Hợp tác xã nơi ông làm chủ nhiệm đang “ở nhờ” một phòng học sắp... sập. Nhưng ông lại làm chuyện trái đời là thuyết phục mọi người dùng vốn “ăn nên làm ra” của HTX đem xây các phòng học mới để con cháu có chỗ học hành tốt hơn. Không chỉ vậy, ông còn tất tả đi nhiều nơi tìm các giống cây cho nhiều bóng mát để về ươm nuôi rồi tặng không cho các trường học trong xã. Hiệu trưởng một ngôi trường đã coi ông là “ân nhân” của danh hiệu “trường chuẩn quốc gia”!
Ông Ba Ảnh đang chăm sóc cây sam Nhật uốn hình nai ông tặng cho trường Tiuể học số 2 Hòa Hiệp Nam - Ảnh: Khương Duy
“Theo tôi biết thì đến bây giờ cả tỉnh Phú Yên chỉ có một mình ông làm những điều như vậy đối với ngành giáo dục” – Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Hòa Trình Văn Chánh khiến cho chúng tôi ngạc nhiên theo khi giới thiệu về ông Đặng Ngọc Ảnh. Một người “lạ” và độc đáo như vậy khiến tôi không thể chần chờ trong việc dong xe máy về thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam quê ông.
HOÃN LÀM TRỤ SỞ ĐỂ XÂY PHÒNG HỌC “BIẾU KHÔNG”
Hòa Hiệp Nam những năm qua được coi là một địa phương phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội, vì thế khi nghe ông Đặng Ngọc Ảnh làm chủ nhiệm HTX Kinh doanh – Dịch vụ Hòa Hiệp Nam 3 (từ đây xin gọi tắt là HTX), tôi hình dung ông phải là một người có tướng mạo “ngon lành” và nơi ông làm việc cũng phải khang trang lắm. Thế nhưng, thật sự bối rối khi tôi được những người dân thôn Phú Lạc chỉ đến một nơi mà ngoài cổng còn bảng ximăng khắc dòng chữ “Trường tiểu học số 2 Hòa Hiệp Nam”, phải nhìn kỹ thì mới thấy bên trụ cổng phải của ngôi trường cũ kỹ này có một tấm biển nhỏ ghi “Trụ sở thôn Phú Lạc” và “HTX Kinh doanh – Dịch vụ Hòa Hiệp Nam 3”! Bước vào căn phòng duy nhất có mở cửa, rộng chừng 50m2 , trong đó có khoảng 4-5 người đang làm việc, tôi không tài nào đoán ra vị nào là chủ nhiệm vì trông ai cũng rất... bình dân. Cho đến khi nghe tôi hỏi thăm, người ta mới chỉ một người ngoài 60, trán hói, da ngăm đen, râu trắng để dài, áo bỏ ngoài quần, vẻ mặt hơi khắc khổ đang ngồi chung băng ghế học trò với những người khác. Ông có vẻ trầm, nhưng khi nghe tôi hỏi thăm về “cái vụ” xây phòng học cho thôn thì ông tươi hẳn: “Nếu mấy bữa nay trời không mưa gió gì thì bây giờ cái phòng học này xong rồi, lũ nhỏ học thoải mái hơn rồi”. Nói đoạn, ông rủ tôi đến tận chỗ để “xem cho biết”.
Với những việc làm có ý nghĩa lớn như thế với ngành giáo dục, ông Ảnh xứng đáng được khen ngợi. Phòng Giáo dục huyện Đông Hòa đã hoàn tất hồ sơ để đề xuất Sở Giáo dục – Đào tạo đề nghị TW tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” cho ông.
Đó là Trường Tiểu học số 2 Hòa Hiệp Nam, ngôi trường do Hàn Quốc tài trợ xây dựng năm 2003. Hiệu trưởng Lê Trung Phước đón ông Ảnh như người nhà. Vừa đưa chúng tôi đến phòng học mới đang xây dựng, ông Phước vừa thổ lộ: “Đối với ngôi trường này, bác Ba (thứ của ông Ảnh) là người mang phước đến đấy! Đây là phòng học thứ tư mà bác Ba vận động xây dựng để “biếu không” cho trường rồi”. Theo lời ông hiệu trưởng, nguyên thủy ngôi trường mà phía Hàn Quốc tài trợ chỉ có 6 phòng học và 1 phòng hiệu bộ, không đủ đáp ứng cho lượng học sinh 400 em học hai buổi mỗi ngày. Chính vì vậy, kể từ năm 2003, trường phải tổ chức dạy và học hai nơi, ở trường cũ (nơi đang đặt HTX bây giờ) và trường mới này. “Không chỉ vất vả trong việc dạy học và quản lý, nhà trường còn bị phụ huynh khiếu nại hoài vì tâm lý không ai muốn con mình học trường cũ cả. Chúng tôi mất một khoản lớn tiền 248 (tiền đóng góp xây dựng trường lớp) vì những phụ huynh có con em học ở trường cũ không chịu đóng. May mà bác Ba xuất hiện” – ông Phước nói.
Ông Ba Ảnh “xuất hiện” như thế nào? “Nhìn ngôi trường cũ xây dựng từ sau giải phóng bị mối mọt tấn công, lại ẩm thấp, nguy cơ sập rất cao trong khi các cháu nhỏ lại rất cần chỗ học, chỗ chơi đàng hoàng, mát mẻ, vậy là tôi thuyết phục các anh chị trong Ban Quản trị HTX lấy phần lãi kinh doanh điện chiếu sáng của HTX xây dựng phòng học mới” – ông Ảnh nhớ lại. Nói thì có vẻ ngắn gọn, nhưng để làm được điều này không phải mọi chuyện đều “xuôi chèo mát mái”. Trong Ban Quản trị HTX cũng có ý kiến phản đối, bởi trụ sở của HTX thì nay ở tạm nơi này, mai lại mượn nơi khác mà ông chủ nhiệm lại rất hăng hái trong việc ủng hộ các công tác xã hội, giờ lại đem tiền đi xây trường học cho không. Ông Ba Ảnh phải thuyết phục rất nhiều, bởi ông nghĩ “tiền lời của HTX cũng là tiền của dân đóng góp, mình phải đền đáp lại họ điều gì cho có ý nghĩa, mà chăm lo chuyện học cho con cháu cũng là một kiểu đầu tư rất lời rồi còn gì!”. Ban Quản trị HTX đồng thuận, ông đưa ra họp dân, thông báo cho họ biết kế hoạch đó. Tất nhiên, người dân thôn Phú Lạc ủng hộ ý tưởng của ông hết mình.
Phòng học thứ tư mà ông Ảnh vận động xây dựng cho Trường TH só 2 Hòa Hiệp Nam
Vậy là năm 2004, HTX của ông Ba Ảnh đã đầu tư khoảng 190 triệu đồng để xây dựng 3 phòng học mới theo quy chuẩn thiết kế của “trường Hàn Quốc” với diện tích 64m2/phòng. Chính ông đứng ra quản lý, trông coi việc xây dựng để “không ai có thể lấy bớt của mình chút gì, công trình phải đảm bảo chất lượng cao, xứng với đồng tiền mình đầu tư vào đó” như ông thẳng thắn. Thấy HTX của ông Ba Ảnh làm như vậy, ngành giáo dục huyện Tuy Hòa (cũ) đã “đáp từ” bằng kế hoạch xây thêm 2 phòng học nữa cho Trường Tiểu học số 2 Hòa Hiệp Nam. Nhưng hết năm học 2004-2005, ngành mới chỉ xây được 1 phòng, rồi bây giờ chia huyện nên phòng học còn lại chưa biết bao giờ sẽ được làm. Ông Ba Ảnh lại “thấy” điều đó. Vậy là ông tiếp tục công việc thuyết phục cùng những việc khác theo “quy trình” cũ để triển khai xây thêm phòng học thứ tư “biếu” trường. Dự kiến khoảng hai tuần nữa, phòng học 60 triệu này sẽ đưa vào sử dụng. “Xây xong cái phòng học này là tôi sẽ đầu tư xây dựng trụ sở HTX, không thể hoãn được nữa. Tới năm 2007, khi hết nhiệm kỳ, tôi dự định sẽ nghỉ ngơi vì tuổi tác cũng cao rồi, cho nên phải lo cái chỗ làm việc cho khang trang để anh em kế nhiệm khỏi trách mình” – ông cười ha hả nói như thế.
“VƯỜN CÂY NỘI BA”
Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Hoà Hiệp Nam Lê Trung Phước tâm sự: “Hiếm có ngôi trường nào mới tách ra từ năm 2003 (trước đó là trường chung của cả xã), về trường mới mà ngay năm sau (2004) đã được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia. Bác Ba Ảnh đóng góp công sức rất lớn cho thành tích này của trường. Nói một cách thực lòng, không có bác ấy thì chưa chắc trường chúng tôi đủ các điều kiện để lên chuẩn!”.
"Vườn cây nội Ba"
Ông Phước “ca” ông Ba Ảnh không quá. Ngoài việc vận động xây tặng 4 phòng học để trường đảm bảo dạy và học 2 ca/ngày (yêu cầu trường chuẩn), ông còn vận động hỗ trợ trường các khoản điện, nước, bộ trống Đội, áo quần Hội khỏe Phù Đổng… Nhưng đáng kể hơn nữa là ông đã cất công đi nhiều nơi ở Phú Lạc, Đa Ngư, Thọ Lâm... để tìm hạt giống bàng, phượng, điệp... về ươm, trồng, vô bì rồi gởi cho trường mà không lấy một đồng tiền nào. Cả sân trường tiểu học số 2 Hòa Hiệp Nam bây giờ ngập màu xanh của gần 200 cây bàng, cây phượng. Các em học sinh gọi đó là “Vườn cây nội Ba”. “Có lẽ biết được công lao của bác Ba mà các cháu không phá phách, vặt cành, bẻ lá. Toàn bộ số cây mà bác Ba tặng cho trường phát triển rất tốt và đều tăm tắp” – ông Phước cho biết vậy. Ông Ảnh còn tặng cho trường những cây cảnh trong vườn nhà mình như trúc Nhật, sam Nhật uốn hình nai, cau cảnh, sứ...
Không chỉ cho riêng ngôi trường trong thôn của mình, ông Ba Ảnh còn ươm các giống cây này để tặng cho Trường THCS Trần Kiệt ở cùng xã 150 cây các loại, Trường Tiểu học số 1 Hòa Hiệp Nam ở thôn Thọ Lâm cũng “đăng ký xin” ông 200 cây chuẩn bị trồng trong mùa mưa này, trường THCS bên xã Hòa Tâm cũng sang xin cây xanh chỗ ông...
CHÂN DUNG
Ông Ba Ảnh là người có rất nhiều đóng góp cho giáo dục của Hòa Hiệp Nam, có thể nói là công rất lớn. Ngoài ra, mỗi khi cần huy động sức dân đóng góp để thực hiện một công trình xã hội nào đó thì bên cạnh việc luôn luôn đi đầu ủng hộ, ông còn vận động nhiều người khác ở Phú Lạc rất hiệu quả. (Ông Nguyễn Kỳ Tuấn, Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục xã Hòa Hiệp Nam)
Ông sinh năm 1939 tại làng Phú Lạc, xã Hòa Hiệp. Năm 1956 tham gia cách mạng, 1960 thoát ly, công tác ở công an Phú Yên. Năm 1969, ông Ảnh bị thương nên được đưa đi miền Bắc. Đến năm 1973 thì trở lại Tuy Hòa, tiếp tục chiến đấu. Sau giải phóng, ông về làm công an huyện Tuy Hòa, rồi làm Phó trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Công an Phú Khánh. Năm 1986 thì ông Ảnh về lại Công an Tuy Hòa, làm việc cho đến ngày về hưu (1993) với hàm thiếu tá. “Đến năm 1999, khi HTX điện đứng trên bờ vực phá sản, tôi được địa phương yêu cầu vô làm Chủ nhiệm, rồi làm luôn cho đến nay” – ông nói.
Ông có một tâm sự buồn. Chiến đấu xong, mãi đến năm 1977 ông mới cưới vợ. Hai vợ chồng ông chỉ có một cậu con trai, nhưng rồi một vụ tai nạn giao thông đã cướp mất đứa con duy nhất của ông bà khi anh mới 21 tuổi... Mấy năm trước, vợ chồng ông Ba Ảnh xin được một bé gái bị bỏ rơi về nuôi để khuây khỏa tuổi già...
NGUYỄN QUỐC KHƯƠNG