35 năm trước, đất nước trọn niềm vui chiến thắng, niềm hạnh phúc vỡ òa. Ở vùng đất An Ninh, huyện Tuy An, ngày vui chiến thắng được dệt nên bởi ý chí kiên cường, lòng quả cảm, một lòng trung thành với cách mạng của quân và dân An Ninh. Họ đã chấp nhận bao hy sinh, bám đất bám làng để phục vụ cách mạng, góp phần cùng du kích địa phương làm nên những trận đánh ác liệt, xây dựng nơi này thành một căn cứ vững chắc phía đông huyện Tuy An.
Biển An Ninh Đông bình yên - Ảnh: K.DUY
DU KÍCH AN NINH ANH DŨNG
35 năm đã trôi qua nhưng bà Phạm Thị Bảy, năm nay 78 tuổi, ở thôn 5 xã An Ninh Đông, huyện Tuy An vẫn còn nhớ như in niềm vui của bà con An Ninh khi nghe tin miền Nam chiến thắng thông qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Bà hiểu rằng, từ nay nhân dân mình được làm chủ mảnh đất này, bà con sẽ tự do xây dựng lại quê hương, dù nó chỉ còn là một vùng trắng sau những trận càn ác liệt của địch. Bà Phạm Thị Bảy nhớ lại: “Mấy ổng ở dưới này mở Đài Việt
Bà Bảy có chồng tham gia cách mạng. Gia đình bà cùng 5 gia đình khác kiên quyết bám làng để làm cơ sở cho cách mạng. Nhiều lần bị bắt bỏ tù, con gái đầu một lần thoát chết khi quay trở lại làng cũ bị lính Nam Triều Tiên bắn, bà Bảy hiểu lắm giá trị của ngày chiến thắng.
Năm 1969, thực hiện chính sách “bình định nông thôn, bình định cấp tốc”, địch ra sức dồn dân vào các ấp chiến lược nhằm thực hiện ý đồ “tát nước bắt cá”. Nhân dân An Ninh bị dồn lên ấp chiến lược ở Chí Thạnh. Tuy nhiên người dân An Ninh vẫn không rời nhiệm vụ chiến đấu. Ban ngày bà con lẻn về làm ruộng, làm rẫy để sản xuất lương thực, nhưng cũng là để cảnh giới, liên lạc cho du kích và đại đội C2 đóng ở An Ninh. Một bộ phận thì vào huyện đòi yêu sách với địch. Mỗi khi địch tập kích làm cán bộ ta bị thương vong, bà con bất chấp cái chết xông lên cướp lại xác. Bao nhiêu người đã ngã xuống nhưng sau đó hàng vạn người lại xông lên, đối mặt với kẻ thù. Bà Phạm Thị Bảy nói: “Người dân ở đây đánh Mỹ ác liệt lắm. Hồi đó không kể gì chết sống hết. Mặc cho địch bắt, phá nhà cửa làng xóm tan tành và tập kích đạn pháo từ Hòn Bù vào, nhưng chị em vẫn rời ấp chiến lược về nhà. Hễ anh em ta ai bị bắn chết thì bà con lại xông lên, cướp xác trở lại...”
An Ninh trước kia (là An Ninh Đông, An Ninh Tây hiện nay) có địa thế rất hiểm trở, nhiều đèo dốc, hang đá… lại tựa lưng vào biển, đây là địa bàn lý tưởng cho các cuộc chiến tranh du kích. Mỗi lần địch tập kích vào làng, nhờ có cơ sở và địa thế thuận lợi, lực lượng của ta đều rút lui an toàn. Sau nhiều trận thua đau do lực lượng vũ trang của ta đánh trả và bị vướng mìn, địch cho pháo tập kích từ Hòn Bù bắn phá tan hoang nhà cửa làng mạc, hoa màu của An Ninh. Có những ngôi nhà bị cháy đến 14 lần. Nhưng không đầu hàng, bà con vẫn xông lên, ngăn chặn các đòn đánh trả của địch và tiếp tục làm cơ sở cho cách mạng. Rất nhiều lần địch tập kích bị lực lượng ta đánh bật ra, khiến chúng phải khiếp sợ. Ông Nguyễn Văn Dụng, một trong những người bám làng hoạt động trong những năm kháng chiến chống Mỹ kể lại: “Hễ có cơ sở họ đốt lửa hay chong đèn và họ ám hiệu là “Bò nào xổ chuồng ra ăn lúa kia nè” là anh em biết địch đang đi càn. Còn trường hợp có biệt kích ra thì có cơ sở chạy về, giá mấy họ cũng báo với mình hết. Lực lượng ta trên cơ sở đó phổ biến và bố trí các mũi công tác, hồi đó không đầy một trung đội, có 18 du kích mà cả tiểu đoàn địch vẫn bị đánh, bị giết tan tác. Lực lượng nào của địch về An Ninh cũng khiếp sợ. Hồi đó, xã ra chỉ tiêu mỗi tháng một du kích phải gài 6 quả mìn để bẫy địch. Do vậy khi địch càn lên các đồi là “dính” hết. Hồi đó tôi gài 1 quả mìn, 9 thằng lính bảo an đi càn “rụng” hết”.
AN NINH HÔM NAY
Sau khi đất nước thống nhất, nhân dân An Ninh bắt tay xây dựng lại quê hương từ một vùng trắng. Tận dụng những lợi thế về biển và đồng ruộng, An Ninh tập trung phát triển kinh tế trên 3 mặt nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Ông Nguyễn Kim Long, Phó Chủ tịch UBND xã An Ninh Đông cho biết: “Hiện nay An Ninh Đông vẫn xác định nông nghiệp vẫn là hàng đầu. Địa phương làm thế nào đưa khoa học kỹ thuật vào thâm canh cây lúa để năng suất ngày một nâng cao, đặc biệt là tập trung các nguồn lực để xây dựng cánh đồng cao sản. Về chăn nuôi chủ yếu là phát triển bò lai, nạc hóa đàn heo và ổn định ở mức 3.000 con. Về thủy sản tiếp tục đầu tư khai thác khơi, nhất là cá ngừ đại dương, tập trung khai thác hết tiềm năng đầm vịnh, sông ngòi bến bãi để nuôi tôm”.
Hiện nay, sản lượng lương thực của An Ninh Đông đã đạt 2.300-2.400 tấn/năm. An Ninh Đông cũng là xã có đội tàu khai thác thủy sản lớn nhất của huyện Tuy An với hơn 600 chiếc, trong đó hơn 50 tàu đánh bắt xa bờ, sản lượng đánh bắt 1.500-2.000 tấn mỗi năm, hơn 150 ha diện tích nuôi tôm, sản lượng hằng năm đạt trên 200 tấn. Kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư phát triển. Hiện nay con đường nối từ bắc cầu An Hải, đi qua các thôn 8, thôn 5 và thôn 6 đến thắng cảnh quốc gia Gành Đá Dĩa đã được tỉnh đầu tư xây dựng khang trang. Con đường du lịch ven biển nối từ Tuy Hòa đến An Hải nay mai sẽ được thông tuyến qua cầu An Hải để nối đến Gành Đá Dĩa và khép tuyến đến quốc lộ 1A, tạo thành con đường du lịch đưa du khách về với An Ninh, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển về dịch vụ du lịch trong những năm đến. Từ năm 2007, An Ninh Đông được thụ hưởng chương trình đầu tư bãi ngang ven biển theo Quyết định 131 của Chính phủ, tạo điều kiện để địa phương đầu tư xây dựng chợ và các tuyến đường liên thôn, khắc phục tình trạng khó khăn về đi lại…
35 năm sau ngày đất nước thống nhất, người dân An Ninh Đông rất hãnh diện khi nói về cuộc sống hôm nay. Ông Trần Hữu Chính ở thôn 6 An Ninh Đông cho biết: “Cách mạng giải phóng về đây nhà nước đầu tư làm đường sá thông thương, xe cộ tấp nập, dân phấn khởi lắm vì ở đâu cũng về hết, nhất là ở An Ninh sẽ phát triển du lịch khi Gành Đá Dĩa mở ra.”
Lại nhớ những câu thơ mà nhà thơ Liên
“Gió giận nổi lên
Dừa xù lông nhím
Mía sột soạt lau gươm
Chiều An Ninh, Mỹ đến…
Để rồi:
“Nghe tiếng em hò trên biển mặn
Kéo ghe về đầu trên bến quê ta
Có những con sóng bạc
Bóng buồm gầy như dáng ông cha…”.
LÊ BIẾT