Thứ Hai, 06/05/2024 01:03 SA
Một đời binh nghiệp
Thứ Ba, 15/02/2011 18:00 CH

Theo những người trong gia đình, thiếu tướng Phan Quang Tiệp sinh ngày mùng 5 tháng Giêng năm 1923 (trên giấy tờ ghi năm sinh là 1926), ở xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Cha mẹ ông sinh được sáu người con, bốn trai hai gái; ông là con út. Chưa được một tuổi, ông đã mồ côi mẹ, 10 tuổi thì mồ côi cha. Bà ngoại đưa ông về nuôi, đem tất cả tình thương bù đắp cho đứa cháu côi cút và cho đi học ở trường làng. Khi bà ngoại già yếu, người anh cả đưa ông về chăm sóc rồi cho ra Huế học.

 

phan-huy-tiep110215.jpg
Thiếu tướng Phan Quang Tiệp.
Lớn lên trên cái nôi của phong trào đấu tranh nên tháng 8/1945, hòa vào không khí sục sôi, Phan Quang Tiệp đến với cách mạng, bắt đầu bằng việc tham gia vào lực lượng tự vệ ở địa phương. Sau đó, ông vào bộ đội, được học ở Trường Sĩ quan lục quân rồi trở thành Đại đội trưởng Đại đội 211 thuộc Tiểu đoàn 365 - Trung đoàn 803.

 

NGƯỜI ĐẠI ĐỘI TRƯỞNG Ở TIỂU ĐOÀN LÁ MÍT

 

Trong kháng chiến chống Pháp, Tiểu đoàn 365 là đơn vị chủ lực cơ động của Liên khu V, chiến đấu ở các tỉnh Nam - Ngãi - Bình - Phú và Tây Nguyên. Tiểu đoàn được thành lập vào ngày 15/5/1949, tại thôn Hòa Đa (xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Sau khi kết thúc một trận đánh, tiểu đoàn về Phú Yên, đóng quân ở Hòa Trị, Hòa An, Hòa Thắng..., củng cố lực lượng, chuẩn bị lương thực để bước vào trận đánh mới. Phú Yên lúc bấy giờ là vùng tự do; hạt gạo từ vựa lúa Tuy Hòa san sẻ cho hai tỉnh anh em Đắk Lắk, Khánh Hòa. Nơi đây lại có nhiều tre mỡ, dừa, bông vải... Những người lính ở Tiểu đoàn 365 cưa trái dừa khô, lấy sọ dừa làm chén ăn cơm, lấy vải ta may thành túi đựng cơm, chặt cây tre mỡ cưa ra làm ống nước, ống lương khô. Họ còn chẻ nan tre, đan thành những chiếc mũ. Các mẹ, các chị lấy vải may trùm lên chiếc mũ tre, rút lại xung quanh rồi đan lưới phủ lên. Giữa lớp vải và lớp lưới là... lá mít, dùng để ngụy trang. Chính vì vậy mà Tiểu đoàn 365 còn có tên gọi thân thương, gần gũi là Tiểu đoàn Lá Mít.

 

Trung tá Trần Thành Chính đang sống ở phường 1, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, từng là chiến sĩ Tiểu đoàn Lá Mít. Ông cho biết: “Tiểu đoàn trưởng hồi đó là đồng chí Hà Vi Tùng - người Cao Bằng đi Nam tiến. Tiểu đoàn có 4 đại đội, trong đó 3 đại đội bộ binh gồm 211, 212, 213, còn 214 là đại đội trợ chiến. Đại đội 211 do đồng chí Phan Quang Tiệp làm đại đội trưởng có trên 100 chiến sĩ, là một trong những đại đội chủ công. Tôi khi đó là chiến sĩ ở Đại đội 212”.

 

Ở liên khu V, Tiểu đoàn Lá Mít có những trận đánh nổi tiếng, một trong những trận điển hình là trận phá đồn Tú Thủy tại thị trấn An Khê, tỉnh Gia Lai. Án ngữ trên đường 19, kiểm soát con đường huyết mạch từ Bình Định đi Gia Lai, đồn Tú Thủy được xây dựng kiên cố, bên ngoài có giao thông hào sâu, rộng, phải bắc thang mới đi qua được. Phía trong giao thông hào là thành đắp bằng đất và bao cát cao 3m; phía ngoài giao thông hào, địch giăng dây thép gai “mái nhà”. Tại đồn Tú Thủy có một đại đội tăng cường với hơn một trăm lính, được trang bị vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Ngoài ra, đại đội đó còn được pháo lớn ở đồn Cửu An, phía tây An Khê, yểm trợ.

 

Hop-mat110215.jpg

Họp mặt cựu chiến binh Tiểu đoàn 365 tại Phú Yên. - Ảnh: T.T.CHÍNH

 

“Khoảng đầu năm 1950, một bộ phận của Trung đoàn Cảm tử quân do đồng chí Vi Dân làm trung đoàn trưởng tấn công đồn Tú Thủy. Địch phản công dữ dội và cuộc tấn công đó thất bại, đồng chí Vi Dân hy sinh” - trung tá Trần Thành Chính nhớ lại - “Năm 1953, theo chỉ đạo của Liên khu ủy Liên khu V, Tiểu đoàn 365 đánh đồn Tú Thủy. Sau khi trinh sát xong, đơn vị làm trận giả, tìm cách đánh: đầu tiên dùng bộc phá ống phá hàng rào kẽm gai, lấy bẹ chuối rải hai bên (bẹ chuối màu sáng, nổi lên trong bóng đêm, các chiến sĩ nhìn vào đó mà biết lối vào), bắc thang qua giao thông hào và tiến vào tiêu diệt địch”.

 

Trận đánh đồn Tú Thủy bắt đầu từ 1 giờ sáng ngày 13/1/1953, khi An Khê chìm trong bóng đêm và sương mù dày đặc. Ông Chính lúc đó là chiến sĩ bộ binh của Đại đội 212, cũng tham gia công đồn. Ông nhớ lại: “Đại đội 211 do đồng chí Phan Quang Tiệp chỉ huy là đại đội xung kích trong trận đánh này. Đồng chí ấy rất gan dạ và cũng rất bình tĩnh trong quá trình chỉ huy trận công đồn. Trận đánh diễn ra rất ác liệt. Đến 5 giờ sáng, ta hạ đồn Tú Thủy; tiêu diệt, bắt sống toàn bộ địch ở đồn này. Về phía ta, có 40 đồng chí hy sinh”.

 

Trong ký ức của ông Chính, Đại đội trưởng Phan Quang Tiệp là người chỉ huy điềm tĩnh, gan dạ, người đồng chí giàu tình cảm, người thủ trưởng tận tụy, gần gũi, chân thành.

 

Năm 1954, ông Phan Quang Tiệp tập kết ra Bắc, học trường Công binh. Tốt nghiệp, ông về Cục Công binh thuộc Đoàn 559 (còn gọi là Binh đoàn Trường Sơn), vào chiến trường miền Nam chiến đấu, và từng bị thương bên nước bạn Lào. Còn ông Chính có gần 10 năm là lái xe của bộ đội Trường Sơn, đi từ đường 9 vượt Cổng Trời ở phía tây Quảng Bình qua Pha Nốp, làng Khằn, Tà Khống, bản Đông, Tà Len đến đồi Thông trên nước bạn Lào, từ đó qua ngầm Sông Bạc rồi vượt ngầm Tăng Cát Nhầy, đến Bô Phiên, đỉnh dốc 150, đường B46, từ sân bay Tà Vằng của nước bạn xuống thẳng đường 12 thuộc huyện 40, tỉnh Kon Tum. Sau gần 10 năm lái xe đưa các đơn vị bộ đội đi qua cung đường ác liệt dài hơn 200 km đó, ông Chính trở thành chính trị viên đại đội 6, chính trị viên phó Tiểu đoàn 56 rồi chính trị viên Tiểu đoàn 972. Ông ngỡ sẽ chẳng bao giờ gặp lại người đại đội trưởng dễ mến, gan dạ của Đại đội 211 năm nào, cho đến khi hòa bình lập lại. Ông được phân công làm Trưởng phòng Quân pháp của Binh đoàn 12 (tên sau ngày giải phóng của Đoàn 559). Binh đoàn đóng ở sân bay Cù Hanh, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Binh đoàn trưởng chính là người con của quê hương núi Ấn sông Trà - ông Phan Quang Tiệp.

 

Deo-An-Khe110215.jpg

Đèo An Khê trên quốc lộ 19.

 

Nhớ về thủ trưởng, đôi mắt già nua của trung tá Trần Thành Chính ánh lên ấm áp: “Con người ông ấy rất tốt, tận tụy, hiền hậu, nhã nhặn. Ông không bao giờ dùng chức của mình để nói nặng cấp dưới và sống rất bình dị nên anh em trong Binh đoàn ai cũng yêu quý. Ông rất quan tâm đến anh em. Có một kỹ sư thiết kế ở Binh đoàn, gia đình sống ở Hà Đông, hoàn cảnh khó khăn. Thủ trưởng hết sức tạo điều kiện để người cán bộ này đưa vợ con vào Gia Lai sống”.

 

Tình đồng chí, đồng đội giữa hai người lính này càng gắn bó sau khi đã nghỉ hưu. Mỗi lần về Tuy Hòa, ông Phan Quang Tiệp đều ghé thăm gia đình ông Chính. Và ngược lại, lần nào vô TP Hồ Chí Minh, ông Chính cũng đến thăm thủ trưởng cũ của mình.

 

(Còn nữa)

 

PHƯƠNG TRÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ cuối: Biển Chết và vườn Địa đàng
Thứ Bảy, 12/02/2011 18:00 CH
Kỳ 4: Ngàn năm bia đá
Thứ Sáu, 11/02/2011 18:00 CH
Có làm xói lở rừng?
Thứ Năm, 10/02/2011 14:00 CH
Kỳ 1: Dân tộc Do Thái - người là ai?
Thứ Ba, 08/02/2011 18:09 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek