Thứ Năm, 28/11/2024 04:34 SA
Làng cổ bên dòng Ô Lâu
Thứ Tư, 09/12/2009 18:00 CH

Được thành lập từ thế kỷ thứ XV, thời vua Lê Thánh Tông vẫn còn giữ được nét cổ xưa với những ngôi nhà rường, ngôi miếu, những cây cổ thụ có tuổi đời gắn với tuổi làng, làng cổ Phước Tích trở thành điểm đến thú vị của những du khách quan tâm đến văn hóa, mỗi khi có dịp nán lại với Huế.

 

nha-co.091209.jpg
Một trong những công trình kiến trúc cổ ở làng Phước Tích. - Ảnh: T.L

 

BÊN DÒNG Ô LÂU

 

Nhịp sống tấp nập dường như đã dừng lại ở ngoài kia, tại ngã ba chợ Mỹ Chánh, mà không theo quốc lộ 49B đi qua cầu Phước Tích để chạm đến ngôi làng hơn 500 năm tuổi này. Phước Tích (ở xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) rất đỗi êm đềm, yên ắng với những ngôi nhà nép trong vườn cây, bên dòng Ô Lâu như một vòng tay dịu dàng ôm lấy ngôi làng cổ.

Hơn 8 giờ sáng, chúng tôi đến Phước Tích. Người trong làng phần lớn đã ra bên ngoài làm việc nên con đường nhỏ lát gạch yên ắng lạ. Chỉ có vài cánh bướm chấp chới trên những hàng rào bằng cây xanh và gió xào xạc trên cành. Khác với kiến trúc cổ ở miền Bắc, những ngôi nhà ở Phước Tích không có tường gạch bao quanh mà hòa mình vào khung cảnh thiên nhiên. Ở đây, màu xanh là chủ đạo. Màu của hàng rào, của những khu vườn và của dòng sông Ô Lâu êm đềm bên cạnh. Trên cái nền xanh ấy, những ngôi nhà rường với mái ngói rêu phong là điểm nhấn độc đáo.

 

Ngôi nhà rường của họ Lê Ngọc, một trong 12 họ khai căn ở Phước Tích được xây dựng từ năm 1470, khi lập làng. Trải qua bao thăng trầm, ngôi nhà ba gian hai chái này vẫn còn giữ được những hình ảnh cổ xưa, như hàng cửa gỗ rất đặc trưng và mái ngói mà thời gian đã để lại trên đó vô số dấu vết. Đây là một trong 37 ngôi nhà rường cổ, kiến trúc độc đáo mà người làng Phước Tích còn giữ được. Đặc biệt, có 20 ngôi nhà còn nguyên trạng, dù đã tồn tại trên một thế kỷ. Mỗi ngôi nhà gắn với một tộc họ. Phước Tích hiện có 18 họ. Hầu như gia đình nào cũng giữ được một vài đồ gia bảo bằng gốm, gỗ... có từ nhiều thế kỷ trước. Có những gia đình giữ được bộ tràng kỷ hơn 100 tuổi. Hướng dẫn viên là người làng Phước Tích, cho chúng tôi biết như vậy.

Vẻ đẹp của Phước Tích là vẻ đẹp tĩnh lặng và thâm trầm, có dòng sông, bến nước… Hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến bến Cạn, một trong 12 bến nước của làng và là bến đẹp nhất. Một sân khấu nhỏ, khá giản dị đã được xây cạnh bến nước này, để biểu diễn các tiết mục nghệ thuật mang đậm văn hóa truyền thống trong những dịp đặc biệt. Đến một bến nước khác, bến Cửa, hướng dẫn viên chỉ tay về phía bên kia sông, cho biết: Đấy là Hà Cát, nơi yên giấc ngàn thu của người làng. Và ông đọc hai câu thơ: “Sống ở Cồn Dương, thác về Hà Cát / Biệt ly cách mấy nhịp chèo sang sông”.

 

 Phước Tích có nhiều miếu thờ với nhiều dấu tích Chămpa còn khá nguyên vẹn. Thu hút sự chú ý của nhiều du khách là miếu Cây Thị được xây dựng thời Tự Đức, năm 1881. Căn cứ vào bức bình phong có hình ảnh chim phượng ở phía trước, người ta biết rằng đây là miếu thờ Bà. Sừng sững bên cạnh ngôi miếu là một cây thị có từ trước khi lập làng, đến giờ vẫn còn xanh tốt. Thân cây rất to, có một đoạn rỗng, 6 người có thể ngồi trong đó. Tán cây có đường kính lên tới 35m. Người làng kể rằng trong hai cuộc kháng chiến, du kích xã Phong Hòa thường lấy cây thị này làm nơi che giấu lực lượng và liên lạc với cơ sở cách mạng.

 

THĂNG TRẦM NGHỀ GỐM

 

Không chỉ nổi tiếng với những ngôi nhà rường, những dấu vết cổ xưa còn lại, làng Phước Tích còn được biết đến với nghề gốm đã có từ lâu đời. Bà Nguyễn Thị Thúy, một thợ làm gốm, nói: “Nghề ni có từ đời ông bà nội tui. Ông bà truyền cho con cháu, hết đời này đến đời khác. Tui làm gốm từ năm mười ba mười bốn tuổi, năm ni bảy lăm tuổi rồi”.

 

O-Lau.091209.jpg

Sông Ô Lâu bên làng cổ Phước Tích. - Ảnh: T.L

 

Trong ký ức của những người cao tuổi ở làng Phước Tích, nghề gốm từng rất thịnh. Thời đó, làng có 12 khẩu lò. Gốm làm ra, khách buôn đến tận nơi mua chở đi Đà Nẵng, Quảng Bình… bán. Những ngôi nhà rường có được cũng nhờ tích lũy từ gốm mà ra. Bà Lê Thị Tám, một thợ gốm đã bước qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhớ lại: “Lúc xưa cha mẹ tui làm gốm, người ta đến tận nơi mua rồi chở đi bằng đò. Bây chừ mình phải chở đi bán cho khách du lịch trong dịp lễ hội hoặc là bày bán tại đây”.

 

Khách du lịch đến Phước Tích cũng muốn mua một, hai món đồ gốm xinh xinh về chưng, làm kỷ niệm. Và nghề này được duy trì cho đến hôm nay với 22 người thợ, người cao niên nhất đã 91 tuổi, “trẻ” nhất thì cũng vừa bước qua tuổi 60.

 

Ngoài nghề gốm, Phước Tích còn có nghề làm bánh bằng bột gạo. Làng có 117 hộ với 320 người, trong đó khoảng 60% là công nhân viên chức.

 

Người Phước Tích tự hào với những công trình kiến trúc cổ mà họ còn giữ được cho đến hôm nay, với nghề truyền thống có từ thời ông bà. Những khu vườn vả, dâu và mít cũng là một phần trong cuộc sống của họ. Dân làng trồng rất nhiều vả, bán quanh năm, tuy nhiên thu nhập không cao.

 

Rời Phước Tích, chúng tôi mang theo hình ảnh những ngôi nhà cổ độc đáo, những khu vườn ngát xanh và một dòng sông lặng lẽ, hiền hòa.

 

LÂM VY

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Người ươm mầm xanh cho rừng
Thứ Tư, 25/11/2009 18:00 CH
Ấn tượng Buôn Đôn
Thứ Tư, 18/11/2009 19:00 CH
Đặc sắc lan rừng
Chủ Nhật, 15/11/2009 15:00 CH
Ở nơi bị lũ cô lập bốn ngày đêm
Thứ Sáu, 06/11/2009 07:36 SA
Nỗi đau bên dòng Tam Giang
Thứ Năm, 05/11/2009 10:00 SA
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek