Dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/51890-19/5/2012) lần này, những người làm báo chúng tôi được về Thái Nguyên, Cao Bằng như hướng về cội nguồn. Trên đỉnh đèo De (An toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên) lộng gió, trời vùng Việt Bắc thật đẹp với những đồi chè xanh mát và lòng người thêm rạo rực, bồi hồi...
Di tích Lán Tỉn Keo trong ATK Định Hóa (Thái Nguyên) thu hút khách tham quan - Ảnh T. QUỚI
ĐẾN THỦ ĐÔ KHÁNG CHIẾN
Không khí làm việc của Tòa soạn Báo Thái Nguyên những ngày này rất bận rộn, tập trung phản ánh những sự kiện chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội trong thời điểm rất có ý nghĩa lịch sử: Kỷ niệm 122 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2012), 65 năm Ngày Bác Hồ chọn ATK (an toàn khu) Định Hóa làm Thủ đô kháng chiến (20/5/1947 - 20/5/2012) và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Tổng Biên tập Đỗ Thị Thìn vừa tiếp những đoàn báo bạn trong cả nước về với Thái Nguyên trong dịp lễ hội trọng đại của tỉnh vừa “chỉ huy” tòa soạn khẩn trương hoàn tất số báo đặc biệt.
Chúng tôi, các nhà báo đến từ các tỉnh Phú Yên và Quảng Ngãi được đồng nghiệp Báo Thái Nguyên nhiệt tình hướng dẫn về di tích lịch sử ATK Định Hóa, nơi cách đây 65 năm, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã chọn làm thủ phủ để xây dựng lực lượng kháng chiến cứu quốc. Dọc hai bên đường dẫn về khu di tích ATK Định Hóa rực lên màu cờ đỏ sao vàng, băng rôn khẩu hiệu. Khắp nơi rộn lên không khí phấn khởi nhưng không kém phần trang nghiêm của đồng bào Tày, Nùng ở các xã thuộc huyện Định Hóa, trung tâm của ATK năm nào. Nơi đây, vào ngày 20/5/1947, Bác Hồ cùng 8 chiến sĩ bảo vệ là “Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi” quyết định chọn ngọn đồi Khau Tý (xã Phú Đình, Định Hóa), nơi có vị trí thuận lợi “Tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” để làm Thủ đô kháng chiến. Cũng tại đây, ngày 6/12/1953, từ lán Tỉn Keo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị, thông qua phương án tác chiến, tấn công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ của dân tộc...
Tháng 5, Thái Nguyên “xanh” màu xanh thẫm trải dài theo những cánh rừng cọ, đồi chè bát ngát; màu xanh mướt của những nương ngô xen lẫn với màu xanh của những lũy tre ẩn mình trong các thôn xóm, bản làng. Trở lại ATK Định Hóa, chúng tôi những người con miền Trung được dịp hiểu thêm về Thủ đô kháng chiến mà lâu nay chỉ biết qua sách, báo. Chúng tôi được đắm mình trong khung cảnh núi rừng Việt Bắc, được vào những lán trại là nơi ở, nơi làm việc của Bác Hồ và các đồng chí trong Bộ Chính trị trong kháng chiến; chân bước đi dưới những giao thông hào trong cái nắng hè xiên qua “rừng phách đổ vàng” và vườn cây Bác trồng năm nào... Trong mỗi chúng tôi bỗng rộn lên một niềm bồi hồi xúc động, sung sướng và nhớ đến những vần thơ của nhà thơ Tố Hữu: Vui sao một sáng tháng năm/ Đường về Việt Bắc lên thăm Bác Hồ/ Suối dài xanh mướt nương ngô/ Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn... ATK năm xưa, giờ là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt, là nơi để lưu giữ những giá trị lịch sử truyền thống cách mạng để giáo dục thế hệ trẻ cả nước hôm nay và mai sau, là điểm du lịch lịch sử lý thú cho du khách bốn phương.
Trở về TP Thái Nguyên khi trời chập choạng tối, chúng tôi ăn vội bữa tối ở nhà khách Tỉnh ủy trong sự đón tiếp nồng hậu, chân thành của các đồng nghiệp báo Thái Nguyên để kịp chứng kiến những hoạt động văn hóa diễn ra ở Quảng trường 20 Tháng 8 và Trung tâm Hội nghị của tỉnh. Một lần nữa, chúng tôi được thả hồn theo những tiết mục hát múa, ca kịch đậm chất dân gian truyền thống các dân tộc phía Bắc ca ngợi công lao to lớn của Đảng, Bác Hồ, đặc biệt là khung cảnh tái hiện chợ kháng chiến năm xưa...
Du khách tham quan nhà trưng bày thủ đô kháng chiến ở Định Hóa - Ảnh: Q.THUẦN
PÁC BÓ LÀ ĐÂY
Ngược lên Bắc Kạn với quanh co đèo dốc khúc khuỷu, thăm thẳm, hôm sau chúng tôi đến Cao Bằng, về huyện Hà Quảng để đến Khu di tích hang Pác Bó, nơi Bác Hồ về nước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, chọn nơi đây lập căn cứ địa cách mạng. Pác Bó là đây! Một vùng đồi núi chập chùng hiểm trở, nhưng không kém phần lãng mạn, lạc quan cách mạng của những người chiến sĩ cộng sản. “Đây suối Lê nin, kia núi Mác” và biết bao di tích ghi dấu một quãng thời gian Bác đã sống và làm việc. Đó là hang Cốc Bó nơi Bác ở, là bệ đá bên suối nơi Bác thường câu cá để thư giãn sau ngày làm việc; là vườn trúc Bác trồng, là cây ổi Bác dùng lá để nấu nước, và đây nữa là chiếc bàn đá chông chênh Bác dùng “dịch sử Đảng” ... “Sáng ra bờ suối, tối vào hang/ Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng/ Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/ Cuộc đời cách mạng thật là sang”.
Trên ngọn đồi cao phía ngoài trước khi vào khu di tích, năm 2011 tỉnh Cao Bằng đã khởi công xây dựng (đang tiếp tục hoàn thiện) nhà thờ Bác để nhân dân, khách thập phương về đây dâng hương tưởng nhớ công lao vĩ đại của Người trước khi tận mắt nhìn thấy, tận tay sờ những di tích nơi Bác đã từng sống và làm việc vạch ra kế sách, tập hợp lực lượng để tiến hành cuộc kháng chiến cứu quốc thắng lợi. Từ đỉnh non cao, phóng tầm nhìn bốn hướng, Pác Bó như một bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp với dòng suối mát uốn lượn được bao quanh bởi những ngọn núi đá cao vút điệp trùng.
Đến Pác Bó trong những ngày tháng 5 lịch sử, trong mỗi người chúng tôi trào dâng niềm thương nhớ, kính phục Bác. Trước chân dung Người, chúng tôi dâng nén hương thành kính và nguyện sẽ suốt đời phấn đấu học tập, lao động và làm theo tấm gương đạo đức của Người...
TRẦN QUỚI
ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng với 130 điểm di tích được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX. Tại đây, đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng khác, như: Hội nghị tuyên dương anh hùng và chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, Lễ phong hàm cấp tướng đầu tiên của nước Việt Nam cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 10 tướng lĩnh khác, nơi tập trận Điện Biên Phủ... Và ngay trước ngày kỷ niệm 65 năm Bác Hồ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo kháng chiến (20/5/1947 - 20/5/2012), ATK đã vinh dự được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.