Chủ Nhật, 06/10/2024 19:30 CH
Lão ngư Lương Thửng
Thứ Bảy, 07/04/2012 18:00 CH

Bao thăng trầm của cuộc đời ông đều gắn với biển cả. Nghề đi biển, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền đã theo ông hơn 60 năm qua. Ở tuổi xế chiều, ông vẫn ngày ngày bên xưởng để truyền kinh nghiệm, giúp các con vững chãi hơn với nghề “cha truyền con nối”. Ông còn bỏ ra hàng chục triệu đồng đóng những chiếc thuyền buồm truyền thống chỉ để... ngắm nhìn. Ông là Lương Thửng (khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa).

 

Ở tuổi 84, nhưng lão ngư Lương Thửng vẫn khỏe khoắn, nhanh nhẹn. Hớp ngụm trà nóng, ông khoe: “Tôi mới đi Quy Nhơn để chọn gỗ cho các con đóng tàu theo đơn đặt hàng”. Nghe ông nói vậy tôi chẳng ngạc nhiên, bởi chỉ một giờ trước đó, tôi đã tận mắt nhìn cụ ông này “cầm cương” chắc tay chiếc xe máy chạy qua đoạn đường cát ở làng biển mà lớp trẻ như tôi phải xoay xở một cách khó khăn.

luong-thung-4120407.jpg

Lão ngư Lương Thửng bên mô hình thuyền bầu đóng năm 2009 - T. THỦY

DẤU ẤN THUYỀN BẦU

Gương mặt đăm chiêu, lão ngư Lương Thửng hồi tưởng lại quãng thời gian lênh đênh trên biển bằng thuyền bầu trên chặng đường vào Nam ra Bắc với những kỷ niệm khó quên.

“Thời chống Pháp, mỗi lần tôi đi chở hàng thuê bằng thuyền bầu phải mất hàng tháng trời để đến các vùng biển Ninh Thuận, Vũng Tàu, Cà Mau... Khi gặp những lúc sóng to, gió lớn, tôi phải neo thuyền tránh bão, khiến cho chuyến đi càng kéo dài ngày thêm”. Thời ấy, ông lái thuyền bầu cho lái buôn chở những mặt hàng như gạo, mắm, muối, cá, vải vóc… đi bán ở nhiều địa phương trên cả nước.

Năm 25 tuổi, chàng trai làng biển này bắt đầu đi làm thuê cho các xưởng đóng tàu thuyền nổi tiếng như Long Hương, Xóm Động (Phan Thiết), Cà Ná (Bình Thuận), Nha Trang (Khánh Hòa)... Đến năm 35 tuổi, Lương Thửng trở về làng biển Đông Tác quê mình và tự mở xưởng để đóng tàu, thuyền theo các đơn đặt hàng của ngư dân trong vùng. Quá nhuần nhuyễn với nghề gắn bó cuộc đời mình hơn 60 năm qua, ông đã thuộc nằm lòng mọi chi tiết, cấu kiện trên những chiếc thuyền truyền thống của làng mình, từ loại gỗ nào đóng be, gỗ nào đóng đà, diềm, cột buồm... cho đến những sợi dây lèo, lái. “Ngư dân muốn có một chiếc thuyền phải tốn rất nhiều tiền để đặt hàng, thì mình phải làm sao cho thật chất lượng; làm nghề đóng nghe thuyền phải có cái tâm chứ không chỉ giỏi là được” ông nói.

Lão ngư bộc bạch: “Tôi không giỏi vẽ nên không có bản vẽ như những người thợ ngày nay, nhưng chỉ cần cầm đục, cầm chàng lên là tự khắc đóng được tàu thuyền. Tất cả mọi chi tiết nó nằm sẵn ở trong đầu tôi mà. Một số người gọi tôi là kỹ sư không bằng”.

Về đặc điểm của ghe bầu, ông Thửng cho biết: “So với thuyền buồm Đài Loan cùng thời, thuyền bầu của ta chạy nhanh hơn hẳn, lại có lợi thế chạy được với nhiều luồng gió khác nhau vì các lá buồm có thể xoay trở được theo nhiều hướng”.

Theo ông Huỳnh Rin, Lạch phó lạch Đông Tác, hiện nay, trong làng biển này, không còn ai biết nghề và có thể đóng được thuyền bầu truyền thống như ông Thửng.

LÀM TÀU, THUYỀN ĐỂ… NGẮM

Sống một mình trong căn nhà trống trải, cũng chẳng phải là người giàu có, nhưng tích cóp được đồng nào là ông lại cho ra đời những “đứa con tinh thần”. 3 năm qua, ông bỏ hàng chục triệu đồng để mua gỗ, nguyên vật liệu về đóng đến 5 chiếc thuyền mô hình lớn và 6 chiếc nhỏ. Tất cả những mô hình đều được ông Thửng dựng hai chiếc rạp che mưa nắng để trưng bày bên hiên nhà và cùng những người hàng xóm... ngắm chơi. Hai chiếc thuyền bầu nổi tiếng một thời được ông Thửng đóng lại theo nguyên bản (kích thước: dài 2,9m, rộng 1m, cao 90cm) hiện sẵn trong trí nhớ của mình. Ông cho biết, cả hai chiếc đều là thuyền bầu, nhưng chiếc lái ống xà bát chạy nhanh hơn chiếc lái đeo. Trong 6 chiếc thuyền bầu nhỏ thì ông dùng 4 chiếc gắn vào trụ xoay vòng dựng trước nhà. Mỗi khi có gió thổi qua, thuyền buồm quay chẳng khác lúc căng buồm vượt sóng biển Đông. Với 2 chiếc còn lại, ông có ý định sẽ xây hồ nước (2m x 4m) rồi thả chúng vào lênh đênh như đang ở trên mặt biển.

Không chỉ đóng tàu thuyền bầu truyền thống Việt Nam, ông Thửng còn đóng thêm 2 thuyền buồm của Đài Loan từng chở hàng đến buôn bán ở vùng biển Nam Trung bộ Việt Nam và mô hình một chiếc thuyền cano, loại hiện nay nhiều ngư dân Phú Yên đang sử dụng cho hoạt động đánh bắt cá ngừ đại dương.

Ông Thửng cho biết, với các mô hình thuyền truyền thống, chưa tính đến tiền công, chỉ phần chi phí nguyên vật liệu ông đã bỏ ra hơn 30 triệu đồng để thực hiện chúng. Người con trai lớn của ông rất thích những chiếc thuyền mô hình do cha làm, đã xin một chiếc ghe Đài Loan về trưng bày tại nhà riêng, mặc sức khoe với mọi người.

Thời gian gần đây, con đường phía trước nhà đang làm dở dang, nhiều bụi nên ông Thửng đem những mô hình tàu thuyền cất trong nhà. Ông bảo, vài tháng nữa ông sẽ chỉnh sửa và trưng bày lại những “đứa con tinh thần” để nhiều người cùng đến xem. Điều thú vị là phía dưới mỗi chiếc thuyền mô hình, ông đều lắp ráp bộ bánh lái nên khá tiện cho việc di chuyển chúng. Ông Thửng nói với vẻ tự hào: “Tuy mang tiếng là ghe mô hình, nhưng đã có lần tôi mang chiếc thuyền bầu lái đeo thả xuống biển, gắn thêm động cơ và chạy được với 2 người điều khiển. Với hai chiếc thuyền bầu lái đeo và lái ống xà bát, hiện nay dù nhiều người có tiền cũng không chắc gì đã đóng được”. Quan trọng đối với ông là mong muốn hình ảnh một thời quá khứ được lưu giữ lại cho đời sau.

Ông Lê Văn Tâm, một ngư dân ở làng biển Đông Tác tấm tắc khen: “Không chỉ đóng ghe thuyền chất lượng phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản mà các mô hình thuyền buồm, ổng làm cũng độc đáo. Ông ấy có óc quan sát kỹ và trí nhớ rất tốt. Có lẽ vậy mà nhìn thấy thuyền buồm Đài Loan từ thời chống Pháp ông đã nhớ đến từng chi tiết để làm lại ghe mô hình trông rất đẹp mắt”.

luong-thung-2120407.jpg

Lão ngư Lương Thửng bên mô hình thuyền buồm Đài Loan - Ảnh: T.THỦY

TÂM NGUYỆN CUỐI ĐỜI

Làm nghề từ thời trai trẻ, ông Thửng không nhớ nổi mình đã đóng được bao nhiêu chiếc thuyền, thuyền. Bây giờ đã đến tuổi nghỉ ngơi, nhưng ông vẫn không thể quên được cái nghề truyền thống mà bao nhiêu năm mình gắn bó. Ông kể: “Tôi ôm luôn cả hai nghề, đóng thuyền và sửa chữa. Trước 1975, các ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu cũng đã từng đến thăm xưởng đóng tàu của tôi. Gia đình tôi có 5 người con trai thì 4 đứa theo nghiệp cha là Lương Hợp, Lương Chàng, Lương Thanh Phương, Lương Thanh Phong. Tôi đã giao lại xưởng cho các con, nhưng ngày ngày vẫn phải đến tận nơi để chỉ dẫn, giúp đỡ thêm. Cái chính vẫn là tôi không sao rời ra nơi đã gắn bó lâu dài với cuộc đời mình khi mình vẫn còn sống”. Mỗi khi chiều xuống, ông ra xưởng đóng tàu thuyền bên bờ biển để theo dõi đám thợ trẻ đang mải mê đóng những chiếc thuyền cano đánh bắt cá ngừ đại dương...

 

Khi về nhà, bất kể lúc nào lão cũng mang điện thoại di động bên người để các con và thợ gọi đến hỏi han. Ông khoe, năm 2000, ông nghiên cứu và chế tạo ra chiếc máy kéo, rất tiện cho việc kéo ghe, thuyền vào bờ sửa chửa, làm nước, thay cho sức người.

Cuộc đời ông Thửng không mấy suôn sẻ. 32 năm trước, khi đứa con trai út mới 4 tháng tuổi thì vợ mất. Ông lặn lội với nghề nuôi 7 người con. Ông cười vui: “Một mình gà trống nuôi con, nhưng các con tôi giờ đều trưởng thành, có công ăn việc làm; nhà cửa ổn định. Tôi đã có 4 cháu cố; các cháu nội, ngoại của tôi giờ đã học xong đại học, cao đẳng và hầu hết làm việc tại TP Hồ Chí Minh”.

Ông Thửng tâm sự: “Ngày nay thuyền bầu và các loại thuyền buồm không còn sử dụng nữa, tất cả đều dùng máy móc, hơn nữa bọn trẻ hiện nay cũng không ai quan tâm đến chúng nữa. Bốn đứa con trai tôi chỉ biết đóng ghe cano thôi chứ nói chi đến ghe buồm trước đây”. Và nỗi buồn đó ông chỉ biết gửi gắm vào những tác phẩm do chính mình tạo ra, nhưng rồi khi ông mất, không biết còn ai trong làng nhắc đến những chiếc thuyền bầu nổi tiếng, góp phần vào sự hưng thịnh của nền kinh tế Việt Nam một thời.

Khi tôi hỏi nếu có ai muốn mua lại những mô hình ghe buồm thì ông có bán không?, ông Thửng nói rằng: “Nếu cá nhân hoặc bảo tàng nào cần mô hình để trưng bày, giới thiệu cho mọi người biết, tôi sẵn sàng chuyển nhượng toàn bộ với giá cả phải chăng”. Tôi chợt nghĩ, những mô hình thuyền buồm do lão ngư Lương Thửng đóng ra sẽ vô cùng hữu ích khi Nhà nước thành lập một Bảo tàng văn hóa biển Quốc gia.

DƯƠNG THU THỦY

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đường phèn
Chủ Nhật, 18/03/2012 11:00 SA
“Dậy sóng”... tôm hùm!
Thứ Bảy, 17/03/2012 14:00 CH
Ngổn ngang rác thải
Thứ Bảy, 10/03/2012 14:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek