Thứ Năm, 03/10/2024 05:33 SA
Nghề dán keo làm đẹp đồ dùng
Chủ Nhật, 26/09/2010 11:00 SA

Trên nhiều đường phố Tuy Hòa và xung quanh các chợ trung tâm thị trấn ở các huyện trong tỉnh xuất hiện nhiều điểm dán kéo xe, điện thoại di động. Nghề này góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho không ít người.

 

dankeo100925.jpg

Dán keo cho xe máy tại TP Tuy Hòa – Ảnh: T.TRỰC

 

THỨ GÌ CŨNG...DÁN KEO

 

Đi một vòng TP Tuy Hòa, chúng ta dễ dàng phát hiện nơi dán keo xe máy, đồ dùng, dày nhất là đường Trần Hưng Đạo, khu vực đối diện chợ trung tâm. Ở đây, cách chừng vài chục mét lại có một tấm biển tạm hoặc một chiếc tủ nhỏ đựng đồ nghề, mặt ngoài có ghi: “Dán keo xe máy, điện thoại di động, máy tính”. Cũng trên đường phố này, một số cửa hàng kinh doanh lớn hơn dựng tấm biển quảng cáo hoành tráng hơn: “Dán keo xe, điện thoại, laptop, tủ lạnh, máy giặt, dán kiếng nhà, chế tem xe, nọc tem xe”… Các dòng chữ này trông thật bắt mắt, chớp nhá suốt ngày đêm. Sở dĩ nhiều điểm, nhiều cửa hàng dán keo “mọc” lên như vậy là do nhu cầu làm đẹp đồ dùng của con người ngày càng tăng cao.

 

Ông Nguyễn Văn Hai, 48 tuổi, một chủ tiệm dán keo đối diện Bưu điện tỉnh cho biết: “Cách đây hơn 15 năm, tôi học nghề này từ một người quen trong Sài Gòn rồi về Phú Yên hành nghề. Ngày đó, tôi ở nhà làm chứ không ra đường ngồi như bây giờ. Chủ yếu dán các chiếc xe DH lên dàn, dán cửa kính hoặc một số đồ khách cần”. Nhiều năm làm nghề, ông Hai có nhiều học trò, những học trò đó có người đang ngồi hành nghề cạnh bên. Hai người con trai của ông cũng ngồi chỗ này đã 3 năm.

 

Trước cửa hàng xe máy Dũng Tiến trên đường Trần Hưng Đạo, có đến gần chục điểm dán keo. Mỗi điểm thường có 1-2 thanh niên và một thùng đồ nghề với mấy chiếc nghế nhựa để dưới một cái dù cạnh gốc cây. Họ là những người có hoàn cảnh khác nhau nhưng chung quy mục đích kiếm sống và làm đẹp cho mọi người. Anh T.T.V, 19 tuổi, quê ở một xã miền núi huyện Tuy An, vừa làm vừa tâm sự: “Trước kia em học ở Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa, nhưng do “ham chơi” rồi bỏ học. Nay không dám về nhà, phải theo bạn làm nghề này để kiếm sống”. Còn anh N.M.H, 21 tuổi, ngồi với tủ đồ nghề cạnh V, cho biết đường vào nghề khá gian truân. “Lúc đầu em vào Sài Gòn bán vé số, mấy năm ở chung nhà trọ với những người miền Tây làm nghề dán keo nên sau này em theo một người học nghề rồi làm trong đó được hai năm, nhưng ở trong đó mình cạnh tranh không lại, nên đã về quê “làm ăn” hơn một năm nay” - H kể.

 

Khác với những người nói trên, anh H.V.D, 26 tuổi, lại hành nghề di động ở các cửa hàng bán xe trong thành phố. Người quen gọi đâu anh đi đó, dù Xuân Thoại, Dũng Tiến hay bất cứ cửa hàng nào.

 

KHÔNG DỄ CÓ TIỀN

 

Nghề này đơn giản, chỉ cần một tủ dã chiến, vài miếng dán, cái bật lửa và một góc vỉa hè là có thể hành nghề. Tuy nhiên để “hái” ra tiền như người ta tưởng thì không dễ. Tôi ngồi chờ người bạn dán chiếc Attila ở chỗ ông Nguyễn Văn Hai gần một buổi mới thấy những nỗi nhọc nhằn của họ. Hiện nay, giá dán một chiếc xe máy tại Tuy Hòa rất mềm so với các nơi khác. Xe tay ga 250.000 đồng, xe Wave 170.000 đồng. Bình quân một ngày, “ông chủ” dán được một chiếc xe máy cũng đủ ngày công nhưng khổ nỗi, “thượng đế” rất biết chọn mặt gửi hàng. Ông Hai có tay nghề cao, uy tín nên ba cha con ông làm không hết việc. Ngược lại, những “chủ nhí” kia lâu lâu mới được một khách hàng đến dán điện thoại di động, mà dán di động chỉ 5.000-7.000 đồng/cái, đủ tiền thuốc lá cà phê cho một ngày. Chị Trương Thị Quỳnh, 34 tuổi, từ Sông Cầu đem chiếc Air Blade đến chỗ ông Hai gửi dán. Chị nói: “Hôm mới mua tôi đem dán liền nhưng trúng chỗ đểu, chưa được 1 tháng keo đã bong ra hết. Nghe mọi người giới thiệu chỗ anh Hai này làm có chất lượng, tôi mới chạy vô”.

 

Có một thực tế là số đông những người làm nghề dán keo đều thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương nên dễ dẫn đến tiềm ẩn việc mất trật tự an toàn giao thông vỉa hè, đấy là chưa nói đến chuyện giành khách, văng tục hoặc “chặt chém” khách hàng vô tội vạ, hoặc không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Giàu nhờ trồng sanh cảnh
Thứ Bảy, 25/09/2010 18:00 CH
Nhớ mùa cá trôi, đứng nhá...
Chủ Nhật, 19/09/2010 13:29 CH
Nữ vệ sĩ
Chủ Nhật, 12/09/2010 11:02 SA
“Đá tặc” ở An Xuân
Thứ Bảy, 11/09/2010 14:02 CH
Người luôn “chạy đua” với thời gian
Thứ Tư, 08/09/2010 19:00 CH
Còn đâu ngũ hổ trong tranh Hàng Trống?
Thứ Bảy, 04/09/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek