Anh tên là Phạm Vẹo. Anh bị vẹo cột sống, đầu nghiêng qua một bên, chân trái teo tóp đi bước thấp bước cao. Dù bất hạnh nhưng bù lại anh có một người vợ hiền, hết lòng thương yêu chồng anh. Chị là Dương Thị Diệp, năm nay 47 tuổi. Vợ chồng anh sống ở khu phố Tân Thạnh, phường Xuân Đài (TX Sông Cầu).
Bao năm đi làm mưới làm thuê nuôi chồng, chị Diệp không mở miệng than thở nửa lời - Ảnh: H.NAM
TÌNH CỜ GẶP NHAU
Quê chị ở phường 6, TP Tuy Hòa. Thời con gái chị yêu một người làm nghề lái xe khách đường dài nhưng ba má chị không chấp nhận. Chị theo người cô trong xóm ra chùa Lăng Nghiêm, xã Xuân Thọ 2 (TX Sông Cầu) sống qua ngày. “Trong một lần anh lên chùa làm công quả (mang trái cây đến cúng), thấy anh tật nguyền, hiền lành tôi thương ảnh từ đó đến giờ”- chị Diệp giãi bày.
Chị Diệp kể, ngày đầu về chung sống, không một đồng xu giắt túi. Ở xứ dừa nên chị đi làm thuê đập vỏ và cạo cơm dừa. Hết mùa dừa, chị đi vớt rau câu, từ Vũng La lặn lội đến Vũng Lắm ngụp lặn dưới nước ròng rã cả ngày, có lúc mải mê quên ăn cơm trưa, vậy mà số lượng rau câu vớt được không bao nhiêu. Gian khổ nhưng sống cũng không được yên ổn. Ba má, anh em chị từ TP Tuy Hòa đón xe đò ra thấy gia cảnh nghèo khổ nên kéo chị về nhưng chị không đi. Má chị đã ba, bốn lần ra nhà ngăn cản nhưng thấy chị khăng khăng như vậy rồi thôi. Từ đó vợ chồng chị sống yên ổn. “Lúc đó tôi nghĩ, ảnh sinh ra đã tật nguyền lại mồ côi thì cần phải có người cưu mang chăm sóc. Ai cũng nghĩ có chồng vậy khổ thân mình mà ruồng bỏ thì tội ảnh quá”, chị tâm sự.
Gần đây, dừa không chế biến thủ công nữa mà bán cho nhà máy, còn rau câu cũng cạn kiệt dần. Chị vào lại TP Tuy Hòa rửa chén bát thuê cho quán cà phê, nhà hàng kiếm tiền. “Đi làm xa đúng 2 tháng mới được về, nếu về sớm người chủ không trả tiền. Nhiều lúc nhớ ảnh, sợ đêm hôm ảnh trúng gió, dừa rụng trúng đầu mà nước mắt chảy dài. Nhưng không làm thì không có tiền…”, chị Diệp nói rồi rấm rức khóc.
Trong lần giỗ đầu của ba chị, anh đón xe đò vô Tuy Hòa, lần theo địa chỉ chị hướng dẫn anh đến nhà. Má chị và mấy anh thương tình, lại còn cho tiền bảo anh mang về cho vợ.
Thời gian sau, thỉnh thoảng mùng 5, ngày tết má ra thăm chị nhưng bà vẫn trách: Con xinh đẹp học hành đến nơi đến chốn lại ưng phải chồng tật nguyền, không có nhà phải đi ở nhờ.
BÊN NHAU HẠNH PHÚC
Ngôi nhà vợ chồng anh chị đang ở là chỗ đất trống nằm lọt thỏm dưới vườn dừa, vì thế tàu đưa và trái rụng làm mái tôn móp méo. Có hôm rửa chén bát để bên ngoài cạnh lu nước chưa kịp lấy vô thì dừa rụng, chén thì vỡ tung còn xoong nồi méo móp. “Tôi ở nhờ dưới vườn dừa này từ hồi giải phóng đến giờ, vì thế phường hỗ trợ tiền xóa nhà tạm nhưng đâu có đất nên cũng không được cấp tiền. Đất ở đây mua vài chục triệu, tiền đâu mà mua. Ở đây có những cặp vợ chồng lành lặn còn ở nhờ huống chi mình tật nguyền. Bao năm qua chủ vườn dừa cho ở nhờ nhưng căn dặn không được cơi nới mở rộng cất nhà kiên cố” - anh Vẹo nói. Tháng ngày qua, anh sống nhờ vào tiền trợ cấp người tàn tật 170.000 đồng/tháng, còn lại trông chờ vào tiền làm thuê của vợ.
Hôm chúng tôi đến, vợ anh vừa từ Tuy Hòa về. Khác với mọi hôm, bữa cơm chiều nay là nồi cơm nấu bằng củi vần dưới lửa than hồng cháy sém, trên bếp là nồi canh bí ngô nấu với thịt heo nêm hành ngò thơm phức. Anh Vẹo cười nói: “Lâu lâu mới được ngồi ăn cùng vợ bên nồi canh thật là ngọt miệng. Ngày tôi có vợ, hàng xóm ai cũng trầm trồ, thằng tật nguyền nghèo khổ được vợ xinh đẹp yêu thương”.
LÊ TRÂM