Thứ Năm, 03/10/2024 13:25 CH
Gặp lại cô binh vận ngày ấy
Chủ Nhật, 09/05/2010 15:00 CH

Hơn 10 năm tham gia cách mạng, cô binh vận Phạm Thị Lòng là một chiến sỹ được cách mạng tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng tại địa bàn các xã cánh Nam huyện Tuy An. Đất nước giải phóng, cô tham gia công tác tại xã An Hòa 30 năm, hiện đang nghỉ hưu, sống một mình ở thôn Nhơn Hội vì chồng cô đã hi sinh và 2 con đều mất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

 

colong100509.jpg

Cô Lòng (đứng sát người mặc trang phục dân tộc màu đen) tại Đại hội Phụ nữ Việt Nam lần thứ VII

 

ĐƯỢC CẤP TRÊN TIN TƯỞNG

 

Cô Phạm Thị Lòng sinh năm 1943 tại thôn Nhơn Hội, xã An Hòa (huyện Tuy An). Ngày 2 tháng 4 năm 1964 cô tham gia cách mạng. Nhiệm vụ được giao trong những ngày đầu tiên là làm giao liên. Sau 2 năm bí mật hoạt động, cô Lòng được những đồng chí cấp trên Nguyễn Duy Thanh, Biện Chức, Nguyễn Mã tin tưởng giao phó nhiệm vụ Trưởng ban tài chính xã, kim phó ban binh vận phụ trách 3 xã An Chấn, An Hòa, An Mỹ. Địa bàn hoạt động chủ yếu từ khu vực đảo Hòn Chùa đến những điểm bí mật các xã nói trên. Từ một cô giao liên, Phạm Thị Lòng thực nhiều công việc bí mật như tuyên tuyền, vận động nhân dân tham gia cách mạng, kêu gọi người dân quyên góp lương thực… Để thực hiện được nhiệm vụ này, cô Lòng phải trải qua nhiều khó khăn nguy hiểm. Cô kể: “Cứ chiều mỗi ngày, khi thì tôi cải trang người bán cá, khi làm người đi biển, khi thì phải giả người bệnh ăn xin, thậm chí những bữa tình hình căng thẳng phải giả làm người có chồng chết, đầu bịt khăn tang để chúng nó khỏi nghi ngờ. Bằng mọi cách tôi phải bí mật liên lạc, báo tin tình hình với các cơ sở cách mạng”. Ngoài ra cô Lòng có nhiều lần trực tiếp cùng ngư dân điều khiển những chuyến thuyền, hằng đêm bí mật vượt biển, chở hàng trăm tấn gạo, chở nhiều thanh niên từ đảo Hòn Chùa về vùng cách mạng. Chức vụ là Trưởng ban tài chính, kim Phó ban binh vận nhưng cô Lòng cũng đã từng nhiều lần kề cận cái chết, làm nhiều việc như gài mìn, cắm chông ...và không ít lần thực hiện nhiệm vụ bí mật quan trọng khi cấp trên tin tưởng giao. 

 

Hơn 10 năm làm cách mạng, 1 lần bị lộ và 2 lần bị chiêu hồi khai nên cô Phạm Thị Lòng bị địch bắt ba lần với tổng thời gian ở tù là 16 tháng 8 ngày. Cô nhớ lại: “Hai lần đầu chúng nó đưa tôi vào Ty cảnh sát ở Tuy Hòa giam. Chúng dùng mọi thủ đoạn để tra tấn nhưng tôi quyết chí không khai. Đầu năm 1973, chiêu hồi khai báo nên giặc bắt tôi vào Ty cảnh sát rồi chuyển vào Nha Trang, lần này lâu nhất (8 tháng), chúng tra tấn dã man lắm nhưng tôi không bao giờ bị uy hiếp tinh thần. Chúng cũng không bao giờ lấy được một thông tin gì từ tôi. Gian khổ nhiều lắm, chết đi sống lại nhiều lần bây giờ không nhớ nổi. Cuối cùng chúng trả tôi về với “nghề đi bán cá” như tôi đã từng khai ban đầu”.

 

Ra tù, cô Lòng trở về địa phương tiếp tục liên lạc với cơ sở cách mạng, hoạt động bí mật đến ngày đất nước thống nhất.

