Chủ Nhật, 06/10/2024 15:21 CH
Cổ tích của cậu bé mồ côi
Thứ Năm, 17/05/2012 10:10 SA

Mới 2 tuổi đã xa mẹ, 12 tuổi thì mồ côi cha, cậu bé ấy sống với bà nội đã già yếu và phải làm thuê kiếm sống. Cơ cực, thiếu thốn song chưa bao giờ cậu bé từ bỏ ước mơ trở thành người dẫn chương trình, đồng thời có những ý tưởng, việc làm đóng góp cho cộng đồng vô cùng thiết thực. Nỗ lực không ngừng nghỉ, cậu đã thực hiện được ước mơ: trở thành MC của VTV Phú Yên và xây dựng thành công một mô hình tiếp sức cho học sinh nghèo vượt khó.

Giờ đây, từ thành thị đến vùng nông thôn, khán giả VTV Phú Yên đã quen, đã yêu mến gương mặt, giọng nói Lê Thoại Kỳ. Một số người còn biết Thoại Kỳ là “tổng quản” chương trình Đèn đom đóm - Thắp sáng tương lai của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên - một chương trình huy động sự đóng góp của các nhà hảo tâm nhằm giúp đỡ học sinh nghèo tiếp tục đến trường, do khoảng 40 bạn tuổi teen tổ chức đều đặn hàng tháng. Thế nhưng ít người biết rằng “cậu bé tuổi teen” Lê Thoại Kỳ đã có một tuổi thơ vô cùng cơ cực khi mới 2 tuổi thì mẹ bỏ đi tha phương cầu thực, người cha mắc bệnh gan trở thành “gà trống nuôi con” bằng những đồng lời ít ỏi kiếm được từ những ly cà phê được dân lao động trong xóm nghèo ở phường 4, TP Tuy Hòa mua ủng hộ. Khi Thoại Kỳ lên lớp 6, cha qua đời. Cậu bé sống với bà nội đã 76 tuổi. Bà cụ có một cái quán bán bánh xèo bé tẹo trước nhà sáng nào cũng đỏ lửa, song những đồng lời kiếm được vô cùng ít oi. 12 tuổi, Thoại Kỳ phải đi làm thuê, kiếm tiền phụ giúp nội trang trải cuộc sống.

Thoai-Ky-2120517.jpg

Thoại Kỳ tại phim trường VTV Phú Yên, trong chương trình Ngày mới - Ảnh do nhân vật cung cấp

NHỌC NHẰN KIẾM SỐNG

Một ngày của cậu bé mồ côi bắt đầu từ 3 giờ sáng. Với chiếc xích lô thuê 10.000 đồng/ngày, Thoại Kỳ kéo mấy chuyến hàng từ đường Lương Văn Chánh đến đường Ngô Quyền, cho những người bán ở chợ đêm. Chỉ kéo thôi chứ không thể đạp vì chân chưa với tới pê-đan. Kéo đuối luôn, vì sức em thì yếu mà hàng thì nặng, có khi chiếc xích lô lật nhào.

6 giờ, Thoại Kỳ đến “chạy bàn” tại một quán bún riêu trên đường Lương Văn Chánh. 10 giờ: ra chợ kéo hàng về rồi tranh thủ đi chợ, nấu cơm, chuẩn bị đi học. Chiều đi học về, cậu bé lại làm bạn với chiếc xích lô, kéo bàn ghế, chén bát xoong nồi đến góc đường gần bưu điện thành phố. Chủ hàng bán cút nướng vào buổi tối, nên đêm nào Thoại Kỳ cũng phải đợi đến 11 giờ để dọn, kéo đồ đạc về cho họ rồi mới về nhà ngả lưng trong cảm giác mệt rã rời.

Chuyến xe buổi tối, cậu bé kiếm được 8.000 đồng, còn mỗi chuyến xe buổi sáng kiếm được 4.000 đồng. Cộng với tiền phụ việc ở quán bún riêu, sau một ngày quần quật, cậu học trò nghèo có khoảng 30.000 đồng. Những đồng tiền mặn chát mồ hôi của một đứa trẻ ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”! Không chỉ có vậy, Thoại Kỳ còn làm thuê cho nhiều người trong xóm. “Ai cần ra chợ mua đồ, chở con đi học… thì “sai” em, mỗi lần như vậy họ cho 500, 1.000 đồng” - Thoại Kỳ kể và cười rất hồn nhiên.

