Sau thất bại nặng nề của chiến lược “chiến tranh cục bộ” được kết thúc bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Thời gian này chúng dùng lực lượng quân ngụy và quân đánh thuê Nam Triều Tiên đóng ở Phú Yên, với sự chi viện vũ khí của Mỹ ra sức đánh phá các vùng giáp ranh bằng các cuộc càn quét quy mô nhỏ, ngắn ngày, phục kích, tập kích, hoặc bí mật luồn sâu đánh vào các căn cứ của cách mạng, hòng bao vây, ngăn chặn các đường tiếp tế hàng hóa từ vùng địch tạm chiếm ra vùng cách mạng. Mặt khác, chúng tăng cường dùng máy bay rải chất độc hóa học để phá hoại sản xuất ở các vùng căn cứ cách mạng.
Trong tình hình đó, Ban Tài mậu tỉnh Phú Yên lúc bấy giờ theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy đã chủ trương cho các cửa hàng mậu dịch ở các huyện đồng bằng (chủ yếu là Đồng Xuân, Tuy An, Tuy Hòa 2) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tiểu ban mậu dịch tỉnh, phải tích cực bám trụ, phối hợp với các địa phương, các mũi công tác để tổ chức phát triển cơ sở thương nhân và xây dựng cửa khẩu, thu mua hàng hóa.
Huyện Đồng Xuân là địa bàn có phong trào cách mạng khá mạnh lúc bấy giờ, có vùng căn cứ khá rộng lớn. Cửa hàng mậu dịch Đồng Xuân (mật danh là CH18) những năm 1968, 1969 đóng ở Hang Hổ (chân Hòn Gõ) thuộc xã Xuân Quang II, do đồng chí Lê Thưa làm cửa hàng trưởng, đồng chí Nguyễn Hồng Sơn làm cửa hàng phó, giữa năm 1969 các đồng chí trên lần lượt hy sinh, đồng chí Trần Văn Hiền về thay cửa hàng trưởng, cùng với các đồng chí Trần Kim Tiến, Võ Thị Hồng Thư, Nguyễn Tài Đức, Lê Sỹ Cường, Phan Thị Tuyết Long, Trần Văn Khấu và anh Đức lớn, sau đồng chí Cường, đồng chí Tuyết Long về cửa hàng Miền Tây, đồng chí Khấu bị thương, phải đi Bắc điều trị. Tháng 10/1969, đồng chí Nguyễn Thành Tâm về làm công tác kế toán. Đầu năm 1979 để có điều kiện bám trụ, xây dựng cửa khẩu và xây dựng kho tàng, cơ quan CH18 được dời ra đóng ở Hố Trầu, tiểu ban mậu dịch tỉnh đã điều đồng chí Y Xận từ cửa hàng Khu Bắc - Phú Giang (Phú Mỡ bây giờ) bổ sung cho CH18, giữa năm 1970, Phạm Thị Thu Thanh, một thanh niên từ vùng địch thoát ly ra tham gia cách mạng, được bổ sung về đây. Từ đầu năm 1971 đến năm 1972, sau khi một số đồng chí hy sinh và do yêu cầu nhiệm vụ tập trung thu mua và vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn ở cửa khẩu, tỉnh lần lượt tăng cường về cho CH18 các đồng chí: Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Ngô Thị Tuyết, Nguyễn Thị Sương, Đỗ Văn An, Lưu Văn Minh, Nguyễn Thị Mười và đồng chí Phạm Thị Điểu từ cửa hàng lương thực chuyển sang, Mạnh Ngọc Mẫu, Trần Thị Hòa là hai thanh niên từ vùng tạm chiếm của địch thoát ly ra tham gia cách mạng, cũng được bổ sung về đây (sau thời gian ngắn Trần Thị Hòa bị cơn sốt ác tính đã từ trần).
Năm 1970 đồng chí Đức lớn và đồng chí Trần Văn Hiền cửa hàng trưởng bị bệnh kéo dài, được tỉnh cho đi Bắc để điều trị, nhưng đồng chí Đức lên đến Phước Tân gặp trận càn, bị địch bắn hy sinh. Đồng chí Trần Kim Tiến lên thay phụ trách cửa hàng. Đến tháng 1/1973 tỉnh điều đồng chí Trần Kim Tiến về làm cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch Tuy Hòa II (CH12) và đề bạc đồng chí Nguyễn Thành Tâm làm cửa hàng trưởng CH18 cho đến ngày giải phóng hoàn toàn đất nước. CH18 có chi đoàn thanh niên, công đoàn bộ phận do đồng chí Nguyễn Thành Tâm làm Bí thư và thư ký, chi bộ sinh hoạt ghép với cửa hàng khu bắc do đồng chí Vũ Thị Xuân Phương làm bí thư.
Những năm này, nhất là từ năm 1970 trở đi, CH18 được tỉnh giao nhiệm vụ trọng tâm là bám trụ, xây dựng cửa khẩu, tổ chức thu mua cho được số lượng lớn mặt hàng thiết yếu, đó là muối ăn - hàng năm tỉnh giao chỉ tiêu cho CH18 mua trên dưới 100 tấn muối, năm 1972 là 120 tấn. Ngoài ra, còn tổ chức thu mua các mặt hàng thiết yếu khác, như: vải, nylon mưa, mì chính, dầu ăn, dầu hỏa, sữa, đường, nông cụ sản xuất... Việc tổ chức cơ sở, xây dựng cửa khẩu thật là khó khăn, vì anh em mũi công tác ở các xã thường ít muốn, do cơ sở đưa hàng ra dễ bị lộ, địch phục kích, tập kích đánh, gây tổn thất. Anh em thường nói vui “Mậu dịch đi đến đâu là dẫn địch đến đó”. Nhưng nhờ sự kiên trì thuyết phục và tranh thủ sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Đồng Xuân, các cửa khẩu được mở ra. Những cửa khẩu được mở gồm: Triêm Đức, Thạnh Đức thuộc xã Xuân Quang II, Phước Huệ, Long Hà và Long Mỹ thuộc xã Xuân Long. Nhưng duy trì được lâu dài đến 1/4/1975 chỉ có cửa khẩu Triêm Đức, Phước Huệ, Long Hà. Các cửa khẩu còn lại do vận chuyển xa, cơ sở yếu, địa hình phức tạp, dễ bị địch đánh tập kích.
Anh em cán bộ thu mua đều được trang bị vũ khí và luôn phối hợp chặt chẽ với chị em mũi công tác các xã làm nhiệm vụ cảnh giới, bám địch, tổ chức vào ấp ban đêm. Gặp địch cũng nổ súng đánh trả như lực lượng vũ trang. Nhờ đó, ngày càng được sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của anh em mũi công tác các xã. Công tác xây dựng cơ sở, tổ chức thu mua dần dần được thuận lợi.
Lực lượng du kích B bên trong ấp, ban ngày đi chăn bò ở các khu vực cửa khẩu, đã được vận động cảnh giới, theo dõi, phát hiện địch, làm tín hiệu cho cơ sở đưa hàng hóa ra cửa khẩu. Nhờ đó đã tránh được những trận phục kích, tập kích của địch.
Lực lượng cơ sở thương nhân ở các ấp Long Hà, Phước Lộc, chợ Lùng ngày càng được phát triển đông đảo và rất nhiệt tình, họ giác ngộ, kéo cả vợ cảnh sát, vợ lính ngụy cùng tham gia mua hàng cho cách mạng. Buổi sáng họ đi chợ mua hàng về cất giấu, buổi trưa và chiều đưa hàng ra cửa khẩu.
Sau khi kiểm hàng và thanh toán tiền xong, bà con cơ sở tiếp nhận những đơn hàng mới, rồi vẫy chào ra về, chỉ còn lại anh em cán bộ thu mua và vận chuyển của CH18 với đống hàng hóa vừa mua được. Nhìn đống hàng hóa, anh em nửa mừng, nửa lo. Mừng là đã mua được số lượng hàng lớn, nhưng lo là sợ vận chuyển không kịp, địch ở đâu đó bất ngờ ập đến. Nhìn trên nét mặt từng người, ai nấy đều thể hiện một niềm vui rạng rỡ. Thế là không ai bảo ai, cứ như thường lệ, ai nấy đều lao vào công việc vận chuyển hàng hóa vào kho trung chuyển trong rừng, có hôm phải đi nhiều chuyến mới vận chuyển hết hàng. Anh em mũi công tác thì cảnh giới địch. Tối về nơi tập kết, ăn uống, nghỉ ngơi và ghi chép lại sổ sách. Công việc thật vất vả như vậy, nhưng không một ai cảm thấy mệt mỏi, trái lại rất vui vẻ. Hôm nào không mua được hàng, hoặc mua được ít thì anh em lại cảm thấy buồn, vì thấy như mình chưa hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Những lúc tình hình khó khăn, địch thường ra phục kích các cửa khẩu, anh em lại phối hợp với mũi công tác, ban đêm luồn sâu vào ấp Long Hà, gặp cơ sở và mua hàng vận chuyển từ ấp ra. Công việc bám trụ cửa khẩu, tổ chức thu mua cứ như vậy, hết ngày này sang ngày khác, hết tháng này sang tháng khác, hết năm này sang năm khác, CH18 luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ và chỉ tiêu tỉnh giao, nhất là chỉ tiêu thu mua muối.
Những năm 1971, 1972, 1973 tỉnh đặc biệt quan tâm địa bàn Đồng Xuân, đã cử các đồng chí: Ba Dũng, Bốn Khanh và cả đồng chí Hào - Phó ban thương nghiệp Khu 5 về công tác ở tỉnh năm 1972 cũng về đây để chỉ đạo và giúp CH18 trong công tác tuyên truyền, vận động xây dựng cơ sở thương nhân và chỉ đạo xây dựng kho tàng, bảo vệ hàng hóa. CH18 còn là nơi đứng chân của tổ hậu cần thuộc Trung đoàn 95 đóng quân và chiến đấu ở trục đường 19 tỉnh Gia Lai, để mua hàng phục vụ cho trung đoàn. Đó là những đồng chí Trương, Trung, Thu, Chương. Có thời gian còn là nơi đứng chân để mua hàng của các đồng chí mậu dịch ở Vân Canh, Bình Định, để đưa hàng về phục vụ cho huyện Vân Canh.
Việc bám trụ xây dựng cửa khẩu, tổ chức thu mua hàng hóa là việc rất khó khăn, ác liệt, nhiều khi đã đổ máu của anh em cán bộ thu mua, nhưng việc xây dựng kho tàng, tổ chức bố phòng đánh địch để bảo vệ an toàn hàng hóa lại là một việc cũng hết sức gian truân. Vì đã mua được hàng, mà không bảo vệ được, để lọt vào tay địch phá hoại, dù là ít cũng không hoàn thành nhiệm vụ.
Những năm này tỉnh chỉ đạo hàng hóa mua được đến đâu, nhất là muối phải được cất giữ an toàn đến đó. Do vậy, những buổi sáng ngoài việc cảnh giới địch ở cửa khẩu và những ngày không ra cửa khẩu anh em phải lo đào hầm, đặt đan bồ cuốn đưa xuống hầm, dưới đáy lót bằng bao cát, rồi vận chuyển muối từ kho trung chuyển vào đổ xuống hầm, khi hầm đầy vun lên, tủ bao cát và nylon, lấp đất và ngụy trang bằng lá ủ và cỏ. Ở phía sau khu vực cơ quan đóng, anh em cũng đào hầm để vận chuyển hàng từ cửa khẩu về phía sau đưa xuống hầm, chôn giấu. Thường mỗi hầm chứa từ 3 đến 4 tấn muối. Ngoài ra, còn phải đào hầm kho lớn có nắp hầm để lên xuống và có làm kệ kê hàng bằng gỗ tròn, cách mặt đất khoảng 4cm để chứa giấu các loại hàng như mì chính, dầu ăn, nylon mưa, đường, sữa...
Ngoài việc thu mua, làm kho tàng cất giấu hàng hóa, CH18 còn luôn quan hệ chặt chẽ với mũi công tác, xã, huyện để tổ chức bố phòng bằng chất nổ, bảo vệ đường ra cửa khẩu, bảo vệ kho tàng hàng hóa.
Năm 1970, 1971 bọn lính đánh thuê Nam Triều Tiên và bọn biệt kích ngụy thường bí mật đi ban đêm sang phục kích ở các cửa khẩu, hoặc xuyên rừng luồn sâu để đánh tập kích bất ngờ vào các cơ quan của xã, huyện đóng ở phía sau, hoặc tìm kho tàng của ta để phá hoại. Trước tình hình đó CH18 luôn cảnh giác, sẵn sàng đánh địch, bảo vệ kho tàng, hàng hóa, bảo vệ cửa khẩu, đã liên hệ địa phương tổ chức gài chất nổ bố phòng. 5g sáng ngày 13/12/1970, 14 tên Nam Triều Tiên mò vào mối đường ra cửa khẩu Phước Huệ để phục kích đánh ta, vấp phải mìn của ta đã gài sẵn. Một tiếng nổ dữ dội, đã làm chết tại chỗ một tên và bị thương 2 tên. Địch phải tăng cường một đại đội từ căn cứ Bến Đá La Hai sang để bảo vệ cho máy bay trực thăng cứu thương hạ xuống, chở xác chết và bọn bị thương. Ngày 26/1/1971 (đúng ngày 30 tháng Chạp năm Canh Tuất) 19 tên Nam Triều Tiên đã bí mật luồn sâu, bất ngờ đi từ phía sau đến ngay cơ quan CH18, lúc này chỉ có mình đồng chí Tâm trong nhà đang làm báo cáo đã phát hiện, kịp thời ôm lấy khẩu AK chạy lên đồi, địch bắn theo nhưng không trúng, đồng chí Tâm đã dùng khẩu AK trong tay, bắn trả quyết liệt. Bọn địch ở dưới hố, thất thế, lại ít quân, nên vội vàng xuyên rừng rút nhanh. Nhờ đó các cơ quan CH18, kinh tài huyện và cửa hàng lương thực huyện ở dọc theo suối được bảo vệ an toàn, không bị chúng cướp, đốt phá.
Nhận thấy các cơ quan đóng ở khu vực Hố Trầu, Xuân Quang II không được an toàn, địch có thể luồn sâu đánh tập kích từ phía sau đến, nên Huyện ủy Đồng Xuân đã lệnh cho toàn bộ các cơ quan huyện dời lên đóng ở Kỳ Lộ - Xuân Quang I. CH18 vì kho tàng, hàng hóa nhiều, không thể dời đi được, đã liên hệ với Huyện ủy xin ở lại và xin được bố phòng bằng chất nổ ở toàn bộ khu vực kho tàng và cơ quan. Huyện ủy đồng ý. Công tác bố phòng được triển khai. Đúng như dự đoán của huyện ủy, giữa tháng 3/1971 một đại đội lính đánh thuê Nam Triều Tiên đã xuyên rừng đi từ Trà Ô - qua Đá Bàn - lên Hòn Gõ, rồi chia thành hai cánh quân đi theo hai sườn núi, địch đánh tập kích bất ngờ từ phía sau đến toàn bộ khu vực Hố Trầu, nơi các cơ quan đóng, nhưng cả hai cánh quân của chúng đều vấp phải chất nổ của CH18 đã cài sẵn. 6g30 sáng, một tiếng nổ rất đanh ở sườn núi phía tây Hố Trầu, sau đó 30 phút lại một tiếng nổ tương tự nữa ở trong hố núi, gần cơ quan cũ của CH18. Chúng bị chết và bị thương một số tên. Anh em CH18 lên đồi cảnh giới, nghe rõ những tiếng khóc của lính Nam Triều Tiên. Chỉ 30 phút sau 2 chiếc máy bay lên thẳng chiến đấu từ căn cứ Bến Đá - La Hai bay lên quần liên tục, để bảo vệ cho chiếc máy bay lên thẳng hồng thập tự hạ xuống chở xác chết và bọn bị thương. Chúng phải chở làm hai chuyến. Vì bị lộ và bị tổn thất, bọn địch phải quay trở lại, xuyên rừng rút lui về căn cứ Bến Đá - La Hai. Nhờ đó, cơ quan, kho tàng của ta được bảo vệ an toàn. Cũng từ đó cho đến ngày lính đánh thuê Nam Triều Tiên rút hết về nước, bọn chúng không bao giờ dám đến khu vực Hố Trầu nữa. Huyện ủy Đồng Xuân rất khen ngợi CH18.
Đầu năm 1972, bọn biệt kích ngụy lại bí mật xuyên rừng, định đánh ta từ phía sau đến ở cửa khẩu Phước Huệ, nhưng cũng vấp phải chất nổ của CH18 gài sẵn, chúng phải đền mạng một tên và bị thương một tên.
Trong những tháng năm hoạt động nói trên, CH18 luôn bảo vệ an toàn tuyệt đối hàng hóa. Hàng hóa của CH18, nhất là muối ăn, ngoài việc cung cấp cho các đơn vị trong tỉnh, các cửa hàng Miền Tây ở Phước Tân, cửa hàng khu Bắc ở Phú Giang và cơ sở sản xuất ở Suối Ché để phục vụ cho đồng bào các dân tộc, còn cung cấp số lượng lớn cho tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, có lúc cung cấp cho cả bắc Khánh Hòa và huyện Vân Canh - Bình Định.
Với những thành tích và những chiến công đạt được, CH18 luôn được cấp trên biểu dương khen ngợi, đặc biệt là từ năm 1970 đến 1974, CH18 luôn được UBND cách mạng tỉnh công nhận là đơn vị quyết thắng và tặng nhiều bằng khen. Liên tục từ năm 1971 đến 1974, CH18 được bầu chọn là lá cờ đầu của ngành Tài mậu, một lần được đi báo cáo điển hình tại Đại hội chiến sĩ thi đua tỉnh. Chi đoàn CH18 được Đảng ủy Dân Chính Đảng tỉnh chọn tặng cờ luân lưu liên tiếp ba năm liền (1972-1974). Đặc biệt, trong thời gian trên, CH18 còn được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Trung bộ tặng 4 huy chương giải phóng hạng nhất và một bằng khen. Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, lập công xuất sắc, đó là: Trần Kim Tiến, Nguyễn Thành Tâm, Võ Thị Hồng Thư, Phạm Thị Điểu, Nguyễn Thị Sương, Y Xận, Mạnh Ngọc Mẫn, Lưu Văn Minh, Nguyễn Thị Hồng Nhạn, Phạm Thị Thu Thanh; nhiều năm liền được tỉnh công nhận là chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng, được Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Trung Trung bộ và UBND tỉnh, Ban Tài mậu tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen và huy chương giải phóng.
Cuộc chiến đấu trong những năm ấy có thể nói đầy gian khổ, hy sinh, nhiều đồng chí đã ngã xuống, hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Đó là giữa năm 1969 anh Lê Thưa cửa hàng trưởng hy sinh trong khi đi dự chỉnh huấn tại cửa hàng Miền Tây, rồi anh Nguyễn Hồng Sơn cửa hàng phó tiếp tục hy sinh trong lúc đi làm nhiệm vụ trong ấp Phước Nhuận. Anh Nguyễn Tài Đức hy sinh ngày 24/12/1969 tại cửa khẩu Triêm Đức. Rồi Y Xận, Phạm Thị Thu Thanh cùng chú Năm Ngọ cửa hàng trưởng cửa hàng Tây Nam hy sinh ngày 13/1/1971 trong trận bọn Nam Triều Tiên phục kích tại kho muối trung chuyển ở cửa khẩu Phước Huệ. Lưu Văn Minh hy sinh tháng 1/1973 trên đường đi công tác ra cửa khẩu Phước Huệ. Phạm Thị Điểu hy sinh ngày 29/8/1973 trên đường đang vận chuyển hàng từ cửa khẩu Phước Huệ về cơ quan ở phía sau. Một số đồng chí khác bị thương: Trần Văn Khấu mất cánh tay phải và các đồng chí Trần Kim Tiến, Võ Thị Hồng Thư, Ngô Thị Tuyết.
Sự hy sinh thật là lớn lao, để có những tấn hàng phục vụ cho cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ, nhiều anh em cán bộ công nhân viên của CH18 phải đổ máu hy sinh, sự hy sinh ấy không làm anh em còn lại nao núng, lùi bước, mà càng nung thêm chí căm thù sâu sắc, càng làm cho anh em đoàn kết, thương yêu nhau hơn, cùng nhau phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ để trả thù cho đồng đội.
NGUYỄN THÀNH TÂM
Giám đốc Sở Nội vụ, nguyên Cửa hàng trưởng huyện Đồng Xuân