Những năm gần đây, nhiều người đổ xô săn lùng, đào bứng những cây đại thụ trên rừng về làm cây cảnh. Tại những cánh rừng già của tỉnh Phú Yên, nhiều cây cổ thụ không cánh vẫn thi nhau “bay” về đứng trong sân nhà các tay buôn, đại gia, công sở...
Hai đại thụ đưa từ rừng về, đang được “nuôi” trong vườn một ngôi nhà ở TP Tuy Hòa. - Ảnh: T.TRỰC
Phú Yên là một trong những tỉnh được giới chơi cây cảnh cả nước đánh giá cao về tiềm năng cây đại cảnh. Phía tây của tỉnh có nhiều sông suối đan xen trên các triền đất đỏ, là nơi có nhiều loại cây như lộc vừng, mằng lăng, sanh, nhọi... hàng trăm năm tuổi. Các đại gia cây cảnh từ nhiều nơi tụ về đây, săn lùng tìm cây đại cảnh. Những cánh rừng dọc theo bờ suối Tía chảy từ huyện miền núi Sơn Hòa về huyện Đồng Xuân trước đây còn nguyên vẹn. Nhiều cây mằng măng đường kính trên 1m thẳng đứng, tháng ba hoa nở tím rừng. Các loại sanh lá tròn, sanh lá dài to như cây đa cổ thụ đứng dày đặc, đến mùa trái chín chim rừng tha hồ thưởng thức. Xen trong rừng cây vài trăm năm tuổi là những hàng lộc vừng tự nhiên sà tán ra bờ suối, mùa hè thả bông đỏ rực trôi lững lờ len khắp các con suối trong rừng.
Tháng 8/2008, người dân xã An Xuân (huyện Tuy An) chứng kiến cảnh người lạ mặt về đây đào bứng những cây cổ thụ chở đi. Ông T.V.D, một người đã từng chứng kiến cảnh đào bới đợt đó kể lại: “Họ thuê người từ các xã khác về đây đào trả ngày công cao. Ban ngày, đội quân vài chục người đào cây dưới rừng sâu, chiều thuê xe độ kéo lên mặt đường và tối, họ chạy xe thùng to đã chờ sẵn trước cùng xe cẩu “gắp” cây rồi đi trong đêm. Mỗi đêm họ chở đi từ một đến 2 chuyến”. Công nghệ đào cây rất hiện đại. Theo lời nhiều người kể lại: Trước hết, có một người trực tiếp đi tìm, chọn những cây độc đáo, chụp hình rồi gửi đi và ra giá trước. Nếu “đối tác” đồng ý, họ sẽ cho người đào bằng bất cứ giá nào và giao hàng đúng hẹn, như ý. Có những cây trên trăm năm tuổi, đường kính hơn 1m lại đứng thế triền dốc, trong gộp đá to, rễ ăn sâu nên người thực hiện phải dùng balan cỡ vài tấn hoặc xe cẩu kéo.
Cây đại cảnh lên giá, rừng “chảy máu”, cây quý thưa dần. Hết cây trong rừng, nhiều người còn liều bứng những cây lộc vừng, cây nhọi… tán to đầu nguồn, dọc các bờ ruộng bậc thang. Đến khi người nông dân lên tiếng, kiểm lâm vào cuộc thì dường như mọi việc đã muộn!
Đầu năm 2010, có nhiều người từ Khánh Hòa đến An Xuân ra giá với người dân, tìm mua cây lậu (nhọi), mằng lăng, lộc vừng to thẳng, không sẹo với giá tiền lên đến cả trăm triệu đồng để về trồng trong sân gôn hoặc xuất sang Trung Quốc. Sau vài ngày săn lùng, nhóm người này tìm mua được một cây nhọi có vòm trên 5m tại thôn Xuân Thành với tổng chi phí đào, bứng, cẩu khá cao…
Theo giới chơi cây đại cảnh, ngoài ưu điểm dễ sống, những cây nằm trong bộ “tam đa”: sung, đa, lộc vừng còn có ý nghĩa về mặt tâm linh, tượng trưng cho sự sung túc, tài lộc dồi dào… Trong thực tế, có nhiều đại gia chơi, buôn cây đại cảnh nhưng ít ai đem cây đại cảnh trồng trong nhà mình. Cây đại cảnh chủ yếu được trồng trong các khu sinh thái, cơ quan, công sở với giá cao ngất ngưởng. Dò hỏi thăm về nguồn gốc của các cây đó thì được nhiều người trả lời kiểu như “cây đó hôm làm đường ở xã X… trúng đường, bỏ thì tiếc nên anh em kéo về trồng chơi” hoặc “cơ quan mới xây trống và nắng quá, sếp vừa ký cho mấy cây trong khu rừng cấm về trồng để lấy cảnh quan…”. Nhiều câu trả lời, nhiều cách lý giải song trước mắt người dân, hàng trăm cây lộc vừng, mằng lăng, sanh vẫn ngang nhiên “mọc” lên giữa phố trước sự chứng kiến của những người có chức năng, thẩm quyền thì đây là một điều phản cảm!
Thiết nghĩ, chơi cây cảnh không thể thiếu trong đời sống của con người. Nhưng hiện nay, việc đào lấy không thương tiếc những cây đại thụ trên rừng, kể cả những cây không có dáng để mang về làm thú chơi riêng thì quả thực chưa thật thỏa đáng, mà phải nói đây là một trong những hành vi phá rừng!
ĐÀO TẤN TRỰC