Bao năm lao lụng với nghiệp đánh cá, làm nước mắm, ông Võ Văn Kin (Năm Kin, 54 tuổi, ở phường 6, TP Tuy Hòa) chưa bao giờ mơ có một ngày mình được xuất ngoại. Vậy mà ông đã đi thật, để làm… thầy hẳn hoi! Ấy là trong một ngày gần cuối năm 2011, ông bay sang Thái Lan để dạy… lắc thuyền thúng (thúng chai), một sản phẩm độc đáo của ngư dân Việt.
Năm Kin (áo trắng, trên thuyền) đang làm “hướng dẫn viên” thúng chai tại Cơ quan đăng kiểm Thái Lan - Ảnh: NGÔ VĂN THANH
TRÍ KHÔN SÔNG NƯỚC
Ưu điểm của thúng chai là rất khó bị lật, dễ xoay trở trong không gian hẹp, bởi cái sự “tròn xoay”; ví như, khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ bị lật nhưng thúng chai vẫn lướt tốt, bởi việc cưỡi lên sóng là thế mạnh của loại thuyền này. “Đã” hơn nữa là không cần dụng cụ gì thêm vẫn có thể di chuyển thúng chai trên nước, gọi là “lắc thúng”. “Muốn lắc thúng, hai chân phải đứng vững ở bụng thúng, hai tay nắm chặt vành thúng, người hơi chồm về hướng cần đến, mông và hai vai lắc mạnh, lượn theo nước mà nhịp nhàng lướt tới.
“Nhún” thúng chai… mê lắm, nếu quen thì không mệt gì đâu, lại thêm dẻo dai…”, ông Kin rành rẽ. Cách phổ biến nhất để sử dụng thúng chai là dùng mái chèo cầm tay (một hoặc hai người), “ngoáy” mái chèo buộc cố định ở vành thúng; kẹt lắm thì có thể dùng sào để di chuyển trên thúng.
Thúng chai có vai trò như là “thuyền con” của thuyền lớn nên luôn là vật “bất ly thân” của các tàu đánh bắt trên biển; riêng tàu câu mực và câu cá ngừ đại dương phải thường trực 5-10 thúng chai. Chính “hắn” cũng là phương tiện thoát hiểm hữu hiệu khi tàu có sự cố.
Thúng chai được sử dụng rộng rãi ở nước ta, nhưng các làng nghề sản xuất hiện chủ yếu tập trung ở vài tỉnh Nam Trung Bộ. Thúng chai có nhiều kích cỡ, với đường kính vành từ 1,2m đến trên 3m; trước đây chủ yếu làm từ tre, gần đây thêm loại bằng nhựa. Riêng 80 thúng chai đầu tiên đi Thái Lan vào tháng 11/2011 là thúng tre, xuất xưởng từ các làng nghề ở huyện Tuy An.
KHÓA HỌC… LẠ
Ngư dân Năm Kin đang kể chuyện cùng thúng chai du Thái - Ảnh: HÙNG PHIÊN
Nguyên cớ xuất ngoại của ông Kin là từ một người thông gia trong họ, ông Ngô Văn Thanh (tư vấn viên của Công ty Đông Dương, TP Hồ Chí Minh). Ông Thanh cũng là người Phú Yên, từng nhiều năm du học tại Thái Lan và hiện có nhiều người bạn là trí thức, doanh nhân Thái đang làm việc tại Việt Nam. Ai cũng biết, 2011 là năm đất Thái lũ lụt ngất trời; trong một dịp về Phú Yên du lịch, những người bạn Thái của ông Thanh tỏ ra “kính nể” công dụng của chiếc thuyền thúng, thế là họ nảy ý… nhập khẩu. Và ông Kin được chọn làm giảng viên dạy cách sử dụng thúng chai.
Theo ông Kin, thực ra, nhóm doanh nhân người Thái này đã dự định nhập khẩu “đặc sản” thuyền thúng trước khi quê nhà bị lụt hơn nửa năm, để đặt tại các khu du lịch. Thế nhưng cứ “lu bu” suốt, rồi khi đất Thái “đầy” nước, họ quyết tâm “xoay sang” đưa thuyền thúng về cho dân mình góp phần chống lũ.
Có mặt tại thủ đô Bangkok, với sự phiên dịch của ông Ngô Văn Thanh, Năm Kin bắt tay ngay vào việc “biểu diễn” thúng chai tại Cơ quan đăng kiểm Thái Lan, sau đó là tại Hội Chữ thập đỏ Bangkok, “cầm tay chỉ việc” cho hàng loạt “cán bộ” và ngư dân Thái. Lúc nào thúng chai và Năm Kin xuất hiện là người xem như hội, cổ vũ như bóng đá quốc tế. Lần đầu tiên trong đời, Năm Kin còn được quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn tới tấp; trong nhiều “sắc màu” quan khách, nhà báo, ông đã gặp một số phóng viên Việt Nam thường trú ở Thái, người của Đại sứ quán Việt Nam tại Bangkok...
Trong khung cảnh đó, Năm Kin hào hứng “thuyết pháp” về thúng chai, hướng dẫn chi li từng động tác sử dụng. Nhiều nhân viên Chính phủ và người dân Thái đã lần lượt leo lên… thử thúng và xin chụp ảnh với “ngôi sao” ngư dân Việt! Riêng cái vụ… lắc là khó à nghen(!), ông phải tập đi tập lại nhưng chỉ một số ngư dân mới làm theo “tạm ổn”. Năm Kin nhận xét: khí hậu Bangkok khá giống miền Trung quê mình, người Thái khá hiền lành, nhất là ngư dân, “chơn chất… giống y quê tui”…
TIỀM NĂNG… THÚNG
Vậy là các làng nghề sản xuất thúng chai ở Phú Yên đang khấp khởi vì cơ hội “xuất ngoại”. Một số gia đình tự hào ra mặt khi cùng lúc được đặt mua hàng chục thúng để đi Thái. Theo bà Phạm Thị Thùy Lê, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, việc xuất khẩu thúng chai sẽ góp phần đem lại thu nhập ổn định cho dân làng nghề, quảng bá hàng hóa Việt ra với thế giới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Văn Thanh cho hay: “Chuyến hàng xuất khẩu thúng chai sang Thái vừa rồi chỉ có mục đích hữu nghị và nhân đạo, hoàn toàn không có mục tiêu thương mại. Thúng chai Việt có tiềm năng xuất khẩu, không chỉ thị trường Thái; mục tiêu là các resort biển, sông nước. Chính quyền Phú Yên nên vào cuộc và mời doanh nghiệp thực hiện. Phát triển xuất khẩu phải có sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp. Khi thành công, người dân làm thúng chai có thu nhập thường xuyên hơn và dĩ nhiên đời sống sẽ cao hơn”.
HÙNG PHIÊN