Cùng với các “thương hiệu” đá cảnh nổi tiếng trong cả nước: Suối Giàng (Văn Chấn – Yên Bái); Bỉm Sơn, Sông Mã (Thanh Hóa); Cát Sơn (Bình Định)... Đá cảnh dưới lòng sông Ba Hạ (Phú Yên) cũng “nổi đình nổi đám” trong giới chơi sinh vật cảnh những năm gần đây.
Tác phẩm Đón gió
SÔNG BA “SINH” KÌ THẠCH
Cùng với nghệ thuật Thạch ngoạn (Trung Quốc), Sui se ki (Nhật Bản), Đá cảnh ở Việt Nam được người chơi dày công sưu tầm khoản 20 năm trở lại đây sau các thú chơi chim, cây, cá cảnh. |
Sông Ba Hạ là tên gọi ở đoạn sông về đến các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh của con sông lớn nhất miền Trung chảy từ Tây Nguyên về Phú Yên. Tháng 4-2004 công trình thủy điện Sông Ba Hạ được khởi công. Đoạn xây dựng nhà máy thủy điện nằm trên địa bàn các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên),
Trong tốp những đoàn người về lấy đá đầu tiên ở sông Ba Hạ phải kể đến các “đại gia” từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang… Khi “thị trường đá” đã “nóng” và rầm rộ thì người dân địa phương mới tá họa: “Lâu nay mình đem tiền bỏ trong túi người khác”. Dù muộn vậy nhưng vẫn có nhiều người đam mê “sống” được với nghề chơi.
Vùng hạ lưu đập chính rộng. Những địa điểm “lý tưởng” để tìm đá thuộc khu vực buôn Dù, buôn Mả Vôi, Bãi Dinh, Cầu Ngầm, Hà Đô, Tịnh Sơn… của 2 huyện Sơn Hòa và Sông Hinh.
Một trong những người sưu tầm chơi đá cảnh đầu tiên ở huyện Sông Hinh là ông Nguyễn Đình Vượng. “Thấy người ta chơi hay hay mình cũng thử, không ngờ dính vào lại đâm ra ghiền”, ông Vượng tâm sự. Ban đầu ông cất công đi tìm, sau mua góp của “đồng nghiệp” nên đến thời điểm này ông Vượng đã có một bộ sưa tập đá cảnh khá hoành tráng tại quán cà phê riêng trên thị trấn Hai Riêng. Đặc biệt, trong sân nhà ông có một hòn đá có hình bản đồ Việt Nam vớt lên từ lòng hồ Thủy điện đựơc Tiến sĩ địa chất Đặng Xuân Phú trong một lần ghé xem đánh giá cao “Đây là hòn đá đẹp và có ý nghĩa sâu sắc về nhân văn, lịch sử”. (lời nhận xét ghi trong cuốn sổ lưu niệm của chủ nhà).
Ở thành phố Tuy Hòa, một trong những người bén duyên và mê đá cảnh sớm nhất là ông Võ Hiệp. Ông nói “Tôi đi sưu tầm đá khắp, từ Bình Định đến Đồng Nai nhưng chưa thấy nơi nào có đá độc đáo như dưới lòng sông Ba”. Bằng kinh nghiệm chơi đá cảnh lâu năm của mình, ông Hiệp cũng nhận định: “Nói về đá tự nhiên, không nơi nào bằng ở Phú Yên”. Sở dĩ ông nói những điều trên là vì ông căn cứ vào mặt chất lượng và giá trị của từng viên đá trong thị trường đá cảnh rộng lớn hôm nay.
Bãi tập kết đá cảnh cỡ lớn của anh V H tại TP Tuy Hòa
Ông Nguyễn Thái Sơn, một trong những người “sành” đá cảnh, ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho biết “Việt
Theo các nhà nghiên cứu khoa học cũng như các tài liệu địa chất, địa lý ghi thì sở dĩ đá ở lòng sông Ba Hạ có gía trị là do chấn động của địa chất và núi lửa, vùng cao nguyên phía tây bị gãy hàng trăm triệu năm trước, đổ ập xuống vùng đồng bằng, tạo nên lưu vực sông Ba Hạ, cho nên vùng đất này được ban tặng nhiều tác phẩm kỳ thú của tự nhiên. Do những đặc tính ngẫu nhiên đó mà đá cảnh Phú Yên giờ đây đã có mặt khắp nơi.
NHỮNG LẦN “RA QUÂN” ĐÁNG NHỚ
Đoạn đường từ TP Tuy Hòa đến “bãi vàng” trên 70 km, qua nhiều đèo dốc nhưng những “thợ săn” vẫn hăm hở như lần đầu được đi du lịch, khổ nhất là sau những trận mưa đêm bùn đất nhão nhoẹt. Thời điểm “nóng”, mỗi ngày sông Ba “nhận mặt” hàng trăm người. Anh Võ Hiệp kể: “Tôi mê đá đến nỗi nằm đêm mơ thấy. Có lần rủ không ai đi, một mình tôi cũng liều nên anh em trong giới thường gọi tôi là Sáu cô đơn”. Sông Ba với anh Sáu như một người thân. Anh tâm sự: “Tôi đến sông Ba bao nhiêu lần bây giờ không nhớ nữa. Chỉ nhớ những lần cùng ăn ở, rồi chờ đợi, có khi kéo dài đến cả tuần, khi nào lấy được “hàng” mới về”.
Chi hội Đá cảnh Phú Yên giờ đây đã gần 50 hội viên. Những tên tuổi có “máu” nghề như Đặng Võ T, Lý Dũng, Đặng Thái Hiền, Tám Ngân, Phước Hiệp, Trọng Đức…từng có những chuyến đi núi nhớ đời. Bất kể thời gian nào, hễ “hứng” lên là anh em có thể lên đường. Phương tiện khởi đầu chỉ là chiếc xe máy đã sờn với thức ăn mang theo. Cách “khai thác” có phần thủ công nhưng hiệu quả, từng người lội bộ ra bãi đá, săm soi, coi hòn đá nào ưng ý là lượm. Lượm tự do. Tùy vào cách nhìn của từng người mà họ có thể sở hữu những hòn đá khác nhau. Có hôm được “lộc trời”, cả đi về chỉ trong vòng một ngày. Sáng đi, chiều chủ nhân tàng tàng xe máy về xuôi, trên yên đèo “cục vàng”, đến nhà đã biến ngày công thành ngày vàng. Có hôm phát hiện rồi nhưng vì lí do nước lớn hay bị kẹt trong hang đá, lấy không được phải ở lại qua đêm. Nếu đá to, khó lấy phải thuê công tại chỗ hoặc ngày sau dùng ba lan kéo rồi thuê ô tô đưa “nàng” về “dinh”. Khó mấy, tuyệt đối không bao giờ dùng đục, chạm can thiệp. Vì làm thế sẽ mất đi vẻ đẹp tự nhiên, hòn đá không còn giá trị.
Anh H T T, một trong những người chơi đá cảnh nổi tiếng ở Tuy Hòa và có nhiều năm thâm nhập sông Ba cho biết: “Đi đá vui, hấp dẫn nhưng có lúc rất nguy hiểm. Có lần tôi theo đá, vớt rồi mang trên người lội vào bờ, đến đoạn nước xiếc hỏng chân, đá ghìm, người gượng không lại suýt chút nữa mất mạng”.
CHO ĐÁ LÊN ĐỜI
Lấy đá thật công phu nhưng để chơi được đá cảnh cần cả một quá trình. Dĩ nhiên, người chơi đá phải giữ nguyên hình dạng nguyên sơ. Chủ nhân phải thực hiện tiếp công đoạn như chà rửa lau hết đất bụi rong rêu bám dính đã nhiều năm trên mặt đá. Có thể lau chùi nhiều lần, kì cọ thật kĩ làm cho viên đá bóng lên. Khi đã nhìn được, người chơi chọn thế, nhìn mặt ưng ý, phù hợp, chọn mặt đó làm mặt diện. Viên đá đẹp phải có một bố cục hoàn chỉnh, vừa sắc sảo vừa mềm mại thể hiện rõ nét qua các yếu tố Hình - Thể - Vân -Sắc và Chất.
Tác phẩm Đón bình minh – chú gà trống hướng về ban mai gáy đón bình minh
Viên đá ưng ý coi như thuộc quyền sở hữu và dĩ nhiên nó trở thành sản phẩm tinh thần của người chơi. Tùy theo bố cục mà người chơi chọn cho nó một cái tên khác nhau. Anh Hiệp nói: “Chơi đá phải thả hồn, phải trầm lặng mới tìm cho đá một cái tên phù hợp. Đồng thời phải sáng ý, tưởng tượng những hình thể quen thuộc như anh bộ đội, núi mẹ bồng con hoặc liên tưởng những con vật thuộc về tâm linh tinh thần của người phương Đông như Long, Lân, Quy, Phụng, những dáng hình kì vĩ núi non, đời sống lao động sản xuất của con người.
Một tác phẩm xuất sắc phải có sự hài hòa giữa hai phần đế và thân. Bỡi vậy, tạo đế đôn cho tác phẩm cũng là một việc làm khá công phu và tốn kém. Thông thường đế được làm bằng các loại gỗ lỗi quý như: Lim, Gụ, Muồng, Ké…với đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân. Gỗ càng quý giá trị càng cao. Chiếc đế góp phần tạo linh hồn và thể hiện giá trị của tác phẩm.
Khi các công đoạn đã xong, chủ nhân cho đá lên đời và chọn một nơi nào đó phù hợp nhất để trưng diện. Xét về góc độ phong thủy, đá có tính âm. Viên đá đẹp phải hòa hợp cả đôi đường âm dương.
Ở Phú Yên, anh Võ Hiệp là một người sành chơi, tôi có thể gọi anh là ông “vua” đá cảnh, anh tỏ ra am hiểu sâu về vấn đề này. Hiện nay anh sở hữu hàng ngàn tác phẩm. Những tác phẩm “đỉnh” của anh như Con Rùa, Ban mai, Nhà rông hoặc Cây gió trầm… Mỗi tác phẩm có giá trị từ vài chục triệu đến trên 500 triệu đồng. Sản phẩm của anh được giới thiệu tại các kỳ Festival ở Đà Lạt, TP Hồ Chí Minh, Bình Định, Huế, các đợt triển lãm sinh vật cảnh và được giới chuyên môn đánh giá cao. Tất cả “gia tài” đó đều được lấy từ lòng sông Ba của quê hương xứ Nẫu dấu yêu.
_____________
Những ảnh trên đều được chụp từ bộ sưu tập của nghệ nhân Võ Hiệp – TP Tuy Hòa.
ĐÀO TẤN TRỰC