Sáng hôm ấy là một buổi sáng chủ nhật giữa đông, trời trong, nắng nhạt hứa hẹn một ngày đẹp đẽ để đi thăm bạn bè, người thân. Tôi khoan khoái trong chiếc áo sơ mi mỏng manh và cái quần kaki đạp xe lên mạn Quần Ngựa thăm một người thân lâu ngày chưa gặp. Sau giấc ngủ trưa, khi trở dậy thì thấy trời đã trở gió.
Nhà giáo Bùi Xuân Các (thứ hai, bên trái) với các thành viên Hội Thầy trò Lương Văn Chánh - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Những đám mây xám xịt nặng nề nhanh chóng che phủ cả bầu trời mới đây đang trong xanh sâu thẳm. Cùng với mây và gió là những đợt không khí lạnh từ phương bắc dồn dập tràn về. Trời đột ngột trở rét. Kinh nghiệm cho biết sau gió là mưa, nên tôi vội vàng từ giã người thân vì nhà tôi ở tận Đống Đa, xa lắm.
Về đến khu tập thể Trung Tự, tôi đã thấm mệt vì gió lạnh càng lúc càng mạnh. Tôi tranh thủ ghé nhà anh Trần Thuận để nghỉ một lát, nhân tiện thăm vợ chồng anh, trao đổi thêm mấy ý kiến về việc chuẩn bị thành lập Hội Thầy trò Lương Văn Chánh.
Anh Thuận ngạc nhiên thấy tôi đến bất ngờ vào lúc thời tiết này nhưng tỏ ý mừng rỡ vì đã lâu không gặp. Sau mấy lời chào hỏi thân tình, anh mới nhìn lại, thấy tôi ăn mặc quá phong phanh trong lúc anh ở trong nhà kín đáo với áo kép áo len mà vẫn thấy chưa đủ ấm. Anh tỏ ý lo lắng thật sự và ân cần hỏi tôi sao lại ăn mặc sơ sài thế, thầy tuổi đã cao rồi, chịu sao nổi thời tiết này. Rồi anh vội vàng đi lấy một cái áo dạ đưa tôi tạm dùng trên đường về nhà. Tôi nghĩ cái áo đó cũng rất cần cho anh Thuận để đi làm (ngày ấy, ta mới “hé cửa”, áo quần – nhất là áo ấm – ai có đủ dùng đã là khá lắm rồi, có đâu dư thừa mà cho mượn, dù anh Thuận đã là vụ trưởng thì cũng thế thôi), nên tôi cảm ơn và từ chối. Nhưng anh khẩn khoản bảo nếu thầy không nhận thì em xin mời thầy nán lại cho qua đợt gió này đã. Rồi anh tự tay mặc áo vào cho tôi, tự tay cẩn thận cài khuy kín đáo rồi mới bằng lòng cho tôi về mà không quên tiễn tôi một đoạn dài với những lời dặn dò tỉ mỉ phải đề phòng thế này thế khác trên đường đi...
Cách nhà anh Thuận không xa và ngay trên đường về là nhà anh Thái Phụng Nê. Anh Nê phụ trách chính việc xây dựng công trình thủy điện Sông Đà đang ở giai đoạn nước rút nên thường xuyên ở lại công trường, rất khó gặp. Đã có áo ấm rồi, trời lại còn sáng và chưa mưa, lẽ nào đi qua trước nhà anh mà không vào, cầu may chủ nhật này anh về nghỉ. Và may thật, chính anh Nê ra mở cửa đón tôi, và cũng như anh Thuận, anh không khỏi tỏ ý ngạc nhiên khi thấy tôi xuất hiện. Thay vì lời chào, anh chỉ kêu lên một tiếng: “Thầy!” và tiếp theo là “Trời ơi, rét mướt thế này thầy đi làm gì cho khổ?”. Anh đưa tôi vào ngồi ở phòng khách đơn sơ, cẩn thận đóng cửa lại, rồi nhanh nhẹn pha một ấm trà nóng, rót một tách đưa tận tay tôi mời uống cho ấm bụng. Đang chuyện trò rôm rả, anh bỗng nhìn xuống, thấy đôi bàn chân trần của tôi với màu da tái mét. Anh lại kêu lên một lần nữa: “Trời ơi!” (lại trời ơi) Rét thế này mà thầy đi chân trần sao? Nguy hiểm quá! Để chân bị rét buốt là điều tối kỵ đối với người cao tuổi”. Anh lật đật đi mở tủ lấy một đôi tất len mới rồi ngồi bêït xuống sàn nhà trước mặt tôi một cách tự nhiên, định nâng chân tôi để lồng tất vào! Bất ngờ và cảm động đến rơi nước mắt, tôi vội ngăn lại, lấy đôi bít tất từ tay anh, vừa vội cho chân vào mà lòng rưng rưng một cảm xúc hết sức khó tả!
Chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ, tôi được nhận liên tiếp hai biểu hiện tình cảm xúc động lòng người của hai học trò cũ mà lúc đó đã đường đường là hai cán bộ cấp cao của nhà nước: anh Thuận là vụ trưởng Bộ Tài chính, anh Nê đang chuẩn bị để nhận chức thứ trưởng Bộ Điện lực.
Ngoài trời gió bấc vẫn ào ạt tràn về, rét mỗi lúc một đậm thêm, nhưng lòng tôi lại thấy ấm áp vô cùng. Nay kể lại kỷ niệm trên, tôi vẫn còn xúc động và thầm cảm ơn hai anh Trần Thuận, Thái Phụng Nê đã cho tôi hưởng những phút thật sự hạnh phúc.
Tôi có cái may là những kỷ niệm kiểu này của anh chị em Lương Văn Chánh đối với tôi khá nhiều, mà hai câu chuyện trên là hai trường hợp tiêu biểu. Tôi cám ơn anh chị em từ tận đáy lòng. Phải chăng những tình cảm đẹp đẽ đó đã làm cho những năm cuối đời của tôi thấy ấm áp, vui sống để được hưởng một tuổi thọ khá cao mà trước kia tôi chưa hề dám mơ ước.
Một lần nữa, anh chị em hãy nhận ở đây những tình cảm sâu đậm và lời cảm ơn chân tình của ông thầy già đang ở tuổi 92.
BÙI XUÂN CÁC