Thứ Sáu, 04/10/2024 02:32 SA
Ấn tượng Buôn Đôn
Thứ Tư, 18/11/2009 19:00 CH

Chúng tôi đến xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) trong một sáng cuối thu trời mưa bay. Những ngôi nhà sàn của người Ê Đê, M’Nông lưa thưa làm cho quang cảnh núi rừng nơi đây trở nên thâm nghiêm hùng vĩ. Buôn Đôn ít khách tham quan vì mưa nhưng dòng sông Serepok cuồn cuộn giữa cánh rừng tự nhiên trùng điệp cùng với những nét sinh hoạt vui chơi mang đậm dấu ấn của người Tây Nguyên đã tạo nên nhiều điều hấp dẫn, bất ngờ và thú vị.

 

voi091118.jpg

Du khách cưỡi voi tham quan - Ảnh: ĐÀO TẤN TRỰC

 

Chúng tôi được nhiều người ở Buôn Đôn kể cho nghe về những chuyện thuần dưỡng và săn bắt voi rừng của các bậc cao niên. Họ kể rằng, nghề săn voi đã có từ lâu và được người dân nơi đây chọn làm kế sinh nhai. N’Thu Knul, hay còn gọi là Y Thu (1828 – 1938) là người có thành tích bắt và thuần hóa hơn 300 con voi rừng, trong đó có một con voi trắng (Bạch tượng) đem dâng vua Xiêm, được vua ban tặng danh hiệu Khun Ju Nốp. Khi Y Thu chết, buôn làng đã xây cho ông một cái mộ theo kiểu kiến trúc M’nông – Lào. Ngôi mộ vuông cao to bằng gian nhà ngay giữa khu nhà mồ của buôn. Dân làng xem ông như một vị thần, một “vua” voi đầu tiên ở Tây Nguyên.

 

Một “vua” voi nổi tiếng khác cũng được người dân Buôn Đôn nhắc đến như một câu chuyện huyền thoại là Ama Kông. Sinh năm 1910, nay ông đã gần 100 tuổi. Sau cơn bạo bệnh và cuộc tình cuối với nàng Hồng Khăm nhỏ hơn ông 58 tuổi tan vỡ vào tháng 2/2009, sức ông đã yếu đi nhiều. Được biết, ông là người lớn tuổi nhất còn lại ở Buôn Đôn có nhiều kinh nghiệm về chuyện săn bắt và thuần dưỡng voi. Ama Kông là một hướng dẫn viên chuyên kể chuyện săn voi cho du khách tham quan tại vườn quốc gia Yook Đôn. Ông còn là tác giả của hàng trăm bài thuốc cực quý thu lượm qua hành trình săn voi khắp núi rừng các nước Đông Nam Á. Hiện khắp các quầy hàng lưu niệm tại đây, quầy nào cũng bày bán “thần dược” của ông.

 

Ngoài những câu chuyện huyền thoại trên, cưỡi voi là một thú du lịch mới lạ đối với nhiều người đến đây. Những chú voi chậm chạp cần mẫn chở khách tham quan hết lượt này đến lượt khác. Nếu muốn tìm cảm giác lạ và được tham quan nhiều nơi, chúng ta phải thuê voi theo giờ. Cứ mỗi giờ trên lưng voi, du khách phải trả trên 100.000 đồng. Dưới sự điều khiển của ông nài, voi sẽ đưa chúng ta đi dạo trên đường, thăm buôn làng, lội sông Serepok, đến rừng quốc gia Yook Đôn… Chúng ta có thể ngắm nhìn hoặc chụp hình voi mà không tốn tiền. Nếu thích leo lên lưng voi để ghi hình cho hoành tráng thì phải thuê voi với 5.000 đồng/ lượt. Theo sự điều khiển của nài, voi biểu diễn những động tác giương cao vòi chào khách, quỳ, nằm trên đất.

 

Đến Buôn Đôn, chúng tôi tận mắt nhìn thấy những cây Cơnia sừng sững dọc đường đi, những cánh rừng tự nhiên trùng điệp nối nhau phủ lên dòng nước cuồn cuộn, ầm vang núi rừng. Đến Buôn Đôn như về với cội nguồn, đại ngàn rừng già và gặp gỡ những người dân mến khách. Nhiều thú vui hấp dẫn khác như bắn nỏ, nướng cá, uống rượu cần, đi trên những chiếc cầu dây lắt lẻo qua sông luôn thu hút du khách. Chiếc cầu treo được làm bằng vật liệu chủ yếu là tre nứa, cáp sắt. Cầu dài vài trăm mét, được chia thành nhiều đoạn bắc trên một cây si trăm năm tuổi đưa khách qua một “hòn đảo” nhỏ giữa dòng Serepok. Người đi sẽ có cảm giác lắc lư, rùng người khi đi qua giữa dòng. Trên tàng gốc cây cao bắt cầu qua sông có căn nhà gác đơn sơ, ấm cúng. Một người trong khu bảo tồn cho biết: Ở đây còn có nhiều địa danh lịch sử nổi tiếng như “bến đò Giao Liên”, “đường mòn Hồ Chí Minh”.

 

Trời Buôn Đôn cuối thu đầu đông se lạnh. Buổi trưa, chúng tôi dừng chân trong một gian quán rộng có kiến trúc của người Tây Nguyên thưởng thức nhiều món đặc sản. Ấn tượng với đoàn chúng tôi nhất là món cơm lam gà nướng. Cơm lam có nguồn gốc từ những chuyến đi rừng dài ngày của người đồng bào miền núi. Ngày nay, món dân dã này đã trở thành đặc sản đối với nhiều khách tham quan du lịch. Một chủ quán tại khu du lịch xởi lởi cho biết: “Muốn làm được món cơm lam ngon không dễ, phải kết hợp nhiều yếu tố như chọn tre nứa, chọn nếp ngon, nhất là nếp được trồng trên rẫy, rồi đến cách nấu…”.

 

Cơm lam Buôn Đôn được ăn kèm với món gà thả vườn nướng lửa than chấm muối ớt, sả. Hương vị của món cơm lam và thịt gà hòa vào nhau ăn rất ngon. Nếu thích, bạn có thể thưởng thức rượu cần Y Miên tại chỗ. Ngồi tại Buôn Đôn, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản, vừa ngắm cảnh núi rừng và nghe tiếng rì rầm của dòng Serepok cuộn chảy giữa đại ngàn thật thú vị. Cùng với những thú vui chơi, ngắm cảnh và thưởng thức nhiều món ngon, hàng quà lưu niệm cũng để lại trong lòng người tham quan nhiều dấu ấn khó quên. Nhiều người trong chúng tôi mua áo ấm thổ cẩm, vòng đeo tay, rượu cần, chuông gió, rượu Ama Kông,... Điều đặc biệt là hàng lưu niệm nơi đây rất rẻ bởi tất cả đều được làm với đôi bàn tay khéo léo của đồng bào cao nguyên.

 

Khi sắp ra về, chúng tôi được nhà văn Đàm Lan giới thiệu: Nếu đến tham quan vào mùa xuân các bạn có thể tham gia lễ hội đua voi rất sinh động hay xem biểu diễn cồng chiêng, các trò chơi dân gian như bắn cung, bắn nỏ, ném dao cùng với các chương trình tái hiện săn bắt, thuần dưỡng voi rừng hoặc đến hồ Đakmin cách khu du lịch Buôn Đôn khoảng 2km để đi thuyền độc mộc, thăm thung lũng voi... Hẹn trở lại nơi này vào một ngày gần nhất.

 

ĐÀO TẤN TRỰC

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
Đặc sắc lan rừng
Chủ Nhật, 15/11/2009 15:00 CH
Ở nơi bị lũ cô lập bốn ngày đêm
Thứ Sáu, 06/11/2009 07:36 SA
Nỗi đau bên dòng Tam Giang
Thứ Năm, 05/11/2009 10:00 SA
Đi rừng bẫy chồn
Thứ Năm, 22/10/2009 19:00 CH
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek