Thứ Ba, 01/10/2024 20:37 CH
Xóm răng đen
Chủ Nhật, 30/10/2005 11:22 SA

Đã bao năm nay, người ta gọi xóm Trường thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân là “xóm không cười”. Ngay cả những chàng trai, cô gái ở đây cũng rất ngại cười.

 

Anh Huỳnh Văn Chi, 43 tuổi sinh ra và lớn lên ở xóm Trường, cười ngại ngùng, nhe đôi hàm răng không còn mấy chỗ trắng của mình ra xởi lởi với người khách không mời như tôi, bảo: “Cả nhà bốn người, thì hết ba, tôi và hai con gái đều bị răng đen, chỉ mỗi vợ tôi không bị bởi là dân xã Xuân Sơn Nam lên đây với tôi”. Thấy khách, hai cô con gái của anh Chi, chỉ bẻn lẻn phía trong mà không dám bước ra ngoài, khi biết nói về chuyện răng đen thì biệt luôn ở phòng trong.

 

Những cư dân đầu tiên của thôn Phú Xuân B đã không chọn xóm Trường  định cư vì nằm ngay vách núi. Khi ấy, ít ai biết rằng vách núi này rất dễ tìm thấy nước. Càng lên cao trên vách núi, càng dễ tìm thấy nước, giếng đào thì nước thoải mái. Song nếu ra khỏi xóm Trường, xuống vùng trũng đào giếng sẽ không có nhiều nước như ở đây… Đến khi thực dân Pháp đến lập ấp, lập đồn, người dân dồn dần về xóm Trường. Do vậy lịch sử của xóm Trường chưa tới 100 năm. Xóm nằm ngay bên vách núi Tân Hiệp, là ngọn núi mà người dân ở đây bảo có rất nhiều “đá chết”. Đây là loại đá vôi hiếm thấy vì trong vùng này không có nhiều, họ gọi “đá chết” vì rất dễ bị đập vỡ vụn. Điều đặc biệt là ở xóm Trường, nhà nào cũng có giếng đào đầy ắp nước, kể cả mùa mưa hay nắng, mùa này mực nước trong giếng đúng bằng mặt đất bên ngoài.

 

Những cô gái tuổi trăng tròn ở xóm Trường bị chứng răng đen - Ảnh: Ly Kha

 

Cụ ông Nguyễn Đốn, 79 tuổi thuộc lớp người thứ ba, thứ tư dời về sống tại xóm Trường khi thực dân Pháp lập ấp, kể lại: “Hồi đó, tôi chỉ mới 5- 6 tuổi, cha mẹ cùng đưa về đây ở, sau đó vài năm thì răng bắt đầu đen dần. Chỉ có những người lớn tuổi không bị răng đen, còn lại lũ nhỏ đều bị cả. Sau này, người ta bảo nguồn nước này nhiễm nhiều chất flour”.

 

Vợ chồng ông Nguyễn Mười bảo cả làng này, hễ ai sống ở đây từ nhỏ đều bị răng đen cả. Ông Mười bảo vợ chồng ông còn cái nào nữa đâu mà đen. Cô con gái đang ngồi rửa bát bên cạnh nghe chuyện tủm tỉm cười. Bất chợt cô cũng nhe ra, để lộ đôi hàm răng đều tăm tắp nhưng lấm tấm vàng. Ông Mười nói rằng: người dân xóm Trường uống toàn nước đun sôi cả nhưng răng vẫn đen, ấm dùng đun nước lâu lâu để khô mang ra đập, chất vôi, flour bên trong rơi ra từng mảng dày.

 

Tôi gặp một cô gái đang bồng con nhỏ trước hiên nhà vách đất có vẻ không bị đen răng. Thì ra cô người thôn Phú Hội cùng xã theo chồng về xóm Trường này. Cô bảo: “Chồng em đen hết anh à, cả hai hàm”. Và cô nói vui “Hồi mới quen, em đâu có biết, đến khi thương thật rồi, biết cũng đành chịu chứ sao giờ!” Mọi người còn bảo tôi, ở gia đình bà Nguyễn Thị Nay nhiều người chỉ còn lại phần nướu, còn răng thì đen hết thảy. Tôi tìm đến nhà, cô con gái của bà Nay là Hà Thị Minh Tâm ra chào khách. Một lúc sau khi cô cười mà quên… che miệng, thật tình tôi không còn thấy răng đâu, nhìn cô như bị xọm như lớp người trung niên mà hỏi ra năm nay cô mới 27 tuổi.

 

Ông Lê Giỏi, Chủ tịch UBND xã Xuân Phước, cho hay, cũng đã có vài đoàn đến lấy mẫu nước nghiên cứu, nhưng không thấy một đoàn nào hồi âm. Dân xóm Trường bị đen từ đời này sang đời khác như một kiểu di truyền. Cả xóm Trường có gần 1.000 nhân khẩu thì hơn phân nửa đã bị chứng răng đen vì họ sống ở đây từ nhỏ, còn lại gần phân nửa là những người chuyển từ nơi khác về. Tất cả họ cho tôi biết, răng đen chỉ bắt đầu xuất hiện khi những đứa trẻ 7 – 8 tuổi thay răng. Sau khi thay răng là thời điểm nhiễm chất flour vào trong làm đen răng vì giai đoạn răng sữa rất dễ nhiễm. Những người ngoài 20 tuổi từ nơi khác đến đây sinh sống mới không bị nhiễm. Nhiều người răng đen  họ tỏ ra mặc cảm, thậm chí có người mặc cảm với hàm răng đen ngay tại vùng đất này. Khi tôi vào gia đình của một phụ nữ tên Nga, chị đã không thể nào bảo được cô con gái lớn đang học trung học ra nói chuyện với khách. Trên đường quay lại ngôi nhà của anh Chi, nghe anh nói với một người đàn ông về chuyện lại có người hỏi về răng, người này bảo: Có làm gì được đâu, đã đen hết cả rồi! Gặp  tôi, anh chỉ vào nhà mình: “Kia, nhà tôi cả 3 đứa nhỏ đều bị cả đấy!” Tôi cùng anh đi vào thì cô con gái lớn của anh năm nay 17 tuổi đang học lớp 11 ù ngay xuống bếp, bố gọi cách mấy cũng không ra. Anh còn bảo: “Con bé cũng mặc cảm với bạn bè trong trường nữa”. Giải pháp tốt nhất, theo anh Nga là chỉ có bán bò về thành phố Tuy Hòa để trám răng cho con gái, giá mỗi lần trám cả hàm như vậy khoảng 400 ngàn đồng, đã có rất nhiều người trong xóm làm như vậy. Nghe anh giải bày, tôi không thể không gặp cô bé.

 

Cũng như con gái của anh Chi và nhiều nữ sinh trung học khác trong xóm, Nguyệt tên cô bé con anh Nga không để tôi thấy mặt. Tôi và anh cùng cô con gái nhỏ, 3 người xuống bếp nài nỉ mãi, bực quá cô bé mới chịu quay lên nhưng giảy nảy và rơm rớm hàng mi. Tôi chợt nhớ câu thơ nói về các nữ sinh thời chiến khi tiễn bạn lên đường nhập ngũ “Một tay nắm bàn tay, một tay che mặt. Chỉ để cái miệng cười mà giấu đi đôi mắt”, Nguyệt cũng muốn khóc, chỉ khác là dù khóc, cô bé cũng quyết che miệng.

LY KHA

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Phú “xe lu”
Thứ Tư, 19/10/2005 09:04 SA
Một kiểm sát viên mẫu mực
Thứ Hai, 17/10/2005 15:15 CH
Săn cá mập mùa biển động
Thứ Sáu, 14/10/2005 17:36 CH
Nơi hai dòng sông đi qua
Thứ Năm, 06/10/2005 18:24 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek