Chủ Nhật, 19/05/2024 04:59 SA
Ký sự miền đất thánh:
Kỳ 2: Điều kỳ diệu từ những ốc đảo giữa sa mạc
Thứ Tư, 09/02/2011 18:00 CH

Nhìn trên bản đồ và quan sát bằng mắt thường trong các chuyến hành trình dọc ngang đất nước Israel, điều dễ nhận thấy là vùng đất này không thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hai bên đường cao tốc toàn là đồi núi, sỏi đá lô nhô như bát úp hoặc sa mạc mênh mông với một màu vàng đơn điệu nhìn đến nhức mắt. Đất nước Israel hai phần ba diện tích là sa mạc, còn lại là đồi núi, đá sỏi khô cằn.

 

Israel-1-110209.jpg

Tất cả hoa, cây cảnh và đồng ruộng đều được tưới bằng hệ thống nước nhỏ giọt. - Ảnh: M.HIỆP

 

Thông thường, mỗi khi nói đến sa mạc người ta thường hay nhắc đến ốc đảo như là cứu cánh cho những đoàn người đi qua sa mạc. Ốc đảo là một mảnh đất màu mỡ hiếm hoi trên sa mạc, cây cối xanh tươi, cư dân có thể sinh sống được là nhờ các mạch nước ngầm. Đó là những ốc đảo tự nhiên do tạo hóa ban tặng cho sa mạc. Còn ở Israel, cũng có ốc đảo, nhưng là những ốc đảo nhân tạo. Các ốc đảo này không chỉ đủ khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm, hoa quả cho toàn bộ cư dân của Israel mà còn đưa Israel vươn lên trở thành nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, mỗi năm thu về hàng tỉ USD. Những ốc đảo nhân tạo ấy, người Israel gọi là kibbutz. Theo tiếng Anh, từ kibbutz chỉ các khu định cư ở Israel, nhưng tìm hiểu kỹ hơn thì đó là các trang trại sản xuất nông nghiệp tập thể của người Do Thái, các cán bộ ở Đại sứ quán thường gọi đó là Công xã nông nghiệp. Đây chính là nơi áp dụng thành công nhất các thành tựu khoa học về công nghệ tưới nước nhỏ giọt và công nghệ lai tạo gen để chọn lọc và tạo ra những giống cây chịu mặn và đàn bò sữa cho năng suất cao, chất lượng tốt.

 

Điều gì đã làm nên điều kỳ diệu tưởng như chỉ có trong các câu chuyện thần thoại ấy? Câu trả lời nằm ngay trong các bữa ăn ở khách sạn và trong các quầy rau quả ngoài chợ nông sản thực phẩm ở Israel.

 

Hôm đến thăm Đại sứ quán, tôi bất ngờ gặp lại người bạn học cùng lớp ở Đại học Thăm dò Địa chất Moskva Nguyễn Công Hiến. Đúng là trái đất tròn! Từ một kỹ sư địa chất, Hiến đã làm tham tán thương mại gần ba mươi năm tại hầu hết các nước ở Trung Cận Đông và châu Phi, và dĩ nhiên hắn nắm rất rõ những thành tựu về sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các ngành kinh tế khác của Israel. Chuyên môn của hắn mà! Và để chứng minh, sáng hôm sau Hiến đưa cả đoàn chúng tôi đi chợ nông sản để “mục sở thị” những thành tựu về nông nghiệp của Israel.

 

Vừa dẫn chúng tôi thơ thẩn giữa những sạp rau quả ngoài chợ, Hiến vừa giải thích: “Để thấy được những thành tựu trong nông nghiệp của Israel, cần phải biết điều kiện tự nhiên ở đây khó khăn như thế nào, nhất là về nước ngọt. Lượng mưa trung bình chỉ khoảng 50mm/năm, trong khi Việt Nam là 1.500-2.000mm/năm, con sông Jordan lưu lượng rất thấp, trong khi đó các mạch nước ngầm lại nằm ở độ sâu lớn và bị nhiễm mặn. Vậy mà các anh chị thấy đấy- vừa nói Hiến vừa giơ tay khua một vòng- tất cả rau quả này đều được trồng ở Israel”. Tôi nhìn ra bốn phía và hoa cả mắt trước những núi rau quả rực rỡ sắc màu, với đủ chủng loại, kích cỡ khổng lồ. Cô bạn cùng đoàn bỗng nảy ra ý tưởng phải mua cho bằng được một vài loại rau củ quả đặc trưng có kích cỡ “khủng bố” để mang về Việt Nam khoe với bè bạn. Hiến dừng lại mua giúp cho cô bạn một trái cà tím to bằng bắp chân, rồi trái lựu bằng cái tô và một chùm cà chua bi Negev nổi tiếng, mà theo như lời Hiến nói, được tưới bằng nước mặn, năng suất tăng gấp rưỡi, được cả châu Âu ưa chuộng nhờ hương vị đậm đà và khả năng bảo quản lâu. Vẫn chưa đủ, cô bạn còn mua thêm mấy trái chuối bằng bắp tay phụ nữ. Còn tôi, đã bước đi rồi còn quay lại, xòe bàn tay đo cho bằng được mấy cọng hành, cọng tỏi. Lạy thánh Allah, đúng năm gang!

 

Thấy tôi có vẻ quan tâm về chất lượng, Hiến bảo: “Hàng ngày, các vị đều ăn rau quả trong khách sạn, mùi vị biết rồi đấy, còn chất lượng thì không phải ngẫu nhiên mà Israel trở thành nước xuất khẩu rau quả mùa đông lớn nhất cho châu Âu- ngừng một lát, Hiến tiếp- Với những đặc điểm về thổ nhưỡng và khí hậu như vậy, nên nước sinh hoạt và nước tưới luôn được coi là vấn đề cốt tử ở Israel. Ở đây, ngay từ nhỏ trẻ em đã được dạy phải hết sức tiết kiệm nước”. Tôi chợt nhớ, trong các phòng vệ sinh công cộng ở Israel, các vòi nước đều đóng mở tự động, nhưng không phải như ở ta, cứ xìa tay vào là nước chảy thoải mái tha hồ rửa. Còn ở đây, mỗi lần xìa tay vào nước chỉ chảy vài giây rồi tắt ngay, muốn nước chảy tiếp phải làm lại. 

 

Để tiết kiệm nước trong nông nghiệp, các nhà sinh học Israel đã sáng tạo ra công nghệ tưới nước nhỏ giọt bằng hệ thống ống dẫn được điều khiển bằng máy tính, tự động đóng mở van khi độ ẩm của rễ cây đạt tới mức nhất định. Chẳng những thế, hệ thống này còn thực hiện cả chức năng bón phân cho cây tùy theo đặc tính của từng loại. Hệ thống tưới nước nhỏ giọt được áp dụng cho tất cả các loại cây, từ những bồn hoa trên ban công nhà ở, khách sạn, cho đến các nhà kính hay trên các cánh đồng. Hệ thống tưới nhỏ giọt này tiết kiệm được 60% lượng nước. Song, đối với đất nước sa mạc như Israel, tiết kiệm nước như vậy vẫn chưa đủ, các nhà công nghệ sinh học còn nghiên cứu và áp dụng phương pháp trồng cây trong nhà kính, nhà lưới để ổn định nhiệt độ không khí, hạn chế tối đa lượng nước bốc hơi, ngăn chặn sâu bệnh, giúp tăng sản lượng và chất lượng của nông sản. So với lối canh tác ngoài trời, sản xuất trong nhà kính mỗi năm có thể làm tới 5-7 vụ.

 

Nhưng hướng đi quan trọng nhất của Israel trong sản xuất nông nghiệp không phải là tiết kiệm nước ngọt mà là sử dụng nguồn nước mặn dồi dào có sẵn ở trên biển và dưới lòng đất. Việc loại bỏ muối ra khỏi nước mặn là một quy trình rất tốn kém, chính vì vậy mà các nhà khoa học Israel đã mạnh dạn chuyển sang một hướng đi mới là sử dụng ngay nước mặn để tưới cây. Họ đã tìm ra được sự cân bằng chính xác giữa các thành phần của nước, chất dinh dưỡng, hàm lượng muối và ánh sáng cho nhu cầu của cây, nghĩa là cây có thể hấp một lượng muối nhất định. Các nhà khoa học đã dùng phương pháp kỹ thuật gen để chọn lọc và tạo ra những giống cây chịu mặn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Phương pháp này được gọi là “Nông nghiệp nước mặn”, và chính nó đã tạo ra bước tiến kỳ diệu trong nền nông nghiệp Israel. Họ đã tạo ra loại cà chua bi Negev năng suất tăng gấp rưỡi, giống đậu phộng năng suất gấp bốn lần so với Mỹ, giống ô liu năng suất cao gấp 6 lần so với tưới bằng nước ngọt và giống bông vải cho sản lượng và chất lượng vượt qua Ai Cập.

 

Tuy nhiên, còn một điều nữa rất đáng lưu ý là đất nông nghiệp ở Israel, theo quy định của chính phủ, cứ sau bảy năm canh tác liên tục thì cho đất nghỉ một năm không canh tác gì cả để dưỡng đất và ngăn trừ dịch bệnh. Hiện nay, mặc dù giá thành sản phẩm nông nghiệp tại Israel còn cao, nhưng đầu ra khá thuận lợi nhờ năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Nhiều năm qua, ở Việt Nam, khi nói đến sữa là các bà nội trợ thường nghĩ ngay đến “cô gái Hà Lan” hay “sữa bột Hoa Kỳ”. Dĩ nhiên, đó cũng là các cường quốc về sản xuất sữa. Nhưng với những số liệu mà anh bạn Tham tán thương mại Nguyễn Công Hiến của tôi cung cấp thì chắc chắn các bà nội trợ phải suy nghĩ lại. Hiện nay năng suất sữa bò của Israel thuộc loại cao nhất thế giới với 12.000 kg/con/chu kỳ (khoảng 345 ngày), trong khi ở New Zealand là 4.000 kg, ở Châu Âu là 7.000 kg, ở Hà Lan 8.000 kg và ở Mỹ là 9.000 kg. Nhưng làm thế nào để có được năng suất vượt trội như vậy trong một đất nước toàn sa mạc chứ không có nhiều đồng cỏ như Hà Lan hay Mỹ? Vấn đề cốt lõi chính là giống bò.

 

Israel-2-110209.jpg

Hệ thống ống dẫn tưới nước nhỏ giọt trong bồn hoa. - Ảnh: M.HIỆP

 

Trước kia, giống bò địa phương của Israel cho năng suất thấp, nhưng khi nhập các giống bò của Hà Lan, Đức, Canada, Mỹ có năng suất cao lại không thích hợp với điều kiện địa phương. Vậy là trong vòng 20 năm lai tạo qua nhiều thế hệ, đến nay các nhà sinh học Israel đã tạo ra một giống bò năng suất cao hơn hẳn và thích nghi rất tốt với khí hậu vùng sa mạc. Đó là giống bò Friesian, được phối giống với bò đực Mỹ và Canada. Đàn bò sữa này không chỉ cho năng suất cao nhất thế giới mà lượng đạm và lượng mỡ trong sữa cũng cao hơn. Ngoài giống ra, công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel cũng phát triển vào loại nhất thế giới. Họ đã phát hiện ra việc cho bò ăn cỏ phơi tái đến một mức độ nào đó sẽ cho năng suất sữa cao hơn nhiều so với ăn cỏ tươi. Bò được huấn luyện để tạo phản xạ khi bầu sữa căng thì tự xếp hàng vào chuồng vắt sữa tự động. Trong quá trình vắt, có thiết bị kiểm tra chất lượng bằng tia cực tím để có hướng xử lý nếu sữa không đạt yêu cầu. Mỗi con bò được gắn một thiết bị cảm ứng ở cổ, thường xuyên cung cấp về trung tâm các thông số về sức khỏe. Hồ sơ cụ thể của mỗi con bò đều được cập nhật hàng ngày trong hệ thống máy vi tính và được hòa vào mạng chung toàn quốc để có thể theo dõi tổng thể. Ngay cả những hộ nuôi bò cá thể với 50-60 con một trang trại cũng phải tuân thủ quy trình theo dõi chung bằng máy tính.

 

Ngoài các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi, Israel còn là nước xuất khẩu các loại giống động-thực vật, như các loại hạt rau, củ, quả, các loại gen, trứng và tinh trùng của gia súc, gia cầm. Những ốc đảo nhân tạo của Israel đang được nhiều nước trên thế giới đến học tập và nghiên cứu, trong đó có Việt Nam.

 

Kỳ 3: Một nền văn học đa dạng trong thống nhất

 

Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Kỳ 1: Dân tộc Do Thái - người là ai?
Thứ Ba, 08/02/2011 18:09 CH
Ra Hòn Chùa…
Thứ Ba, 08/02/2011 11:01 SA
Làng tỉ phú tôm hùm Phú Yên ở Đầm Môn
Thứ Hai, 07/02/2011 19:03 CH
Tết đến Trường Sa
Thứ Hai, 07/02/2011 15:00 CH
Tây kể chuyện ăn tết Phú Yên
Chủ Nhật, 06/02/2011 07:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Phó Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek