Thứ Năm, 03/10/2024 16:21 CH
Cô Hảo - liên lạc cựu tù chính trị
Thứ Sáu, 09/04/2010 16:07 CH

Đã ở cái tuổi ngoại lục tuần nhưng hàng ngày bà vẫn cần mẫn trên chiếc xe máy cũ kỹ đi khắp nơi cùng ngõ hẻm liên lạc với những cựu tù chính trị năm nào để thực hiện các chế độ chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Công việc không lương, không phụ cấp, nhưng với bà đó là niềm vui, vinh dự và trách nhiệm với đồng chí, đồng đội. Bà là cựu tù chính trị Nguyễn Thị Mỹ Hảo, mọi người vẫn gọi thân mật là cô Hảo liên lạc cựu tù.

 

co-Hao2100409.gif

Cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo cùng chồng vui bên các cháu nhỏ – Ảnh: T.QUỚI

 

Đường đến nhà cô Hảo liên lạc cựu tù khá ngoằn ngoèo ở khu phố mới Ninh Tịnh, phường 9, TP Tuy Hòa. Nhưng thật sự không khó tìm, khi gần như cả khu phố còn khá mộc mạc này ai cũng biết đến vợ chồng cô Hảo chuyên làm chuyện “hàng tổng”. Cả đời hai vợ chồng già cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Tuổi thanh xuân là chiến đấu với bom đạn, đòn roi tra tấn của kẻ thù trong trại tù từ đất liền đến Côn Đảo. Về già, đến tuổi đáng lẽ được nghỉ ngơi, an dưỡng thì đôi vợ chồng già ấy lại tiếp tục hăng hái xung phong xin được có trách nhiệm với đồng đội, đồng chí.

 

THOÁT LY LÀM CÁCH MẠNG

 

Tới giờ này, trong ký ức của cô Hảo vẫn không thể quên được hình ảnh người mẹ thân yêu của mình đã bị chết vì giặc càn trong chiến dịch Át Lăng năm 1954, khi cô Hảo mới 9 tuổi. Lần lượt người cha, hai anh trai của cô cầm súng chiến đầu rồi tập kết ra Bắc. Cô bé Nguyễn Thị Mỹ Hảo, một mình vừa làm ruộng ở làng Phước Hậu vừa đi học nuôi chí lớn.

 

Năm 1963, Nguyễn Thị Mỹ Hảo đang ở lớp học đệ thất trường Bồ Đề thì hay tin người anh trai là mũi trưởng mũi công tác Hòa Kiến bị giặc bắn ở Tường Quang (xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa). Em gái nhận xác anh trai trong nỗi tang thương và căm phẫn tột cùng. Bảy ngày sau khi cùng bà con hàng xóm làm mộ chí cho anh, Hảo quyết định thoát ly góp sức mình cho cách mạng, khi cô mới 17 tuổi.

 

THÀ CHẾT KHÔNG KHAI

 

Thoát ly, cô được cấp trên bố trí nhiệm vụ tại văn phòng Tỉnh ủy kháng chiến, một nhiệm vụ khá nhẹ nhàng nhưng vô cùng quan trọng và nguy hiểm nếu có sơ xuất.

 

Tháng 4/1969, trong một trận càn của sư đoàn Bạch Mã (lính Nam Triều Tiên), cơ sở Tỉnh ủy (Sơn Định, Sơn Hòa) bị lộ, Nguyễn Thị Mỹ Hảo và nhiều đồng chí bị thương, bị địch bắt. Cô Hảo nhớ lại: “Chúng tréo cánh gà tôi vào gốc cây, bịt mắt, chĩa súng vào đầu hăm dọa buộc phải nhận là Cộng sản nếu không sẽ bị bắn. Lúc đó tôi còn nghe tiếng chị Nguyễn Thị Chín rên khe khẽ vì trúng đạn. Sau đó, “đoành” một tiếng, không còn nghe tiếng rên nữa, tôi biết chúng đã bắn bồi giết chị Chín để thị uy. Nhưng chúng đã lầm, máu căm thù sôi sục, lúc ấy trong đầu tôi nghĩ chỉ muốn cầm súng bắn vào đầu chúng và xác định thà chết không khai. Thất bại trong cuộc thi gan, chúng đưa tôi về nhà thương Đông Tác trị thương để tiếp tục khai thác”.

 

Từ đây, nhiệm vụ cách mạng của Nguyễn Thị Mỹ Hảo là chiến đấu với bọn tâm lý chiến và những tên giám thị man rợ ở trại tạm giam và nhà tù Côn Đảo.

 

Lời khai là người dân làm rẫy của Nguyễn Thị Mỹ Hảo không qua mặt được bọn cảnh sát ngụy. Chúng lần ra lý lịch và nhiệm vụ của cô trong tổ chức nên càng khai thác bằng những màn tra tấn dã man có thể. Hết đá, thọt vào chỗ hiểm trên người bằng chân tay, dùi cui đến tra roi điện, “đi máy bay”, rải vôi bột… khiến cô nhiều lần chết đi sống lại, nhưng chúng lại thất bại. Nguyễn Thị Mỹ Hảo vẫn kiên quyết thà chết không khai ra tổ chức, mà chỉ nhận mình là người làm rẫy. Trong suốt thời gian ở trại giam của Ty Cảnh sát ngụy, phần lớn thời gian cô Hảo ở phòng biệt giam để tra khảo theo “chế độ đặc biệt”. Tới khi đưa ra phòng tập trung, cô Hảo lại tiếp tục vận động chị em đả đảo, chống chào cờ, để tang khi hay tin Bác Hồ mất… Thế là cô bị đưa trở lại phòng biệt giam.

 

Tháng 2/1972, Nguyễn Thị Mỹ Hảo cùng những tù chính trị cả các tỉnh Quảng Nam, Bình Định bị địch đưa ra Côn Đảo để tiếp tục đàn áp, tra khảo. Ở nơi được gọi là địa ngục trần gian này, những nữ tù chính trị tiếp tục chiến đấu với đòn roi tra khảo dã man và cuộc sống không phải con người bởi sự độc ác của những tên cai ngục mất nhân tính.

 

Thế nhưng, những nữ tù chính trị đã liên hệ được với tổ chức Đảng trong tù, được học tập chính trị và cách đối phó với giám thị, những tù nhân cách mạng vững vàng đấu tranh. Không chỉ vậy, những tù chính trị còn tìm cách tổ chức văn nghệ nhân các ngày lễ, truyền tinh thần lạc quan, đoàn kết cho nhau để chiến đấu chống lại sự tàn ác, dã man của địch.

 

Tháng 2/1974, những tù chính trị cuối cùng được trao trả về đất liền, trong đó có cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo.

 

CÒN SỨC, CÒN LÀM LIÊN LẠC CỰU TÙ

 

Hòa bình lập lại, cô Hảo được biên chế vào công tác ở Xí nghiệp Thức ăn gia súc thuộc Công ty Dịch vụ chăn nuôi Phú Yên. Năm 1990, cô nghỉ hưu sớm vì mất sức do thương tật lúc ở tù.

 

Nói là về hưu sớm để nghỉ dưỡng, nhưng cô Hảo nào có nghỉ ngơi. Được chồng, cũng là một cựu tù thời Pháp, động viên, cô lại tiếp tục công tác xã hội tại địa phương. Với trách nhiệm Phó Chủ tịch MTTQViệt Nam phường, tham gia Trưởng ban liên lạc tù chính trị phường, thành phố và của tỉnh nên suốt ngày cô Hảo bận rộn không kém một công chức trẻ. Với cô Hảo công việc xã hội là niềm vui, là vinh dự. Gần đây, vì lớn tuổi, sức khỏe giảm, nên cô Hảo xin thôi một số công tác chỉ chuyên tâm làm liên lạc cựu tù chính trị. Vậy mà công việc cũng ngập đầu. Cứ trên chiếc xe máy cà tang mà cô Hảo đi khắp đường cùng ngõ hẻm ở phường 9, Bình Kiến để liên lạc với cựu tù, tìm nhân chứng, bổ túc hồ sơ để làm chế độ, kỷ niệm chương tù đày cho họ.

 

Với những cựu tù chính trị điều quan trọng không phải là chế độ nhận tiền một lần (500.000 đồng/năm ở tù) mà là được nhà nước, xã hội công nhận họ đã từng bị tù đày. Vì thế niềm vui lớn nhất với họ là tấm kỷ niệm chương tù đày. Nhiều cựu tù chỉ mong muốn được nhìn thấy kỷ niệm chương rồi nhắm mắt cũng an lòng. Còn với cô Nguyễn Thị Mỹ Hảo, luôn lấy ước muốn của những cựu tù ấy làm niềm vui, trách nhiệm với đồng chí đồng đội.

 

TRẦN QUỚI

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đá cảnh sông Ba
Chủ Nhật, 04/04/2010 19:00 CH
Trở lại vùng du kích An Ninh
Thứ Tư, 31/03/2010 19:00 CH
Thừa thắng xốc tới (*)
Thứ Tư, 31/03/2010 10:00 SA
Từ rừng núi trở về thành phố
Thứ Năm, 25/03/2010 09:05 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek