Từ tháng giêng đến tháng sáu, khi nước thủy triều rút là thời điểm người dân ở các xã An Cư, An Hiệp, An Hòa, An Hải và An Ninh Đông (huyện Tuy An) khai thác “rộ” các loại hải sản ở đầm Ô Loan, trong đó có sò huyết - một loại “đặc sản” nổi tiếng ở đầm.
Chuẩn bị đồ nghề ra đầm gắp sò - Ảnh: V.TÀI |
LÀNG SÒ
Nhận được tin nhắn từ một đồng nghiệp “Sò huyết đã xuất hiện ở đầm Ô Loan sau nhiều năm vắng bóng”, tôi liền gia nhập “đội quân” khai thác sò huyết ở các xã An Ninh Đông, An Cư. Ông Huỳnh Đức Lý ở thôn 8, xã An Ninh Đông cho biết: “Gần 5 năm nay sò huyết không còn trên đầm Ô Loan. Nhưng gần đây, sò huyết đã xuất hiện trở lại”. Bà Nguyễn Thị Xe, người có thâm niên nhất của làng khai thác sò huyết ở thôn 8 nói: “Từ nhỏ tôi đã biết rà chân dưới đầm để bắt sò, đến nay đã có 36 năm nghề. Những người làm nghề bắt sò toàn là phụ nữ. Từ lúc mặt trời vừa ló dạng cho đến xế chiều, chúng tôi dầm mình dưới đầm và dùng chân để gắp sò huyết”.
Theo lời chỉ dẫn của nhiều ngư dân làng sò huyết, tôi tìm gặp ông Huỳnh Ngữ, một chủ thuyền chuyên chở bà con ra đầm Ô Loan bắt sò huyết. Tại đây, có gần 100 người ở thôn 8 cùng dụng cụ, đồ nghề chờ ở bến đò. Bà Võ Thị Rình có 40 năm kinh nghiệm bắt sò huyết thổ lộ: “Năm nay hàu chưa rậy (chưa sinh - PV), thì sò huyết đã xuất hiện nhiều. Từ đầu tháng giêng đến nay bà con chúng tôi có cái ăn là nhờ bắt sò huyết bán lấy tiền. Mấy năm trước, sò “mất tích” đúng vào giai đoạn giáp hạt, lúc đó tuy có con hàu thay thế nhưng giá cả rất thấp so với sò huyết. Năm nay sò huyết xuất hiện nhiều, giá lại cao nên bà con ai cũng phấn khởi. Tuy nhiên, làm nghề gắp sò (dùng chân để gắp - PV) cũng lắm oái oăm, vì đôi bàn chân rách nát do vỏ sò cứa”.
Theo kinh nghiệm của người dân ven đầm Ô Loan, mỗi tháng có hai ngày sò huyết nổi lên mặt bùn. Đó là ngày 13 và 27 tháng ba âm lịch; ngày 11 và 25 tháng tư âm lịch. Những ngày đó, bà con ở thôn 8, xã An Ninh Đông đua nhau xuống đầm bắt sò. Cụ Huỳnh Thị Mùa, dù không còn sức để ra đầm như những phụ nữ trong làng, nhưng đọc vanh vách cách gắp sò ở đầm Ô Loan. Cụ kể: “Sò chỉ bắt bằng chân chứ không phải lặn. Bắt sò đòi hỏi người phải cao, chân phải dẻo, tay phải dài và đặc biệt là đồ nghề để bắt là do mình tự tạo ra”.
Sò huyết xuất hiện trở lại ở đầm Ô Loan làm cho không khí thôn 8 trở nên nhộn nhịp khi có hàng chục đầu nậu thu mua sò huyết từ các nơi đổ về. Giá sò huyết từ 50.000 đến 70.000 đồng/kg nên người dân bắt sò bất kể lớn nhỏ để mưu sinh.
Một góc Ô Loan - Ảnh: V.TÀI |
SÒ HUYẾT Ô LOAN, MAI NÀY CÓ CÒN?
Nhiều cụ cao niên sống ven đầm Ô Loan kể lại, ngày trước sò huyết, ghẹ, tôm trong đầm Ô Loan nhiều vô kể. Đưa tay mò xuống đáy đầm năm bảy lần bắt được ký sò, kéo lưới đi một lát cũng được năm mười ký tôm đất, thậm chí đốt bã mía khô soi xuống nước chừng hơn tiếng đồng hồ cũng bắt được cả thùng tôm, cua, cá… Còn nay, mặt nước đầm Ô Loan thường xuyên bị cửa biển Tân Quy bồi lấp, nước thủy triều dẫn vào đầm ít, không đủ độ mặn cho thủy, hải sản trong đầm sinh trưởng. Bên cạnh đó, lượng cát lắng đọng bên trong đầm không thoát được ra biển, làm cho lượng nước đầm nhanh cạn. Đồng thời, việc hồ tôm lấn đầm và lượng chất thải từ các hồ nuôi tôm đổ ra đầm ngày một nhiều khiến cho các loại thủy sản không thể sinh tồn.
Mới đây, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên đã khảo sát và tổ chức hội thảo với chuyên đề “Bảo vệ và phát triển nguồn lợi sò huyết đầm Ô Loan” do kỹ sư Lê Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc trung tâm làm chủ đề tài. Kỹ sư Nga cho biết: “Khi nguồn sò huyết trên đầm Ô Loan cạn kiệt đến mức báo động thì trung tâm đã xây dựng mô hình bảo tồn loài sò này, mua gần 500kg sò giống từ Bến Tre về nuôi thử nghiệm. Đầu năm nay, khi cửa biển bứt, nguồn sò huyết tự nhiên xuất hiện khá dày trên đầm thì bà con lại tấp nập, đổ xô khai thác. Tình trạng khai thác quá tải chỉ trong nay mai không riêng sò huyết mà các loài thủy sản khác cũng bị tận diệt”.
Cũng theo kỹ sư Nga, để sò huyết ở đầm Ô Loan sinh trưởng cần có sự tham gia đồng bộ giữa các ngành Thủy sản, Tài nguyên - Môi trường và chính quyền địa phương, nhất là cộng đồng ngư dân ven đầm. Để tái tạo sò huyết đầm Ô Loan, bên cạnh việc bảo vệ nguồn lợi cần phải chọn các bãi bồi thích hợp, tổ chức nuôi dưỡng, nhân rộng sò huyết. Bên cạnh đó, cũng cần phải cải tạo môi trường nước trong đầm, đồng thời xác định lại vùng có sò huyết phân bố để bảo tồn, kết hợp với định kỳ thu mẫu để minh chứng cho nhân dân thấy sự cần thiết phải bảo vệ, khai thác sò huyết một cách có chọn lọc….
Theo ông Ngô Văn Yêm, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải, động vật thân mềm hai vỏ nói chung, sò huyết nói riêng có vai trò rất quan trọng vì nó thu hút mùn bã chất hữu cơ và chất thải trong đầm. Các đìa nuôi tôm có nuôi xen sò huyết thì môi trường sẽ đỡ nhiễm bẩn, thời gian nuôi tôm có thể kéo dài, tôm sẽ có kích cỡ lớn và chất lượng hơn. Do vậy, cần vận động ngư dân không khai thác sò huyết dưới 2,6 cm, đồng thời phải quy hoạch, bố trí vùng nuôi tôm hợp lý.
Sò huyết có tên khoa học là Anadara granosa hay A. Nodifera. Sò huyết có vỏ dày dạng hình trứng, hai vỏ bằng nhau, mặt ngoài vỏ có phóng xạ phát triển, số lượng gờ từ 17 đến 20 gờ, trên mỗi gờ có nhiều hạt hình chữ nhật. Bản lề rộng, hình thoi, có màu nâu đen. Vết cơ khép vỏ sau lớn hình tứ giác, vết cơ khép vỏ trước nhỏ hơn, hình tam giác. Sò huyết là loại động vật thân mềm có máu đỏ tươi. Mặt ngoài vỏ có màu nâu đen, mặt trong vỏ màu trắng sứ. Con lớn có vỏ dài 50-60cm, cao 40-50mm. Ở Việt (Nguồn: Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Phú Yên)
VĂN TÀI