Thứ Năm, 03/10/2024 22:24 CH
Biển của huyền thoại
Thứ Tư, 17/02/2010 07:00 SA

Vùng biển Phú Yên không nhiều đảo như các nơi khác nhưng mỗi hòn đảo, mỗi mỏm núi, mô đất nhô ra biển đều gắn liền với những truyền thuyết vừa huyễn hoặc, thiêng liêng vừa gần gũi, bình dị và hầu như ngư dân nào ở vùng biển này cũng biết vài trong nhiều truyền thuyết phong phú ấy.

 

Trước khi gác “mái chèo”, giao thuyền cho những người con trai kế nghiệp đi biển, ông Trần Ngân, 67 tuổi, ở khu phố 4, phường 6 (TP Tuy Hòa) cùng những người bạn nghề lớn tuổi thực hiện chuyến hải hành cuối cùng mà những ngư dân thường tâm nguyện trước khi về hẳn với đất liền, đó là cho tàu đi dọc hết bờ biển Phú Yên- từ đầm Cù Mông đến Vũng Rô. Ngồi trên tàu, ông Ngân cùng những ngư dân lớn tuổi không hề vướng bận chuyện đánh bắt mà thảnh thơi ngắm nhìn quê hương từ biển khơi. “Những hòn đảo, vịnh vũng chính là những ngôi nhà an toàn, luôn che chở cho ngư dân. Mỗi khi từ khơi xa trở về, nhìn thấy những hòn đảo, vịnh vũng của quê hương là chúng tôi cảm giác như đã trở về ngôi nhà của mình”- ông Ngân bảo thế.

 

bien.jpg

Biển An Ninh Đông  - Ảnh: NHẬT NGHIÊU

 

TỪ MỎM NÚI THẦN

 

Ông Nguyễn Văn Lai, một người bạn đi biển lâu năm của ông Ngân, nói rằng mỗi khi ra khơi ngư dân Phú Yên tự hào nhất là Mũi Điện bởi ánh đèn hải đăng luôn làm cho ngư dân Phú Yên dù đang đánh bắt giữa khơi xa vẫn có cảm giác mình ở gần quê nhà nhất; khi trở về đất liền thì lại có cảm giác mình đang ở gần biển nhất. Anh Nguyễn Tấn Lắm, con trai ông Lai nói chắc nịch: “Từ ngoài khơi, dù cách bờ đến 25 hải lý, vào ban đêm, mỗi khi nhìn thấy ánh sáng chớp nhịp ba, cứ 15 giây một lần, ngư dân Phú Yên ai cũng biết đó là Mũi Điện quê mình”. Ông Ngân và ông Lai đều nói rằng ngư dân Phú Yên không chỉ có tự hào như vậy về mũi Điện. Mỏm núi nhô ra xa nhất đất liền ấy chính là chim thần hóa đá, trên ấy có quả trứng thần ngày xưa nên là mỏm đá thiêng luôn mang lại những điều an lành cho ngư dân ngày nay. Chuyện kể rằng thuở xa xưa, có một con chim biển to lớn như rồng bay đến đậu trên đỉnh núi Thạch Bi. Một ngày nọ, gặp người tiều phu lên núi tìm trầm, chim thần bảo: “Đừng tìm trầm nữa, ta sẽ cho thứ khác quý hơn”. Nói rồi, chim thần bay vút lên trời rồi bổ nhào xuống triền núi Hòn Bà của dãy Thạch Bi Sơn, hóa thành mỏm đá trắng nhô ra tận biển. Nhiều đêm liền, chim thần báo mộng bảo người tiều phu ra biển sẽ tìm thấy trầm. Khi chèo thuyền ra biển, người tiều phu thấy một quả trứng đá to như thân người, đen tựa kỳ nam, hương thơm ngào ngạt cả một vùng. Chim thần lại về báo mộng với người tiều phu rằng quả trứng đó là thai nhi của vương phi Đông Hải Đại Vương, lỡ trót tư thông với Viêm Long, nay sợ chuyện bại lộ nên nhờ người tiều phu gìn giữ quả trứng, sau này gia tộc sẽ hưởng phúc lớn. Người tiều phu làm theo lời chim thần, sau đó bỏ núi xuống biển tìm ngọc trai; hàng ngày lặn được vô số ngọc ngà châu báu, trở nên giàu có nhất vùng. Từ đó đến nay, vùng biển xung quanh Mũi Điện luôn còn nhiều ngọc trai…

 

ĐẾN NHỮNG TRUYỀN THUYẾT

 

“Với ngư dân Phú Yên, Mũi Điện- tức là mỏm núi trắng nhô ra xa nhất đất liền ấy rất thiêng liêng. Nó như con chim thần ngày đêm dõi mắt ra biển canh giữ sự bình yên cho ngư dân. Mỗi lần đi biển trở về bình an, nhiều người ngước nhìn lên Mũi Điện, thầm khấn chim thần, tạ ơn trời biển”- ông Trần Ngân nói.

Sách xưa ghi rằng vùng biển phía bắc Phú Yên là nơi đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử từ thời Tây Sơn hưng binh đến nhà Nguyễn, rồi thời kỳ Pháp chiếm đóng. Ông Nguyễn Vinh ở Nhà Ngòi, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu) nói rằng những chứng tích lịch sử các thời kỳ ấy cũng gắn liền với các truyền thuyết. Giữa đầm Cù Mông có đảo Hòn Nần - nơi ngày xưa vua Gia Long cho xây dựng miếu Biểu Trung để thờ phụng Thiếu quận công Mai Đức Nghị và 515 tử sĩ trong cuộc chiến với nhà Tây Sơn. Ngày xưa, vào mùa xuân và mùa thu hàng năm, ngư dân địa phương tổ chức cúng tế linh đình và trong các lễ vật không thể thiếu những chiếc bánh nậm. Tương truyền, do chiến tranh loạn lạc, lúa thóc mất mùa, bà Phạm Thị ở bến Tùy Luật đã âm thầm xoay bột làm những chiếc bánh nậm đem ra đảo Hòn Nần nuôi Nguyễn Ánh và quân sĩ trong những ngày bại trận đang ẩn náu. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho người đi tìm bà Phạm Thị, ban tặng trướng gấm với bốn chữ Nữ Nhi Phù Quốc, cùng bộ chén dĩa, đũa, ấm trà bằng ngọc, lụa là, vàng bạc… để báo đáp ân xưa. Theo nghiên cứu của ông Nguyễn Đích, nguyên Phó chủ tịch UBND huyện Sông Cầu, một người có am hiểu sâu sắc về văn hóa vùng biển Sông Cầu, các món gia bảo này được gia đình bà Phạm Thị giữ gìn mãi đến ngày toàn quốc kháng chiến thì bị thất lạc do chạy giặc.

 

Cũng liên quan đến Nguyễn Ánh, ngày nay tại bãi Ôm ở Vũng La có một tảng đá có vết lõm khá rõ nét một bàn chân to lớn. Người dân ở Vũng La kể rằng đó dấu chân phải của Nguyễn Ánh giẫm mạnh xuống khi than xin trời đất trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi.

 

Không dừng lại ở những câu chuyện đã ít nhiều đã đi vào sử sách nói trên, ngày nay vẫn còn biết bao câu chuyện tiếp tục truyền đi trong dân gian như thể để góp phần tôn thêm vẻ đẹp kỳ ảo của vùng biển Sông Cầu. Đó là câu chuyện về nàng tiên nữ trên thiên đình, lỡ đánh rơi chén ngọc của Ngọc Hoàng nên bị buộc xuống trần gian tìm lại; nơi tiên nữ tìm chén ngọc ngày xưa giờ là Bãi Tiên quyến rũ. Đó là câu chuyện về những tiên ông trốn nhà Trời xuống trần đánh cờ trong những ngày tết; giờ trên mỏm đá gành Tướng ở vũng La vẫn còn in dấu bàn cờ tiên.

 

Đó là câu chuyện về con cá nược khổng lồ- tương truyền là con trai út của Long Vương - lạc vào đầm Cù Mông; khi bị cản trở đường đi, cá nược tức giận đập đuôi quẫy nước, bờ chắn, núi non sụt lở gần hết, chỉ còn lại một dãi đất tựa như một cái bờ chắn ngang mặt vũng Lắm, ngày nay người ta vẫn gọi đó là bờ ngăn cá vượt. Đó là câu chuyện về Cao Biền- một tên tướng đời Đường của Trung Quốc- tức giận chém ngựa ở gành Cây Sung, máu từ chân ngựa vọt ra thành vòi làm đỏ cả một tảng đá gần đó, người dân gọi nơi đây là Gành Đỏ. Ngày nay, một dấu chân khổng lồ- tương truyền là dấu chân của Cao Biền khi uất hận dậm chân kêu trời- còn lưu lại ở Gành Cây Sung.

 

Trước cảnh sắc kỳ ảo, đẹp như cảnh tiên, giữa tiếng sóng biển rì rào, những ngư dân lớn tuổi như ông Ngân, ông Lai luôn chìm đắm trong những câu chuyện kể về các truyền thuyết của vùng biển quê hương.

 

 

TẤN LỘC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Chuyện nghề của ba phi công lão luyện
Thứ Tư, 17/02/2010 15:00 CH
Còn đó Miễu Ông Cọp
Thứ Ba, 16/02/2010 15:00 CH
Lũa, đá ngàn năm...
Thứ Ba, 16/02/2010 07:30 SA
Dòng họ giỏi võ
Thứ Hai, 15/02/2010 19:00 CH
Trong nắng xuân ấm áp
Thứ Bảy, 13/02/2010 07:30 SA
“Chúa sơn lâm” trên đại ngàn Phú Yên
Thứ Tư, 10/02/2010 18:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek