Công bằng mà nói, chỉ trong vòng hơn một tuần “cưỡi ngựa xem hoa”, mà hoa nào cũng muốn xem, nên khó có thể vẽ ra được một bức tranh toàn cảnh về nền văn học Israel. Cho đến nay, mối quan hệ và sự hiểu biết về văn học giữa hai nước còn quá ít và báo chí ở Việt Nam cũng mới chỉ thông tin rất sơ sài về một số nhà văn Israel.
|
Một tác giả đọc thơ trong Đêm thơ Việt Nam - Israel. - Ảnh: M.HIỆP |
Người được báo chí đưa tin nhiều nhất là nhà văn Eli Amir. Ông được đánh giá là một trong những cây đại thụ của văn học Israel và là nhà văn Do Thái đầu tiên đến thăm Việt Nam vào năm 2007 theo lời mời của Đại sứ quán Israel. Eli Amir sinh năm 1937 tại Baghdad (Iraq) và bắt đầu xuất hiện trên văn đàn từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Trong buổi chiêu đãi của bà Vụ trưởng Vụ Châu Á - Thái Bình Dương, nhà văn Eli Amir được mời đến giao lưu với các nhà văn Việt Nam. Ông giới thiệu với chúng tôi về những tác phẩm của mình, trong đó đáng chú ý nhất là bộ ba tiểu thuyết Con gà tế thần - Chim bồ câu phóng sinh - Iasmin và các tiểu thuyết Giã từ Baghdad, Tình yêu của Saul, Nhài… Biết tôi là dịch giả tiếng Nga, ông liền ký tặng tôi bản in tiếng Nga cuốn tiểu thuyết Con gà tế thần nổi tiếng nhất của mình với lời đề tặng: “Chúc nhà văn Đào Minh Hiệp những điều tốt đẹp nhất”. Lật mấy trang ở đầu sách, tôi hơi ngỡ ngàng: Chính ngài Tổng thống Israel Shimon Peres đã viết lời đề tựa cho cuốn sách. Bà Vụ trưởng còn cho biết, tác phẩm này đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong nhà trường. Để đáp lại thịnh tình của nhà văn, tôi hứa sẽ sớm đọc tác phẩm của ông và nếu nó hợp với tôi cũng như với độc giả Việt Nam, tôi sẽ dịch sang tiếng Việt.
Ngoài những thành tựu trong lĩnh vực văn học, ông còn là một nhà hoạt động chính trị, từng làm thư ký ở Văn phòng Thủ tướng, rồi cố vấn về các vấn đề Ả Rập, Phó Tổng vụ trưởng Bộ Nhập cư và hiện là Trưởng ban Nhập cư trẻ của Do Thái.
Tại Đêm thơ Việt Nam - Israel do Hội Nhà văn Do Thái tổ chức trong ngôi nhà cổ ở Tel Aviv, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhà văn Uri Orlev. Đó là một ông già nhỏ nhắn, mái tóc và bộ ria mép bạc trắng, nét mặt hiền hòa, phúc hậu. Bản tiếng Việt truyện thơ Bà già và đôi kim đan kỳ diệu của ông do Huỳnh Sabine dịch, đã được nhà thơ Đỗ Trung Lai trình bày bằng giọng đầy cảm xúc và dí dỏm. Nhà văn Uri Orlev sinh năm 1931 tại Vacsava - Ba Lan. Trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, ông và cha bị giam trong trại tập trung của phát xít Đức, còn mẹ bị giết hại. Nhà văn Orlev đã xuất bản 29 tác phẩm viết cho thanh thiếu niên và một số tiểu thuyết dành cho người lớn; đồng thời ông còn là một dịch giả và tác giả kịch bản phát thanh - truyền hình. Sách của ông đã được dịch ra 38 thứ tiếng trên thế giới, được trao nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Năm 2008, khi Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt cuốn truyện Bà già và đôi kim đan kỳ diệu của ông, báo chí đã nhận xét đây là cột mốc quan trọng vì lần đầu tiên một tác phẩm văn học Israel được giới thiệu ở Việt Nam. Còn ngài Đại sứ Israel tại Việt Nam thì khẳng định, cuốn sách sẽ là cầu nối góp phần đưa văn hóa Israel đến Việt Nam.
Ngoài hai nhà văn nói trên, còn một số nhà văn khác thuộc thế hệ lão thành đã đặt nền móng cho nền văn học Israel đương đại. Đó là nhà văn Shmuel Yosef Agnon (1888-1970), sinh tại Galicia (trước kia thuộc Đế quốc Áo - Hung, nay là Ukraina), đoạt giải thưởng Nobel văn học năm 1966. Trước năm 75, Nhà xuất bản Trình Bày ở Sài Gòn có xuất bản tập truyện ngắn Trăng trên thung lũng Jerusalem do Nguyễn Thu Hồng chuyển ngữ, song cho đến nay chưa thấy có thêm tác phẩm nào của ông được dịch sang tiếng Việt. Nhà văn Amos Oz (sinh năm1939 tại Jerusalem), được đề cử giải thưởng Nobel năm 2009. Nhà văn Aharon Appelfeld (sinh năm 1932 tại Czernowitz (trước kia thuộc Rumani, nay là Ukraina)…
Hiện nay ở Israel có nhiều hội Nhà văn và các tổ chức liên quan đến văn học như: Liên hiệp các Hội Nhà văn Israel, Hội Nhà văn Do Thái tại Israel, Trung tâm Văn bút Israel, Quỹ Báo chí, Trại sáng tác… Tất cả các hội và tổ chức này đều là tổ chức quần chúng tự nguyện, hoạt động độc lập bằng hội phí và từ các nguồn tài trợ, nhà nước không bao cấp. Chính vì vậy mà để có thể thu hút hội viên tham gia và hoạt động một cách có hiệu quả, vai trò của người lãnh đạo vô cùng quan trọng.
Trong số những nhà văn thuộc thế hệ tiếp theo nhập cư vào Israel vào đầu những năm 90, chủ yếu là từ Liên Xô và các nước Đông Âu, chúng tôi có dịp tiếp xúc và trò chuyện với anh em sinh đôi: nhà thơ Herzel Hakak - Chủ tịch Hội Nhà văn Do Thái và nhà văn Falek Menachem - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Do Thái. Cả hai người đều sinh ra tại Ucraina (Liên Xô trước kia) và giống nhau như đúc, đến nỗi nhà thơ Đỗ Trung Lai suýt bị lạc vì cứ đi theo ông em, trong khi ông anh mới là người có trách nhiệm đưa chúng tôi về khách sạn. Có thể nói, đây là một cặp bài trùng rất tâm đầu ý hợp trong việc tổ chức các hoạt động của Hội Nhà văn Do Thái tại Tel Aviv. Chúng tôi đã chứng kiến việc hai ông tổ chức cho các hội viên của mình đi từ Tel Aviv đến Jerusalem (khoảng 70km) để tham quan khu phố cổ và tổ chức buổi sinh hoạt thơ ngay trong khuôn viên Bảo tàng Do Thái Yishuv. Nhìn hai anh em chạy ngược chạy xuôi, tập hợp mọi người trong khu tham quan đông nghẹt, rồi đứng ra làm công tác tổ chức, tiến hành các lễ nghi tôn giáo trước buổi sinh hoạt…, tôi lại nhớ tới các cán bộ Đoàn thanh niên Komsomol nhiệt tình, năng động từ thời Liên bang Xô Viết. Có thể những tố chất này, các ông vẫn còn giữ lại được từ thời ấy chăng?
Một ví dụ nữa về sự “xã hội hóa” các hoạt động văn học nghệ thuật ở Israel là các trại sáng tác và các lễ hội VHNT. Chúng tôi được mời đến tham quan Trung tâm Văn hóa quốc tế Mishkenot Sha’annim rất thơ mộng và tiện nghi ở thành cổ Jerusalem mà thực chất là nhà sáng tác do tư nhân đầu tư xây dựng và quản lý. Có thể nói, đây là một nơi lý tưởng để sáng tác và cũng chính vì vậy mà nhiều nhà văn tên tuổi đã tham dự. Nhưng khi hỏi đến kinh phí thì ông giám đốc cho biết, khoảng 250 USD/ngày/người. Thấy chúng tôi tỏ ý e ngại, ông giám đốc liền vui vẻ trấn an: “Ngoài các nhà văn tự bỏ tiền ra để vừa đi du ngoạn vừa dự trại sáng tác, các nhà văn có thu nhập thấp thì xin tài trợ từ các trường đại học hoặc các tổ chức có liên quan đến văn học nghệ thuật”. Tại thời điểm khi chúng tôi đến tham quan, toàn bộ các phòng của nhà sáng tác đều kín chỗ.
Trên đường từ thành phố cảng Haifa về Tel Aviv, chúng tôi ghé thăm nhà riêng của giáo sư Naim Araidi (người Ả Rập). Ông là chuyên gia ngôn ngữ tiếng Do Thái, tiếng Ả Rập và là người đã sáng lập ra festival Thơ quốc tế tại tỉnh Maghar. Trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, mang đậm văn hóa của người Hồi giáo, giáo sư cho biết festival đã tiếp nhận nhiều nhà thơ nổi tiếng trên thế giới đến từ châu Âu, Nga, Trung Quốc và các nước Ả Rập. Ông mong muốn được đón tiếp các nhà thơ Việt Nam tại festival này.
Do những đặc điểm lịch sử của một đất nước gồm những người nhập cư từ nhiều nước trên thế giới với nhiều nền văn hóa khác nhau, nên nền văn học của người Do Thái cũng mang đậm dấu ấn của những vùng đất nơi họ đã từng nương thân, tạo nên một sự giao thoa và đa sắc trong VHNT. Các nhà văn Do Thái thuộc thế hệ thứ nhất, hầu hết đều sinh ra ở nước ngoài và trải qua những đau thương mất mát trong Đại chiến thế giới lần thứ hai nên chủ đề chính trong các tác phẩm của họ xoay quanh thân phận con người bị xua đuổi phiêu bạt trên khắp thế giới, rồi sau đó là quá trình hồi hương và hòa nhập vào nhà nước Do Thái mới theo chủ nghĩa phục quốc. Còn các nhà văn Do Thái thuộc thế hệ tiếp theo, thì nữ tiến sĩ Ngôn ngữ và Văn học so sánh Larisa Fialkova cho biết, họ quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề nảy sinh trong quá trình hồi hương và hòa nhập với Nhà nước Do Thái, nhất là những bất đồng về văn hóa, phong tục tập quán và nhân sinh quan. Nhà văn Amir trong lần đến thăm Việt Nam, khi được hỏi về nền văn học Israel, đã nói: “Điều thú vị nhất của Israel là đất nước của những người nhập cư với nhiều cộng đồng văn hóa khác nhau. Do vậy mà sự đa dạng trong thống nhất là điểm nổi bật của văn hóa Israel”.
Việc quảng bá văn học giữa hai nước, cái khó nhất hiện nay là hàng rào ngôn ngữ. Ở Việt Nam rất ít người biết tiếng Hebrew, còn người Do Thái biết tiếng Việt lại càng hiếm. Tiếng Hebrew là một ngôn ngữ cổ, không thuộc hệ Latin, viết từ phải sang trái và đọc từ sau ra trước nên ít phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, cũng có một chút thuận lợi là nhiều nhà văn Do Thái sáng tác bằng hai ngôn ngữ. Ngoài tiếng Hebrew ra, họ còn sáng tác bằng tiếng Anh hoặc tiếng Nga. Như vậy, bước đầu chúng ta có thể giao lưu về văn hóa, VHNT với Israel thông qua tiếng Anh và tiếng Nga.
Nhân dịp nhà văn Eli Amir đến thăm Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - đã phát biểu: “Tôi hy vọng chuyến thăm của nhà văn Israel Eli Amir sẽ mở ra một trang mới trong tiến trình giao lưu và hội nhập văn học Việt Nam với thế giới. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là văn học dịch, vì chúng ta rất cần giới thiệu một cách bài bản những tác giả lớn của Israel ở Việt Nam”.
Kỳ 4: Ngàn năm bia đá
Bút ký của ĐÀO MINH HIỆP