Mới đây, gần 700 đoàn viên thanh niên 12 tỉnh, thành duyên hải miền Trung-Tây Nguyên và Quân khu 5 đã hội ngộ tại tỉnh Quảng Ngãi tổ chức hành trình “Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi 20”. Đây chính là đợt sinh hoạt chính trị lớn nhằm giáo dục lý tưởng, truyền thống cách mạng cho đoàn viên thanh niên trong khu vực...
CHƯA XA KÝ ỨC HÀO HÙNG
Đoàn Phú Yên gồm 15 thành viên về Quảng Ngãi tham gia hành trình tiếp lửa trong niềm tự hào và xúc động. Chỉ sau 6 giờ khởi hành, quê hương núi Ấn, sông Trà đã hiện ra trước mặt với những cánh đồng xanh ngát, những rặng dừa nghiêng nghiêng, những đồi núi nhấp nhô. Chúng tôi đi qua vùng đất Đức Phổ, huyện nằm ở phía nam thành phố Quảng Ngãi, nơi bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm cùng đồng đội đã sát cánh bên nhau chiến đấu trong suốt những tháng năm chiến tranh đầy khốc liệt.
Đoàn Phú Yên đã viếng thăm nơi chị Trâm hy sinh trên đỉnh núi Chóp Vung – Ảnh: L.VĂN
Ngày đầu tiên, tuổi trẻ khu vực dừng chân tại Gò Hội (thị trấn Đức Phổ) để cắm trại, giao lưu và gặp gỡ những người đã từng sống và làm việc với chị Trâm. Đó là chị Nguyễn Thị Cho, anh Nguyễn Văn Thông và chị Tạ Thị Ninh ở xã Phổ Cường (Đức Phổ). Các nhân chứng đã làm sống lại ký ức hào hùng của hơn 40 năm trước. Ngày đó, gia đình chị Ninh là cơ sở cách mạng, có hầm bí mật để che dấu cán bộ và thương bệnh binh nên chị Trâm thường xuyên lui tới để chăm sóc thương binh. Điều kiện làm việc hết sức khó khăn, chị Trâm đã cùng với chị Ninh trồng một vườn thuốc nam để tiện việc cứu chữa, điều trị. Cô bác sĩ trẻ người Hà Nội luôn tất bật, tận tụy với công việc nên ai nấy đều rất tin yêu, quý trọng. Còn chị Cho nhớ lại: “Từ khi gia đình tôi nhận chị Trâm làm con nuôi, chúng tôi xem chị như người ruột thịt. Ở chị có đức tính vì mọi người. Trạm xá thiếu thốn thuốc men nhưng chị đã cùng với đồng đội xoay xở, luôn tìm mọi cách chữa cho thương bệnh binh mau chóng bình phục để trở về đơn vị. Đã hơn 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn luôn nhớ đến sự ân cần và quan tâm chu đáo của chị đối với mọi người. Chị Trâm bảo, đến ngày hòa bình thống nhất, chị em mình còn thì sẽ đưa tôi về quê ở Hà Nội chơi. Nhưng điều đó đã không thành hiện thực”.
Phó Chủ tịch thường trực Hội LHTNVN Nguyễn Quốc Huy và anh Nguyễn Hữu Sáng trao nhà cho gia đình ông Hào – Ảnh: LỆ VĂN
Chị Phạm Thị Ngọc Tuyết, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Trưởng đoàn Phú Yên xúc động nói: Tấm gương chị Trâm là biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và thống nhất Tổ quốc. Trong những giờ phút hiếm hoi của riêng mình, chị đã ghi lại những dòng nhật ký sống động, chân thực, khẳng định bản lĩnh vững vàng của những người chiến đấu có mục đích, có lý tưởng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả của cách mạng, của dân tộc... Cuộc giao lưu đầy ý nghĩa này giúp cho thế hệ trẻ chúng ta khẳng định lẽ sống cao đẹp, tiếp tục cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho quê hương đất nước.
NHỮNG NGÔI NHÀ NGHĨA TÌNH
Cũng trong hành trình về Đức Phổ, 4 ngôi nhà tình nghĩa do tuổi trẻ khu vực đóng góp xây dựng đã được bàn giao cho 4 hộ đồng bào dân tộc H’rê. Sống dưới chân núi Chóp Vung (xóm Đồng Lớn, xã Ba Trang, huyện miền núi Ba Tơ) 13 hộ dân, với 68 nhân khẩu trong xóm đều lấy theo họ cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Được tặng nhà mới, ông Phạm Văn Hào đã không ngăn được nước mắt: “Lâu nay già trông mong có một mái nhà đàng hoàng để che nắng, che mưa nhưng chưa thực hiện được vì nay đau mai yếu! Cả cuộc đời đi theo cách mạng, nay đã gần đất xa trời, được các cháu thanh niên xây cho ngôi nhà tình nghĩa này, già không biết lấy gì để cảm ơn cho hết đây!”. Qua tìm hiểu được biết hoàn cảnh của ông Hào rất khó khăn, vợ chồng đều đã ở tuổi “cổ lai hy” nhưng hằng ngày vẫn phải bám rẫy, bám nương để kiếm cái ăn, cái mặc.
Đi qua hồ Liệt Sơn – Ảnh: LỆ VĂN
Được tặng nhà mới, gia đình các ông Phạm Văn Lòi, Phạm Văn Ke, Phạm Văn Ngoa vui như hội. Không biết lấy gì để đáp lại tình cảm của tuổi trẻ khu vực, các gia đình đã dùng rượu cần thay lời. Bí thư Đảng uỷ xã Ba Trang nói: Mảnh đất Ba Trang, Đồng Lớn đã từng gắn bó và gần gũi với chị Trâm. Thế hệ trẻ về xây dựng những ngôi nhà nghĩa tình cho bà con dân tộc thiểu số nơi đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, đáng trân trọng. Những ngôi nhà mới mọc lên hôm nay sẽ giúp cho các hộ gia đình có nơi ở ổn định, an cư lạc nghiệp.
Anh Nguyễn Hữu Sáng, Ủy viên Thường vụ TW Đoàn, Trưởng cụm thi đua khu vực duyên hải miền Trung –Tây Nguyên cho biết: Các hộ gia đình nói trên đều thuộc diện nghèo, sống tự cung tự cấp. Chúng tôi đã huy động mỗi Tỉnh đoàn , Thành đoàn trong khu vực đóng góp 4 triệu đồng để góp phần xây dựng những căn nhà nghĩa tình. Đây là những công trình thanh niên rất thiết thực, thể hiện trách nhiệm, tình cảm của tuổi trẻ đối với bà con…
THĂM “BỆNH XÁ ĐẶNG THÙY TRÂM”
Một trong những nội dung chính của hành trình “Tiếp lửa truyền thống – Mãi mãi tuổi 20” là hành hương lên “ngọn núi Đặng Thùy Trâm” để thắp nén hương tưởng niệm người nữ bác sĩ anh hùng. Điểm tập kết trước khi chinh phục núi Chóp Vung là hồ thủy lợi Liệt Sơn. Hồ Liệt Sơn, có diện tích lưu vực 36 km2, trải dài tới tận những khu rừng sâu. Rừng núi chập chùng uốn lượn, phong cảnh sơn thủy hữu tình. Xa tít ở dãy núi bên kia hồ là trạm xá trong thời chiến tranh, nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng đồng đội của mình đã chăm sóc và cứu sống nhiều chiến sĩ, nhiều người dân bị thương trong những trận càn hoặc những cuộc không kích ác liệt. Mặc dù đường núi quanh co, khó đi nhưng với tâm trạng háo hức muốn đến nơi chị Trâm từng sống và chiến đấu, các thành viên trong đoàn đều cố gắng xua đi sự mệt nhọc…
Anh Hoàng Lê Xuân Bích, Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa Phú Yên bộc bạch: “Sau khi Nhật ký Đặng Thùy Trâm xuất bản, tôi mong muốn có một dịp nào đó được đặt chân đến đây, để hiểu thêm những dòng chữ hào hùng, bi tráng mà chị đã viết cách đây hơn 40 năm. Tham gia hành trình này là dịp để tôi hiểu thêm tâm hồn trong sáng và sự hy sinh không tính toán cho đất nước của chị hầu sống có ích, sống tốt hơn”.
Bệnh xá dã chiến, những căn hầm trú ẩn, bên suối nơi chiều chiều chị Đặng Thùy Trâm khóc thầm tiễn đưa đồng đội năm nào bây giờ chỉ còn là những dấu tích dưới tán lá rừng xào xạc gió. Những thành viên của cuộc hành trình không được sinh ra cùng thế hệ chị Trâm. Suy nghĩ của lớp trẻ có nhiều điểm khác với lớp người trước. Song trước gương của những người như chị Trâm, tuổi trẻ hôm nay càng ý thức được trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước. Ai nấy đều xúc động khi được:
Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang cây dẻ của ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ”.
(Nguyễn Khoa Điềm)…
Anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm sinh ngày 26-11-1942 trong một gia đình trí thức. Năm 1966, chị tốt nghiệp đại học Dược khoa Hà Nội và xung phong vào chiến trường B. Sau 3 tháng hành quân từ miền Bắc, tháng 3-1967, chị vào đến Quảng Ngãi và được phân công phụ trách bệnh xá Đức Phổ, chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Ngày 27-9-1968, chị vinh dự được kết nạp Đảng. Ngày 22-6-1970, trong một chuyến công tác từ Ba Tơ về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi đời, 2 tuổi Đảng và 3 năm tuổi nghề. Hài cốt chị được đồng bào địa phương án táng tại nơi ngã xuống. Sau ngày đất nước giải phóng, chị được gia đình và đồng đội đưa về nghĩa trang liệt sỹ xã Phổ Cường. Năm 1990, gia đình đã đưa chị về yên nghỉ tại nghĩa trang xã Xuân Phương, Từ Liêm (Hà Nội).
VĂN TÀI