Hàng năm, hễ gần đến ngày kỷ niệm Cách Mạng Tháng Mười Nga là lòng tôi lại xốn xang một niềm thương nhớ và ước nguyện được thăm lại Matxcơva, thăm lại Bà giáo – người hướng dẫn khoa học của tôi trên 30 năm về trước.
Tôi làm nghiên cứu sinh (NCS) ở Viện Hàn Lâm Khoa Học Giáo Dục Liên Xô từ năm 1975 và bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ năm 1979 do Bà Ruv Mi-khai-lôv-na Rô-gô-va Tiến sĩ khoa học giáo dục, trưởng phòng thực nghiệm Viện những vấn đề chung thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Giáo Dục Liên Xô hướng dẫn.
Trải qua những biến cố lịch sử vẫn luôn canh cánh bên lòng tôi về tình nghĩa đối với Bà giáo và các nhà khoa học giáo dục Xô-Viết đã dày công đào tạo tôi từ một chiến sĩ giáo dục trở thành một cán bộ khoa học đang phục vụ tốt cho quê hương mình.
Năm 2004, con trai tôi được sang học tại trường Đại học Năng Lượng Matxcơva(1) tôi có dặn con tôi: “Ngoài việc học tập cho thật tốt, con phải tìm bằng được tin tức về Bà giáo của ba”. 5 năm qua con tôi đã nhiều cố gắng nhưng chưa có kết quả.
Tháng 6/2009 vừa qua tôi được Giám đốc trường mời sang thăm trường và dự Lễ ra trường của con trai tôi. Thật là dịp may hiếm có. Tôi và vợ tôi (cũng là một cô giáo ở trường THPT Chuyên của tỉnh) vượt qua khó khăn do tuổi cao sức yếu đã làm cuộc hành hương về Matxcơva để tìm lại thầy tôi năm xưa và cũng để cám ơn các thầy giáo của con tôi ngày nay.
Lần theo một địa chỉ duy nhất đã gần như phai mờ trong bức thư của Bà giáo gửi cho tôi từ 25 năm trước, đã mấy ngày bố con tôi lục lọi trên Internet và nhờ các cơ sở giáo dục tìm hộ nhưng vẫn chưa được hồi âm. May thay một người bạn của con trai tôi - một công an trẻ Matxcơva đã reo lên qua điện thoại báo tin là đã tìm được địa chỉ của Bà giáo tôi qua bao lần thay đổi. Một cuộc hội ngộ kì diệu đã diễn ra vào một ngày đầu tháng 7 ở Matxcơva tại nhà riêng của Bà số 22A, căn hộ 32, đại lộ Ka-li-brov-skaya rợp xanh bóng bạch dương đã lác đác những cánh vàng.
Thế là đã 30 năm 4 ngày tôi được trở lại Matxcơva tráng lệ, được gặp lại Bà Rôgôva kính mến với bao cảm xúc trong nghĩa thầy trò sâu nặng trong tình hữu nghị thắm thiết, chung thủy Việt-Nga, với bao sự đổi mới phát triển tốt đẹp của thủ đô Matxcơva cùng với những thành đạt trên đỉnh cao lao động khoa học của Bà và dấu ấn thời gian đã in đậm nét trên khuôn mặt của thầy-trò chúng tôi!
Hai gia đình nhà giáo, một cuộc hội ngộ hai thế hệ thầy trò Nga-Việt-Một cuộc trùng phùng vắt qua hai thế kỷ sao kìm được nước mắt mừng vui, hạnh phúc!
Bà giáo tôi đã tuổi 81, già yếu đi nhiều, nhưng giọng nói vẫn nhẹ nhàng , ấm cúng, nụ cười vẫn tươi nở, hiền hòa, nồng hậu như xưa. Trong căn hộ ba phòng, Bà đi lại đã khó khăn. Thế mà từ sáng sớm Bà đã chuẩn bị một bàn đầy ắp thức ăn Nga: can-ba-xa (giò lụa), xmê-ta-na (váng sữa), kê-phia (sữa chua)… Còn chúng tôi cũng đem đến những quả thanh long đỏ mọng, những quả măng cụt ngọt lịm, cả món nem rán, bánh phồng tôm và lạc rang… những món quen thuộc mà anh em NCS Việt Nam chúng tôi thường đãi thầy và bạn trong các buổi liên hoan.
Tôi được dịp nói lại tiếng Nga. Tuy lưỡi có cứng một tí, cách cú đã lỗi ít nhiều, nhưng tình cảm càng đầm ấm. Được sự bổ sung với ngôn ngữ trôi chảy của con trai, tôi kể lại cho Bà giáo nghe những chuyện mà ngày xưa chưa dám kể. Ngày đầu tiên tôi được gặp Bà với tư cách là người hướng dẫn khoa học – một người phụ nữ Nga tầm thước, hoạt bát, có mái tóc vàng, có khuôn mặt trắng hồng, phúc hậu, lại có một lúm đồng tiền, đẹp đoan trang như những nữ diễn viên điện ảnh trên phim Nga mà thanh niên Việt Nam một thời ái mộ. Tôi đoán Bà hơn tôi khoảng 10 tuổi, càng làm tôi nể trọng. Bà biết được tôi là một chiến sĩ giáo dục mới từ chiến trường miền Nam Việt Nam sang nên Bà càng ân cần chỉ bảo mọi điều của người mới tập làm khoa học.
Về làm việc ở Viện mới vừa được 3 tháng Bà đã gửi tôi xuống trường phổ thông thực nghiệm để tiếp xúc với học sinh. Tiếng Nga tôi ấm ớ. Các em học sinh cười nói ríu rít như chim. Còn tôi thì không biết nở nụ cười vào lúc nào cho tương hợp. Tôi căng thẳng lắm, về than thở với Bà giáo, hy vọng Bà cho người giúp đỡ. Bà nghiêm nét mặt nói: “Hãy đi đi! hãy nghe đi! hãy nói đi! hãy viết đi!”. Tất cả đều ở mệnh lệnh thức! “Du kích Việt
Ôm con trai tôi vào lòng, đôi mắt xa xăm, Bà kể chuyện ngày xưa. Từ 1943-1944 Bà là Bí thư Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Kôm-xô-môn, phụ trách đội tự vệ Đỏ nhà máy vùng Chu-man. Năm 1950 Bà là Bí thư Đoàn Thanh Niên, Chấp hành Công Đoàn và thành viên Hội Đồng Xô-Viết vùng. Năm 1960 Bà là Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Liên Xô phụ trách miền viễn Đông. Bà đã từng đi bộ hàng trăm ki-lô-mét, đi cả xe trượt tuyết do những con tuần lộc kéo vượt qua nhưng cơn bão tuyết hung hãn đến với các đội thanh niên lao động cộng sản trên các công trường đường sắt Viễn Đông. Công cuộc xây dựng bảo vệ vùng Xi-bi-ri đã tôi luyện nên tính cách Ruv Mi-hai-lôv-na Rô-gô-va!
Năm 1965 Bà chuyển sang Bộ Giáo Dục vừa làm công tác nghiên cứu khoa học, vừa đảm nhiệm công tác Đảng. Bà là Chủ tịch Hội đồng hình thành thế giới quan cho học sinh với sự tham gia của các viện sĩ Mô-nốt-giôn, A-lếch-xây-ép, Booc-đa-nốp-va,… Đến nay Bà Rôgôva đã xuất bản 8 chuyên khảo, 160 tuyển tập khoa học sư phạm về các vấn đề lý luận và thực tiễn, nội dung và phương pháp, về tiềm năng và chuẩn mực thế giới quan, chủ nghĩa yêu nước, đạo đức mới, tính tích cực xã hội, ý thức công dân cho sinh viên học sinh trong thế giới hiện đại qua giảng dạy các môn khoa học và xã hội và nhân văn, qua hoạt động xã hội và giáo dục gia đình Bà đã đào tạo được nhiều NCS không chỉ ở Liên Xô trước đây, Liên bang Nga hiện nay, ở các nước SNG, mà còn ở các nước khác như: cộng hòa Séc, Xlô-va-ki-a, Đức, Bun-ga-ri-a, Việt Nam, Cuba. Những tư tưởng khoa học giáo dục truyền thống và hiện đại của Bà đã được các nhà khoa học giáo dục các nước trân trọng nghiên cứu và vận dụng trong sự sáng tạo ở quê hương mình.
Trong căn phòng giản dị của Bà đầy ắp và ngăn nắp những công trình về khoa học giáo dục và nổi bật lên là sự đa dạng, phong phú, lung linh nhiều sắc màu của những kỷ vật mà học sinh ở các miền đất tặng Bà. Tôi xúc động lắm khi nhìn thấy những kỷ vật nhỏ của mình, cành san hô nhỏ đặt trong chiếc làn mây, chiếc mành trúc có hình Chùa Một Cột đang lách cách rung rinh trong gió, cùng chiếc nón bài thơ mà người chị gái của tôi trong Đoàn đại biểu Miền Nam đi thăm Liên Xô năm 1979 tặng Bà cũng được mắc trang trọng trên tường nhà.
Hôm nay Bà lại tặng cho vợ tôi chiếc khăn choàng lễ hội, con trai tôi bức tranh Matxcơva và gửi cho chị gái tôi chiếc khăn len quàng cổ. Bà lại tặng cho tôi cuốn sách mang tựa đề: “Tiềm năng giáo dục của quá trình dạy học. Tối ưu hóa quá trình giáo dục qua các môn khoa học xã hội và nhân văn “do nhà xuất bản Viện Hàn Lâm ấn hành năm 2006 còn thơm mùi sách mới.
Bà ân cần, chu đáo, hiền hòa, gần gũi, như người bà, người mẹ, người chị bên ta. Bà đậm đà tính cách và tâm hồn Nga.
Những hoạt động khoa học sáng tạo của Bà luôn được đánh giá cao. Bà được tặng thưởng nhiều huân huy chương cao quí: Huy chương vì sự nghiệp giáo dục, huy chương nhà giáo xuất sắc toàn Liên Bang Nga, huy chương vàng triển lãm Kinh Tế Quốc Dân. Năm 1995 Bà được phần thưởng danh giá nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Giáo dục Liên bang Nga mang tên N. K. Kơ-rup-xkaya. Và năm 2000 Bà được Nhà nước trao tặng huân chương cao quí K. D. U-sin-ski. 10 năm về trước, ngày 27 tháng 10 năm 1999, lễ sinh nhật lần thứ 70 của Bà cũng là ngày Bà Rôgôva vinh dự được bầu làm Viện sĩ thường trực Viện Hàn Lâm Khoa Học Giáo Dục và Xã Hội Liên bang Nga.
Bà đã nghỉ hưu. Nhưng trong căn nhà thanh đạm của Bà vẫn còn khẩn trương không khí lao động sư phạm và niềm vui của bao thế hệ học trò.
Tôi cảm thấy Bà cần thiết cho thế hệ trẻ nước Nga biết dường nào! Và cũng là mối dây liên hệ thân tình và đẹp đẽ giữa những nhà làm khoa học giáo dục của chúng ta!
Cuộc gặp lại Bà giáo của tôi sâu lắng bao nhiêu thì buổi Lễ trao Bằng tốt nghiệp của con trai tôi ở trường đại học Năng Lượng Matxcơva lại với bao ấn tượng trẻ trung tươi mới bấy nhiêu. Những tấm bằng được trao từ những thầy giáo trường (Mây) đến tay những lưu học sinh ngoại quốc như trao cả niềm tin, sức mạnh, trí tuệ đến cho thế hệ trẻ của một thế giới mới. Con trai tôi được vinh dự thay mặt tất cả các bạn người Ấn Độ, Mông Cổ,
Ngày vui không thể kéo dài. Chúng tôi nhớ mãi hình dáng bà giáo tôi đứng tựa ở bên cửa sổ tầng 3 một chung cư đã rêu phong ở một góc Matxcơva lưu luyến vẫy chào tạm biệt chúng tôi cho đến khi khuất dần sau bóng xanh bạch dương trong tiết trời Nga se lạnh.
Trước khi rời Matxcơva lên đường về nước, gia đình chúng tôi đến thăm Quảng trường mang tên Hồ Chí Minh, nằm ở giao lộ quảng trường đại lộ mang tên 60 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga và đại lộ Pra-xa-dútz-noi, cách ga mê-tơ-rô(*) A-ka-de-mi-trét-ska-y-a không xa, tượng đài Bác Hồ bằng đồng, hoành tráng được khánh thành vào giữa năm 1980. Dưới chân dung Người tượng một người nô lệ lực lưỡng trong tư thế vùng lên phá xích xiềng cùng với dòng chữ “Không có gì quí hơn độc lập tự do”- Tuyên ngôn của Bác Hồ rực lên dưới ánh chiều vàng Matxcơva. Làm trụ vững phía sau tượng đài là dáng cây tre Việt
Người anh hùng giải phóng dân tộc danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh, Bác Hồ của chúng ta như đang chứng kiến một thế giới mới thu nhỏ bên người giữa một chiều Matxcơva êm đềm và tráng lệ!
Tháng 10/2009.
-------------------------------------------
(*) Tàu điện ngầm ở Matxcơva.
(1) ngôi trường ra đời từ kế hoạch -(gô-êl-rô)- Điện khí hóa toàn Liên bang Xô Viết năm 1924 do Đảng Cộng Sản Liên Xô đề xướng.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Đàm