Có một kỷ niệm khó quên liên quan đến chuyến xe kéo gánh hàng cút nướng. Đêm nọ, khi đến kéo hàng về, cậu bé thấy rất nhiều đầu cút nướng mà khách chê, bỏ lại. Thèm quá! Được bà chủ cho, cậu bé mặc sức ăn. Ăn nhiều đến mức bị bội thực. “Kể từ đó, hễ nhìn thấy đầu cút nướng là em sợ. Em cũng không bao giờ có cảm giác thèm ăn thịt cút nữa” - Thoại Kỳ kể và lại cười, còn người nghe thì rơi nước mắt.

Có một thời gian, cậu bé ra chợ gánh nước thuê. Đôi thùng thì nặng, mà những đồng tiền kiếm được cứ nhẹ tênh trên bàn tay nhỏ!

Sống trong cảnh nghèo khó nhưng cậu bé luôn mơ ước trở thành phát thanh viên. Thoại Kỳ nhớ lại: “Hồi nhỏ, mỗi lần xem TV, thấy chú Tấn Bổn, cô Việt Hương trên màn hình, em mơ ước sau này mình cũng được làm công việc như họ. Ba em nói: Nhà mình nghèo, đừng nghĩ đến chuyện đó con!”.

Nhưng “cậu bé tuổi teen” không thể nào gạt ước mơ trở thành phát thanh viên ra khỏi tâm trí. Sau khi cha mất, dù phải vất vả kiếm sống nhưng Thoại Kỳ chưa bao giờ từ bỏ mơ ước. Cậu bé thường đứng trước gương, bắt chước cách đọc bản tin của các phát thanh viên trên truyền hình. “Mê” đến mức, cậu bé còn sắp đặt một “phim trường” nhỏ xíu theo tưởng tượng trong ngôi nhà nhỏ của gia đình mình. Ở góc “phim trường”, cậu bé lấy phấn nắn nót viết ba chữ KTV, nghĩa là kênh truyền hình của Thoại Kỳ. Những khi có chút thời gian rảnh rỗi, cậu bé lại ngồi vào “phim trường”, tập đọc các bản tin.

CHẠM ĐẾN ƯỚC MƠ

Ông Phạm Văn Hiếu - Phó khu phố trưởng khu phố 4 (phường 4, TP Tuy Hòa): “Thời điểm đó, tuy nhỏ tuổi nhưng cháu Thoại Kỳ rất năng nổ trong việc xây dựng và duy trì hoạt động của “đài phát thanh khu phố 4”. Chẳng những năng nổ, cháu còn có năng khiếu và rất đam mê. Sáng sáng chiều chiều, cháu Thoại Kỳ phát tin tức trên địa bàn khu phố, trong phường, trong tỉnh và một số tin tức quan trọng trong nước, do cháu kịp thời cập nhật. Có khi loa hư, cháu Thoại Kỳ lấy tiền làm thuê của mình để sửa loa. Hồi đó nhà cháu rất khổ; có lúc làm việc mà bụng đói, cháu xin tôi tiền mua bánh mì… Tôi nghĩ người như cháu Thoại Kỳ chỉ có một chớ không có người thứ hai”.

Ngày nọ, xin được hai cái thùng thiếc đựng bánh quy, Thoại Kỳ khoét một lỗ dưới đáy thùng và mua từ người bán nhôm nhựa hai cái loa đã hỏng, đem nhờ thợ điện tử sửa lại, sau đó gắn vô thùng thiếc. Hai cái loa, một được gắn trên cửa sổ phòng ngủ, hướng đông, một gắn trước nhà, hướng bắc. Ampli cũng được mua từ người bán nhôm nhựa rồi nhờ thợ sửa lại, máy cát-xét thì có sẵn. Còn tin bài ư? Sưu tầm trên báo, sau đó tự viết về những hoạt động trong khu phố, đọc, thu vào băng rồi phát ra loa cho mấy gia đình xung quanh cùng nghe. Máy móc cũ kỹ, chắp nối nên thường bị hỏng tiếng, đứt băng. Tuy nhiên, những “sự cố kỹ thuật” đó không ngăn được “cậu bé tuổi teen” tiếp tục với công việc mà mình yêu thích. Mỗi khi có người nào đó dừng lại nghe “chương trình phát thanh”, Thoại Kỳ vô cùng sung sướng. Rồi, tranh thủ những lúc không bận việc, Thoại Kỳ rủ mấy đứa nhỏ trong xóm tới, làm chương trình “Phát thanh măng non”.

