Chiến tranh đã đi qua hơn một phần ba thế kỷ, nhưng mỗi khi nhớ lại những năm tháng lịch sử hào hùng, trong lòng bà Hà Thị Hồng Phấn, chiến sĩ đội nữ biệt động năm xưa lại trào dâng niềm tự hào, xúc động. Cả tuổi thanh xuân, bà đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cùng đồng đội lập nên nhiều chiến công, góp phần viết nên những trang sử vàng của lực lượng Công an Phú Yên.
Bà Hà Thị Hồng Phấn (bên trái) trò chuyện cùng tác giả – Ảnh: C.T.V
QUÁ KHỨ HÀO HÙNG
Nữ chiến sĩ biệt động Hà Thị Hồng Phấn sinh ra và lớn lên ở thôn Mậu Lâm, xã Hòa Quang (huyện Phú Hòa). Cha mẹ bà đều là những chiến sĩ cách mạng, tham gia hoạt động bí mật từ thời kháng chiến chống Pháp. Năm 1963, vừa tròn 12 tuổi, bà đã tham gia hoạt động cách mạng. Được sự dìu dắt của các đồng chí Năm Tuần, Bốn Châu - những cán bộ cách mạng nằm vùng, Hồng Phấn được giao nhiệm vụ làm du kích mật ở xã. Với dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, lại thông thuộc địa bàn, hàng ngày Hồng Phấn đi chăn bò trên núi kết hợp lấy truyền đơn, lựu đạn của cán bộ cách mạng giao, mang về xã rải truyền đơn, gài lựu đạn trong ấp. Bọn địch đi tuần bị vướng lựu đạn chết và bị thương một số tên, làm cho chúng càng hoang mang. Những lá truyền đơn ngày ấy đã khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân trong xã, khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân. Rất nhiều chuyến giao liên của bà được trót lọt trước mặt bọn giặc và chúng cũng không thể ngờ rằng cô bé chăn bò nhỏ nhắn ấy lại là một nữ du kích.
Thế rồi vào một buổi chiều năm 1965, trên đường gánh củi từ núi Chà Rang về nhà bà bị địch bắt. Chúng lục soát và phát hiện một bó truyền đơn. May sao hai bó củi có hai quả lựu đạn bên trong chúng không phát hiện. Bạn của bà đã nhanh nhẹn gánh bó củi về, lấy hai quả lựu đạn giao cho cán bộ cách mạng, còn bà bị bọn địch đưa về giam tại nhà lao Tuy Hòa. Trong ba tháng bị giam cầm, bà bị bọn giặc đánh đập, tra tấn dã man nhưng chúng vẫn không thể khai thác được gì ở cô bé 14 tuổi. Bất lực, chúng đành phải thả bà ra. Trở về quê hương, bà liên lạc với tổ chức và tiếp tục hoạt động trở lại.
DIỆT ÁC GIỮA BAN NGÀY
Năm 1968, bà thoát ly lên Huyện đội Tuy Hòa II và được tổ chức bố trí tham gia lớp đặc công cùng sáu chị em khác. Năm sau, bà được rút về Ban An ninh tỉnh Phú Yên và bổ sung vào Đội nữ biệt động Phú Yên. Được giao nhiệm vụ hoạt động cơ sở ở các xã Hòa Định, Hòa Quang, Hòa Thắng, bà cùng chị em trong đội ngày đêm bám sát cơ sở, xây dựng địa bàn. Năm 1969, bà được giao nhiệm vụ cùng Đội trưởng Đội nữ biệt động Phú Yên Nguyễn Thị Thu tiêu diệt tên ấp trưởng ở Định Thắng có nợ máu với nhân dân. Sau khi bàn bạc kỹ phương án hành động, bà dắt khẩu súng Volte và khẩu K59 trong người, tìm cách tiếp cận tên ấp trưởng. Khoảng 12 giờ trưa, trời nắng chang chang, trong vai những chị em đi cấy lúa về, bà cùng các chị em bị tên ấp trưởng và bọn lính chọc ghẹo. Nhìn thấy bà xinh xắn, dễ thương, tên ấp trưởng liền mời vào quán uống nước. Bà đồng ý. Ngay sau đó, đội trưởng Nguyễn Thị Thu cùng ba người là cơ sở cách mạng của ta cũng bước vào quán. Khi tên ấp trưởng vừa ngồi xuống ghế, bất ngờ bà và Nguyễn Thị Thu cùng rút súng ngắn bắn tên ấp trưởng làm hắn chết ngay tại chỗ. Hai tên lính gác đi cùng vì quá bất ngờ cũng không kịp trở tay. Tên ấp trưởng bị tiêu diệt giữa ban ngày làm cho quần chúng nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng.
Năm 1972, trong một chuyến công tác cơ sở, hầm trú ẩn của bà bị máy bay thả bom làm sập. Sức ép của quả bom làm bà bị chảy máu lỗ tai, kể từ đó, lực giảm hẳn. Sau khi bị thương, bà được đưa đi điều trị và học văn hóa, học nghiệp vụ ở Khu và tiếp tục công tác ở hậu phương cho đến ngày giải phóng.
Với những thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nữ chiến sĩ biệt động Hà Thị Hồng Phấn được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng ba, được tặng Kỷ niệm chương Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày.
KIM PHƯỢNG