 

CHỒNG HI SINH, 2 CON ĐỀU CHẾT

 

Chồng cô Lòng là Liệt sỹ Mai Xuân Thanh, người cùng xã. Ông tham gia cách mạng từ năm 1960. Trong kháng chiến, vợ chồng cô cưới nhau rồi sinh một con trai và một con gái. Với chức vụ Cán sự trưởng, rồi Chi ủy viên hoạt động các xã cánh Nam huyện Tuy An nên ông vắng nhà thường xuyên. Những năm 1965 – 1966, cô Lòng một tay nuôi 2 con một tay thực hiện và hoàn thành tốt nhiệm vụ cách mạng giao.

 

Nhắc đến chuyện làm cách mạng và nuôi con rồi cả hai đứa con đều chết, đến bây giờ cô không thể nào quên. Cô ngậm ngùi kể lại: “Cuối năm 1965, tôi được cấp trên phân công bám trụ tại thôn Nhơn Hội xã An Hòa để theo dõi tình hình địch, trong khi mọi người ở đây đều bỏ làng đi nơi khác vì địch càn. Một hôm con tôi bệnh nặng nhưng nhiệm vụ cách mạng cần kiếp phải theo dõi địch từng giờ nên tôi không thể bỏ nhiệm vụ đưa con đi chữa bệnh. Vài ngày sau, đứa con lớn của tôi chết trong hầm bí mật. Hai năm sau, đứa con thứ hai của tôi cũng bị bom vùi chết tại thôn Hòa Đa xã An Mỹ trong một lần tôi bồng con ngụy trang đi tiếp cận tình hình. May mà tôi không chết”. Khi nghe hai con đều chết, chồng cô vô cùng đau đớn và thương con, thương cô nhưng không thể về thăm, động viên cô được. Từ nơi hoạt động bí mật, người cha ngậm ngùi viết những dòng thơ bày tỏ tình cảm đứt ruột, bày tỏ quyết tâm đánh Mỹ trả thù của mình gửi về cho người vợ thân yêu. Mấy ngày sau, cô Lòng nhận được lá thư bằng thơ đó nhét trong nắp hầm bí mật. Lá thư có đoạn:

 

Anh nghe con chết là dòng nước mắt anh đang chảy

Dòng nước mắt ấy như mưa bất mùa đông

Dòng nước mắt cứ tiếp tục diễn mãi

Chừng nào đuổi được kẻ thù chung là giặc Mỹ mới ngừng thôi…

Hoặc: Ôi thật là buồn và đau khổ

Giờ đây đang căm thù giặc Mỹ vì chúng mà chia tình li cắt cha nơi con ngả…

Trưa mồng 2 Tết Mậu Thân (1968) cô Lòng gặp lại chồng mình và đây cũng là ngày cuối cùng hai người gặp nhau. Chiều cùng ngày, giặc đã bắn chết Chi ủy viên Mai Xuân Thanh và một số đồng chí cách mạng khác tại xã An Chấn huyện Tuy An.

 

30 NĂM THAM GIA CÔNG TÁC XÃ HỘI

 

Ngày đất nước trọn niềm vui, cô Lòng vui nhiều nhưng cũng buồn nhiều vì chồng con đều không còn. Trở về địa phương, cô tham gia công tác Thương binh xã hội xã An Hòa, hơn 10 năm làm phó Chủ tich UBND xã, rồi Chủ tịch Hội LHPN xã. Tròn 30 năm sau giải phóng, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao. Tháng 5 năm 2006, cô Lòng nghỉ hưu. 30 năm tham gia công tác xã hội địa phương, cô được nhận nhiều bằng khen, được chọn đi dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ VII tại Hà Nội, đi báo cáo điển hình dự án B09 về dân số kế hoạch hóa gia đình tại Hà Nội. Do có nhiều công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cô Phạm Thị Lòng được Chủ tịch nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba, Thủ tướng chính phủ  tặng Kỉ niệm chương chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày.

 

Chiến tranh đã lùi xa 35 năm. Những ngày tháng tư lịch sử hào hùng, hòa chung với niềm vui cả nước kỉ niệm sự kiện trọng đại lịch sử dân tộc, cô Lòng thấy lòng mình tự hào. Bây giờ, dù tuổi già sức yếu, bệnh tật, vết thương tù đày tái phát khi trái gió trở trời và sống một mình nhưng cô vẫn giữ vững bản lĩnh của một người chiến sỹ cách mạng kiên trung.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek