Thứ Năm, 03/10/2024 13:22 CH
Kỷ vật thời chiến - giữ lửa cho đời sau
Thứ Sáu, 30/04/2010 14:00 CH

Trên mảnh đất Phú Yên hôm nay có những người hiến tặng và âm thầm đi sưu tầm, tìm kiếm những kỷ vật thời chiến để lưu giữ những ký ức một thời oanh liệt cho đời sau. Đó là chiếc xe đạp, khẩu súng lục, chiếc la bàn hay chiếc gùi lương thực của các đồng chí đã từng tham gia chiến trường Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ...

 

kv2100429.gif

Chiếc xe đạp dùng vận chuyển lương thực của đồng chí Chín Cao - Ảnh: V.TÀI

 

NHỮNG KỶ VẬT CỦA NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY

 

Trong những ngày cả nước đang kỷ niệm 35 năm Ngày Giải phóng miền Nam, tôi đến nhà đồng chí Nguyễn Duy Luân (tức Chín Cao), Nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên để tìm hiểu thông tin về những kỷ vật thời chiến mà ông vừa hiến tặng cho Bảo tàng Phú Yên… Đã ngoài 80 tuổi, nhưng ông Chín Cao vẫn còn tráng kiện, kể lại từng chi tiết về các kỷ vật. Dường như ký ức về chiến tranh chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí ông, mà vẫn còn tươi rói hiện về…

 

Ông kể: “Năm 1973-1975, tại Đại hội Khu ủy khu V, tôi được trên trang bị cho chiếc mũ cối, khẩu súng lục K59 và chiếc xe đạp Phượng Hoàng dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí. Sau đó, tôi được trang bị thêm một số tư trang cá nhân như võng, bọc võng, dây dù… Trước đó, năm 1960, đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy cũng đã giao lại cho tôi chiếc la bàn dùng để định hướng đi lại trong quá trình hoạt động cách mạng”.

 

kivat100429.gif

Tư trang cá nhân của đồng chí Chín Cao hiến tặng cho Bảo tàng Phú Yên - Ảnh: V.TÀI

 

Có thể với nhiều người, những kỷ vật ấy không có nhiều giá trị, nhưng đối với ông Chín Cao, đó là những “người bạn” đã gắn bó mật thiết trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của ông và đồng đội. Ông phân tích: “Có lẽ chỉ những ai từng nếm trải những tháng ngày vào sinh ra tử cùng các đồng chí, đồng đội trong những chiến hào, trên những trận địa mịt mù lửa đạn thì mới thấu hiểu hết ý nghĩa và giá trị của những kỷ vật như thế. Mỗi kỷ vật đều gắn liền với mỗi con người, mỗi số phận trong chiến trận. Ví như khẩu súng K59 cùng tôi đã đi khắp các chiến trường Phú Yên, nhất là chiến thắng đường 5 và giải phóng thị xã Tuy Hòa…”.

 

Theo ông Chín Cao, mỗi kỷ vật thời chiến đều mang một ý nghĩa riêng và gắn liền với kỷ niệm tuổi thanh xuân cũng như cuộc đời mình cho dân tộc, cho Tổ quốc. Ông quyết định hiến tặng những kỷ vật thời chiến mà ông nâng niu, gìn giữ cho Bảo tàng với mong muốn thế hệ trẻ hôm nay hiểu thêm về quá khứ hào hùng của các thế hệ cha anh, tiếp thêm “lửa” để giới trẻ phấn đấu và không ngừng vươn lên, viết tiếp trang sử mới cho dân tộc…

 

kv1100429.gif

Khẩu súng K59 - Ảnh: V.TÀI

 

GIỮ LỬA CHO ĐỜI SAU

 

“Sưu tầm kỷ vật thời chiến không chỉ lưu dấu quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước, mà còn là cách để tri ân đối với những thế hệ cha anh và giáo dục các thế hệ con cháu về truyền thống yêu nước quý báu, về lịch sử đấu tranh giữ nước của cha ông…”, chị Tính, chị Châu cán bộ Bảo tàng Phú Yên, những người đang phụ trách công tác sưu tầm và lưu giữ những kỷ vật chiến tranh giải thích khi tôi hỏi về việc sưu tầm kỷ vật thời chiến

 

Cũng chính vì suy nghĩ đó mà suốt nhiều năm qua, đôi chân của những nhân viên Bảo tàng Phú Yên đã băng rừng, lội suối đi khắp các vùng đất để tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, rồi về phân loại, lau chùi cẩn thận và viết “lý lịch” cho kỷ vật. Bằng nhiều cách, họ cũng đã tìm gặp các đồng chí từng tham gia hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để xin kỷ vật… cho dù đó là tư trang cá nhân, một tấm ảnh, một chai thuốc, ca đựng dụng cụ châm cứu của bộ đội hay như chiếc gùi của đồng chí Cao Xuân Thiêm trong những ngày đồng chí ở căn cứ  Đồng Xuân…

 

Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Phú Yên Võ Thị Kim Quỳnh, chiến tranh đã lùi xa 35 năm nên thế hệ trẻ không biết nhiều về các cuộc chiến. Nhưng qua sách báo, phim ảnh và nhất là kỷ vật thời chiến sẽ giúp họ  hiểu được phần nào về những cuộc chiến tranh. Do vậy, công việc sưu tập, lưu giữ lại những hiện vật của các thế hệ cha anh là điều cần thiết. Chị nói: Chúng tôi mong rằng, sau khi sưu tầm đầy đủ những kỷ vật, sẽ tổ chức trưng bày. Đó sẽ là những câu chuyện lịch sử sống động để thanh niên bây giờ luôn ghi nhớ và biết ơn về một thế hệ đã ngã xuống vì đất nước. Đó sẽ là lời nhắc nhở thế hệ trẻ hôm nay sống tốt đẹp và có ý nghĩa hơn.

 

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN DUY LUÂN, NGUYÊN ỦY VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, NGUYÊN BÍ THƯ TỈNH ỦY PHÚ YÊN: Cần có cuộc phát động hiến tặng kỷ vật thời chiến

 

ndl100429.gif

Đồng chí Nguyễn Duy Luân giới thiệu những tấm ảnh thời chiến.

 

Hiện nay, có rất nhiều kỷ vật thời chiến còn lưu giữ trong nhân dân, những người đã đi qua hai cuộc kháng chiến. Tôi mong rằng, tỉnh Phú Yên phát động rộng rãi đợt hiến tặng kỷ vật thời chiến cho Bảo tàng tỉnh để trưng bày, giới thiệu rộng rãi đến công chúng và nhất là giáo dục lý tưởng sống cho thế hệ trẻ… Bên cạnh đó, Bảo tàng Phú Yên nên có nơi trưng bày, bảo quản kỷ vật cho tốt… Nếu làm được như thế, những người đang giữ kỷ vật như chúng tôi sẽ rất yên tâm khi gửi tặng những “đứa con tinh thần” của mình, góp phần làm phong phú thêm kỷ vật thời chiến của quân và dân Phú Yên

 

 VĂN TÀI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Cô Hảo - liên lạc cựu tù chính trị
Thứ Sáu, 09/04/2010 16:07 CH
Đá cảnh sông Ba
Chủ Nhật, 04/04/2010 19:00 CH
Trở lại vùng du kích An Ninh
Thứ Tư, 31/03/2010 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek