“Vậy là tôi đã cho máu hơn 60 lần. Thêm 23 lần hiến máu của chồng và con trai nữa thì cả nhà cho khoảng 21 lít. Tính ra thì thấy nhiều vậy, nhưng người hiến máu có mất mát gì đâu, bù lại sức khỏe thêm ổn định. Máu cho đi là tái tạo lại mà!”- chị Lý Thị Kim Thịnh (phường 5- TP Tuy Hòa - Phú Yên) cười thanh thản nhớ về kỷ niệm của những tháng ngày lặng lẽ hiến máu cứu sinh...
Đưa bé Thảo xem những kỷ vật và hình ảnh hiến máu của mình, chị Thịnh mong bé sau này sống luôn hướng thiện – Ảnh: T.THỦY
1. 23 giờ 50, nhận tin báo: “Có người cần máu”, chị bật dậy khỏi giường vì hiểu, ai đó đang giành giật sự sống từng phút, từng giây mà sự có mặt của mình là khẩn thiết. Gió rít mạnh, trời lạnh thấu da, chị gò lưng trên chiếc xe đạp hối hả đến bệnh viện để cứu người. Sau hai giờ đồng hồ hoàn tất việc tiếp máu cho người bị nạn, chị ra về, lòng cầu khẩn:”Mong bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch!”.
Một ngày đầu tháng 11 năm 1993, lụt lớn, nước ngập các đường phố Tuy Hòa. Mưa gió hoành hành, không ai dám ra đường. Hơn 1 giờ khuya, chị nhận tin bệnh viện cần máu cứu một sản phụ bị băng huyết. “Trong lúc khẩn cấp, mình phải chọn việc quan trọng nhất”- nghĩ vậy, chị gác lại việc chống chọi với gió to, nước lớn ở nhà, băng mình trong đêm, bì bõm vượt qua quãng đường gần 2 cây số.
Có đến hơn 20 lần chị Thịnh đi hiến máu lúc nửa đêm với những kỷ niệm khó quên. Còn ban ngày, chuyện đó như “cơm bữa”. Trước rằm tháng bảy năm nọ, vợ chồng chị cật lực làm đậu để có một số lượng lớn sản phẩm. Sáng vừa mở hàng, thấy chị Đức (người của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên) gọi mình, chị Thịnh không chần chừ vội bỏ hàng đi cho máu để cứu một thanh niên bị tai nạn. Đậu không bán được, đành mang cả gánh về nhà. Lần nọ, đang ở Bệnh viện Từ Dũ (TP Hồ Chí Minh) kiểm tra sức khỏe, thấy có người chạy tìm máu B để truyền cho sản phụ, chị Thịnh vội chìa tay: “Đây, tui có máu B đây này!”.
25 năm với hơn 40 lần “bí mật” hiến máu, chị dặn những y tá: “Cứ gọi điện thoại hoặc đến chợ tìm tôi khi có cấp cứu cần máu. Giờ nào tôi cũng đi, nhưng phải bí mật, đừng tiết lộ việc tôi làm”. Có khi chị mới vừa cho máu người này trong tháng trước, thì tháng sau tiếp tục cho máu cứu người khác. “Họ bảo, mỗi lần cho máu phải cách nhau từ 3 đến 4 tháng. Nhưng khi có người cần máu gấp, mình không thể thờ ơ. Tôi không bao giờ đắn đo trước việc cứu người”- chị thổ lộ.
2. Có người thấy chị Thịnh hay tới Khoa Xét nghiệm, liền cho rằng vì nghèo mà bán máu. Cũng dễ hiểu, bởi cuộc sống gia đình chị những năm ấy chật vật lắm, lại còn phải nuôi các con ăn học.
Một ngày đầu tháng 4 năm 2004, có nhà báo đến xin được nêu gương chị để tuyên truyền. Nghe vậy, chị giật thót người, mặt tái nhợt, năn nỉ đừng đưa lên báo, vì gia đình biết chuyện, chị sẽ không còn cơ hội tiếp tục hiến máu. Với chị, đó chỉ là việc làm nhỏ xuất phát từ tấm lòng, từ trái tim của mình. Sau một hồi đắn đo, chị cũng nhận ra rằng: “Một cánh én chẳng làm nên mùa xuân. Nếu bản thân mình đủ sức khỏe để tiếp tục cho máu, thì cũng chỉ vài chục lần nữa là phải dừng. Chi bằng vận động đông đảo người dân tình nguyện tham gia thì lượng máu góp vào lớn hơn, cứu được nhiều người hơn. Người nhà rồi cũng sẽ hiểu”.
Tại lễ phát động hiến máu tình nguyện tỉnh Phú Yên sáng ngày 7/4/2004, chị Thịnh đến hiến máu để tuyên truyền theo lời động viên của một số anh chị em. Ở đó, chị được Sở Y tế Phú Yên tuyên dương, hàng trăm người có mặt thầm thì thán phục. Gia đình chị cũng biết chuyện và hân hoan khi đọc bài viết “Lặng lẽ hai mươi lăm năm hiến máu cứu người” trên Báo Phú Yên. Sau đó, chị được Chủ tịch nước Trần Đức Lương gởi thư khen, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải tặng bằng khen...
Sau “sự kiện” ấy, cả nhà chị Thịnh đồng hành với chị. Máu của chị và chồng, con đã góp phần đưa nhiều người từ cõi chết trở về và đang chảy trong nhiều cơ thể khác nhau.
3. Cứ thấy người khác bệnh là chị Thịnh nghĩ như chính mình đang bệnh, cứu họ là cứu mình. Chị chẳng bao giờ nhận tiền bồi dưỡng hiến máu của bệnh viện. Nhưng nếu cứ ép phải nhận, chị biếu ngay phần quà ấy cho người bệnh hoặc gởi vào bếp ăn từ thiện của bệnh viện. Thu nhập từ quày hàng nhỏ bán đồ chay chẳng là bao, vậy mà thấy ai có hoàn cảnh đáng thương chị cũng chắt chiu giúp gạo, giúp tiền. Nhận thưởng 5 triệu đồng của Trung ương, chị Thịnh đều dành hết cho việc cứu giúp những cảnh đời khó khăn, bất hạnh. Từ đầu năm nay, cứ tới ngày mùng 8, 18, 28 (âm lịch) hàng tháng, bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa Phú Yên lại tiếp nhận 60 suất ăn sáng do chính tay chị chế biến. Thỉnh thoảng, chị cũng đến bếp ăn từ thiện của bệnh viện để phụ nấu ăn. Bé Hoàng Phùng Xuân Thảo được gia đình chị tận tình nuôi nấng, đã bước vào lớp 6. Thảo chính là đứa trẻ 2 tuổi bị bố mẹ ruột bỏ rơi giữa chợ Tuy Hòa 10 năm trước.
Người phụ nữ phúc hậu 52 tuổi này đang cẩn thận cất giữ những bài báo, thư khen và những bức ảnh, giấy chứng nhận hiến máu... như là tài sản quý giá nhất trong đời. Với chị, đó là hành trang tiếp nối sau này cho các con mình và bé Thảo.
Đầu năm 1979, đến thăm người bạn nằm viện, chị Thịnh không thể làm ngơ trước tình trạng nguy kịch của một sản phụ cần máu sau phẫu thuật. Cơ thể chị lúc ấy chỉ nặng 40 kg, lại sinh con chưa đầy 9 tháng, song biết nhóm máu B của mình là phù hợp, chị chìa tay cho máu. Không đủ máu để chống chọi với tử thần, người phụ nữ ấy đã chết, bỏ lại đứa con còn đỏ hỏn. Chạnh lòng trước thảm cảnh, thị Thịnh thầm nhủ sau này mình thường xuyên tới bệnh viện để cứu người kịp thời.
DƯƠNG THU THỦY