Người ta nói ông “gàn”, vì đang sống yên ổn lại một mình lặn lội lên rừng hoang vắng “ôm” mấy trăm gốc bạch đàn. Đó là chuyện cách đây đã 15 năm. Rồi những năm sau này, ông vẫn tiếp tục “gàn”, cứ làm những chuyện mà không ai nghĩ tới, không ai dám đứng ra để thử thách bản thân. Nhưng cũng nhờ cái tính “gàn” ưa khám phá dấn thân này mà ông đã làm nên không biết bao nhiêu việc, khiến không chỉ người ở trang trại Sơn Ngọc (xã Hoà Quang Bắc) mà cả huyện Phú Hoà phải tròn mắt.
Cùng vợ chăm sóc vườn cây khổ qua – Ảnh: N.DUNG
Con đường từ trung tâm xã Hoà Quang Bắc lên trang trại Sơn Ngọc ở Lỗ Chài lởm chởm đá sỏi, hai bên đường um tùm bụi rậm, hoang vắng, chỉ thi thoảng mới bắt gặp một chiếc xe máy chở những bao tải lặc lè dưa leo, khổ qua chạy ngược về phía xã. Dù được “cảnh báo” trước: “Lên trang trại của ông Hai Tánh đường rừng khó đi, phải qua hai con suối và những con dốc”, nhưng tôi không nghĩ ở một xã dưới xuôi lại có một nơi mà càng đi càng thấy chẳng khác đường về một buôn miền núi xa xôi là mấy. Đi đến cuối con đường gần 5 cây số ấy, những ngôi nhà lẩn khuất trong những vườn cây ăn quả rộng dài xanh đến mát mắt cũng hiện ra.
“LÀM CHUYỆN GÌ CŨNG PHẢI ĐAM MÊ”
Ông Huỳnh Văn Tánh vừa mới từ dưới xã về đang đứng giữa mảnh vườn săm soi đám khổ qua mới trồng, trên người vẫn còn bộ quần áo phẳng phiu. Trông ông già hơn cái tuổi 55 của mình. Dừng tay cuốc, ông nói như phân trần: “Ở đây, lúc nào cũng lu bu công việc. Nói điều này sợ người ta cho mình nói dóc, chứ từ trước đến giờ làm lụng quen rồi, bây giờ hễ rời công việc nghỉ ngơi 4-5 ngày là tôi thấy trong người muốn bệnh”.
Mảnh vườn hơn 2 ha xoài, mít, ổi, nhãn, mãng cầu, đu đủ, chanh, điều… của ông bạt ngàn xanh. Đó là chưa kể đến 2 ha khổ qua, dưa leo, bắp, bầu bí, ớt trĩu quả, 3 ha bạch đàn và gần 2 ha thuốc lá. Có những loại cây đã gần hết mùa, có loại cây vừa mới phát triển được ông trồng xen vào. Ông Tánh bảo: “Phương pháp trồng xen canh rất hiệu quả, nó vừa giúp mình sử dụng tối đa diện tích đất, vừa tiết kiệm thời gian, công sức…”.
Hỏi về tổng thu nhập hàng năm, ông cười: “Không thể nói chính xác được, bởi còn tuỳ thuộc vào giá cả thị trường lên xuống. Như năm vừa rồi, chỉ riêng khổ qua, dưa leo, vợ chồng ông thu vào từ 60-80 triệu đồng/ha. Đó là chưa kể cây thuốc lá, chỉ trồng có 3 tháng rưỡi đã thu lãi trên 10 triệu đồng và đàn gia súc, gia cầm đến mấy trăm con. Những năm trước, giá cả bấp bênh, bò gà không dịch bệnh, tổng thu nhập của ông phải kể đến con số 100 triệu”.
Nhiều người hỏi bí quyết làm giàu, ông Tánh bảo: “Ngoài vốn, mồ hôi, công sức, cần phải đam mê, và tâm huyết. Vì chuyện làm ăn không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió”. Đến giờ, ông Tánh vẫn nhớ chuyện bị lỗ vốn mất 5 phân vàng hơn 9 năm trước. Hồi đó, do không nắm vững phương pháp trồng theo kỹ thuật mới, ông trỉa đậu ve dày, cắm chái dày, nên cây đâïu ra ít trái, bị cháy lá chân và chết. 5 phân vàng là cả một gia sản, hồi đó vợ chồng ông phải chạy vạy vay mượn khắp nơi. Nhưng vẫn không nản. “Làm kinh tế thất bại là không tránh khỏi”- ông Tánh nghĩ.
Vì thế sau này, ngoài việc tích cực tham gia các chương trình tập huấn, thì những cuốn sách kỹ thuật luôn được ông “gối đầu giường”. Ông đưa những giống cây mới về trồng thử nghiệm. Giống chanh không hạt mà bây giờ vườn chanh nào của bà con ở đây cũng có, là nhờ ông Tánh lặn lội vào tận Sài Gòn để lấy giống. Đi tới huyện Tuy An, Tuy Hoà cũ (bây giờ là huyện Đông Hoà), ông mang giống cây đu đủ Trung Quốc về. Hễ nghe nơi nào có giống cây mang lại hiệu quả, năng suất cao là ông tìm đến học hỏi kinh nghiệm.
Chính tính không ngại khó khổ, ưa thử nghiệm của ông đã làm cho mọi người khâm phục. Năm 1998, ông mang về trang trại hai con bò lai. Người ta nói ông “có vấn đề”: “Khi không lại mua giống bò không chịu ăn cỏ dưới đất, mà cứ suốt ngày gác mõm trên trời”. Mặc kệ người ta nói, ông vẫn kiên trì tập chúng ăn giống cỏ hôi. Sau này quen, chúng còn ăn dày hơn bò cỏ và lớn rất nhanh. Năm 1998, cái tên Huỳnh Văn Tánh được người trong và ngoài tỉnh biết đến vì tiên phong cho phong trào nuôi bò lai ở Phú Yên. Trang trại Sơn Ngọc lúc đó bò lai chiếm đến 99%. Ông Tánh đã làm cái việc mà 5-6 năm sau, nông dân cả tỉnh mới nhận ra hiệu quả. Năm 1999, ông Tánh được mời đi báo cáo điển hình toàn quốc. Rồi Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn về Phú Yên và thăm trang trại Sơn Ngọc. Nhiều người ở đây nói: “Hai Tánh và vườn cây của ông cứ lên ti vi hoài”.
THUẦN PHỤC ĐẤT RỪNG
Bây giờ hễ nhắc đến Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc là người ta nhớ đến cái tên Huỳnh Văn Tánh. Bởi ông là người thành lập tổ hợp tác, người đầu tiên đặt chân khai phá vùng đất rừng hoang dại, rậm rạp ở đây.
Nghỉ hưu năm 1991, ông Tánh về quê làm ruộng, hoàn cảnh gia đình khốn khó, nhiều lúc trong nhà không có gạo ăn, bản thân lại đau bệnh liên miên. Năm 1992, Nhà nước có chủ trương trồng rừng theo chương trình PAM. Ông nghĩ: “Nhà nông mà chỉ làm ruộng là không đủ ăn”, nên đứng ra vận động bà con ở thôn Ngọc Sơn Đông của mình (bây giờ là Ngọc Sơn) lên Lỗ Chài trồng bạch đàn. Giao chỉ tiêu 17 ha, nhưng năm đầu tiên 12 hộ chỉ trồng được 1,5 ha. Năm thứ nhất 2 hộ bỏ về, năm thứ hai người ta bỏ về hết, chỉ còn lại một mình ông. Đội nắng đội mưa trồng thêm 3 ha nữa, nhưng ông không kham nổi. Đó là những năm ông cơm đùm cơm nắm đào gốc cây rừng để lấy đất làm rẫy. Vốn đã quen với việc băng rừng lội suối từ lúc còn là lính trinh sát trong những năm tháng chiến tranh nên ông không sợ cảnh núi đồi hoang vắng, bụi bờ rậm rạp mà chỉ thấy buồn trong những đêm cột võng ngủ dưới gốc cây trâm bên cái lán trại nhỏ xíu. Rồi công sức của ông được đáp đền, 300 cây đu đủ mùa đầu trĩu quả. Hay theo dõi tin tức trên đài, ông nghe nhiều nơi trồng cây ăn quả có thu nhập kinh tế cao, nên quyết định tích góp tiền mua 20 gốc xoài ghép, 20 gốc nhãn, 20 gốc sapôchê và 10 gốc chanh giống về trồng thí điểm. Thấy đất “chịu” các loại cây này, ông mới tính tiếp tới việc lập vườn và vận động bà con cùng nhau trồng. Xuất phát từ ý nghĩ: “Làm bất cứ cái gì cũng phải có tập thể, mọi người cùng xắn tay nhau làm mới có kết quả”, ông Tánh kêu gọi một số người đến khai khẩn lập nghiệp lập tổ hợp tác trang trại. Ý kiến này được Ủy ban xã, Hội Nông dân và Phòng Nông nghiệp huyện hoan nghênh. Tổ hợp tác trang trại Sơn Ngọc thành lập vào ngày 12/7/1999 (tổ hợp tác đầu tiên của tỉnh). Ông nở một nụ cười rạng rỡ: “Lúc đấy, cả tổ chỉ có 31 thành viên với 25 con bò, gần 10 ha đất hoa màu. Còn bây giờ đã lên đến 66 thành viên với trên 200 ha đất hoa màu rồi. Ở đây không còn ai nghèo nữa”.
Ngôi nhà của ông Huỳnh Văn Tánh khang trang nhất ở Sơn Ngọc. Nhà không chỉ đầy đủ tiện nghi, rộng rãi mà còn rất đẹp bởi những chậu cây kiểng đặt trước sân, bên cạnh hai hồ cá.
Hơn mười năm nay, ông luôn được công nhận là nông dân sản xuất giỏi của huyện, của tỉnh. Bí thư Đảng ủy xã Hoà Quang Bắc Lê Đại nói: Huỳnh Văn Tánh là người làm kinh tế số 1 của xã đấy. Ông không chỉ làm giàu cho bản thân, mà còn giúp đỡ bà con cách ứng dụng những tiến bộ khoa học vào trong sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Một người nông dân như thế là niềm tự hào...
NGỌC DUNG