Thứ Tư, 27/11/2024 19:32 CH
“Chất thép” ở một cựu cán bộ công an
Thứ Tư, 28/04/2010 18:00 CH

Cầm cuốn “Nhà lao Cây Dừa” của nhà văn Chu Lai trong tay, đại tá Đinh Thanh Hải, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế Công an Phú Yên như sống lại một thời trai trẻ. Ông sôi nổi kể cho chúng tôi nghe về nhà lao Cây Dừa (tức nhà tù Phú Quốc), nơi mà trong gần sáu năm ròng, ông đã bị đày ải với bao cực hình vô cùng dã man của kẻ thù.

 

THEO CHA LÀM CÁCH MẠNG

 

8-Hai100428.jpg

Đại tá Đinh Thanh Hải – Ảnh: K.PHƯỢNG

Đại tá Đinh Thanh Hải sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở thôn Mỹ Thạnh Trung, xã Hòa Phong, huyện Tuy Hòa (nay là Tây Hòa). Cả cha, chị và em ruột của ông đều tham gia hoạt động cách mạng. Tuổi thơ của ông là những chuỗi ngày cha vắng nhà. Mẹ ông cũng là cơ sở của cách mạng, bị địch bắt giam hết lần này đến lần khác. Nhiều lúc trong nhà chỉ còn lại ông cùng bà nội già yếu và mấy đứa em nhỏ.

 

Như nhiều đứa trẻ khác trong thời chiến, ông vừa phải đi cắt lúa, làm thuê, lên núi chặt củi để lo cho cuộc sống gia đình và chăm sóc các em. Cuộc sống tuy đói khổ nhưng cậu bé Đinh Thanh Hải vẫn nung nấu một quyết tâm sẽ đi theo cách mạng, như truyền thống của gia đình. Khi mới 13 tuổi, ông bắt đầu làm cơ sở cho cách mạng. Mỹ Thạnh Trung quê ông từng là hang ổ của đảng Đại Việt do Trương Bội Hoàng cầm đầu. Cách đó không xa là đồn Núi Sặc – nơi bọn Mỹ đóng quân. Ông được giao nhiệm vụ nắm tình hình địch để ban đêm, khi bộ đội về làng thì báo cáo lại. Vậy là trong những lần đi lấy củi, mót lúa, cậu bé Đinh Thanh Hải còn bí mật quan sát xem hôm nay địch về đóng ở đâu, bao nhiêu tên, làm những gì, bọn Đại Việt ở cạnh nhà ông làm những gì… Có những hôm, sau trận càn, địch vẫn chưa rút hết mà còn phục kích trong làng, cậu bé Đinh Thanh Hải đã nhanh trí thắp một cây đèn dầu nhỏ để báo hiệu cho các chú bộ đội.

 

Năm 1965, khi đã lớn hơn, ông được cha đưa vào căn cứ, chính thức trở thành một chiến sĩ cách mạng, được giao nhiệm vụ “diệt ác, phá kiềm”, tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh đòi được trở về làng làm ăn sinh sống, chống lại âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược của kẻ thù. Thời điểm đó, ta và địch đang ở thế cài răng lược. Để làm được nhiệm vụ vận động quần chúng, ông và đồng đội phải sống, chiến đấu ngay sát kẻ thù, rất nguy hiểm. Một lần, lính Mỹ và Nam Triều Tiên dội bom, bắn phá và dùng trực thăng đổ bộ càn quét nơi ông cùng đồng đội đang bám trụ hoạt động. Tổ công tác của ông chạy được vào hầm tránh bom nhưng xung quanh đều đã bị địch bao vây. Đến tối, ông và đồng đội phải ngụy trang rồi bí mật bơi qua sông mới thoát được về căn cứ. Năm 1967, do một tên chiêu hồi chỉ điểm, tổ công tác của ông bị lộ. Ông bị địch bắt giam ở nhiều nơi, đến cuối năm ấy thì bị đày ra Phú Quốc.

 

NHỮNG NĂM THÁNG TRONG TÙ

 

Đại tá Đinh Thanh Hải nhớ lại: “Lúc đó, tôi và khoảng 300 người nữa bị tống lên máy bay đưa đi. Khi vừa xuống sân bay, bọn lính ngụy với dùi cui trong tay đã đánh chúng tôi phủ đầu với lời đe dọa sẽ cho “chết rục xương ở đảo”. Lúc đó tôi mới biết mình đang ở Phú Quốc. Chúng tôi bị nhốt vào một căn phòng chật hẹp, hôi hám, ẩm thấp, diện tích chỉ đủ để đặt lưng. Nước sinh hoạt mỗi người chỉ vỏn vẹn một ca i-nốc dùng trong một ngày. Thức ăn toàn cơm nấu bằng gạo mốc, rau củ hoàn toàn không có chứ đừng nói chi đến thịt cá. Có những đêm anh em đang ngủ, bọn chúng xông vào lôi vài chục người ra đánh tơi tả, cốt để dằn mặt, làm nhụt tinh thần, ý chí của người tù. Chúng tôi bị chúng bắt vào rừng lấy củi, đào công sự, làm hàng rào kẽm gai. Những công việc như vào rừng lấy củi thì chúng tôi chấp nhận, nhưng những việc làm còn lại để kẻ thù thêm siết chặt, kìm kẹp anh em tù hơn nữa thì chúng tôi kiên quyết không làm. Một lần phản đối như thế, tôi bị chúng bắt nhốt vào thùng cô-néc làm bằng sắt kín bưng, chỉ chừa một lỗ nhỏ thông hơi rồi quăng ra giữa trời. Ban ngày, nắng đảo gay gắt nhưng ban đêm lại lạnh buốt. Suốt một tuần phơi nắng, phơi sương đến bỏng da, rát thịt, chúng mới trả tôi về trại. Tuy vậy, anh em tù chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh, chống địch đàn áp, đòi thi hành Hiệp định Giơnevơ về tù binh chiến tranh và chống không làm những việc tổn hại đến anh em tù binh, không làm ảnh hưởng đến danh dự người chiến sĩ cách mạng, bảo vệ khí tiết cộng sản. Một lần nọ, một tên lính kêu tôi đi rửa chén cho vợ nó. Tôi không đồng ý vì cho rằng đây là việc làm xúc phạm nhân phẩm của người tù cộng sản. Thế là hắn lôi tôi ra, dùng một thanh gỗ dài chừng một mét, đánh tới tấp vào đầu, vào người. Chiếc cằm tôi bị rách một rãnh sâu hoắm, máu tuôn xối xả. Đánh đến chừng thấy tôi đã no đòn, hắn mới trả về phòng giam.”

 

Với tinh thần gan dạ và ý chí kiên cường, người tù yêu nước Đinh Thanh Hải được chi bộ Đảng trong nhà giam giao giữ chức vụ Bí thư chi đoàn, phụ trách lãnh đạo thanh niên đấu tranh chống đàn áp, chống chế độ hà khắc của nhà tù, bảo vệ khí tiết cộng sản. Vốn được học hành và viết chữ đẹp, trong những lúc không đi lao dịch, ông còn dạy cho những thanh niên trong phòng giam học viết chữ, học văn hóa, học tập nâng cao lý luận chính trị, truyền thống của Đảng, truyền thống yêu nước của nhân dân ta. Mọi việc được tiến hành hết sức bí mật để tránh tai mắt của kẻ thù. Thế nhưng, trước đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, có một đoàn viên không chịu đựng nổi đã khai báo với kẻ thù về người Bí thư đoàn đang “xúi giục” thanh niên trong phòng giam chống lại chúng. Đại tá Đinh Thanh Hải nhớ lại: “Chúng lôi “tên cứng đầu” là tôi ra trừng trị. Tôi kiên quyết không khai gì. Trước sự chứng kiến của tên cố vấn Mỹ, chúng còng hai tay tôi lại, dùng một cái chạm và một cái búa bắt đầu đục mấy cái răng cửa của tôi. Nhát búa đóng vào chạm lần thứ nhất, tôi nghe nhức óc, đinh tai. Nhát búa thứ hai, buốt đến tận óc, chiếc răng cửa sụp vô trong, máu phụt ra ngoài. Nhát búa thứ ba, chiếc răng thụt sâu vô họng, lòng thòng chứ chưa rớt hẳn, máu phun đầy quần áo. Hả hê với màn đục răng, chúng lôi tôi vào nhốt trong chuồng cọp. Chuồng cọp làm bằng dây kẽm gai rào cao ngang đầu gối nằm giữa trời, chỉ có thể bò vào nằm xuống, không thể ngồi được. Chúng chỉ cho mặc độc chiếc quần lót, phơi mình dưới cái nắng đảo như thiêu đốt và cái lạnh thấu xương vào ban đêm. Cũng may anh em thương nên trong lúc đưa cơm đã lén bỏ mấy hạt muối dưới cà men, tôi dùng đó để cầm máu. Sau gần hai tuần liền, chúng trả tôi về buồng giam. Anh em trong tù thấy thương lắm nhưng chẳng dám lại gần vì sợ bị phát hiện. Đợi đến đêm, anh em kiếm cho một miếng ván nhỏ, tôi cắn hàm răng vào đó để đưa chiếc răng bị gãy vào chỗ cũ. Chưa đầy một tháng sau, chúng lại lôi tôi ra đánh tơi tả rồi tiếp tục diễn trò đục răng. Lần này, một chiếc răng cửa của tôi bị gãy hẳn, một chiếc thì lòng thòng trong miệng.”

 

XỨNG DANH NGƯỜI CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN

 

Mặc dù nhiều lần bị tra tấn dã man nhưng người tù yêu nước Đinh Thanh Hải vẫn một lòng kiên trung với cách mạng, quyết giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản. Năm 1973, ông được trao trả theo Hiệp định Paris và làm việc tại phòng Tuyên huấn của Ban đón tiếp miền Nam thuộc chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ở Bình Phước. Năm 1974, ông về lại Phú Yên, công tác tại Ban An ninh tỉnh Phú Yên. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tiếp tục công tác trong lực lượng công an và kinh qua nhiều chức vụ: phó, trưởng Công an huyện Tuy Hòa; phó chỉ huy An ninh; bí thư Đoàn Công an tỉnh; trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế và văn hóa tư tưởng; trưởng phòng Bảo vệ an ninh kinh tế Công an Phú Yên cho đến ngày về hưu. Dù trong hoàn cảnh nào, đại tá Đinh Thanh Hải cũng luôn giữ vững lòng kiên trung với cách mạng, trung thành với Đảng và nhân dân, đóng góp sức mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, xứng đáng là người chiến sĩ “Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Với những đóng góp của mình cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đại tá Đinh Thanh Hải đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, huân chương Chiến công hạng nhất, huy chương Vì thế hệ trẻ, Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng…

 

Năm nay, đại tá Đinh Thanh Hải đã bước sang tuổi 60. Dù từng trải qua nhiều năm tháng bị đày đọa trong lao tù khắc nghiệt nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn, rắn rỏi và sôi nổi nhiệt huyết cách mạng. Đó chính là chất thép rất dễ nhận thấy của những người chiến sĩ cộng sản đã được tôi rèn qua thử thách ngục tù.

 

HOA SIÊM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đá cảnh sông Ba
Chủ Nhật, 04/04/2010 19:00 CH
Trở lại vùng du kích An Ninh
Thứ Tư, 31/03/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek