Người ta thường nói “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Không nhìn thấy được từ nhỏ, cuộc đời của Vũ Tuấn Phong tưởng như bế tắc. Nhưng 18 năm nay, bằng tất cả ý chí và nghị lực Phong đã vượt ra khỏi thế giới bóng tối. Người thanh niên ấy đã tự “phẫu thuật mắt” cho mình bằng nghị lực sống và tinh thần học tập đặc biệt. Ở thôn Bàn Thạch, xã Hoà Xuân Đông (huyện Đông Hoà) người ta nói về Phong như một minh chứng cho nghị lực và khát vọng sống của những người có số phận không may mắn.
BÓNG TỐI VÀ NƯỚC MẮT
Dù bị mù, Vũ Tuấn Phong vẫn luôn sống trong lạc quan – Ảnh: N.DUNG
Phong bị mù từ khi mới lọt lòng. Chất độc da cam đã “thấm” dần vào cơ thể của người lính Vũ Tâm Hùng trong những năm tháng lăn lộn ở chiến trường ác liệt và để lại di chứng nghiệt ngã cho người con trai út của ông.
Vợ chồng ông Hùng đem Phong đi khắp các bệnh viện chữa trị, nhưng Phong vẫn không nhìn thấy được. Những tháng ngày nhìn con quờ quạng trong bóng tối, lòng vợ chồng ông đau quặn thắt. Rồi Phong lò mò đi, vấp bàn ghế, đụng cột nhà u đầu mẻ trán. Nhiều lần đôi mắt mù lại sưng húp vì khóc, vì tủi thân phận đời mình. 18 năm nay Phong phải luôn sống trong thế giới bóng tối. Ấy vậy mà Phong cười nhẹ: “Dù sao, em cũng còn may mắn! Không thấy, nhưng em vẫn hát được, tay em vẫn đàn và tai em vẫn nghe. Em nghĩ dù có buồn hoài, mình cũng không thể sáng mắt. Vì thế tại sao phải buồn hoài, phải sống cho vui vẻ”. Bà Liệt, mẹ Phong kể: “Tuy không nhìn thấy, nhưng được cái thằng nhỏ cũng lanh miệng hay nói cười, tính tình lại hiền lành nên được nhiều người thương. Trước nhà tôi có một ngôi trường tiểu học, lúc buồn thằng nhỏ vẫn lần ra đó ngồi nghe tụi nhỏ học. Đến giờ trả bài, nhiều đứa trong lớp không thuộc nhưng thằng Phong lại trả lời được, khiến thầy trò ở đó tròn mắt ngạc nhiên”.
Cách đây bốn năm, tôi gặp Phong tại Trường Niềm Vui. Đó là năm Trường mở khoá đầu tiên dành cho học sinh khiếm thị. Cậu học trò mù với lối nói chuyện dí dỏm, hài hước và những suy nghĩ lạc quan về cuộc sống đã thật sự thu hút tôi. Nhất là khi nhìn đôi tay Phong lướt trên phím đàn organ chơi bản nhạc “Lòng mẹ” một cách thuần thục, tôi không nghĩ em bị mù.
TÌM TƯƠNG LAI BẰNG NGHỊ LỰC
Người cựu chiến binh Vũ Tâm Hùng sống rất nặng tình. Sau những tháng ngày băng rừng lội suối đi tìm hài cốt đồng đội, ông lại về ngồi trong căn nhà nhỏ thổi khúc tiêu sầu. Phong nói: Ba em thổi sáo rất hay. Ba dạy em cách thổi sáo, chủ yếu là muốn cho em vui. Cũng từ đó em thích thổi sáo và chơi đàn. Ý thích là một chuyện, nhưng để làm được điều mình thích lại không hề đơn giản. Ban đầu học đàn organ, em nản chưa từng thấy vì hai tay mò mẫm trên phím đàn và vẫn cứ nhầm lẫn hoài. Em định dẹp qua một bên. Nhưng tình cờ một hôm em nghe trên đài nói về một cô gái tật nguyền nhưng chơi đàn rất hay. Rồi có lần em nghe một người ăn xin bị mù kéo đàn cò hay quá. Em nghĩ người ta bị mù nhưng vẫn có thể chơi đàn được, tại sao mình lại không thể.
Vũ Tuấn Phong (người thứ ba từ bên phải sang) đang học chữ Brai tại Trường Niềm Vui – Ảnh: N.DUNG
Thời gian đó, một thầy giáo ở trường gần nhà Phong dạy đàn organ cho học sinh, Phong lại lần ra học “lóm”. Sau đó, Phong đến chơi nhà người bà con ở khu phố 1, Ninh Tịnh (Phường 9, TP Tuy Hòa). Biết ở đó có thầy Nguyễn Văn Hùng dạy đàn organ, cứ sáng sáng Phong lại nhờ người bà con chở đến nơi học đàn và không quên thủ sẵn bên mình một chiếc máy ghi âm. Sau đó về nhà, bật máy nghe đi nghe lại. Phong nhớ được từng thao tác trên những phím đàn. Đến khi ngỏ ý muốn vào học, bài thực hành đầu tiên mà Phong phải vượt qua để thầy Hùng có thể nhận một người mù vào học chung với những người sáng mắt là phải chứng tỏ mình cũng biết chơi nhạc. Thay vì chỉ đàn một đoạn nhạc nào đó thì Phong đàn hết một bản nhạc, khiến các bạn ở lớp học rất “nể”. Phong cười lém lỉnh: “Mọi người không biết là trước đó em đã lén ghi âm những lời giảng của thầy, sau đó về nhà nghe lại”. Đó là năm 1998. Phong học đàn được một năm rưỡi ở đây. Năm 2000, nhân chuyến đi hát quyên góp cho Quỹ Cứu trợ trẻ em tàn tật ở TP Hồ Chí Minh do Trung tâm Nhân đạo Quê hương tổ chức, Phong được một thầy giáo khiếm thị ở Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy thêm. Năm 2005, nghe nói ở Hoà Vinh có thầy Nguyễn Văn Tư bị liệt hai chân chơi đàn rất hay, vậy là Phong tìm đến.
Người sáng mắt học đàn đã khó, với người mù lại càng vất vả hơn. Để chơi được một bản nhạc đơn giản, người sáng mắt chỉ cần 10 ngày thì Phong mất đến 15 ngày. Mẹ Phong nói cũng mừng là Phong sáng trí, lại rất chịu khó. Hầu như đêm nào Phong cũng thức rất khuya, có đêm cả nhà đi ngủ hết, còn lại một mình Phong thức đến 1-2 giờ sáng bên cây đàn organ nhập nhằng phím nút. Thường chỉ khi có thể chơi một đoạn nhạc ưng ý, Phong mới ngả lưng xuống giường, vì thế mà Phong gầy đi nhiều. Phong nói:” Nhiều lần mệt mỏi lắm nhưng không dám nản. Bởi vì sau này đây là nghề kiếm sống duy nhất của mình, hơn nữa trong tiếng đàn, tiếng sáo, em thấy đời mình đỡ buồn tủi hơn...”. Không chỉ biết chơi đàn organ, Phong còn có thể thổi sáo và kèn ắcmônica thành thạo.
Nhìn đôi tay Phong lướt trên phím đàn một cách thuần thục, tôi không nghĩ rằng em bị mù. Tiếng đàn trầm bổng như cuốn người ta vào một thế giới khác. Ở đó, không có bóng tối, không có nỗi buồn. Ởû đó, chàng thanh niên khiếm thị Vũ Tuấn Phong và tiếng đàn như hoà làm một. Bây giờ, Phong được mời đi đánh đàn phục vụ đám cưới, hội hè ở trong thôn. Trong những buổi sinh hoạt của gia đình Phật tử ở Chùa Phước Long (Hoà Xuân Tây), Đông Long, Xuân Long (Hoà Xuân Đông), Bửu Lâm (TP Tuy Hoà) đều có tiếng đàn của Phong. Phong cười: “Hiện giờ, em không nghĩ là mình bị mù, vì em giao lưu được với nhiều người. Em có nhiều bạn bè, nhiều người thương em…Và, em cũng có thể tự kiếm sống như một người bình thường…”. Tôi đọc trong nụ cười đấy là sự lạc quan. Sự lạc quan ấy được thắp lên bằng niềm tin, nghị lực của một thanh niên không đầu hàng số phận.
NGỌC DUNG