“Một năm sau, các cô chú trong khu phố báo cáo với khu phố trưởng, cho tụi em mượn lẫm phường 4 và “nâng cấp” “đài phát thanh xóm” thành “đài phát thanh khu phố 4”. Tụi em có 5 cái loa xin được ở Đài Truyền thanh TP Tuy Hòa, một ampli và một micro. 200m dây điện thì em mua bằng tiền làm thuê. Em làm chương trình phát vào lúc sáng sớm, từ 5 đến 6 giờ. Chiều tan học lật đật chạy về tiếp âm đài tỉnh. “Đài phát thanh” thu hút sự quan tâm của bà con trong khu phố. Có những người tình nguyện đọc tin tức, như cô Thu Hà, chú Xuân Hiếu” - Thoại Kỳ hào hứng kể.

Ngoài việc phát tin tức trong khu phố, trong phường, tiếp âm đài thành phố, đài tỉnh, Thoại Kỳ còn tự làm một số chương trình, tiêu biểu như “Điểm nóng”: mời bí thư chi bộ, khu phố trưởng, trưởng các ban ngành đoàn thể đến “đài” bàn về những việc mà người dân quan tâm.

Thời điểm đó, Thoại Kỳ mới học lớp 7!

Bận rộn với việc kiếm sống, với “đài phát thanh” song “cậu bé tuổi teen” luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi trong những năm học ở Trường THCS Trần Quốc Toản, là học sinh giỏi Văn cấp thành phố năm học lớp 8.

Trong những ngày tháng sôi nổi đó, Thoại Kỳ đã vận động thành lập CLB Thiếu nhi khu phố 4, dạy học cho các em nhỏ, vào tối thứ 6 hàng tuần thì tổ chức vui chơi ca hát. Ngoài ra, “cậu bé tuổi teen” còn vận động người dân trong xóm đóng góp sách thành lập “thư viện thiếu nhi” ở khu phố, là “đạo diễn” cuộc thi Tiếng hát Khăn quàng đỏ khu phố 4, Khi dân khu phố tôi hát…

Có một kỷ niệm mà Thoại Kỳ nhớ mãi trong thời gian “công tác” ở “đài phát thanh khu phố 4”. Mùa mưa năm 2009, Thủy điện Sông Ba Hạ xả lũ. 3 giờ sáng, khu phố trưởng đập cửa nhà Thoại Kỳ báo tin này. “Cậu bé tuổi teen” vội vã chạy đến “đài phát thanh”, phát sóng tin nóng. Một số người càm ràm: “Mới 3 giờ sáng mà mở loa ầm ĩ”. Song những người buôn bán ở chợ Tuy Hòa, nhờ biết được thông tin này mà kịp chạy đến chợ, dọn hàng.

Không chỉ gắn bó với “đài phát thanh khu phố 4” từ năm học lớp 7 đến năm lớp 10, Thoại Kỳ còn cộng tác với Báo Phú Yên ở Góc thiếu nhi, cộng tác với Đài Phát thanh Phú Yên trong các chương trình Thiếu nhi, Thanh niên, Phụ nữ, Dân số. Lên lớp 11, “cậu bé tuổi teen” được lãnh đạo UBND phường 4 tin tưởng, giao phụ trách Đài truyền thanh phường. Viết tin bài, đọc và phát, tiếp âm đài thành phố, đài tỉnh, sửa loa…, một mình Thoại Kỳ làm tất.

Trong 3 năm ở bậc THPT, Thoại Kỳ là học sinh tiên tiến và là học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý. Năm 2009, cậu được Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Yên tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Con cháu hiếu thảo”.

Le-thoai-Ky-1.jpg

Thoại Kỳ (áo đen, mang túi xách) trong lần đến xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) tổ chức chương trình Đèn đom đóm - Thắp sáng tương lai - Ảnh: NAM PHƯƠNG

LÊN SÓNG TRUYỀN HÌNH VÀ TIẾP SỨC CHO HỌC SINH NGHÈO

Nhà báo Tấn Quýnh - Phó trưởng phòng Thời sự VTV Phú Yên: “Tôi biết Thoại Kỳ đã trải qua tuổi thơ cơ cực như thế nào. Đặt mình vào vị trí của Thoại Kỳ, tôi không chắc mình có vượt qua được hay không chứ đừng nói gì đến thành công. Thoại Kỳ bắt nhịp nhanh, vốn sống nhiều hơn bạn bè cùng trang lứa và làm việc rất nhiệt tình. Niềm đam mê của Thoại Kỳ rất lớn. Nếu sau này Thoại Kỳ làm việc trong cơ quan báo chí, tôi mong nơi đó tạo điều kiện để Thoại Kỳ có thể phát huy được năng khiếu của mình”.

Ngày 1/1/2011, VTV Phú Yên ra mắt chương trình thời sự tổng hợp Ngày mới, phát sóng trực tiếp từ 6g đến 6g30 (sau chuyển sang phát sóng từ 6g30 đến 6g50). Thoại Kỳ là một trong những MC của chương trình này. Rồi từ Ngày mới, một cách tự tin, chững chạc, “cậu bé tuổi teen” xuất hiện trên bản tin trưa, bản tin tối, tham gia sản xuất một số sản phẩm truyền hình cho mục Café sáng, phát trong chương trình Ngày mới. Thời điểm đó, Thoại Kỳ mới 19 tuổi, vừa tốt nghiệp THPT.

“Ngày đầu tiên lên sóng truyền hình, sáng sớm trước khi đến đài, em mang chiếc TV cũ đặt cạnh bàn thờ ba, để ba thấy rằng con mình đã thực hiện được ước mơ mà em từng nói với ba hồi trước” - Thoại Kỳ thổ lộ.

Áp lực của những chương trình, bản tin phát sóng trực tiếp vô cùng lớn, nhất là đối với một MC tuổi teen chưa qua bất kỳ khóa đào tạo nào như Thoại Kỳ. Hơn nữa, một thời gian dài làm phát thanh viên trên sóng phát thanh, “cậu bé tuổi teen” ảnh hưởng khá nhiều cách thể hiện của phát thanh. Chuyển sang truyền hình, Thoại Kỳ phải điều chỉnh cho phù hợp. Song chính quãng thời gian say mê ngồi trước máy quay tưởng tượng, say mê đọc các bản tin ở “phim trường” KTV tại nhà đã giúp “cậu bé tuổi teen” vượt qua những thử thách mà không phải MC cộng tác viên nào ở VTV Phú Yên cũng có thể vượt qua.

Giờ đây, cái tên Thoại Kỳ đã trở nên quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ kênh VTV Phú Yên. Ra chợ, lên xe buýt hay về các vùng quê ở Phú Yên, đi đến đâu “cậu bé tuổi teen” cũng nghe người ta nói nho nhỏ: “Thoại Kỳ kìa!”. Cậu thấy rất vui. Không ít người còn tin rằng Thoại Kỳ là con trai của Tấn Bổn - một trong hai phát thanh viên kỳ cựu, hiện là Trưởng phòng Chương trình của VTV Phú Yên.

Được làm công việc mà mình ước ao từ nhỏ, có thu nhập tương đối trước khi bước vào cổng trường đại học, “cậu bé tuổi teen” mồ côi cha không còn phải nhọc nhằn kiếm sống như thời học cấp hai, cấp ba. Những năm tháng cơ cực, thiếu thốn đã dạy cho Thoại Kỳ nhiều điều, mà quan trọng nhất chính là sự cảm thông, biết mở rộng tấm lòng và luôn nhiệt tình giúp đỡ những người nghèo khó. Chương trình Đèn đom đóm - Thắp sáng tương lai của Trung tâm Công tác xã hội trẻ em Phú Yên (Sở Lao động - Thương binh - Xã hội) chính là ý tưởng của Thoại Kỳ. Được khởi động từ cuối năm 2010, mỗi tháng một số, đến nay, Đèn đom đóm - Thắp sáng tương lai do 40 học sinh cấp ba, cấp hai đứng ra tổ chức đã huy động hơn 500 triệu đồng từ các nhà hảo tâm, hỗ trợ hàng chục học sinh nghèo vượt khó học giỏi, trong đó có một số em được trao học bổng hàng tháng. Thoại Kỳ là “đầu tàu” của chương trình này.

Biết ước mơ và dù vất vả khó khăn đến đâu vẫn nỗ lực để thực hiện điều mình mơ ước, đồng cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, hết mình trong các hoạt động vì cộng đồng - không phải ai cũng làm được những gì mà Lê Thoại Kỳ đã làm được!  

PHƯƠNG TRÀ

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Xóm… một ngôi nhà
Thứ Bảy, 12/05/2012 18:00 CH
Hạnh phúc vượt qua tật nguyền
Thứ Bảy, 12/05/2012 08:40 SA
Nỗi đau của một gia đình
Thứ Bảy, 05/05/2012 18:00 CH
Mai này có còn cá chình sông Cái
Thứ Bảy, 21/04/2012 14:00 CH
Thắp lửa từ trái tim
Thứ Tư, 11/04/2012 14:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek