi thu và khi đêm đến, nhiệt độ xuống thấp hơn như thể đã vào đông, khách từ dưới đồng bằng lên khó lòng ra phố nếu không choàng thêm chiếc áo khoác.

*

* *

Nhà sáng tác Tam Đảo nằm ở lưng chừng dốc. Đấy là một tòa nhà đơn giản, được xây dựng từ năm 1994 với 16 phòng. Mỗi năm nơi này đón từ 12-15 đoàn văn nghệ sĩ đến từ hội Văn học Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trong nước và từ các hội chuyên ngành trung ương. Có vẻ như con số 15 rất được ưa thích, khi Trung tâm Hỗ trợ sáng tác (Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch) quy định mỗi đoàn 15 người và thời gian mở trại sáng tác là 15 ngày. Trong 15 ngày đó, văn nghệ sĩ tách mình ra khỏi công việc cơ quan, gia đình, chuyên tâm sáng tác văn học nghệ thuật. Việc “hậu cần” ở nhà sáng tác đã có 15 nhân viên lo (cũng là 15).

Những người làm việc tại Nhà sáng tác Tam Đảo đến từ các tỉnh thành miền Bắc: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Phú Thọ… Đầu bếp là một anh chàng trẻ măng thuộc thế hệ 8X, người Phú Thọ. Có một số người là dân Vĩnh Phúc như anh Đỗ Quảng Chung, làm việc tại tổ Hành chính. Anh Chung ở Vĩnh Yên, nhà cách nơi làm việc 25km. Còn Hoàng Minh Nguyệt, cô gái có nụ cười tươi ở tổ Phục vụ, quê Vĩnh Tường. Lên thị trấn này làm việc rồi lập gia đình, giờ Nguyệt trở thành người Tam Đảo. Hôm cho tôi đi nhờ xe xuống Vĩnh Yên, Nguyệt hỏi một câu làm tôi hơi ngạc nhiên: “Chị đã in mấy quyển sách rồi?”. Nguyệt bảo, cô thích đọc sách văn học và rất mê truyện của Nguyễn Ngọc Tư. “Trông chị ấy thật giản dị” - cô gái học ngành Du lịch nhận xét và kể rằng nữ nhà văn mà cô yêu mến đã từng đến Tam Đảo.

Phía sau nhà sáng tác, ngoại trừ mấy bụi hoa hồng, cây ngọc lan và mấy cây thông, còn lại là rau do nhân viên ở đây trồng để đưa vào bữa ăn của văn nghệ sĩ. Nhiều nhất là su su - cây trồng hết sức quen thuộc ở Tam Đảo. Đọt non mơn mởn, quất quýt trên giàn. Cứ ba ngày cắt một lần, ngày nào trong bữa ăn cũng có món đặc sản giản dị nhưng ngon miệng của thị trấn trong mây: đọt su su xào tỏi hoặc luộc.

Đi qua vườn, những bậc thang phảng phất dấu thời gian đưa ta xuống khu mới của nhà sáng tác: ngôi nhà 3 tầng được xây khá đẹp với 8 phòng, vừa đưa vào khai thác dịch vụ từ năm 2011. Từ đây, đi vài bước là đến quán cà phê. Giống như nhiều nơi khác, quán cà phê ở Tam Đảo không chỉ bán cà phê. Nhưng hãy cẩn thận hỏi giá cả trước khi dõng dạc kêu một thức uống nào đó. Bởi vì, một trái dừa ở đây được bán với giá 150.000 đồng!

Giá cả ở Tam Đảo phải nói là đắt đỏ. Người ta bảo vì đây là khu nghỉ mát. Mùa này, vào cuối tuần, những người có điều kiện ở Hà Nội đánh ôtô lên đây trốn nắng. Hơn nữa, đồ ăn thức uống ở Tam Đảo (trừ đọt su su) đều phải mua từ Vĩnh Yên, vượt đèo dốc đưa lên.

Nói vậy không có nghĩa là đến Tam Đảo chỉ ăn mỗi đọt su su. Món thịt heo Mán nướng khá ngon, cũng không quá đắt. Có điều người Bắc không hào hứng với ớt nên món thịt nướng luôn thiếu vị cay. Giản dị hơn cả là bắp nướng, khoai lang nướng, trứng nướng và đặc biệt là cơm lam. Buổi tối, trong cái lạnh se sắt, ta sà vào một quán nướng bên đường, nghe than hồng kêu tí tách và cảm nhận hơi ấm từ bếp lửa, cảm nhận mùi thơm dân dã từ những món nướng có khi quen có khi lạ. 

*

* *

Biet-thu-co120526.jpg

Biệt thự cổ trầm mặc trong mây - Ảnh: P.TRÀ

Thị trấn trên núi cao đẹp nhất là lúc sáng sớm và khi chiều buông. Buổi sáng, mây choàng lên những ngọn núi, hàng cây, ngôi nhà. Mặt trời không dễ dàng vén mây để rải từng vạt nắng nhẹ tênh lên cây cỏ. Buổi chiều, mây tấp nập kéo đến. Mở cửa ra ngoài lan can, thoáng chốc đã thấy mình bồng bềnh trong mây trắng. Mây ùa vào phòng. Qua những ô cửa sổ luôn mở toang một cách hào phóng, mây tràn ngập không gian sinh hoạt chung của nhà sáng tác. Từ phòng này nhìn sang phòng kia, đôi lúc chỉ thấy toàn mây!

Tam Đảo có nhiều nơi để khách du lịch thăm thú, như thác Bạc, đền Bà chúa Thượng ngàn, tháp truyền hình trên đỉnh Thiên Nhị… Ngay tại thị trấn cũng có một số địa điểm mà vẻ đẹp u tịch có thể làm du khách ngẩn ngơ. Đó là ngôi thánh đường được xây bằng đá vào năm 1937 theo kiến trúc Pháp. Những ô cửa nhiều màu lung linh trong nắng, nổi bật trên bức tường rêu phong in dấu xưa; những mái vòm cong cong, đẹp một cách giản dị và ấn tượng. Từ nhà thờ đá rẽ trái, đi một đoạn không xa lắm là đến Cổng Trời, nơi bạn có thể phóng tầm mắt nhìn xuống thị trấn với con đường quanh co ẩn hiện, những ngôi biệt thự cổ kính, những bức tường hoang phế đang chìm vào lãng quên.

Theo các tài liệu, khu nghỉ mát Tam Đảo được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ XX, với những ngôi biệt thự đẹp một cách tao nhã “chạy” trên các sườn núi, hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên. Giờ đây, qua bao thăng trầm dâu bể, nhiều biệt thự chỉ còn là phế tích với những bức tường rêu phong đổ nát. Nhiều tòa nhà mới mọc lên, song đáng tiếc là không ít tòa nhà được xây dựng như chiếc hộp, thiếu sự hài hòa với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng. Những tòa nhà kềnh càng ấy đã giảm bớt nét duyên của Tam Đảo.

Vì là khu nghỉ mát nên thị trấn trong mây có rất nhiều khách sạn và quán xá, có trường mẫu giáo, trường tiểu học và trung học cơ sở, có cả đồn công an. Nhưng bạn sẽ tuyệt vọng nếu muốn tìm nơi đặt máy rút tiền. Khi tiền mặt gần cạn, nếu không có xe riêng, bạn phải bắt taxi hoặc xe thồ đi hơn 20km xuống TP Vĩnh Yên tìm điểm rút tiền.

Khí hậu mát mẻ nên hoa lá, cây cối tốt tươi. Tam Đảo không có nhiều hoa như Đà Lạt, song nơi đây bạn vẫn dễ dàng bắt gặp những loài hoa vốn rất quen thuộc ở thành phố ngàn thông, như cẩm tú cầu, xác pháo… Hoa dại lao xao trên lối đi; tường vi, bìm bìm ôm lấy những bức tường bạc màu vì năm tháng.

*

* *

15 ngày trôi qua trong chớp mắt. Rời Tam Đảo và trở về vùng đất chan chát nắng ở miền Trung, tôi nhớ hoài khung cảnh bồng bềnh mây, nửa mơ nửa thực.

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cứu nạn giữa trùng khơi
Thứ Bảy, 19/05/2012 14:00 CH
Tháng 5, về thủ đô kháng chiến Việt Bắc
Thứ Bảy, 19/05/2012 07:00 SA
Sang Thái dạy lắc thúng
Thứ Sáu, 18/05/2012 00:00 SA
Cổ tích của cậu bé mồ côi
Thứ Năm, 17/05/2012 10:10 SA
Xóm… một ngôi nhà
Thứ Bảy, 12/05/2012 18:00 CH
Hạnh phúc vượt qua tật nguyền
Thứ Bảy, 12/05/2012 08:40 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek