Mang trong mình 8 căn bệnh ung thư do di chứng chiến tranh, chết đi sống lại nhiều lần, thế nhưng, bằng nghị lực và niềm tin, người nữ biệt động Sài Gòn năm xưa với bí danh HTKT đã một mình 5 lần đạp xe vượt đường Trường Sơn ra tận Hà Nội thăm Lăng Bác và trở thành sứ giả niềm tin của thế hệ trẻ. Bà là Huỳnh Thị Kiều Thu (SN 1951).
Bà Huỳnh Thị Kiều Thu trò chuyện cùng tác giả - Ảnh: CTV
Một buổi chiều giữa tháng 11, trời Sài Gòn chợt mưa chợt nắng, tôi lần theo địa chỉ, tìm hỏi căn nhà số 49/72A, đường Đinh Tiên Hoàng (phường 3, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) để tìm gặp bà Huỳnh Thị Kiều Nga. Bên trong căn nhà bình dị, người phụ nữ ấy nằm trên chiếc võng, xung quanh ngổn ngang những đồ đạc linh tinh. Bà trẻ hơn so với tôi tưởng. Thân thể bé nhỏ bị lở loét khắp người bởi những căn bệnh ung thư quái ác. Bà phải cố gượng nằm bên những chai nhựa được kê ở bụng, nách, cổ... Vậy mà trên khuôn mặt bà lúc nào cũng toát lên một nụ cười hiền hậu với ánh mắt đầy niềm tin.
NỮ BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN HTKT
Năm 1967, khi chưa tròn 16 tuổi, Kiều Thu đã nằng nặc xin gia đình cho tham gia công tác nuôi giấu cán bộ, nhưng vì còn nhỏ, gia đình không đồng ý. Rồi Thu quyết định trốn nhà tìm đến Thành Đoàn để xin hoạt động trong Hội Thanh niên thành phố. Trong chiến dịch đánh phá các trung tâm thông tin của địch (4/1969), Kiều Thu xung phong đảm nhận nhiệm vụ đánh chất nổ Ty Bưu điện Gia Định. Công việc này Thu thực hiện hoàn hảo, được ban lãnh đạo đánh giá rất cao.
Tháng 5/1969, Thu được tổ chức giao đặt chất nổ ở Ty Thông tin Gia Định. Trước khi thi hành nhiệm vụ, Kiều Thu cải trang thành một nữ sinh Sài Gòn với áo dài trắng, mang cặp sách, nghiên cứu rất kỹ địa hình và quyết định thực hiện nhiệm vụ vào ngày 11/5/1969. Bà Thu nói: “Tôi lúc đó như một nữ sinh hiền hòa, khuôn mặt ngây thơ, nên bọn lính không nghĩ là người của cách mạng, điều ấy làm chúng chủ quan. Đây cũng là yếu tố thuận lợi để tôi hoạt động”. Trước lúc hành động vài phút, từ trong Ty Thông tin Gia Định, một toán lính ra ngoài hút thuốc. Không chậm trễ, Thu liền đốt dây cháy chậm, rồi ôm khối chất nổ chạy thẳng vào mục tiêu. Công việc thành công, tòa nhà trung tâm thông tin bị sập hoàn toàn, đám lính Mỹ - quân đội Sài Gòn chết khá nhiều. Thu thoát chết trong gang tấc. Kíp nổ vẫn chưa cháy hết, Thu thấy một người đàn ông quay lưng, mặc quần áo công nhân, ngỡ là đồng bào mình, nên sợ chết oan. Thu chưa kịp dứt lời: “Chạy mau!”, thì người đàn ông ấy hô to. Thu bị truy đuổi quyết liệt và bị đánh đập dã man ngay tại chỗ.
Bà Thu bồi hồi nhớ lại: “Hết đám lính này đến đám lính khác dùng tay, chân giẫm lên người tôi, chúng đấm mạnh vào đầu, vào ngực, hông… nhưng tôi thấy tự hào vì đã hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao”. Ngay hôm sau, nhiều tờ báo đã đưa tin với tựa đề rất giật gân “Thộp cổ tại chỗ nữ cán bộ đặc công cộng sản HTKT”. Với chiêu bài này, lực lượng quân Mỹ tại Sài Gòn âm mưu hòng làm lung lay ý chí của thanh niên, nhưng chúng không ngờ rằng chính điều đó càng kích thích sự chống đối quyết liệt hơn trong bộ phận nhân dân lúc bấy giờ.
Bị lực lượng quân đội Mỹ liệt vào đối tượng nguy hiểm, chúng tra tấn và đánh đập Thu rất dã man. Thân xác Thu rỉ máu, bầm tím, kiệt quệ… tưởng chừng không thể sống sót. Sau đó, chúng giam cầm Thu qua 8 nhà tù, trong đó có nhà tù Côn Đảo, nơi được xem là địa ngục của trần gian. “Ngày ấy chúng tra tấn tôi với khẩu hiệu “Sức khỏe giảm dần - món đánh tăng dần”, tra tấn theo kiểu “tàu bay”, “tàu lượn”, “tàu ngầm”… nghĩa là kẹp 2 tay hai chân, khiêng lên, quăng xuống nền nhà nhiều lần, ngâm vào thùng phuy nước lạnh, đánh, lăn mặc sức. Mãi đến tháng 3/1974, tôi cùng đồng đội được trao trả với thương tích đầy người. Lúc ấy, tôi bị liệt một chân, một tay và xuất hiện khối u ở ngực”- bà Thu hồi tưởng.
5 LẦN VƯỢT ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN THĂM BÁC
Từ thời thiếu nữ, bà ao ước được gặp Bác Hồ dù chỉ một lần. Khi nghe tin Bác mất, bà đau đớn và tự hứa phải cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao, để khi hòa bình lập lại, sẽ ra thăm Lăng Bác. Sau giải phóng, bà Thu được bố trí làm việc tại thư viện Nhà Văn hóa Thanh Niên TP Hồ Chí Minh. Hằng tháng, bà dành một phần lương gửi tiết kiệm để hy vọng thực hiện ước muốn của mình. Nhưng căn bệnh ung thư quái ác từ thời kỳ còn bị cầm tù ở Côn Đảo ngày càng làm bà suy kiệt. Đến năm 1995, bà Thu đành xin về hưu để có thời gian chữa bệnh. Điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh khoảng 9 năm, hết sạch số tiền ít ỏi mà bà tiết kiệm. Song, bệnh tật ngày càng nặng thêm, từ căn bệnh ung thư vú giai đoạn cuối, cơ thể bà lại gánh thêm 7 căn bệnh ung thư khác (ung thư xương sọ, ung thư xương ức, ung thư xương đòn, ung thư phổi…) đang trong thời kỳ ăn sâu vào xương thịt. Bà nói: “Có những đêm, không chịu nổi nữa, nghĩ mình sẽ chết, tôi lại tự nhủ: Kiều Thu ơi! Hãy cố sống thêm một ngày nữa đi!”.
Người bình thường, một căn bệnh ung thư cũng đủ để họ chết, nhưng đằng này, 8 căn bệnh ung thư và đều ở giai đoạn sắp phải ra đi, nhưng bà Thu vẫn vượt qua. Nghị lực và niềm tin mà bà có được, chỉ xuất phát từ một ước mong đơn giản, một ngày nào đó, bà sẽ tự mình đạp xe ra Hà Nội thăm Bác. Vào ngày 7/5/2004, kỷ niệm 50 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, bà Thu xuất phát từ TP Hồ Chí Minh vượt đường Trường Sơn để ra Hà Nội thăm Bác bằng chiếc xe đạp đã cũ kỹ treo đầy nồi niêu, xoong chảo, lò xô, bình đựng nước, ấm sắc thuốc, cùng những bao thuốc uống…
Bà Thu kể: “Ban ngày, tôi tranh thủ vừa đạp xe, vừa dắt bộ vượt qua đèo dốc, khi đói thì vào nhà dân xin cơm, trộn với bột sắn mang theo để lót dạ. Tối đến, lúc nào mệt quá, tôi tìm vào những mái hiên nhà ngủ nhờ”. Nhiều đêm, đạp xe mãi trên đường mà không tìm được nhà, bà lại chui vào những ống cống chưa thi công bên lề đường ngủ tạm. Vết lở loét trên ngực chưa kịp lành miệng, bà tự rửa bằng nước suối. Trong quyển nhật ký của mình, tại đỉnh Trường Sơn cao 601m, thuộc huyện Đắc Tô, tỉnh Kon Tum, bà Thu đã viết: “Tôi đến trước ngọn đồi này, thật cao, dốc đứng sừng sững tưởng chừng không thể lên nổi. Tôi hát “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi...” để khích lệ mình. Hát đi, hát lại nhiều lần thì tôi lên được đỉnh đồi rồi...”. Với đèo Lò Xo, mất hai ngày, bà mới vượt qua được. Một buổi tối, khi bà đang đổ đèo tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong lúc tránh chiếc ôtô ngược chiều, thì xe của bà bị lạc tay lái, lao thẳng xuống vực. Nhưng may thay, khi trượt dốc chừng 5-6m, cả người và xe lao thẳng vào một con trâu của người dân đang thả ăn đêm. Rồi ở khu vực huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình thì gặp mưa rừng, bà Thu tìm đến một gốc cây cổ thụ ven đường trú mưa. Sau gần nửa giờ, bất ngờ cây đổ sập xuống, chắn ngang đường kéo theo hàng khối đất đá. Bà thoát chết nhờ một cành cây trong lúc đổ, đã gạt chiếc xe đạp cùng bà văng ra xa.
Chiếc xe đạp 5 lần vượt đường Trường Sơn ra Hà Nội. - Ảnh: T.KỲ
Những thử thách trên đường đi vẫn chưa chịu buông tha bà. Tối 20/7/2004, khi đạp xe đến TX Ninh Bình, do quá mệt bà va chạm với chiếc ôtô của lực lượng công an đang làm nhiệm vụ. Bà được các chiến sĩ công an đưa vào Bệnh viện Quân khu III và bảo lãnh điều trị miễn phí. Đến ngày nằm viện thứ 15, các bác sĩ đành để bà tiếp tục lên đường với lời dặn: “Bà cố gắng đừng để bị nhiễm trùng vết thương ở ngực, không thì sẽ nặng hơn”.
Ngày 27/7/2004, bà Thu đã đến Hà Nội. Sau khi được viếng Lăng Bác, thăm đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến trường Điện Biên Phủ và những đồng đội năm xưa, bà lại tiếp tục đạp xe quay về TP Hồ Chí Minh.
Đi và về chinh phục đường Trường Sơn mỗi lần kéo dài hơn một tháng. Mới đây, dù sức đã quá yếu, nhưng bà vẫn cùng các bạn trẻ của Tổ chức Hành trình xanh đạp xe xuyên Việt về Hà Nội chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó cũng là lần thứ năm bà được về thăm Lăng Bác. Với bà, sau mỗi chuyến đi, hình như bà lại được Bác Hồ tặng thêm 6 tháng để kéo dài thời gian chiến đấu với bệnh tật.
SỨ GIẢ CỦA NIỀM TIN
Sống bằng niềm tin và nghị lực, bà Thu làm nhiều thế hệ trẻ khâm phục. Đó là những em thơ hò reo cùng từng bước chân đạp xe yếu ớt của bà, hay là những bạn trẻ tình nguyện giúp bà mọi thứ. 5 lần đạp xe vượt qua đường Trường Sơn, bà có hàng nghìn người bạn.
Căn nhà nhỏ của bà Thu, không ngày nào không có những cánh thư ở mọi miền Tổ quốc gửi về. Một cô gái viết: “Con vừa mất mẹ, buồn tới không thiết sống. Rồi con gặp cô. Cô không còn sống được bao lâu nữa, nhưng nghị lực lại hơn con nhiều lần. Giờ con đã biết cuộc sống của mình quý giá biết nhường nào...”. Một bạn trẻ khác lại tâm sự qua thư: “Một lần vấp ngã về tình cảm, con đã thấy suy sụp, không tin bản thân cũng như mọi người xung quanh. Gặp cô, con thấy mình thật bé nhỏ, suy nghĩ thật nông cạn...”. Cô bé 6 tuổi Lê Ngọc Tú Uyên nắn nót: “Chúc bà được gặp Bác Hồ nằm ngủ ngon lành. Năm sau cháu vào lớp 1, cháu hứa cố gắng học giỏi”. Những dòng nhắn nhủ ấy của các em gửi đến bà Thu đã được Nhà xuất bản Lao Động đăng thành tuyển tập “Những lá thư hay của các em học sinh trên đường Hồ Chí Minh”. Đâu đó trong xấp thư mà bà Thu đưa cho tôi, tôi bắt gặp nét chữ ngoằn ngoèo: “Chúng cháu là... lâm tặc vùng này. Chúc cô hoàn thành chuyến đi thăm Lăng Bác như cô mong muốn. Có thể cuộc gặp gỡ này sẽ làm thay đổi cuộc đời chúng cháu”...
Những năm gần đây, các trường đại học, cao đẳng ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thường mời bà Thu đến giao lưu. Bà Thu còn là “sứ giả niềm tin” mà nhiều tổ chức nước ngoài phong tặng như Nhật Bản, Đan Mạch. Bà Thu cho biết, chuẩn bị bán căn nhà mình ở để thực hiện ý tưởng xây dựng con đường Hồ Chí Minh thu nhỏ trong lòng thành phố với ước muốn mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu được sự gian khổ của người lính năm xưa và biết đến con đường Trường Sơn”.
Chia tay bà, tôi lại nhớ những điều bà nói: “Tận cùng của cái chết, sự sống sẽ bắt đầu. Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay. Hãy sống vì niềm tin và nghị lực!”...
THOẠI KỲ