Chủ Nhật, 06/10/2024 15:19 CH
Cứu nạn giữa trùng khơi
Thứ Bảy, 19/05/2012 14:00 CH

Những công dân cuối cùng trong số bảy thủy thủ nước ngoài bị nạn, được ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa cứu vớt đưa về bờ tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa hôm 4/5 vừa lên máy bay trở về nước. Kết thúc một cuộc hành trình nhiều gian nan, chuyến trở về của những thủy thủ nước ngoài mang nặng ân tình mà những ngư dân đánh bắt xa bờ của phường 6 TP Tuy Hòa đã dành cho họ.

Cuu-nan-2120519.jpg

Thuyền trưởng M. Khorshed Alam kể chuyện về những ngày kinh hoàng giữa biển - Ảnh: P.OANH

HẢI TRÌNH KINH HOÀNG

Chiếc tàu câu cá ngừ đại dương PY 92647TS do thuyền trưởng Trần Văn Lực điều khiển về đến cửa biển Đà Diễn (Phường 6, TP Tuy Hòa) cũng là lúc ca nô của BĐBP Phú Yên đi tiếp nhận những thủy thủ nước ngoài bị nạn vừa ra đến. Đứng trên chiếc canô của BĐBP, chúng tôi ngóng về phía con tàu đang thả neo mà trong lòng nôn nao bởi mừng vui, hồi hộp, tò mò đan xen.

Suốt hành trình 400 hải lý, từ khi cứu người bị nạn cho đến lúc này, mọi diễn biến trên tàu PY 92647TS đều được thuyền trưởng Trần Văn Lực thông báo về trạm kiểm soát Đà Rằng qua hệ thống Icom. Do vậy, chúng tôi biết, những thủy thủ bị nạn đã được chăm sóc qua cơn nguy kịch và đang vui sống cùng anh em lao động trên tàu.

Ca nô cập mạn con tàu PY 92647TS, qua người phiên dịch, lực lượng BĐBP làm nhiệm vụ cho biết: những thủy thủ nước ngoài bị nạn sẽ lên ca nô của BĐBP để vào bờ.

Phút chốc, từ anh em ngư dân đến các thủy thủ nước ngoài, 17 con người vội vàng quàng vai, ôm chặt nhau, bùi ngùi, quyến luyến. Nhìn rõ những ngấn nước mắt lưng tròng, tràn qua bờ mi, chảy xuống má của anh em thủy thủ nước ngoài, không ai có thể cầm lòng.

Trên đường vào bờ, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện. Qua phiên dịch, người đàn ông to, cao nhất trong đoàn thủy thủ cho biết, ông là M. Khorshed Alam, 48 tuổi, quốc tịch Bangladesh, là thuyền trưởng. Rồi lần lượt, ông giới thiệu tên, quốc tịch của anh em thủy thủ trong đoàn và bắt đầu kể chuyện.

Đôi mắt của vị thuyền trưởng nước ngoài đầy nỗi kinh hoàng khi nhớ về hải trình nhiều sóng gió. M. Khorshed Alam cho biết: ông và thủy thủ đoàn làm việc trên tàu kéo Wantas 6, thuộc Công ty Wantas shipping Langkawl, Malaysia. Ngày 12/4, tàu rời bến tại cảng Telukwwea để kéo một xà lan chở trạm phát điện đến cảng Sabhtawea (Malaysia). Ngày thứ năm của hải trình, khi đến vùng biển có tọa độ 1,55 độ vĩ bắc; 109,23 độ kinh đông, đoàn bị một nhóm người có vũ trang đi trên một chiếc tàu lớn nhảy lên khống chế. Đêm 20/4, nhóm người có vũ trang đã ném bảy thủy thủ xuống biển, kèm một chiếc bè phao với hành lý, một ít lương khô và nước uống. Bảy con người bắt đầu sống cùng nhau trong sự dè xẻn từng miếng lương khô, nước uống và nỗi hoang mang đến tột cùng. “Giữa biển mênh mông, hết mặt trời rồi bóng đêm, rất nhiều ngày trôi qua, không thấy bóng một con tàu nào. Ai cũng tự hỏi không biết mình sẽ sống sót đến bao giờ”, M. Khorshed Alam rùng mình nhắc lại ấn tượng hãi hùng.

Ông kể tiếp: “Hôm ấy, giữa trưa ngày thứ 9 kể từ khi bị vứt xuống biển, chúng tôi phát hiện có bóng một chiếc tàu từ phía xa. Đó là phép nhiệm màu, vực dậy tinh thần, sức lực của mọi người. Tất cả chúng tôi đã chồm dậy, dồn hết sức, phất các tín hiệu gọi tàu đến cứu. Điều kỳ diệu đã đến! Chiếc tàu cá của ngư dân Việt Nam chạy đến cứu vớt chúng tôi. Lên được tàu cá Việt Nam, Supardi và Yusseri Yusuf quỵ xuống, gần như mê man vì không còn sức lực, năm anh em còn lại: Tôi, Eliasuddin (Bangladesh), Lau Kah Chong (Malaysia), Damri Marawat Napitupulu, Sholehuddin (Indonesia) cùng bật khóc vì biết mình đã được cứu sống.

Cuu-nan120519.jpg

Ngư dân phường 6 và các thủy thủ nước ngoài trên tàu PTY 92647TS - Ảnh: P.OANH

HỒI SINH BỞI TÌNH NGƯỜI

“Từ cõi chết, chúng tôi đã sống để trở về là nhờ ơn cứu mạng và sự chăm sóc hết lòng của ngư dân trên tàu cá Việt Nam. Tôi vẫn biết theo luật biển quốc tế, gặp người bị nạn trên biển thì cứu, nhưng tôi không ngờ người Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi nhiều đến như vậy. Những ngày chúng tôi được tàu cá Việt Nam cứu giúp, mặc dù trang bị thô sơ, nhu yếu phẩm thiếu thốn, nhưng có gì họ cũng đều chia sẻ với chúng tôi. Họ đã bỏ cả chuyến biển vì chúng tôi”. Đó là tâm sự mà vị thuyền trưởng người Bangladesh đã trìu mến, nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi tiếp xúc với chúng tôi.

 

Niềm cảm kích ấy không chỉ ở trong lòng những người nước ngoài được cứu nạn. Bốn ngày từ lúc ngư dân tàu cá PY 92647TS cứu vớt người bị nạn cho đến khi bàn giao cho BĐBP, chúng tôi từng giờ dõi theo hành trình trở về của chiếc tàu mà rộn ràng cảm xúc: Yêu thương, quý mến, nể phục và hết lòng trân trọng. Những ngư dân một đời lam lũ trên những con tàu giữa biển khơi, cặm cụi với cuộc mưu sinh, chắt chiu từng lít dầu đi biển, đã nỗ lực tìm mọi phương cách giành giật sự sống và sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu đồng phí tổn chuyến biển để bảo vệ an toàn cho đồng loại.

Một ngày sau khi nhận tin cứu người do thuyền trưởng Trần Văn Lực báo về, Thượng úy Nguyễn Ngọc Ry, Trưởng trạm kiểm soát Đà Rằng xúc động cho chúng tôi biết: “Những đồ ăn, thức uống đem theo như sữa, nước yến, nước tăng lực chỉ để bồi dưỡng cho những người bị mệt sau mỗi đêm kéo câu nhưng thuyền trưởng Lực cho dốc ra tất cả, khui cho người bị nạn uống. Năm người trong số đó ngồi dậy ăn cơm được, còn hai thủy thủ quá kiệt sức nên anh em phải dùng thìa nhỏ từng muỗng nước. Sau, anh Lực gọi về trạm, hỏi tôi cách hồi phục sức cho hai thủy thủ này. Tôi hướng dẫn anh em rang gạo, nấu nước cháo cho uống để họ bớt kiệt sức”.

Cũng từ cuộc trò chuyện giữa thượng úy Nguyễn Ngọc Ry và ngư dân trên tàu PY 92647TS, chúng tôi biết, khi những người bị nạn bình tĩnh trở lại, thuyền trưởng Lực đưa tay làm dấu, báo cho họ biết, chuyến biển này còn hai mươi ngày nữa mới quay về đất liền. Thế nhưng, cảm nhận sự lo lắng của họ nhất là lo sợ hai thủy thủ yếu sức, không chịu nổi hai mươi ngày tiếp tục lênh đênh trên biển, anh Lực quyết định cho tàu quay về. Từ hôm đó, mỗi ngày hai lần, anh em trên tàu và trạm Đà Rằng đã liên tục liên lạc cho nhau qua máy Icom để thông báo tình hình sức khỏe của người bị nạn.

Cuu-nan-1120519.jpg

Thủy thủ bị nạn ôm thuyền viên trên tàu PY 92647 khóc trước khi xuống ca nô của BĐBP để vào bờ. (Thuyền trưởng Trần Văn Lực đứng ngoài cùng bên phải) - Ảnh: P.OANH

TÌNH NGƯỜI VƯỢT ĐẠI DƯƠNG

Chúng tôi đón thuyền trưởng Trần Văn Lực và anh em lao động khi tàu PY 92647TS cập vào bờ cầu cảng 30 phút sau đó. Có lẽ bởi niềm hạnh phúc khi hoàn thành “sứ mệnh của trái tim” khiến người đàn ông 37 tuổi, với 20 năm bám biển “ăn sóng, nói gió” cứ lạc giọng vì xúc động. Thuyền trưởng Lực run run kể: “Đi trọn vẹn chuyến biển này, chúng tôi có thể được 300 triệu đồng, quay trở về thì lỗ hơn 150 triệu đồng vì mới chỉ câu được 10 con cá. Khi về, không dễ chạy vạy cho ra hàng trăm triệu lấy tổn để đi biển trở lại. Lúc đó, tôi cũng phân vân chứ không dễ dàng quyết định quay trở về. Nhưng, dù bao nhiêu đi nữa, vẫn không thể đánh đổi mạng sống của con người. Đưa được những người bị nạn về an toàn, tôi và anh em lao động trên tàu thấy hạnh phúc, mãn nguyện lắm”.

Lời tâm sự chân thành sau nghĩa cử cứu người thiêng liêng của thuyền trưởng tàu PY 92647TS khiến chúng tôi không khỏi thổn thức. Với tôi, đó cũng là cảm xúc đã trỗi dậy trong lòng khi gặp các anh Phan Thành Đắc, Lê Nhân, Lương Công Đông. Họ là ba thuyền trưởng trẻ tuổi của ba chiếc tàu từng cứu 16 người nước ngoài bị nạn, đưa về tại cửa biển Đà Diễn này những năm về trước.

Và, cả 4 lần, câu chuyện hồi sức cho những nạn nhân nước ngoài đều diễn ra tương tự. Vẫn là những ly sữa nóng, chai nước tăng lực, những tô cháo loãng và hơi ấm từ ngọn lửa của chiếc bếp gas. Ngôn ngữ giao tiếp với nhau chỉ bằng những động tác làm dấu giơ tay, múa chân, và luôn ráng ngẫm nghĩ mới hiểu được. Song, trên tất cả, tấm lòng đôn hậu, sự yêu thương, quý trọng sinh mệnh con người của bà con ngư dân đã vực dậy sự sống cho những người nước ngoài bị nạn trên biển. Sau bộ quần áo lấm lem của những ngư dân vừa từ biển xa trở về là sức mạnh của những trái tim nhân ái không bến bờ.

PHUƠNG OANH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Tháng 5, về thủ đô kháng chiến Việt Bắc
Thứ Bảy, 19/05/2012 07:00 SA
Sang Thái dạy lắc thúng
Thứ Sáu, 18/05/2012 00:00 SA
Cổ tích của cậu bé mồ côi
Thứ Năm, 17/05/2012 10:10 SA
Xóm… một ngôi nhà
Thứ Bảy, 12/05/2012 18:00 CH
Hạnh phúc vượt qua tật nguyền
Thứ Bảy, 12/05/2012 08:40 SA
Nỗi đau của một gia đình
Thứ Bảy, 05/05/2012 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek