Thứ Năm, 03/10/2024 01:19 SA
Làng H’Mông ở vùng giáp ranh Phú Yên
Thứ Năm, 03/02/2011 15:09 CH

Nằm giáp ranh giữa 3 tỉnh Phú Yên, Ðắk Lắk và Khánh Hòa, với đường đi rất trắc trở nên làng người H’Mông thuộc xã Chư Króa (huyện Ma Ðrắc, tỉnh Ðắk Lắk) ít người lui tới. Có lẽ vì vậy mà nơi đây có rất nhiều chuyện lạ.

 

hmong1-110215.jpg
Bồng bềnh bè nứa qua sông… - Ảnh: Đ.THÔNG

 

Khi chúng tôi hỏi thăm đường để đến làng người H’Mông, nhiều người ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh đã lắc đầu, tỏ vẻ không tin. Có người còn nghi ngờ hỏi lại: “Có đi thiệt không đấy?”. Sự nghi ngờ ấy không phải là không có lý, bởi không mấy ai ở Sông Hinh đến với làng người H’Mông này vì ngại “cuốc bộ” và nguy hiểm khi qua sông. Một cán bộ ở xã Sông Hinh được cho là biết ngôi làng này dẫn đường chúng tôi đi, nhưng chỉ mới tới bãi lầy cách trung tâm xã chưa bao xa liền quay xe lại với câu nói lưng chừng: “Thôi các anh đi. Cứ đi miết sẽ tới sông. Qua sông, lại cứ đi miết rồi sẽ tới làng”!

 

CHÒNG CHÀNH BÈ NỨA, SÔNG SÂU…

 

Vậy là bắt đầu từ đó, hành trình “cuốc bộ” của chúng tôi mở ra. Vượt qua bãi lầy khoảng 4 cây số, rồi chúng tôi cũng đến được sông. Chuyện lạ đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp ở bến sông này là chiếc bè bằng nứa dùng để qua lại, chỉ thấy ở vùng Tây Bắc, lại đang để ở bến sông, nhưng chẳng có người lái bè. Tôi đang loay hoay không biết làm cách nào để qua sông thì một người đàn ông cõng trên lưng một chiếc bao to bước xuống. Ông cho biết tên là Thào Seo Vàng, thường qua lại bến sông này để đi chợ ở xã Sông Hinh, đem về bán cho người dân trong làng. Thào Seo Vàng cho biết, đây là chiếc bè do người dân trong làng góp công để làm chung, ai qua sông thì cứ tự nhiên chống qua. Thường thì mỗi bên sông một bè, nhưng cũng có khi đến bến này mà cả hai bè đều nằm bên kia nên phải chờ. Con sông mùa nước dâng, cây sào chống dài  hơn 5m nhưng cứ hun hút. Nước chảy xiết, chiếc bè nứa mấy lần chòng chành muốn lật làm chúng tôi thót tim.

 

Qua được sông, Thào Seo Vàng kể tiếp: “Làng này được lập từ năm 1998 hay 1999 gì đó. Ban đầu chỉ một vài hộ di cư tự do từ các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn về đây. Sau cứ đông thêm, đến nay đã được 135 hộ. Ban đầu làng này không thuộc địa phương nào, sau mới thuộc thôn 9, xã Chư Króa, huyện Ma Đrắc, tỉnh Đắk Lắk.

 

hmong2-110215.jpg
Chị Vàng Thị Xum làm dáng trong trang phục truyền thống của người H’Mông. - Ảnh: H.ÁNH

 

“BỘI THU”  CHUYỆN LẠ

 

Giảm tuổi khai sinh để được đến trường

 

Thào Seo Chùa, con trai của Thào Seo Vàng năm nay 14 tuổi, nhưng chỉ mới học lớp 3. Cô giáo ở trường đề nghị gia đình làm lại giấy khai sinh để giảm tuổi Chùa mới cho học tiếp. Thế là Thào Seo Vàng mang giấy khai sinh của con lên xã làm lại, giảm xuống 2 tuổi. Chuyện nghe thật lạ, nhưng với thầy giáo Võ Ngọc Quế, phân hiệu trưởng ở đây, lại thấy là chuyện bình thường. “Ở đây có mấy trường hợp phải như vậy. Học không lên lớp 2 năm thì phải giảm tuổi, nếu không, có lớp phổ cập đâu mà học”, thầy Võ Ngọc Quế nói. Ở đây, chuyện giảm tuổi để tiếp tục được đi học dường như là cái nháy mắt thống nhất từ nhà trường đến học sinh, phụ huynh và cả chính quyền địa phương.

Theo những người dân ở xã Sông Hinh, khi xã này chưa có điện thì nhìn qua sông đã thấy làng H’Mông ánh điện sáng choang. Đó là vì người dân làng này biết cách ngăn suối vừa làm thủy điện nhỏ, vừa làm thủy lợi. “Cứ 3-4 hộ lại hùn nhau đắp đập ngăn suối, góp tiền ra chợ Ma Đrắc mua sắt thép về làm tuốc-bin. Kinh nghiệm làm thủy điện nhỏ ở quê cũ giúp người H’Mông chúng tôi có điện để thắp sáng, nấu nướng” -  anh Vàng A Báo, quê ở Bắc Hà, vô đây từ năm 2002 kể. Nước sau thủy điện được khơi mương đưa xuống ruộng bậc thang làm lúa 2 vụ. Cuối năm 2009, điện từ trung tâm huyện Ma Đrắc được kéo về đây, các tuốc-bin của những thủy điện nhỏ được tháo dỡ, nhưng những đập nước vẫn được giữ để làm thủy lợi. Nhờ nguồn nước này mà chỉ 135 hộ nơi đây đã có đến hơn 55ha lúa nước. Cái ăn không còn phải lo nhiều. Sống ở vùng heo hút, nhưng ông Vàng Mua bảo: “Cuộc sống còn khấm khá gấp trăm lần so với quê cũ ở Hà Giang. Ở quê cũ, tôi phải cõng đất lên núi lấp những hốc đá để trỉa ngô thì nơi đây đất tốt, tha hồ mà trồng trỉa”. Nhà Vàng Mua năm vừa rồi thu đến gần 100 triệu đồng từ tiền bán sắn và lúa.

 

Người đến làng này lần đầu không khỏi nhạc nhiên khi thấy phụ nữ cả làng đều mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc H’Mông. Nếu như đàn ông cứ tuềnh toàng áo may ô, mũ cối, thì phụ nữ, từ bà lão rụng hết răng đến em bé mới tập đi luôn rực rỡ với váy áo thổ cẩm dân tộc H’Mông. Lên nương cũng thổ cẩm, xuống bếp nấu ăn cũng thổ cẩm. Hỏi chuyện, không ai biết vì sao như thế, chỉ biết ở quê cũ vùng Tây Bắc đã vậy. Và để có những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, hầu như nhà nào cũng có khung cửi và người mẹ nào ở đây cũng biết dệt thổ cẩm. Vàng Thị Xum kể rằng ngày rời Hà Giang để theo chồng về đây, cái mà mẹ cô buộc phải mang theo chính là khung cửi đã tháo rời. Bà bảo Xum mang theo để dẫu có đói cũng có cái mà mặc, con cái không phải ở truồng ra chợ. Để dệt nên những bộ váy áo cho mình và gia đình, một đôi tháng những phụ nữ ở đây rủ nhau cuốc bộ hơn 30 cây số đến chợ Ma Đrắc để mua sợi và phẩm màu.

 

hmong3-110215.jpg

Vợ chồng Vàng A Báo gieo mạ chuẩn bị cho vụ lúa mới. - Ảnh: H.ÁNH

 

“Đời cha mù, đời con phải sáng” - Đó là câu nói của ông Thào Seo Vàng. Thào Seo Vàng cho biết: Cả làng 135 hộ, nhưng có đến hơn 300 người mù cả chữ H’Mông lẫn chữ Kinh, không người lớn nào ở đây biết chữ. Vàng Mua, người thứ hai trong làng nói được tiếng Kinh mà chúng tôi gặp, bảo: “Ở quê cũ có học hành gì đâu mà biết chữ”. Vợ của Thào Seo Vàng là Vàng Thị Xing xem phim Trung Quốc trên VTV1 nhưng lại mở volume hết cỡ. Hỏi ra mới biết, chị không nghe được tiếng Kinh của người thuyết minh mà chỉ nghe được tiếng Hoa nguyên gốc trong phim. “Những người như vợ tôi nhiều lắm. Ở quê cũ Hà Giang thường tiếp xúc với người Hoa nhưng lại ít tiếp xúc với người Kinh nên chỉ biết tiếng Hoa” - Thào Seo Vàng nói. Ở làng H’Mông này, người nói được tiếng Kinh chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Chuyện học, chuyện phải biết cái chữ ở làng H’Mông đấy là chuyện của con trẻ. Dường như cả người lớn lẫn con nít đều nhận thức rõ điều ấy nên chỉ có một phân trường tiểu học cách xa điểm cuối của làng đến hơn 20 cây số, nhưng 8 lớp học hiếm khi vắng học sinh. Dậy sớm từ 4g để đến trường lúc 8g sáng, nhưng học sinh vẫn đi học đông đủ. Trong đợt lụt vừa qua, chiếc cầu từ trung tâm xã Chư Króa bắc qua sông bị gãy, giáo viên không qua được, phải nghỉ dạy gần 1 tháng, nhưng học sinh vẫn đến trường để rồi lại về.

 

Đi bộ đúng một ngày với gần 30 cây số, cuối cùng cũng đi hết được làng người H’Mông, với chúng tôi là một ngày “bội thu” những chuyện lạ. Ngược lại, người H’Mông cũng đã bắt gặp một chuyện mà họ chưa bao giờ thấy ở làng này: hai người đàn ông ì ạch khiêng một “con ngựa sắt” qua những bờ ruộng bậc thang cũng chính là con đường vào làng…

  

HỒNG ÁNH

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người đàn bà mê… tiền
Thứ Sáu, 04/02/2011 15:00 CH
Cô giáo ở Trường Sa
Thứ Bảy, 22/01/2011 18:07 CH
Chuyện về bậc trưởng lão 104 tuổi
Thứ Bảy, 08/01/2011 18:00 CH
Khám phá “thủ đô” Trường Sa
Thứ Tư, 05/01/2011 16:30 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek