Thứ Năm, 03/10/2024 01:24 SA
Người mẹ ở huyện Đất Đỏ
Thứ Bảy, 11/12/2010 15:20 CH

Nguyễn Du là một đường phố đông đúc, buôn bán sầm uất ở TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Ngôi nhà 6/1 Nguyễn Du nằm trên mặt tiền giữa phố là nhà tình nghĩa của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ngọc. Tôi đến thăm mẹ vào một buổi sớm tháng 10/2010. Ánh nắng rực rỡ phủ đều trên những tán phượng xanh um, tỏa xuống mặt đường đang chật người đi lại, buôn bán tấp nập. Năm nay mẹ Lê Thị Ngọc gần 90 tuổi, tóc bạc phơ, nhưng còn minh mẫn, đi lại vững vàng, nói năng lưu loát, ít ai nghĩ mẹ đã qua một cuộc đời chồng chất những nỗi nhọc nhằn, hy sinh to lớn. Mẹ vui vẻ ra tận hiên nhà đón tôi như đón đứa con ruột thịt của mẹ đi xa lâu ngày trở lại. Mẹ thân mật nói ngay:

 

me101211.jpg

Bà mẹ Việt Nam anh hùng LÊ THỊ NGỌC

- Hôm nay mẹ không có điều kiện ngồi đây để nói chuyện với con lâu dài được. Trên tỉnh đã cho người đến mời mẹ dự lễ trao tặng Huân chương Lao động cho đơn vị nào đó. Chút nữa ô tô đến đây đón mẹ. Mà cũng còn may là đến bây giờ họ chưa đến đón, mà con lại đến sớm. Nếu không thì mẹ và con lại không gặp được nhau.

 

Tôi và mẹ ngồi nói chuyện với nhau khá lâu mới có xe đến đón mẹ. Mẹ mặc áo dài màu tím, nhiều huân chương, huy chương và huy hiệu Anh hùng đeo trước ngực. Trước khi bước lên ô tô, mẹ nắm chặt tay tôi nói:

 

- Con à! Những nét chính về cuộc đời của mẹ và gia đình mẹ, mẹ đã tâm sự tất cả với con rồi. Ở lại nhà, con cần biết điều gì thêm thì có thằng Sơn, con trai út của mẹ sẽ tiếp tục chuyện trò với con. Nghen con! Thôi mẹ đi, kẻo họ chờ!

 

Tôi thưa:

 

- Con cám ơn mẹ! Nếu đến trưa mà mẹ chưa về, thì bây giờ con xin kính chúc mẹ luôn luôn mạnh khỏe, sống lâu trên trăm tuổi.

 

* * *

Mẹ Lê Thị Ngọc sinh năm 1922, quê quán ở xã Long Mỹ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đây là xã có chiến khu Minh Đạm kiên cường, bất khuất, được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 25 tuổi mẹ lập gia đình. Chồng mẹ là ông Nguyễn Văn Liêm, sinh năm 1921, người cùng làng. Hai người sinh được 6 người con gồm: Nguyễn Trọng Nghĩa, Nguyễn Văn Tòng, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Thị Liên, Nguyễn Thị Bích và Nguyễn Văn Sơn.

 

Trước năm 1945, ông Nguyễn Văn Liêm tham gia cách mạng ở địa phương và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông Liêm là một trong những cán bộ chủ chốt ở địa phương tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. Chồng thoát ly gia đình đi làm cách mạng, mẹ Lê Thị Ngọc chẳng những ở nhà tần tảo làm lụng nuôi các con khôn lớn, mà còn tích cực tham gia các tổ chức cách mạng ở địa phương. Ngoài việc làm mấy sào ruộng để có lúa gạo ăn, những ngày tháng công việc đồng áng không bận rộn, mẹ còn tranh thủ đi buôn bán hàng hóa lặt vặt để có tiền mua rau mắm. Việc đi buôn bán còn giúp mẹ dễ che mắt địch để đi được nhiều nơi nắm tình hình, đưa thư từ công văn bí mật cho các đồng chí lãnh đạo và các tổ chức cách mạng. Trong gánh hàng rong vắt vẻo trên vai của mẹ còn có cả truyền đơn của cách mạng kêu gọi toàn dân đoàn kết kháng chiến chống bọn đế quốc thực dân và bọn phong kiến tay sai bán nước. Có lúc bất ngờ gặp trạm kiểm soát lưu động của địch, mẹ biết đi tới hoặc tháo lui đều rất nguy hiểm, dễ làm cho bọn địch nghi ngờ, mẹ đã nhanh trí quẳng cả gánh hàng rong xuống sông để phi tang mọi thứ tài liệu và truyền đơn cách mạng.

 

Ông Nguyễn Văn Liêm rất vui mừng khi mỗi lần tạt về thăm nhà biết các con khôn lớn, trưởng thành; người vợ hiền chẳng những làm lụng quên ngày, quên đêm để có tiền, có gạo nuôi các con ăn học, mà còn tích cực tham gia công tác cách mạng ở địa phương. Mẹ Ngọc tỉ tê tâm sự với chồng:

 

- Mình à! Mình cứ yên tâm đi hoạt động cách mạng, công việc gia đình tui sẽ cố gắng lo liệu chu tất. Tui thường động viên chúng nó: “Các con hãy noi theo tấm gương của ba các con. Đứa nào lớn lên, đủ tuổi, đủ điều kiện thì đi theo ba con mà hoạt động cách mạng. Mẹ nghĩ kỹ rồi, chỉ có đi theo con đường của cách mạng, thì dân mình mới có độc lập, tự do, mới được ấm no, hạnh phúc! Vì lý tưởng cao đẹp đó mà ba của các con không ngại hy sinh, gian khổ, nhịn đói, nhịn khát, nằm rừng, rúc bụi, chỉ lo làm tròn nhiệm vụ của cách mạng, của nhân dân giao phó”.

 

Ông Liêm không ngờ người vợ nông dân ở một vùng quê hẻo lánh, suốt ngày chân lấm, tay bùn, suốt năm lam lũ với gánh hàng rong để kiếm sống qua bữa, thế mà lại nói được những câu nói thể hiện rõ những nghĩ suy đầy đủ ý nghĩa chính trị. Ông Liêm tươi cười rất vui và chân thành nói:

 

- Tôi rất cám ơn mình đã thay tôi đảm đương mọi việc trong nhà để tôi có điều kiện thuận lợi chăm lo công việc của tổ chức cách mạng phân công. Tôi không hiểu mình đã đọc được sách báo ở đâu mà có những lời nói thể hiện rõ tính chính trị, cách mạng như vậy!.

 

Mẹ Ngọc nguýt yêu chồng, vui vẻ nói:

 

- Chắc là lâu nay mình khinh tui không hiểu biết chút nào về nhiệm vụ của cách mạng phải không? Này nhé! Truyền đơn của cách mạng tui đi rải khắp nơi, chẳng lẽ tui không đọc được à? Các đồng chí lãnh đạo cách mạng ở địa phương khi giao nhiệm vụ cho tui đều giải thích cặn kẽ đó là nhiệm vụ gì? Làm nhiệm vụ đó để làm gì? Mỗi ngày được tiếp thu và nhận thức thêm một ít về cách mạng nên tui cũng sáng dần ra chớ mình! Mình à! Chúng mình đã sinh ra được sáu đứa con cả thảy, tui nghĩ mãi và hỏi ý kiến của mình là hễ đứa nào có đủ điều kiện thoát ly đi làm nhiệm vụ của cách mạng thì ở nhà tui sẽ cho các con nó đi, mình có đồng ý không?

 

Ông Liêm lại cười, tỏ lòng mến phục nhìn người vợ hiền nói:

 

- Mình nói rất phải. Tôi đồng ý với ý kiến của mình đó!

 

Không ngờ rằng chuyến tạt về thăm nhà lần đó và cuộc trò chuyện với vợ lần đó là lần cuối cùng của ông Liêm. Ngày 11/11/1960, với vị trí là Bí thư Liên khu ủy khu Tây của huyện Đất Đỏ, ông Nguyễn Văn Liêm đang đọc diễn văn trong một cuộc mít tinh trước hàng ngàn đồng bào trong huyện, kêu gọi toàn dân đoàn kết, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, ra sức xây dựng chính quyền cách mạng và lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, kiên quyết kháng chiến, đánh đuổi quân xâm lược và bè lũ tay sai để giành thắng lợi cuối cùng. Không ngờ có bọn điệp báo, nên lũ lính bảo an, dân vệ ập đến xả súng bắn chết ông Nguyễn Văn Liêm ngay trên khán đài.

 

Đồng chí, đồng đội và đồng bào có mặt tại cuộc mít tinh hôm đó đã đưa thi hài ông về căn cứ cách mạng ở Minh Đạm làm lễ truy điệu và chôn cất ông chu đáo.

 

Đau đớn vì chồng hy sinh quá đột ngột, mẹ nuốt nước mắt và quyết tâm thực hiện những lời đã tâm sự với chồng trước đây là động viên các con phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, của quê hương, nối gót người cha vừa hy sinh tiếp tục thoát ly ra vùng căn cứ làm cách mạng. Cuối năm 1960, người con trai cả là Nguyễn Trọng Nghĩa xin phép mẹ khăn gói lên đường vào căn cứ Minh Đạm, rồi từ đó xung phong gia nhập bộ đội giải phóng của tỉnh.

 

Thời gian này bọn tề ngụy ở địa phương thường xuyên o ép mẹ đủ điều. Chúng nó liên tục gọi mẹ lên trụ sở xã hoạnh họe, hăm dọa rằng những đứa con của mẹ mà tiếp tục thoát ly đi theo cách mạng thì chúng nó sẽ bỏ tù mẹ rục xương. Biết ở lại quê nhà khó sống nên mẹ đưa cả đàn con xuống TP Vũng Tàu làm thuê, làm mướn, bán hàng rong để sống qua ngày. Được bà con trong khu phố thương yêu giúp đỡ, cộng với bàn tay chịu thương, chịu khó của mẹ, cuộc sống của gia đình mẹ dần dần ổn định. Ở TP Vũng Tàu mẹ tiếp tục với nhiệm vụ là cơ sở cách mạng của thành phố, và nhà mẹ tuy chỉ là cái chái lợp bằng tôn ở một cái hẻm nhỏ trong một khu dân cư lao động đã trở thành nơi ăn ở, đi lại của các đồng chí cán bộ cách mạng ở huyện Đất Đỏ rất an toàn. Tuy nhà nghèo, mẹ vẫn nuôi một lúc vài ba cán bộ cách mạng trong nhà hàng tháng trời. Mẹ cảm thấy rất buồn khi trong nhà mẹ thiếu vắng một vài cán bộ cách mạng lui tới.

 

Bọn địch ở huyện Đất Đỏ tiếp tục truy lùng mẹ, biết mẹ đang sống và làm ăn ở TP Vũng Tàu, chúng nó cấu kết với bọn tề ngụy ở thành phố tiếp tục o ép, hăm dọa mẹ. Mặc! Mẹ vẫn sống kiên cường, bất khuất như cây tùng, cây bách trước phong ba bão tố. Thực hiện lời động viên của mẹ: “Các con hãy tiếp tục thoát ly đi hoạt động cách mạng để trả thù nhà, đền nợ nước!”. Những người con tiếp theo của mẹ là Nguyễn Văn Tòng, thoát ly năm 1963; Nguyễn Văn Hồng, thoát ly năm 1967 và Nguyễn Thị Liên thoát ly năm 1969. Bốn đứa con liên tiếp thoát ly ra vùng căn cứ cách mạng, ở nhà thiếu vắng chúng nó làm cho mẹ vất vả nhiều hơn trước, nhưng mẹ Ngọc cảm thấy rất vui vì đã thực hiện được lời hứa với chồng trước đây và cũng là thiết thực góp một phần nhỏ công sức của gia đình mình vào sự nghiệp kháng chiến của toàn dân tộc.

 

Niềm vui chưa được bao lâu thì một tin buồn như sét đánh ập đến với mẹ. Một buổi tối tháng 10 năm 1970, trời mưa to như trút nước, sấm chớp đì đùng, có một chiến sĩ quân giải phóng cải trang là một thanh niên đi bán mật ong đến nhà gặp mẹ. Tay anh run run trao cho mẹ chiếc phong bì. Người chiến sĩ trẻ ấy nói: “Thưa mẹ! Con là chiến sĩ quân giải phóng của huyện đội Long Đất, được cấp trên cử đến đây trao chiếc phong bì này cho mẹ!”. Linh tính mách bảo cho mẹ biết đây sẽ là một thông tin không vui đối với mẹ. Mẹ bình tĩnh đưa chiếc phong bì đó cho người con trai út là Nguyễn Văn Sơn mở ra đọc. Sơn không đọc đầy đủ chữ nghĩa trong công văn, mà chỉ nói tóm tắt nội dung công văn đó cho mẹ: “Mẹ à! Ban chỉ huy huyện đội Long Đất gửi công văn báo tin buồn là chị Liên, trên đường đi công tác bị máy bay địch ném bom đã anh dũng hy sinh ngày 12 tháng 9 năm 1970”.

 

Mẹ Ngọc lăn đùng ra giữa nhà khóc nức nở, rồi lịm dần, lịm dần. Bà con cô bác quanh phố biết tin, đội mưa đến thăm hỏi và lo thuốc thang cho mẹ khỏe dần. Mẹ không ngờ đứa con gái xinh đẹp, giỏi giang và nết na duy nhất của mình lại hy sinh quá sớm như vậy. Liên mới thoát ly năm 1969, được tuyển quân vào làm lính văn thư của huyện đội Long Đất. Tháng trước Liên đi công tác giao nhận công văn lên tỉnh đội, có tranh thủ tạt qua nhà, Liên khoe với mẹ là sẽ được cấp trên cho đi học một lớp tập huấn về thông tin liên lạc của tỉnh đội sắp mở. Thế mà nay Liên không còn nữa…

 

Nước mắt chưa ráo hẳn trên khuôn mặt nhăn nheo, gầy gò của mẹ, thì một năm sau mẹ Ngọc lại nhận được một công văn nữa từ Ban chỉ huy quân sự của tỉnh đội. Công văn cho biết: “Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, chức vụ Trung đội bậc trưởng đã anh dũng hy sinh trong một trận chiến đấu ác liệt để bảo vệ căn cứ cách mạng ngày 14 tháng 11 năm 1971, tại chiến khu Đ ở huyện Phú Giáo” (Hòa bình thống nhất nước nhà, hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bình Dương ngày nay).

 

Một lần nữa mẹ Ngọc lại khóc nức nở. Dường như nước mắt của mẹ đã cạn khô rồi. Nghĩa là đứa con trai cả của mẹ, nó cao lớn, khỏe mạnh và đẹp trai, rất vui tính giống cha nó. Khi còn ở nhà mẹ giục Nghĩa lấy vợ để mẹ có cháu nội bế bồng, nhưng Nghĩa lắc đầu lia lịa nói rằng: “Còn phải đi bộ đội giải phóng, trực tiếp tham gia chiến đấu để trả thù cho cha và để góp phần mình vào sự nghiệp kháng chiến to lớn của đất nước”. Thế là sau ngày cha mình hy sinh trong cuột mít tinh, Nghĩa đi thoát ly ra căn cứ cách mạng Minh Đạm ngay. Ở đó anh xung phong nhập ngũ. Nhiều trận chiến đấu Nguyễn Trọng Nghĩa được công nhận là Dũng sĩ diệt Mỹ. Trận chiến đấu này Nguyễn Trọng Nghĩa được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất.

 

Đêm đêm mẹ Ngọc đứng trước bàn thờ của ba liệt sĩ thắp hương, khấn vái, cầu nguyện để cho chồng và hai con ở nơi suối vàng yên tâm là trên trần gian này mẹ vẫn khỏe mạnh, những người trong gia đình đều vô cùng thương nhớ những người đã khuất. Mẹ cầu xin sự linh thiêng của ba liệt sĩ hãy về phù hộ cho cả nhà bình yên, khỏe mạnh, làm ăn no đủ, phù hộ những người con trong gia đình đang ở trong hàng ngũ cách mạng tránh được hòn tên, mũi đạn của kẻ thù, an toàn, khỏe mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ của nhân dân giao phó.

 

Một buổi sáng tháng 9 năm 1972, mẹ Ngọc dậy thật sớm chuẩn bị quang gánh đi chợ thì có một chiến sĩ quân giải phóng cải trang thành người đi buôn bán vải đến gặp mẹ báo tin: “Đồng chí Nguyễn Văn Tòng - con của mẹ là chiến sĩ ở Tiểu đoàn 445 bộ đội địa phương của tỉnh đã anh dũng hy sinh ngày 18 tháng 8 năm 1972 trong một trận đánh địch càn quét vào căn cứ Minh Đạm”. Nói xong, người chiến sĩ liên lạc ấy trao giấy báo tử cho mẹ và cúi đầu chia buồn với mẹ, rồi xin phép mẹ đi ngay.    

 

Mẹ Ngọc ngã lăn ra giữa sàn nhà ngất lịm. Cả nhà cùng bà con xung quanh khu phố kéo đến an ủi chăm sóc mẹ. Trong vòng hơn 10 năm mẹ Ngọc đã gánh chịu bốn cái tang của chồng và ba người con hy sinh vì sự nghiệp cách mạng.

 

Một năm sau mẹ lại nhận được tin Nguyễn Văn Hồng bị thương rất nặng. Mẹ chống gậy mò mẫm ra vùng căn cứ cách mạng thăm con. Hồng đang nằm điều trị vết thương tại trạm xá của tỉnh đội. Các đồng chí chỉ huy đơn vị cho mẹ biết: Anh Nguyễn Văn Hồng ra căn cứ cách mạng năm 1967 rồi xung phong nhập ngũ vào quân giải phóng. Là chiến sĩ mới, nhưng trận đầu tiên Hồng chiến đấu rất dũng cảm và được tập thể bình chọn là Dũng sĩ diệt Mỹ. Do yêu cầu của nhiệm vụ, Hồng được chọn đi học lớp y tá do tỉnh đội mở. Tốt nghiệp ra trường, Hồng được phân công về công tác ở Trạm xá huyện đội Long Đất. Trên đường đi công tác xuống các đơn vị đang chiến đấu ở phía trước, Hồng đạp phải mìn mo của địch gài, bị thương rất nặng ở chân phải, phải cưa mất gót chân. (Nay là thương binh loại 2/4). Hiện anh Nguyễn Văn Hồng đang công tác tại Huyện ủy Đất Đỏ).

 

Nước mắt của mẹ Lê Thị Ngọc thật sự đã cạn khô, vì mẹ đã khóc quá nhiều cho chồng và cho các con đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu. Cuộc đời của mẹ là hy sinh vô bờ bến, hiến dâng hầu hết người thân trong gia đình mình cho sự nghiệp cách mạng. Mẹ được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng theo Quyết định số 394KT/CTN ngày 17 tháng 12 năm 1994. Ban chỉ huy Quân sự bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là đơn vị nhận phụng dưỡng mẹ Ngọc suốt đời. Mẹ đang sống những năm tháng cuối đời trong tình yêu thương chăm sóc chí tình, chí nghĩa của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như quần chúng nhân dân xung quanh nhà mẹ ở khu phố Nguyễn Du, TP Vũng Tàu. Mẹ thường tâm sự với mọi người: “Không có sự hy sinh to lớn như thế thì không thể có ngày hôm nay. Tui chỉ là một trong hàng vạn Bà mẹ Việt Nam anh hùng của đất nước Việt Nam mình thôi!”.

 

 

Truyện ký của TÔ PHƯƠNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Nghị lực sống
Thứ Bảy, 04/12/2010 13:30 CH
Ra biển câu mực
Thứ Bảy, 27/11/2010 16:00 CH
Xua bóng tối bằng đôi tay
Thứ Bảy, 13/11/2010 14:30 CH
Chiến công của ba thế hệ
Thứ Bảy, 06/11/2010 18:00 CH
Nhà từ thiện lãng mạn
Thứ Bảy, 30/10/2010 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek