Khó xác định được múa lân- một trò chơi dân gian xuất hiện ở Phú Yên khi nào, nhưng đã thành lệ, hằng năm, các đội lân ở khu vực trung tâm TP Tuy Hòa bắt đầu khai lân vào 12/8 (âm lịch) và chơi cho đến hết đêm rằm trung thu, còn ở khu vực thôn quê thì có nơi khai lân sớm hai ngày. Thư ngỏ được phát đi từ đầu mùa trăng, lịch biểu diễn cũng đã lên sẵn nhưng ngày khai lân, các đội thường múa khai hàng tại các ngã ba, ngã tư đường phố hay đầu làng, cùng chung mục đích trình diễn và phô trương tài nghệ để câu thêm khách.
Đội Song lân Trần Hưng Đạo biểu diễn bộ Mai Hoa Thung. - Ảnh: T. HỘI |
Tại TP Tuy Hòa có hơn 10 đội lân “tư nhân”, hầu như phường nào cũng thành lập từ 1-2 đội. Không kém phần hoành tráng so với những đoàn lân của các chùa, các đội lân phường do các nhóm thanh thiếu niên sáng lập cũng khá qui mô và bài bản, không chỉ tạo sân chơi mà còn góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa dân gian của người Á Đông.
Trung thu năm nay, Đội Song lân Trần Hưng Đạo (phường 4, TP Tuy Hòa) tròn một tuổi, thành viên của đội gồm hơn 30 thanh thiếu niên ở phường 4. Dù mới thành lập nhưng hầu hết các thành viên cốt cán trong đội đều là những tay chơi có nghề, có thâm niên nhiều năm chơi ở các đội lân lớn của thành phố. Đội lân do anh Trần Văn Hội (26 tuổi), người có hơn 10 năm trong nghề, làm đội trưởng. Anh Hội cho biết: “Hồi còn nhỏ xíu tôi đã tham gia các đội lân trong thị xã. Nhờ vậy mà rành hết các ngón nghề, vai nào tôi cũng có thể biểu diễn được”. Anh tâm sự, khi đã đam mê nghệ thuật này thì không thể bỏ được, nên mặc dù bận việc làm ăn nhưng khi anh em trong khu phố đề nghị thành lập đội lân của phường, anh xúc tiến ngay.
Một đội lân khác, tuy không lớn bằng các đoàn lân ở trung tâm TP Tuy Hòa, nhưng đội Song lân Hoàng Vũ ở khu phố 2, phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) lại có bề dày truyền thống 10 năm nay. Không cần chiêu mộ, năm nào cũng có những thành viên mới (tuổi đời từ 15 – 25) xin gia nhập, đảm bảo đủ đội hình cho đội lân. Điều rất lạ ở đoàn lân này là khi hỏi đội trưởng hoặc bầu sô của đội là ai, cả đội cứ chỉ qua chỉ lại, rồi cuối cùng thống nhất chỉ định anh Trần Thái Nguyên (26 tuổi), phụ trách đánh trống làm đội trưởng. Lý giải điều này, anh Nguyên cho biết: “Đội lân này do các thế hệ đàn anh thành lập nên, ngón nghề cũng do mấy anh truyền lại. Tụi em đều là những người kế thừa nên cũng chẳng có ai là đội trưởng hay bầu sô. Thành viên của Song lân Hoàng Vũ ai cũng có trách nhiệm góp tiền để đầu tư trang thiết bị. Mãn mùa trung thu, tiền cát-xê thu được chia trả lại cho các “cổ đông”, còn dư bao nhiêu thì tổ chức liên hoan vui vẻ với nhau… Và chỉ có thế”, Nguyên cười xòa.
NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU
Theo các đội lân, kinh phí đầu tư mua sắm đạo cụ, trang phục cho một đội lân ngốn khoảng 20 triệu đồng. Tốn kém nhất là đầu lân, tiêu tốn không dưới 10 triệu và phải mua ở tận TP Hồ Chí Minh. Mua về rồi, phải bỏ công gia cố thêm cho chắc chắn và sau đó là trang trí thêm nhiều họa tiết để con lân thật sặc sỡ, đẹp mắt.
Việc sắm sửa đạo cụ cho đội lân ngày nay đã bớt nhọc công so với trước vì mọi thứ đều bán sẵn. “Nhớ lại mấy năm trước, muốn làm bộ lông cho con lân, phải mua dây nhựa về tướt trong mấy ngày trời, đầu ngón tay đứa nào cũng sưng vù. Nhưng ngược lại, bây giờ việc đầu tư vào các màn múa kỳ công hơn trước rất nhiều. Để chuẩn bị chơi 3 đêm, các đội lân đã phải khổ luyện, tập dượt trong suốt 20 ngày ròng”, Trần Văn Hội kể.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn (41 tuổi) ở khu phố 5, phường 4 (TP Tuy Hòa) là người chơi lân từ những năm 1990 cho biết: “Ngày xưa múa lân khá đơn giản, không như nay các đội lân đã chuyên nghiệp hóa và có sự đầu tư chu đáo. Cách thức, nghệ thuật múa lân bây giờ cũng cách tân rất nhiều so với trước đây. Điều này cũng dễ hiểu vì ngày nay các em dễ có cơ hội tiếp cận, học hỏi nghệ thuật múa lân các nơi”. Ngoài ra, theo các đội lân để cải tiến, nâng cao kỹ năng, nghệ thuật trình diễn anh em cũng bỏ công sức để “tầm sư học đạo” ở các đội lân chuyên nghiệp. Đôi khi phải cử người đi xem các đội lân khác biểu diễn để “học lỏm”.
Sự hơn nhau giữa các đội lân là ở nghệ thuật Mai hoa thung - tiết mục biểu diễn của lân trên “cọc trụ hoa mai” ở một độ cao nhất định khác với “múa bộ” - múa lúc lân đã xuống núi - đây là tiết mục thể hiện đẳng cấp của mỗi đội lân. Ngoài diễn đạt các trạng thái xúc cảm, người múa lân- tạm gọi là vũ sinh- còn phải tỏ rõ sự già dặn về trình độ võ thuật của mình qua việc thực hiện các bộ tấn có cự ly dài ngắn khác nhau với độ cao khác nhau. Mỗi cọc thung biểu thị cho một ngọn núi và con lân khi băng qua núi đồi, khe vực nhấp nhô đó phải thể hiện đủ các cung bậc cảm xúc. Thường mỗi đội lân có từ 4-6 vũ sinh chuyên đảm nhận màn biểu diễn này. Họ là những thành viên giỏi nhất và dễ gặp nguy hiểm nhất, vì nếu không có kỹ thuật tốt rất dễ bị té ngã. Vì là tiết mục thể hiện đẳng cấp của đội, nên khoản tiền thưởng cao hay thấp đôi khi cũng phụ thuộc vào màn biểu diễn Mai hoa thung này. Nhiều gia chủ thấy màn biểu diễn này đẹp mắt họ sẽ yêu cầu biểu diễn lần nữa và tất nhiên họ cũng hào phóng móc hầu bao.
“Để có thêm sự độc đáo “không đụng hàng” này, năm nay đội lân chúng tôi đã “độ” thêm một vài chi tiết lắt léo trên giàn thang- cọc thung và sáng tạo thêm một vài động tác biểu diễn mới để biểu diễn đẹp mắt hơn”, trưởng đội Song lân Trần Hưng Đạo Trần Văn Hội cho biết.
Chuyện cạnh tranh giữa các đội lân mấy năm nay đã không còn xảy ra, nhờ các đội lân nghĩ ra phương pháp phát thư ngỏ và làm cờ hiệu. Khi gia chủ nhận lời mời và đã bố trí thời gian để đội lân đến biểu diễn, trước đó vài giờ đội lân sẽ cử người đến cắm cờ hiệu trước cửa nhà gia chủ. Thấy có cờ hiệu, các đội lân khác mặc dù cũng được nhận lời mời của gia chủ đó nhưng phải đợi khi nào đoàn lân cắm cờ hiệu đến múa xong và gỡ cờ hiệu đi mới được vô múa. Anh Nguyễn Văn Trung (30 tuổi), thành viên đội Song lân Trần Hưng Đạo cho biết: “Luật này đã được thống nhất và được các đội lân thực thi một cách nghiêm túc nên không xảy ra tình trạng tranh giành khách hàng”.
Thỉnh thoảng, các đội lân cũng tổ chức thi tài, để xem đội nào biểu diễn đẹp hơn. Chuyện thi thố tưởng chỉ là biểu diễn nhẹ nhàng nhưng xem ra vô cùng khó, vì các đội phải đổi giàn thung cho nhau. Chính sự khác nhau của giàn thung của mỗi đội nên nếu đội nào có kỹ năng tốt thì sẽ múa được trên giàn thung của đội bạn. Còn ngược lại, chuyện té ngã không tránh khỏi.
VUI LÀ CHÍNH
Trần Nhất Linh (15 tuổi), thành viên của đội Song lân Hoàn Vũ, cầm cây gậy tung hứng và lắc lư rất điệu nghệ theo nhịp trống cắc tùng tùng. Nhìn nét mặt rạng rỡ của Linh đủ biết niềm đam mê, hạnh phúc của em khi được các anh lớn cho thủ vai Tề thiên Đại thánh. Linh như tâm sự: “Em gia nhập đội lân này đã hai Tết Trung thu, em đam mê lắm. Còn gì thích hơn khi được thủ vai nhân vật em yêu thích trong phim Tây Du Ký”.
Còn đối với Nguyễn Văn Trường, dù hiện đang học ở trường Cao đẳng Nghề nhưng tới mùa lân vẫn tranh thủ học một buổi, một buổi về nhà để tham gia Đội lân Hội trường (phường Phú Lâm): “Dù đã qua tuổi thiếu niên nhưng mỗi khi tới mùa trung thu, tiếng trống lân vẫn cứ rộn ràng, thúc dục trong lòng”, Trường cười nói.
Theo lời của các thành viên đội lân thì mặc dù những phong bì tiền thưởng cũng có sức hấp dẫn lớn, nhưng xét cho cùng nó đơn thuần là “một trò chơi có thưởng”, không ai có ý nghĩ vào đội lân là để kiếm tiền. “Năm nào ngon lành sau khi trừ chi phí, tiền thưởng còn dư cũng chỉ đủ chia anh em mỗi đứa vài trăm ngàn bỏ túi tiêu. Còn thường thì chỉ đủ để anh em tổ chức liên hoan vì đi múa lân vui vẫn là chính”. Trần Thái Nguyên của đội Song lân Hoàn Vũ cho biết.
Còn Nguyễn Văn Trung, đội Song lân Trần Hưng Đạo, kể chuyện bi hài: “Năm ngoái đội lân tụi tôi đi huyện Tuy An múa rong nhưng không may gặp mưa dầm dề nên ế thê thảm. Trên đường “rút quân” về nhà, cả đội phải chia nhau mỗi đứa nửa ổ bánh mì để cầm hơi”. Trung cũng cho biết đã có nhiều đội lân lớn phải rã bèng chỉ vì một mùa trung thu… “mất mùa”.
Có thể nói, đây là cái “nghiệp” của những ai đã từng ôm đầu lân tung hoành trong nhịp trống cắc tùng, đã là nghiệp, cứ đeo bám hoài khó dứt.
THANH HỘI